Đề bài: Phân tích bài “Đám tang lão Gô-ri-ô” của Ban-dắc

Qua đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô, tác giả đã thể hiện đỉnh cao tấm thảm kịch số phận của lão Gô-ri-ô. Đoạn trích đã kết tinh những giá trị tư tưởng và nghệ thuật độc đáo của tiểu thuyết hiện thực Ban-dắc.

BÀI LÀM

Ban-dắc (1799 - 1850) là nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng, “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực”. Bằng ngòi bút chân thực, cụ thể lịch sử, Ban-dắc đã xây dựng hàng loạt tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình qua bộ “Tấn trò đời”. Tác giả đã phê phán xã hội tư sản, ví nó như một tấn hài kịch, trong đó đồng tiền tác oai tác quái, gây ra biết bao bi kịch đau lòng. Qua đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô, tác giả đã thể hiện đỉnh cao tấm thảm kịch số phận của lão Gô-ri-ô. Đoạn trích đã kết tinh những giá trị tư tưởng và nghệ thuật độc đáo của tiểu thuyết hiện thực Ban-dắc.

Lão Gô-ri-ô xưa kia nhờ buôn bán lúa mì mà giàu có. Nhưng hai “ái nữ” của lão đã bòn rút đến đồng vàng cuối cùng. Cuối đời, lão sống cô đơn, nghèo khổ trong cái quán trọ tồi tàn của mụ Vô-ke. Lão chết năm 69 tuổi. Không một người thân thích. Người ta đã tháo đinh quan tài, đặt lên ngực lão “cái hình ảnh” của hai cô con gái yêu thương của lão khi chúng nó “còn bé bỏng, đồng trinh và trong trắng…”. Trong lúc hấp hối, lão đã rất khao khát được gặp hai cô con gái lần cuối. Mặc dù biết cha vậy nhưng cả hai không đến bởi họ còn phải chuẩn bị để đi dự vũ hội. Thậm chí Đen-phin còn giận dỗi vì Ra-xti-nhắc đã không nhanh chóng chuẩn bị để đi dự cùng nàng. Một chi tiết hiện, thực vô cùng chua chát nói lên sự vô tình, bạc bẽo của hai đứa con gái lấy chồng giàu sang. Quả thực, Ban-dắc đã tạo nên một tình huống thê thảm hơn cả mọi tình huống để bộc lộ số phận nhân vật và bản chất của mối quan hệ người - người trong xã hội thượng lưu. Tình huống này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Cái chết thê thảm và cô độc của lão Gô-ri-ô là một tất yếu, tuân theo rất đúng quy luật của xã hội, là một hậu quả tất yếu của quan niệm sống, của lối giáo dục con của lão Gô-ri-ô. Xã hội ấy tất yếu sẽ có nhiều con người như lão Gô-ri-ô, chính kiểu yêu con đầy tham vọng của lão đã biến hai đứa con lão trở thành kẻ bạc bẽo như thế. Hai cô con gái để bố giẫy giụa trong nỗi khát khao gặp con, chết trơ trọi ở quán trọ nghèo, để đi dự dạ hội là để thực hiện mong ước của chính ông bố. Chúng đang thực hiện ước mơ tha thiết của cha mình - bởi chính lão đã muốn leo lên cái thang danh vọng ấy và những gì lão không làm được giờ lão ủy thác cho những đứa con. Lão chiều con bằng mọi cách, giúp chúng trở thành những cô công chúa của xã hội thượng lưu rồi lấy chồng thượng lưu. Đặt lên, trên hết, trên cả tình nghĩa cha con cái niềm kiêu hãnh được ra nhập xã hội quý tộc, coi nó Là lí tưởng cao quý nhất đời nên lão phải nhận cái kết cục tất yếu. Chính lão Gô-ri-ô trước khi tắt thở đã nhận ra điều đó, lão đã nhận ra trách nhiệm thuộc về mình,

Chỉ có Ra-xti-nhắc và Cri-xtô-phơ (hai người cùng ở chung nơi quán trọ) cùng với hai gã đô tùy đưa quan tài lão Gô-ri-ô đến ngôi nhà thờ Thánh ê-chiên đuy Mông; Xác chết của lão nghèo khổ được đặt trước một giáo đường nhỏ, thấp và tồi. Tang lễ sơ sài, qua quýt mất hai mươi phút với cái giá bảy mươi quan do hai vị linh mục, chú bé hát lễ và người bỏ nhà thờ. Tang lễ qua quýt thế thôi, bởi lẽ ’’trong một thời kì mà tôn giáo không lấy gì làm giàu tắm để cầu kinh làm phúc”. Riêng câu nhận xét này đã có khả năng phản ánh hiện thực rất lớn. Như vậy là, Thánh đường, linh mục, tang lễ... đều được cân, đo, đong, đếm bằng tiền. Bọn người có mặt trong tang lễ cũng vì tiền mà đến, Cri-xtô-phơ vì “nghĩa vụ” mà anh ta đến đưa đám, vì lão Gô-ri-ô chết “đã làm cho anh ta kiếm được mấy món tiền đãi công kha khá”.

Không có người đưa đám, lại đã năm giờ rưỡi rồi, xác chết lão Gô-ri-ô được chở nhanh đến nghĩa địa. Lúc ấy có hai chiếc xe có treo huy hiệu nhưng không có người ngồi, một là của bá tước Đơ Re-xtô, và một là của nam tước Đơ Nuy-xin-ghen theo sau chiếc xe tăng đến nghĩa địa. Dù là con gái, nhưng nay đã trở thành một mệnh phụ phu nhân rồi, không thể đi đám ma một kẻ nghèo khó, hèn mọn! Một nét vẽ sâu sắc lên án đạo lí suy đồi, tình đời bạc bẽo!

Cảnh hạ huyệt vội vội vàng vàng. Bài kinh ngắn cầu cho kẻ xấu số do chàng sinh viên trả tiền (như một sự bố thí). Người nhà hai cô con gái và đám người nhà đạo biến ngay. Hai gã đào huyệt mới hất được vài xẻng đất xuống cho lấp chiếc áo (luân thì ngẩng đầu lên đòi tiền đãi công! “Ơ-gien móc túi và thấy không còn đồng nào, chàng buộc phải vay Cri-xtô-phơ hai mươi xu”. Cái món nợ này lại ghi vào sổ nợ của người xấu số ngày một thêm chồng chất! Ai sẽ trả cho lão Gô-ri-ô?

Cảnh nghĩa địa là “ngày tàn, một buổi hoàng hôn ẩm ướt” trên bầu trời có những đám mây; Trong cái khung cảnh buồn bã ấy, Ra-xti-nhắc “não lòng ghê gớm…”, “giọt nước mắt trào ra”. Đây là giọt nước mắt duy nhất trong đám tang lão Gô-ri-ô. Thương kẻ xấu số, tội nghiệp mà khóc, hay xót xa vì thế thái nhân tình bạc bẽo?

Sự thê thảm và đáng thương của đám tang được thể hiện qua một số chi tiết nghệ thuật, về không gian và thời gian nghệ thuật. Đó là không gian u ám của quán trọ với bà chủ sẵn sàng ăn cắp kỉ vật (hình trái tim để mấy lọn tóc của hai cô con gái lão Gô-ri-ô, kỉ niệm cuối cùng của lão với hai cô con gái thân yêu) đã đặt trong quan tài người chết. Là không gian hẹp và tối của “một giáo đường nhỏ, thấp và tối” với những vị linh mục “tiến hành tất cả những nghi lễ xứng đáng với giá tiền bảy mươi quan”. Và một nghĩa địa với hai gã đào huyệt “hất được vài xẻng đất xuống che lấp chiếc áo quan” thì ngẩng lên để “đòi tiền công”. Các không gian của ngày tàn, một buổi hoàng hôn ẩm ướt đã gợi lên sự thê thảm cho đám tang người xấu số. Còn thời gian được tác giả đặc biệt chú ý. Thời gian diễn ra đám tang rất nhanh chóng, nghi lễ cử hành mất hai mươi phút còn vị linh mục thì chỉ muốn “chúng ta có thể đi nhanh để khỏi chậm trễ, đã năm giờ rưỡi rồi”. Hành động của mọi người tham gia đám tang đều rất gấp gáp, dường như họ đều không có thời gian. Tác giả đã rất lưu ý đến việc miêu tả chính xác thời gian thực hiện đám tang. Nó được bắt đầu lúc năm giờ và đến sáu giờ xác ông cụ được hạ huyệt. Thời gian gấp gáp và hành động của các nhân vật tham gia vào tang lễ cho thấy họ thực hiện các nghi lễ ấy không phải vì người chết mà họ làm vì lợi ích của bản thân họ, tất cả đều vì tiền (trừ Ra-xti-nhắc). Đám tang thật thê thảm, nó sơ sài, vắng vẻ và không chút tình người. Trừ Ra-xti-nhắc, không một ai có một chút cảm thương nào đối với người chết, họ làm công việc của mình, thờ ơ như vứt đi một thứ đồ vật không còn có ý nghĩa đối với cuộc đời. Phải cay đắng và căm thù xã hội tới mức cực điểm Ban-dac mới xây dựng nên tình huống oan nghiệt và cay độc như vậy. Trong Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), lũ con cháu của cụ cố Hồng dù vì tiền nhưng vẫn rỏ được vài giọt nước mắt, vẫn tổ chức một đám tang linh đình. Còn hai cô con gái của lão Gô-ri-ô thì không hề quan tâm đến đám tang của cha. Và càng xót xa hơn khi họ vẫn nghĩ đến trách nhiệm của mình và cố hoàn thành nghĩa vụ ấy. Sự xuất hiện của hai cỗ xe tang có treo huy hiệu nhưng không có người ngồi có một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Thứ nhất nó cho thấy với hai con gái và con rể lão Gô-ri-ô, tình cảm cha con không có ý nghĩa gì hết. Sợi dây nối cha con họ với nhau không bị cắt đứt mà được nói bằng một hình ảnh tượng trưng cho gia đình dòng họ của hai ông con rể. Họ chứng tỏ sự có mặt của mình, rằng họ vẫn nhớ đến trách nhiệm của mình bằng cách gửi đến đám tang cha hai cỗ xe tang. Nhưng ý nghĩa thứ hai sâu sắc hơn đó chính là biểu tượng “hai chiếc xe có treo huy hiệu”. Cả cuộc đời lão Gô-ri-ô ước mơ gia đình lão được xã hội thượng lưu công nhận. Mọi cố gắng của lão là được bước vào xã hội thượng lưu đã có kết quả. Cái lão muốn là danh hiệu quý tộc và lão đã có. Nhưng để có được sự xuất hiện của hai chiếc xe treo huy hiệu quý tộc trong đám tang, lão không chỉ mất chính cuộc đời mình mà mất luôn cả hai cô con gái. Cố gắng của cuộc đời lão đã được trả lại bằng hai chiếc xe không người ngồi trong đám tang.

Một đám tang của kẻ già nua, cô đơn và nghèo hèn, số tiền làm lễ ở nhà thờ, tiền đọc kinh cầu nguyện lúc hạ huyệt, tiền đãi công phu đào huyệt, và tiền thuê đòn đám ma - bấy nhiêu khoản tiền, ai bố thí cho lão Gô-ri-ô? Cha cố và con chiên, cha và con,... tất cả đều vì tiền. Bằng những chi tiết chân thực, cụ thể, Ban-dắc đã làm hiện lên một đám tang của kẻ nghèo hèn trong cái xã hội kim tiền, tình đời đen bạc.

Với cái nhìn của một nhà văn hiện thực mang tư tưởng duy vật, biện chứng về mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh, nhà văn đã phát hiện ra quy luật nghiệt ngã của xã hội đồng tiền và mô tả tỉ mỉ quá trình tha hóa của con người. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh điển hình chính là nguyên tắc sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực. Kết cục bi thảm của số phận lão Gô-ri-ô là một tất yếu cho lối sống, quan điểm sống và tham vọng của lão. Và Ra-xti-nhắc cũng là một sản phẩm tất yếu của xã hội ấy. Là một nghệ sĩ, một người lao động nghệ thuật dám đánh đổi cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, Ban-dắc đem đến cho xã hội, nhất là thể loại tiểu thuyết một sự cách tân táo bạo. Theo ông, nhà văn là người tìm hiểu, cắt nghĩa và giải thích hiện thực một cách chân thực, khách quan và không thiên vị. Phải nói rằng, những đau đớn nặng nề của cuộc sống đầy tham vọng giáng vào Ban-dắc đã tạo nên ở ông một quan điểm sáng tạo, một cái nhìn tinh nhạy sắc sảo nhưng cũng thật nghiệt ngã với cuộc sống. Đám tang lão Gô-ri-ô là bức tranh ảm đạm bức tranh đen tối về xã hội Pháp đầu thế kỉ XIX.

Các bài học liên quan
Đề bài: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” (Hoài Thanh).
Đề bài: Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.
Đề bài: Trong chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm, Hồ Chí Minh đã cảm thấy đau khổ vô hạn khi bị mất tự do. Vậy mà có lúc Người tự nhận mình là “khách tự do”, “khách tiên”. Có thể giải thích điều đó như thế nào?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật