Đề bài: Phân tích bài thơ “Lai Tân” của Hồ Chí Minh

Bài thơ đã khắc họa đầy đủ, rõ nét bộ mặt quan lại nhà tù Lai Tân và thông qua đó, phê phán, đả kích xã hội Trung Quốc thối nát thời kì những năm bốn mươi của thế kỉ XX.

BÀI LÀM

Phong cách nghệ thuật của thơ Hồ Chí Minh thật đa dạng, phong phú mà thống nhất: có thơ trữ tình, thơ tự sự, tự trào, có cả thơ châm biếm, đả kích. Nụ cười châm biếm của Người thật nhẹ nhàng, giản dị, dí dỏm mà vô cùng thâm thúy sâu cay. Lai Tân là một trong những bài thơ châm biếm, đả kích trong tập Nhật kí trong tù đặc sắc nhất của Hồ Chí Minh. Được sáng tác trong khoảng thời gian bốn tháng đầu Bác bị giam giữ tại các nhà tù quốc dân Đảng ở Quảng Tây - Trung Quốc, bài thơ đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những ngày Bác bị giam cầm trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch.

Bài thơ phê phán chế độ nhà tù và xã hội Trung Quốc với nghệ thuật châm biếm sắc sảo. Mở đầu bài thơ là ba câu tự sự nói về hành vi thường thấy ở ba viên quan lại cai quản nhà ngục Lai Tân:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh.
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc

Ở đây, dường như Bác không bình luận mà chỉ kể lại sự việc. Nhưng ngẫm cho kĩ, chúng ta thấy ý nghĩa của lời thơ thật sâu xa. Ba đối tượng mà Bác tập trung phê phán chủ yếu là ba đối tượng từ thấp đến cao, đại diện cho những kẻ cầm quyền và quản lí trực tiếp nhà tù. Đó là những kẻ cầm cân nảy mực thực thi pháp luật, những quan lại “gương mẫu” nhất nhưng lại là những kẻ vi phạm pháp luật.

Đó là một thực tế và thực tế này đã được Hồ Chí Minh phác họa qua một lời ăn năn, hối tiếc của tên tù cờ bạc:

Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội
Trong tù đánh bạc được công khai
Bị tù con bạc ăn năn mãi
Sao trước không vô quách chốn này?

Và rồi cái nghịch lí ở đây là nhà lao giờ đây đã bị biến thành sòng bạc “được công khai”. Tại đây, tù nhân được cho phép đánh bạc, Ngay cả đến “con bạc ăn năn mãi”: thà lúc trước vào đây đánh bạc để khỏi bị kết tội. Cái nhà tù Tưởng Giới Thạch là thế đấy! Không chỉ có nạn đánh bạc mà nơi đây lại thêm cái nạn hối lộ “Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh” và cái nạn ấy cũng là một “lệ thường“. Ở đây, thái độ của người kể đã bắt đầu bộc lô, dù rất kín đáo, với việc sử dụng cụm từ "kiếm ăn quanh" - chỉ hành động kiếm tiền một cách bẩn thỉu của những kẻ được coi là đại diện cho luật pháp:

Mới đến nhà lao phải nộp tiền
Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên
Nếu anh không có tiền đem nộp
Mỗi bước anh đi một bước phiền.

Còn “huyện trường“ thì “chong đèn làm việc” suốt đêm. Huyện trưởng bận đến mức phải làm việc thâu đêm hay ông ta chong đèn hút thuốc phiện? Nếu ông ta chăm chỉ làm việc đến thế thì tại sao không biết cấp dưới thối nát như thế? Tại ông dốt nát hay ông đã nhắm mắt làm ngơ để được chia sẻ "tiền đem nộp" của các tù nhân?

Chỉ cần lướt qua ba câu thơ đầu của Lai Tân, người đọc đã có thể thấy đó như một thước phim mà tác giả đang cố tái hiện lại một cách chân thực. Thước phim này chiếu lại một bộ máy cai trị ở Lai Tân gồm “ban trưởng”, “cảnh trưởng”, “huyện trưởng” với những việc làm xem ra là bình thường trong cái xã hội bây giờ. Nhưng đến câu cuối bài thơ, tác giả kết luận bằng một câu có, vẻ dửng dưng, lạnh lùng:

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình

Hai chữ “thái bình” như ẩn giấu “một tiếng cười khẩy” đầy mỉa mai có ý nghĩa lật tẩy bản chất thối nát của cả bộ máy nhà nước ở Lai Tân. Chỉ với hai chữ ấy, tác giả đã lột tả hết sự thái bình dối trá của xã hội Trung Quốc bây giờ. Với cách tạo dựng mâu thuẫn này, tác giả đã mỉa mai châm biếm cái xã hội dưới thời Tưởng Giới Thạch. Bằng việc chọn phác họa những việc làm của mấy tên cầm quyền trong chính quyền Tưởng, Người đã khái quát bộ mặt thối nát của xã hội Trung Quốc thời đó.

Bài thơ đã khắc họa đầy đủ, rõ nét bộ mặt quan lại nhà tù Lai Tân và thông qua đó, phê phán, đả kích xã hội Trung Quốc thối nát thời kì những năm bốn mươi của thế kỉ XX.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật