Đề bài: Nhận định về bài “Tương tư”, có ý kiến cho rằng: “Trong bài thơ mối duyên quê và cảnh quê hòa quyện với nhau thật nhuần nhuyễn”. Hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định

Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang, một tập thơ đánh dấu thành công của Nguyễn Bính, tiêu biểu cho “giọng thơ” và quan điểm nghệ thuật của ông.

BÀI LÀM 1

Trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945), nếu như Xuân Diệu là nhà thơ tình yêu “ông hoàng của thơ tình hiện đại Việt Nam” thì Nguyễn Bính tự nhận mình là “nhà thơ của thương yêu”. Với một phong cách nghệ thuật độc đáo, giọng thơ mượt mà, đằm thắm của Nguyễn Bính len vào những mối tình lỡ dở nơi thôn quê, ru giấc tâm hồn con người và đánh thức ở họ những tâm tình truyền thống đã ăn sâu vào tâm hồn Việt. Khơi sâu nguồn thi hứng ấy, bài thơ Tương tư là một công trình nghệ thuật đặc sắc: “Trong bài thơ, mối duyên quê và cảnh quê hòa quyện với nhau thật nhuần nhị”.

Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang, một tập thơ đánh dấu thành công của Nguyễn Bính, tiêu biểu cho “giọng thơ” và quan điểm nghệ thuật của ông. Phát huy sở trường về thơ lục bát, Nguyễn Bính đưa vào thơ một đề tài quen thuộc: Nỗi nhớ nhung của đôi lứa yêu nhau. Cái riêng của bài thơ là gợi được “hồn quê” trong những khung cảnh thân quen, bình dị; nhận thấy và diễn tả đầy đủ từng cung bậc của nỗi sầu tương tư. Lòng người - “mối duyên quê” cùng với “cảnh quê” đan cài, hòa hợp tạo nên một bài thơ duyên dáng, ý vị, để gợi xúc cảm trong tâm hồn bạn đọc.

Trước hết, bài thơ Tương tư được dẫn dắt theo mạch của “mối duyên quê”, bằng nhịp đập thổn thức, rạo rực của trái tim chàng trai đang yêu. Mối duyên được diễn tả bằng nỗi nhớ thiết tha, khát vọng gần gũi, hòa hợp. Điều đó được hé mở ngay từ nhan đề Tương tư. Theo những mối tình từ ngàn đời, đã có nhiều thi sĩ lí giải tâm trạng tương tư. Tương tư chiều của Xuân Diệu hay thơ Nguyễn Công Trứ:

   Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào
      Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện
      Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao...

Nhưng nói về tương tư một cách bóng gió, ý nhị mà vẫn tinh tế thì người đọc chí bắt gặp trong thơ Nguyễn Bính:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nắng mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Thật bất ngờ khi chuyện hai người nhớ nhau lại mở đầu bằng “thôn Đoài” -“thôn Đông”. Phép nhân hóa và ẩn dụ cũng được sử dụng để khái quát quy luật tâm khi hai người nhớ nhau trong nỗi nhớ, cảnh vật xung quanh cũng như bị cuốn vào nỗi tương tư, không gian bao quanh tràn ngập nhung nhớ. Chiều sâu của thơ Nguyễn Bính cũng ẩn chứa ngay trong những câu tưởng chừng rất bình dị này. Hãy đặt bài thơ vào đúng hoàn cảnh ra đời của nó: Xã hội Việt Nam, nông thôn Việt Nam những năm 30 của thế kỉ trước mới thấy Nguyễn Bính đã tinh tế thế nào trong cái nhìn về con người và cuộc sống. Ở cái thời mà con người bị ràng buộc trong những nền nếp ngàn đời sau lũy tre làng trai gái yêu nhau e dè với những lời ướm hỏi bâng quơ “Bây giờ mận mới hỏi đào” ...

Em nghe họ nói mong manh 
Hình như họ biết chúng mình ... với nhau

thì việc bắt đầu câu chuyện bằng “thôn Đoài, thôn Đông’’, rồi nói sang việc mưa nắng của giời là cách nghĩ rất phù hợp. Nhưng tế nhị mà không kém phần sôi nổi, tha thiết, đó mới chính là hồn quê - duyên quê - tình quê. Bởi thế, việc vận dụng thành ngữ “chín nhớ mười mong” ở giữa như chiếc cầu vời vợi ngăn cách một người “với” một người thật là khéo léo. “Bắt bệnh” của giời, của nhân vật trữ tình “nói” mà nguyên nhân là khao khát gần gũi, yêu thương, thi sĩ đã khái quát được căn nguyên của mối duyên quê vốn rất thi vị, đằm thắm ấy.

Không chỉ có thế, Nguyễn Bính còn “tường thuật” lại rõ nét và trọn vẹn diễn biến tâm trạng của chàng trai. Những lí lẽ rất có duyên, những trách móc, giận hờn vô cớ, đó chính là vẻ đẹp của tình yêu, mà đến khi yêu, nó mới trở thành có lí:

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
... Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...

Ước vọng gần gũi ấy cứ được dâng lên đầy mãi, cao mãi, trở thành trách móc mà không gì gỡ được. Những lập luận trở thành “bướng bỉnh” giống như tình yêu vẫn chưa được đáp lại, càng dồn nén mãi. Mối quan hệ giữa không gian - tình yêu từng được Nguyễn Bính nhắc đến:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.

Rất giống với lối nghĩ của một bài ca dao quen thuộc:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo ...

Nhưng ở đây, chẳng có “núi đèo” cũng chẳng cỏ “đò giang” mà nỗi nhớ cứ dâng lên vời vợi. “Tình xa xôi” dẫn đến tương tư khao khát. Duyên quê trong lòng người vẫn tràn đầy mà tình yêu thì chưa được đáp trả.

Điểm gặp gỡ giữa cái “duyên” trong thơ Nguyễn Bính và “duyên quê” truyền thống chính là quan niệm tình yêu tiến tới hôn nhân:

Nhà anh có một giàn trầu
Nhà em có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Khao khát chung tình, nên duyên được diễn tả bằng hình ảnh “trầu cau”. Trầu cau gắn với dạm hỏi, hôn nhân, cũng là cái đích cuối cùng của tương tư. Quan niệm rất truyền thống, rất Á Đông ấy cho thấy tâm hồn thuần Việt không bị pha trộn bởi những ảnh hưởng từ phương Tây. Bởi quan niệm ấy cho nên Nguyễn Bính mới hiểu được thật sâu hồn quê để tiếp nối giọng thơ trong ca dao, dân ca. Nhưng bài thơ không kết thúc bằng “trầu cau nên duyên” mà đọng lại trong lòng người câu hỏi:

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Câu hỏi tu từ để lại âm vang ngàn đời, là cái kết bỏ ngỏ của mọi tương tư. Cho nên bài thơ thể hiện rất đầy đủ nỗi sầu tương tư và cứ vương vấn mãi. Bài thơ không chỉ mang mối duyên quê mà duyên tình ấy được khắc họa trên cái nền cảnh quê. Phải chăng mạch nguồn ca dao đã thấm đẫm hồn ông? Không gian nghệ thuật mở đầu và khép lại mạch thơ làm nên cấu trúc đầu cuối tương ứng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bính lại chọn chi tiết nghệ thuật ấy. Phải chăng trong suốt bài thơ, ông chỉ muốn khẳng định rằng: mối tình, mối tương tư ấy là của riêng tâm hồn Việt? Nó khép kín trong khoảng cách từ thôn Đoài tới thôn Đông, nó mở ra và khơi sâu ở những sự vật nằm bên trong hai địa danh ấỵ. “Thôn”, “làng”, “đầu đình”, “bến đò”, làng quê nào cũng có, và dường như tình yêu nào cũng nhớ đến thôn bên ấy của em, thôn bên này của chàng, ngăn cách bởi đầu đình. Lời thơ sinh động vẽ ra trước mắt người đọc không khí của một làng quê với những sinh hoạt thường nhật. Không gian hẹp trong lí trí, xa trong nhớ mong. “Bến đò” gợi nhớ tới biết bao nhiêu tình yêu lỡ dở trong ca dao. Nỗi tương tư nhờ thế mà mang đầy đủ những cung bậc bâng khuâng, lo lắng của tình yêu chưa trọn vẹn.

Thời gian nghệ thuật cũng là một tín hiệu mà Nguyễn Bính sử dụng rất đắt:

Ngày qua ngày lại qua ngày

Câu thơ có thể ngắt nhịp 3/3 như truyền thống, hoặc 2/2/2 để tạo ra một giọng điệu khác. Qua đó, chữ “lại” ngân dài như kéo dần thời gian thành vô tận. Một ngày trong tình yêu nghĩa là “ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (Truyện Kiều). Thế mà ở đây, ngày cứ trôi qua mãi trong mong chờ, đến nội thi nhân phải thốt lên:

Bao giờ bến mới gặp đò 
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau.

“Bao giờ” là hỏi. “Bao giờ” cũng là một từ để chỉ thời gian mang ý nghĩa phiếm chỉ. Nếu như “ngày qua ngày lại qua ngày” là vừa chờ đợi vừa hi vọng, thì “bao giờ” gửi vào đó một chút thất vọng, ngán ngẩm. Thời gian không còn là thời gian vật lí, mà đã trở thành thời gian tâm lí mang tâm trạng chủ quan của con người. Nhờ nó mà các cảnh vật cũng hợp lí trong mạch lập luận.

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Câu thơ gợi nhắc đến một câu trong Truyện Kiều.

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Từ “nhuộm” thể hiện một sắc thái khác hoàn toàn. "Nhuốm" là cảnh vật ở bề ngoài, còn “nhuộm” diễn tả sự thay đổi bên trong. "Chất lá" theo thời gian đang nhuộm thành vàng, lá chuyển màu ở tận sâu bên trong, cái nhìn tinh vi đến từng thoáng gợn, khoảnh khắc của thời gian. Bởi thế mà cảnh vật gần gũi ở thôn quê được soi chiếu dưới một lăng kính hoàn toàn khác. Cái “tôi” thi sĩ đòi lên tiếng biến cảnh vật quen thuộc thành một sắc thái mới. Cảnh quê vừa bị chi phối bởi tâm trạng, vừa gói gọn trong không gian cụ thể, vừa dồn nén trong thời gian. Nhờ thế mà nỗi tương tư được hình dung rõ nét hơn.

Bên cạnh việc sử dụng các từ ngữ để diễn tả cảnh thật, Nguyễn Bính cũng kết hợp sử dụng các thi liệu truyền thống. Cảnh quê vừa mang màu sắc ước lệ: “bến - đò”, “hoa khuê các - bướm giang hồ”, “giàn trầu - hàng cau”, vừa đậm màu sắc lãng mạn. Thơ Nguyễn Bính bởi thế gần gũi với ca dao nhưng vẫn là Thơ mới. Các sự vật như được liệt kê ra trùng điệp. Tâm trạng tương tư nhờ phép liệt kê ấy mà “đổ tội”, “bóng gió” hết cái này đến cái khác thật hợp lí.

Trong bài thơ Tương tư, duyên quê và cảnh quê hòa quyện thật nhuần nhị. Cái tình làm đằm thắm thêm cảnh sắc. Cảnh vật quen thuộc thi vị nâng đỡ cho tâm trạng để vần thơ bay lên. Cách cảm của một thi sĩ lãng mạn đưa vào mạch thơ những ý độc đáo. Cảnh quê của Nguyễn Bính cũng không hề khô cứng mà lồng ghép với tâm trạng thật hoàn hảo. Nhờ gắn với cảnh sắc mà nỗi tương tư dường như cụ thể hơn. Nó vừa diễn tả một mối tình rất duyên vừa khái quát hàng ngàn mối tình quê khác/Nhờ sức khái quát đó mà thơ Nguyễn Bính mang một tầm nhân văn sâu sắc. Tình yêu có buồn, có ủy mị, thậm chí bế tắc, vô vọng nhưng nó là quy luật của đời sống tâm hồn con người. Nhờ cái duyên mà con người gắn bó tha thiết hơn với quê hương mình. Cũng nhờ đó mà những vần thơ lãng mạn vẫn sống mãi, lưu lại khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời con người. Tình yêu với hi vọng chung tình của lứa đôi không rơi vào bi quan mà cứ ngọt ngào mãi giống như hồn quê và cảnh quê ngày trước, vẫn được nhắc nhớ đến. Đó chính là vẻ đẹp của thế giới nội tâm, tâm hồn phong phú của mỗi con người Việt Nam.

... Như vậy, bài thơ là một sự kết hợp tài hoa trong đó cảnh quê, duyên quê hòa quyện duy trì một tứ thơ độc đáo, quy luật tâm lí kết hợp với giọng thơ Nguyễn Bính làm cho thi phẩm trở nên chân thực, thuyết phục. Nó không chỉ gói gọn trong chuyên tương tư mà còn là sự nâng niu, trân trọng giá trị của tình người và cuộc sống nơi dân dã của nhà thơ. Chính điều đó làm thơ Nguyễn Bính khác hẳn với những vần thơ cách tân đương thời. Phong cách nghệ thuật và hơi thở thời đại trong thơ Nguyễn Bính nằm trong sự phát hiện, tìm tòi mới mẻ trong đề tài viết về tình yêu lứa đôi: vừa tiếp nối mạch nguồn truyền thống, vừa cụ thể ở tâm trạng thực của cá nhân.

Không chạy theo những quan niệm du nhập từ bên ngoài, hồn thơ Chân quê của Nguyễn Bính nhờ vậy mà có sức sống trong lòng độc giả. Nó không lẫn giữa bạt ngàn những thi phẩm lãng mạn đương thời, nó sống cùng với bản sắc dân tộc, cả duyên quê và cảnh quê đều không thể thiếu được trong một bài thơ như thế.

BÀI LÀM 2

Nếu như các nhà thơ mới “đều đội lên đầu dăm bảy nhà thơ Pháp” thì Nguyễn Bính lại trở về, đào sâu mạch nguồn văn hóa dân gian của dân tộc. Cũng giống như bao nhà thơ khác, Nguyễn Bính đặt trong thơ của ông tiếng hát của tình yêu nhưng không sôi nổi, mạnh mẽ như thơ Xuân Diệu, không đau thương như thơ Hàn Mặc Tử mà chân thành, mộc mạc, sâu sắc, đậm hồn quê, tình quê. Tương tư là tác phẩm thể hiện rõ điều đó. Nhận định về vẻ đẹp của bài thơ này, có ý kiến cho rằng: Trong Tương tư, “Mối duyên quê và cảnh quê hòa quyện với nhau thật nhuần nhị”. Lời nhận xét trên không chỉ thâu tóm được thần thái của bài thơ mà còn làm nổi bật đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính - một trong ba đỉnh cao Thơ mới.

Tương tư là một trong những tác phẩm xuất sắc của phong trào Thơ mới được rút từ tập thơ Lỡ bước sang ngang (1940). Cũng viết về một đề tài quen thuộc, được thể hiện trong nhiều tác phẩm trước đó nhưng bằng tài năng của mình. Nguyễn Bính đã vượt qua mọi thử thách, mang đến cho người đọc những rung cảm thẩm mĩ mới mẻ. Trong đó, mối duyên quê hòa cùng cảnh quê làm nên hồn quê đằm thắm, thiết tha. Đó chính là mối tình tương tư của chàng trai thôn Đoài ngày đêm nhớ đến người con gái thôn Đông với bao cảm xúc, tâm trạng. Khi là nỗi nhớ nhung bao trùm không giao! khi là sự giận hờn trách móc khiến cho cảnh sắc thiên nhiên thay đổi. Dù là sắc thái tương tư nào đi chẳng mua thì những tâm trạng ấy đều được biểu hiện trong cảnh quê quen thuộc, dân dã, thể hiện sự kết hợp nhuần nhị, sâu sắc và kín đáo.

Trước hết, mối duyên quê hòa cùng cảnh quê được thể hiện ở nỗi nhớ nhung trong xa cách bao trùm không gian quê quen thuộc, gần gũi:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.

“Thôn Đoài”, “thôn Đông” là những địa danh mang tính chất phiếm chỉ, thường được sử dụng nhiều trong xa dao, dân ca. Cho nên sự xuất hiện của hai địa danh này mở ra không gian thôn dã quen thuộc của làng quê Việt Nam. Hơn nữa, nó còn gợi trong lòng mỗi người nỗi niềm quê hương xứ sở thiêng liêng, sâu nặng. Nghệ thuật hoán dụ “thôn Đoài”, “thôn Đông” giúp nhà thơ diễn tả thấm thía nỗi nhớ nhung của chàng trai. Điều đặc biệt ở chỗ Nguyễn Bính đã diễn tả hai nỗi nhớ song hành và chuyển hóa. Đó là nỗi nhớ của con người và nỗi nhớ của hai miền không gian. Từ đó, tác giả như muốn khái quát một quy luật: Khi tương tư, cả không gian cũng nhuộm màu tương tư ấy. Không gian được cảm nhận bằng lăng kính của tình yêu nên rất hữu tình. Nó phần nào hé mở tình cảm chân thành, sâu sắc của chàng trai thôn quê dành cho cô gái. Nỗi nhớ cử đa diết, khôn nguôi, kết thành bệnh tương tư:

Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Cấu trúc câu định nghĩa “A là B” khẳng định sự nhận thức tình cảm trong trái tim mình của chàng trai. Đồng thời, nghệ thuật này cũng nói lên quy luật tự nhiên và quy luật trong tâm hồn con người. Nếu trong thơ ca trung đại, các nhà thơ thường tả cảnh ngụ tình, tâm trạng ẩn sau bức tranh thiên nhiên thì đến câu thơ của Nguyễn Bính, ông lại để nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp: “Tôi yêu nàng”. Cách diễn đạt này vừa mang phong vị ca dao, vừa đậm chất thơ mới. Sâu xa hơn, chàng trai muốn khẳng định tình yêu mà anh dành cho cô gái sẽ bền vững, trường tồn như quy luật bất diệt của tự nhiên. Nhớ nhung nhưng không được đáp lại, chàng trai thôn quê vẫn khẳng định tình yêu ấy:

 Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi

Trong bài ca dao Tát nước đầu đình, chàng trai bắt đầu câu chuyện bỏ quên áo ở “đầu đình”, từ đó bộc lộ tình cảm muốn kết duyên với cô gái. Như vậy, không gian “đầu đình” trở thành nơi giao duyên, hẹn hò của đôi lứa. Nhưng trong Tương tư không gian ấy lại là sự cách trở, xa xôi. Thực chất, cách một đầu đình cũng không xa nhưng tại lòng người còn nhiều khoảng cách cho nên mối tương tư càng da diết, khắc khoải. Không gian thôn dã quen thuộc đã làm nền cho nỗi nhớ nhung của nhân vật trữ tình. Không gian càng quen thuộc, càng gần gũi thì lòng người càng cảm thấy trống trải. Sự nhớ thương ấy bao trùm không gian, lan tỏa trong không gian, khiến cho màu sắc tương tư càng rõ nét.

Mối duyên quê và cảnh quê hòa quyện với nhau thật nhuần nhị không chỉ là nỗi nhớ nhung bao trùm không gian quen thuộc mà còn là sự trách móc, hờn giận. Tâm trạng ấy làm cho cảnh quê có nhiều biến đổi, tạo ấn tượng độc đáo:

Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này

Từ cách, nói của ca dao “tuy hai mà một”, Nguyễn Bính đã sáng tạo nên cụm từ “hai thôn - một làng”. Các số từ được sắp xếp theo thứ tự giảm dần “hai - một”. Đồng thời nhà thơ lại sử dụng từ “chung lại” để nối kết giữa hai thôn và một làng. Cách sắp xếp từ ngữ tài hoa đó nhằm khẳng định chàng trai và cô gái ở rất gần nhau. Đặc biệt, đại từ “bên ấy”; “bên này” đã đem đến cho người đọc cảm giác: người con gái ấy đang ở đâu đó nhưng rất xa xôi. Nỗi nhớ nhung thoáng mong manh, hư ảo. Sự tự ái đã khiến chàng trai cất lời trách móc nhưng không quyết liệt mà nhẹ nhàng. Bên ngoài, lời trách ấy thật vô lí bởi trong tình yêu, người con trai phải là người chủ động nhưng chàng trai trong Tương tư lại trách cô gái vô tình, không đáp lại tình yêu của mình. Tuy nhiên, xét về ý nghĩa sâu xa, sự trách móc ấy chính là biểu hiện của một tình yêu mãnh liệt, chân thành. Nỗi niềm tương tư ấy thấm vào cảnh sắc thiên nhiên:

Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá Xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Nhịp thơ 2/2/2 truyền thống của thể lục bát trong câu lục đã chuyển thành 3/3. Sự thay đổi này tô đậm nỗi chán ngán, tuyệt vọng của chàng trai. Mỗi ngày mới chỉ là sự lặp lại những ngày trước đó. Dòng thời gian trôi đi chậm chạp, nặng nề diễn tả sự cô đơn, nỗi nhớ cứ khôn nguôi, da diết. Thời gian vốn vô hình nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Bính, nó lại cụ thể, hữu bình. Phải chăng nỗi tương tư quá lâu đã làm cảnh sắc biến đổi? Đọc câu bát, tác giả nhớ tới chữ “nhuốm” trong Truyện Kiều của. Nguyễn Du:

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Chữ “nhuốm” trong câu thơ của đại thi hào chỉ là sự biến đổi bên ngoài chưa hoàn tất. Còn chữ “nhuộm” của Nguyễn Bính là quá trình đã xảy ra, đã hoàn tất. Nỗi tương tư làm cho lòng người héo hon, khiến nhân vật trữ tình cảm nhận sự tàn úa của lá cây. Như vậy thì cây chính là nhân chứng cho tình yêu của chàng trai dành cho người con gái. Hơn thế, nó còn là tri âm, chia sẻ nỗi niềm tương tư với nhân vật trữ tình.

Tương tư là nhớ nhung, là trách móc. Cội nguồn của những xúc cảm ấy là tình yêu chân thành:

Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho

“Mấy đêm” hay bao nhiêu đêm rồi nhân vật trữ tình vẫn thao thức, trăn trở, nhớ nhung người yêu. Ý thơ của Tương tư gợi nhớ tới lời thơ trong bài Sóng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Chủ thể của nỗi nhớ ở hai bài là khác nhau nhưng họ đều chung một nỗi niềm thương nhớ da diết, khắc khoải ngay cả trong tiềm thức.

Điểm nổi bật của sự hòa quyện giữa mối duyên quê và cảnh quê là nhà thơ dạ diễn tả nỗi niềm tương tư cùng những cặp hình ảnh sóng đôi. Đó là sự lo lắng, trăn trở:

Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Nếu cặp hình ảnh “bến - đò” mở ra không gian quen thuộc của làng quê thì “hoa khuê các - bướm giang hồ” lại mang đậm dấu ấn Thơ mới, thể hiện sự lo lắng của chàng trai vì hai người thuộc hai thế giới khác nhau. Dù lo lắng, trăn trở những chàng trai vẫn thể hiện khát khao nhân duyên qua cặp hình ảnh “cau - trầu”:

Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

“Trầu - cau” là hình ảnh cặp đôi nằm trong hệ thống nhiều hình ảnh mà Nguyễn Bính đã sử dụng ở câu thơ trên. Đưa hình ảnh này vào thơ, tác giả không chỉ làm cho cảnh quê thêm đậm đà phong vị ca dao mà còn thể hiện nỗi niềm khát khao cuộc sống gia đình hạnh phúc của nhân vật trữ tình. Điều đó có sự gặp gỡ với ước muốn của nhân dân lao động trong những bài ca dao, dân ca:

Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Có thể nói, chất chân quê đã thấm sâu vào hồn thơ Nguyễn Bính. Ở cuối bài thơ, hai câu lục bát lặp lại hai câu đâu:

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Một lần nữa, nỗi nhớ lại bao trùm, lan tỏa trong không gian, thấm vào lòng người. Đặc biệt, câu cuối sử dụng hình thức câu hỏi tu từ nhưng không thuận chiều với câu trước đó. Nếu câu trước, con người thôn Đoài vẫn nhớ về thôn Đông thì câu cuối, cau thôn Đoài không nhớ giầu không thôn Đông mà hướng về một đối tượng khác. Điều đó chứng tỏ, nỗi niềm tương tư vẫn trĩu nặng về một phía. Cho nên, bài thơ khép lại mà nỗi sầu tương tư vẫn để ngỏ. Bi kịch lỡ làng bao trùm các sáng tác của Nguyễn Bính nhưng trong bài thơ này, nó nhẹ nhàng, sâu lắng bởi cách kết thúc tài hoa, khép mà vẫn mở. Khát vọng hạnh phúc lứa đôi và cảm nhận sự vô vọng của mối sầu tương tư trong chàng trai được đẩy lên đỉnh điểm. Những cặp hình ảnh sóng đôi được Nguyễn Bính sử dụng thật hiệu quả, làm cho mọi duyên quê trở nên đằm thắm, thiết tha. Duyên quê và cảnh quê hòa quyện nhuần nhuyễn là như vậy! Thật tài tình và tinh tế biết bao!

Với ngòi bút tài hoa và phong cách nghệ thuật thơ chân quê, Nguyễn Bính đã diễn tả thành công sự hòa hợp giữa môi duyên quê và cảnh quê, tạo nên hồn quê sâu lắng. Nếu Xuân Diệu đem đến cho người đọc những vần thơ “lạ nhất” thì Nguyễn Bính lại mang đến những vần thơ “quen nhất”. Sự “quen nhất” đó không chỉ bởi lời thơ đậm phong vị ca dao mà còn bởi sự gắn bó mật thiết, quan hệ qua lại sâu sắc giữa “tình quê” và “cảnh quê” trong Tương tư. Mối quan hệ gắn bó đó luôn là điểm nhấn để Tương tư mãi có giá trị.

Không dữ dội mà dịu êm, không ồn ào mà lặng lẽ, không mạnh mẽ phô trương mà nhẹ nhàng, chân thành, giản dị, Tương tư là tác phẩm thể hiện rõ điều đó. Những giá trị của bài thơ và tài năng của Nguyễn Bính sẽ luôn còn mãi với bạn đọc nhiều thế hệ. Để khi tác phẩm khép lại, vẫn vang lên đâu đó lời thơ đậm chất ca dao:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.

Các bài học liên quan
Đề bài: Một trong những nét phong cách nổi bật của thơ Hồ Chí Minh là “hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai”. Hãy chứng tỏ qua hai bài thơ “Chiều tối” “Giải đi sớm” trong “Nhật kí trong tù” của Bác.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật