Đề bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên và tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử

Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ mang vẻ đẹp trong trẻo, mơ màng của thiên nhiên xứ Huế, của tình người, lòng người khắc khoải suy tư.

BÀI LÀM

Lịch sử văn học lưu dấu dòng văn học lãng mạn đầu thế kỉ XX như “Một thời đại trong thi ca” - thời đại mà Thơ mới xuất hiện phá tan hoàn toàn những khuôn mẫu cũ, vươn đến một đỉnh cao mới với rất nhiều tác phẩm đi vào lòng người. Thi sĩ Hàn Mặc Tử góp vào tiếng nói chung ấy một giọng thơ đặc biệt bởi chất trữ tình, đàm thẩm, bởi chút gì đó say đắm và siêu thực cùng nỗi niềm riêng luôn ẩn hiện sau mỗi vần thơ. Bên cạnh những bài Thơ Điên tiêu biểu cho phong cách Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ mang vẻ đẹp trong trẻo, mơ màng của thiên nhiên xứ Huế, của tình người, lòng người khắc khoải suy tư.

Khám phá thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt với thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ, người đọc ngỡ ngàng nhận ra sức sáng tạo kì diệu thể hiện ở hình ảnh và cấu tứ mới lạ, độc đáo. Mỗi khổ thơ trong bài diễn đạt một ý riêng, nhảy cách về tư duy, về cảm xúc, biến đổi bất ngờ không theo một logic nhất quán nào. Đó có lẽ là lí do mà bài thơ vẫn giữ được nét hấp dẫn, bí ẩn riêng dù đã trải qua một chặng đường dài trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Mở đầu bằng nỗi nhớ tiếc vẻ đẹp thiên nhiên tràn đầy sức sống, đi qua những cung bậc cảm xúc của một tâm hồn khát khao hướng về cái đẹp và kết thúc bằng nỗi hoài nghi về tình người. Sợi chỉ đó xuyên suốt những bước “nhảy cách” về mặt hình thức chính là cảm nhận của nhân vật trữ tình trước con người, cuộc sống. Bài thơ là công trình nghệ thuật độc đáo kết hợp khéo léo, duyên dáng vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và tâm trạng con người.

Trước hết, bài thơ đã mở ra bức tranh thiên nhiên thi vị làm say đắm lòng người của thôn Vĩ, của xứ Huế mộng mơ. Qua lăng kính lãng mạn, người đọc cùng bước vào không gian êm đềm, tươi tắn, tràn đầy sức sống:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Đây là những hình ảnh được gợi về từ hoài niệm, thế nhưng nó vẫn sinh động, tràn đầy sức sống. Mỗi dòng thơ với âm điệu trầm bổng, phối hợp bằng trắc nhịp nhàng, nhịp điệu khoan thai, như tôn thêm vẻ đẹp của nàng, của vườn ai, hàng cau, lá trúc... Cảnh vừa đẹp như nó vốn có, lại được phản chiếu qua tâm hồn lãng mạn của thi sĩ vậy càng thêm hữu tình, đằm thắm. Người đọc được dẫn vào cõi mơ hồ ánh sáng ấm áp. Nắng chan hòa bao trùm khắp không gian! “Nắng hàng cau” dân dã, mộc mạc của tình quê sâu nặng, mặn mà đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử thật mới mẻ và độc đáo. Câu thơ ngắt làm hai nửa. Phần đầu tác giả miêu tả nắng trong không gian. Hàng cau như vậy đã trở thành một phần của năng, và tạo nên một đặc trưng riêng của khu vườn thôn Vĩ. Nửa cuối lại đặt năng trong quan hệ thời gian. “Nắng mới lên” của một buổi sáng trong lành, tinh khôi, thanh khiết làm xao xuyến lòng người. Cái khoảnh khắc thần tiên chỉ một lần không trở lại ấy có lẽ đã được in sâu trong nỗi nhớ của nhà thơ, tạo thành một ấn tượng trong trẻo đến khó phai. Hàn Mặc Tử đã có những, quan sát rất thú vị về nắng. “Nắng hửng”, “Nắng chang chang” trong Mùa xuân chín, và đây, “nắng hàng cau nắng mới lên” thì chỉ riêng thôn Vĩ mà thôi, vẫn trong làn nắng ấy, khu vườn lại được đặc tả bằng tính từ “mướt”, và phép so sánh “xanh như ngọc”. Ngôn ngữ giàu giá trị tạo hình gợi lên trước mặt ta màu xanh mơ màng, non tươi, óng ả trải rộng ra khắp nơi. Sắc xanh mềm mại loang loáng trên khắp các phiến lá nõn nà phơi ra dưới đất trời và xôn xao trong con mắt thi nhân, Là “mướt quá”, đến mức phải trầm trồ ngạc nhiên chứ không phải “quá mướt”. Vườn thôn Vĩ như viên ngọc lấp lánh rạng rời bởi sức xuân, tình xuân nồng nàn. Sau những cách gợi tả hoa mĩ, nét vẽ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” thật tinh tế, tao nhã. Trong khung cảnh mơ màng của hoài niệm, thấp thoáng hình ảnh của một người, có thể là chính thi nhân hay bóng dáng người con gái đất Huế mà khuôn mặt chữ điền từng gặp trong ca dao:

Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung.

Chiếc lá kia sao mà khéo léo có duyên! Nó hiện lên cùng với hình ảnh con người để cho nỗi nhớ mảnh đất thôn Vĩ gắn liền với tình yêu thương thiết tha với một người con gái. Hàn Mặc Tử lưu luyến mảnh đất ấy quá. Trong nỗi nhớ cháy bỏng, khu vườn hiện lên tươi đẹp, hiền hòa thật quyến rũ. Đó còn là sức hấp dẫn của cuộc đời mà trong mặc cảm chia lìa, nỗi xót xa bệnh tật, thi sĩ họ Hàn muốn mãi níu lại.

Chính bởi mặc cảm chia lìa, cô đơn ấy mà thiên nhiên trong khổ thứ hai trở về với nỗi buồn. Đến đây, thiên nhiên đã không còn là của thôn Vĩ trong quá khứ mà là thiên nhiên trong lòng tác giả, khi cái “tôi” trở về đối diện với chính lòng mình thì cảm giác chia li tràn ngay đến:

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.

Câu thơ xuất hiện với hình ảnh gió: cái vô hình và mây: cái hữu hình. Hai hình tượng nghệ thuật đối lập đặt cạnh nhau để khẳng định sự vô lí, trái ngang. Trong thực tế thì gió đẩy mây đi, mây trôi theo hướng gió, Cách nói của Hàn Mặc Tử vô lí với quy luật thiên nhiên song lại có trong cảm nhận của con người. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong nỗi đau vô cùng của nhà thơ, các sự việc thông thường đã trở nên ngang trái như thế. Cách nói “gió theo lối gió, mây đường mây” còn tạo cảm giác về sự mất mát, chia lìa, tan tác mà mọi thứ lại cứ mở ảo, không rõ ràng, Ta thường gặp trong Thơ mới tâm trạng này:

Mây vẩn từng không chim bay đi.
                                     (Xuân Diệu)

Riêng đối với Hàn Mặc Tử, đó là khi thi nhân hướng con mắt bao quát ra phía chân trời cao rộng, những cái ngoài tầm với cứ trôi đi, đi mãi... Với những cảnh ở gần lại khác, “dòng nước”, “hoa bắp” đứng yên một chỗ. Chữ “lay” rất gợi hình, như thể tả trong nỗi buồn, thiên nhiên vẫn gợi lên trong lòng Hàn Mặc Tử cảm giác thật tinh tế. Những cử động chỉ khẽ khàng, nhỏ nhẹ “lay” theo quán tính và “buồn thiu”, im lìm, dường như chẳng có quan hệ gì với nhau cả. Mỗi thực tế là một thế giới riêng khép kín và tự gặm nhấm nỗi buồn của nó. Nhà thơ cũng lặng lẽ trở về với trang thơ của riêng mình và viết nên những câu , chữ tuyệt tác trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng: tách biệt với cuộc đời và xa cách người con gái Huế năm xưa, hiện tại thì bất lực mà quay về quá khứ thì chới với trước bao kỉ niệm đẹp. Câu thơ man mác buồn, nhịp điệu chậm, dần hé mở tâm trạng nhân vật trữ tình.

Đây thôn Vĩ Dạ không chỉ có bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà xuyên suốt trong mạch thơ là tâm trạng nhân vật trữ tình. Thi nhân viết bài thơ này để kí thác trong đó cảm nhận của mình, bởi thế ba khô thơ mang âm hưởng của độc thoại nội tâm. Chàng trai tự nhủ:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Để sau đó cảnh sắc tươi đẹp của thôn Vĩ cứ thế ùa về. Thì ra, về thôn Vĩ - nơi một thời gian nhà thơ gắn bó - là mong ước thiết tha. Được trở về thôn Vĩ chính là trở về với quãng thời gian tươi đẹp nhất, về với thiên nhiên bao la bát ngát, với con người phúc hậu dịu hiền và thoát khỏi nỗi cô đơn. Thế mà tất cả chỉ là hình ảnh vẹn nguyên trong tâm trí, đẹp không tì vết, nhưng lại thuộc về kỉ niệm. Câu hỏi toàn thanh bằng, ngân lên nhẹ nhàng mà chứa chất trong đó nỗi xót xa khó nói thành lời. Nếu như tách riêng khổ thơ thứ nhất ra khỏi bài, nó sẽ trở thành lời mời gọi hấp dẫn, thật tươi sáng và đầy ắp hi vọng. Nhưng trong tương quan với những phần còn lại, thì chính câu nói này lại trĩu nặng. Điều đáng lẽ là niềm vui lại trở thành sự tiếc nuối ngẩn ngơ. Nó không hẳn giống như tâm trạng “Nên bâng khuâng hối tiếc cả đất trời” của Xuân Diệu bởi vì ở đây, những vẻ đẹp ấy thật sự đã qua rồi và Hàn Mặc Tử không có cách nào trở lại.

Nhân vật trữ tình cũng khao khát hướng về cái đẹp, luôn kiếm tìm những vẻ đẹp vĩnh hằng:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Có thể nói, đây là hai câu thơ hay nhất trong bài. Nó hay bởi có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh và tình, đan xen giữa lãng mạn mộng mơ và tâm tư sâu kín của tác giả. Thuyền và bến đầy duyên nợ trong ca dao, nay đi vào thơ Hàn Mặc Tử vẫn giữ được nét đẹp uyên thông đó, lại muôn phần diễm lệ hơn bởi đây là sông trăng. Nơi bến sông trăng tuyệt mĩ cao xa vời vợi, mà thi nhân thì bé nhỏ ngước mắt nhìn. Người quan sát với niềm ngưỡng mộ chân thành trước vẻ đẹp, và cùng bay lên cùng với tưởng tượng thần kì. Trong niềm say mê đó, ta thấy từ bến sông trăng tưởng tượng ở tận nơi nào, có con thuyền đêm chở trăng lên bầu trời cho thi sĩ. Nhân vật trữ tình ý thức được vẻ đẹp, biết trân trọng, tôn thờ cái đẹp, nhưng không sao thoát khỏi số phận của bản thân với mặc cảm về sự chia lìa, sự tiếc nuối muôn thuở của con người luôn nuối đời, níu đời. Đứng trước ngưỡng cửa của sự sống chết hàng ngày, tâm hồn đa sầu đa cảm cứ như chạy đua với thời gian. “Có chở trăng về kịp tối nay?” là sự lo lắng khi thời gian không còn nhiều. Trăng có về kịp với người, “Thuyền ai” tri kỉ liệu có kịp không? Câu thơ le lói niềm hi vọng, đợi chờ một sự gặp gỡ nào đó để thoát ra khỏi nỗi cô đơn. Trên hết, có yêu đời tha thiết, nhà thơ mới sống vội vàng từng khoảnh khắc và có sự giao cảm mãnh liệt với vẻ đẹp thiên nhiên như vậy.

Kết thúc bài thơ, ngôn ngữ của mơ màng siêu thực dắt ta vào sâu thẳm thế giới nội tâm của tác giả, nơi chứa đầy suy nghĩ triết lí và hoài nghi:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Những từ “khách”, “ai” không rõ ràng khiến người đọc khó có thể theo dõi nhà thơ đang muốn nói đến đối tượng nào: “khách” là tác giả hay là em áo trắng? Chữ “ai” vu vơ lặp lại hai lần trong cùng dòng thơ cũng đủ để nói về sự ngờ vực, mơ hồ không tin tưởng vào tình người, tình yêu mà thi sĩ dành cho “áo trắng”. Áo trắng đến mức nhìn không ra, nhạt nhòa thấp thoáng muốn mất đi. Câu thơ như thể bật ra ngay khi ý tưởng mới chỉ trong tiềm thức, bởi thế không dễ dùng lí lẽ hay lập luận để lí giải. Đây là vẻ hấp dẫn của bài thơ Hàn Mặc Tử, nhiều lúc thoát ra khỏi thực tại xa đến mức chỉ có thể dùng trí tưởng tượng để hiểu, vẫn hiểu được là sự hoài nghi về cái mong manh hư ảo của hạnh phúc, tình đời trong cuộc sống song theo cách cảm thụ của mỗi người, khổ thơ lại mang một nét nghĩa khác nhau. Nó tạo nên tính đa nghĩa và sự mới lạ của thi phẩm, điều mà bất kì người làm thơ nào cũng hướng đến.

Như vậy, có thể khẳng định mạch thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ là sự kết hợp đan xen song song giữa bức tranh thiên nhiên và tâm trạng nhân vật trữ tình. Hai yếu tố ấy kết hợp với lời thơ mượt mà, tha thiết đã gợi được trong lòng độc giả niềm cảm thông sâu sắc với tình yêu đời, yêu cuộc sống, yêu xứ Huế mộng mơ và nỗi tuyệt vọng của nhà thơ. Đây thôn Vĩ Dạ là sáng tác thành công của Hàn Mặc Tử in đậm dấu ấn tâm hồn nhà thơ, là một trong số những bài thơ tiêu biểu của Thơ mới thể hiện rõ nét cái tôi tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Có ý kiến cho rằng: “Thơ là người thư kí chân thành của trái tim”. Quả thật, thơ Hàn Mặc Tử đã ghi lại trong đó vẻ đẹp của một tâm hồn, một tấm lòng. Bởi thế những vần thơ ấy sẽ sống mãi cùng thời gian và lịch sử.

Các bài học liên quan
Đề bài: Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.
Đề bài: Nêu suy nghĩ của mình về lời nhận xét sau đây của nhà thơ Xuân Diệu: “Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.
Đề bài: Phân tích khổ cuối bài “Tràng giang”.
Đề bài: Phân tích bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu.
Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật