Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu: Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu là một “nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh). Đọc thơ Xuân Diệu, người ta thấy rõ ảnh hưởng trong thơ ca Pháp từ lời nói đến cách diễn tả, nhưng không phải không có ảnh hưởng của thơ Đường.

Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ của màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

BÀI LÀM

Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu là một “nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới” (Hoài Thanh). Đọc thơ Xuân Diệu, người ta thấy rõ ảnh hưởng trong thơ ca Pháp từ lời nói đến cách diễn tả, nhưng không phải không có ảnh hưởng của thơ Đường. Thơ Xuân Diệu là một sự tổng hợp tinh hoa của thơ ca Đông và Tây, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Điều đó được thể hiện khá rõ trong đoạn thơ sau trong bài Đây mùa thu tới viết trước Cách mạng (1938):

Hơn một loài hoa đã rụng cành
  Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
  Những luồng run rẩy rung rinh lá
          Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Bài thơ gợi tả phong cảnh khi mới chớm vào thu, mang nỗi buồn của mùa thu và gieo vào lòng người đọc nỗi buồn thấm thía.

Bài thơ có bốn khổ 16 câu. Khổ thứ nhất nói mùa thu tới trên rặng liễu. Khổ thứ hai là mùa thu tới trong vườn cây lá rụng, hoa tàn. Khổ thứ ba là mùa thu tới trên bến đò và khổ cuối mùa thu đến với người thiếu nữ, với nỗi buồn không nói và ánh mắt xa vời. Đoạn thơ bình giảng là khổ thơ thứ hai của bài thơ.

Trong buổi đầu Xuân Diệu đến với nàng thơ Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Xuân Diệu đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và lúc đầu chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy”. Cái “y phục tối tân” và “con người có hình thức phương xa ấy” không phải là cái lối ăn mặc quần áo bên ngoài của Xuân Diệu mà chính là sự ảnh hưởng tích cực của thơ ca thế kỉ XIX vào Thơ mới lúc ấy với làng thơ Việt Nam đã là một điều lạ. Nhưng chính cái y phục tối tân ấy của thơ Xuân Diệu kết hợp với cái “dáng dấp yêu kiều” cái “cốt cách phong nhã của điệu thơ” đã tạo ra cái lối “làm duyên rất có duyên của Xuân Diệu” cái vẻ “đài các rất hiền lành của điệu thơ”.

Chúng ta bắt gặp một lối nói so sánh trong hai câu:

Hơn một loài hoa đỏ rụng cành
    Trong vườn sắc đỏ của màu xanh.

Nhà thơ tả cảnh vườn tược lá rụng hoa tàn. Xuân Diệu nói nhiều đến cái âm có giá trị trong đời sống đang bị hủy diệt, đang bị lụi tàn, đang bị giá lạnh (có nghĩa là tất cả tổn thất chỉ mới là “khởi sự”). Thật vậy, chỗ tinh tế của Xuân Diệu là cách cảm nhận của cảnh vật tự nhiên đất trời đúng là lúc đang chuyển mùa từ hạ sang thu, không phải mọi đóa hoa đều rụng mà chỉ mới “hơn một loài hoa”, với tán cây xanh không cánh đã tuyệt diệu mà sắc xanh trong lá tươi mới chỉ bị màu đỏ trong sự tàn lụi, bào mòn, “rũa” mỏng dần và cũng không phải tất cả các cành cây khô héo đã rụng hết lá mà chỉ mới “đôi nhánh khô gầy”. Cách nói “hơn một loài hoa” là cách nói mà nhiều người cho là “quá Tây”, trong ngôn ngữ tiếng Việt ít khi nói “hơn một” như thế. Đặc biệt từ “rũa” cho thấy một sự quan sát tinh vi, màu đỏ cứ lấn dần màu xanh từng bước một để đến một lúc nào đó thì nhìn ra cả vườn thu đã đỏ rực lá. Động từ “rũa” thể hiện rất tài sự biến đổi của mùa thu và sự vận động của thời gian. Nhưng thực ra màu đỏ chỉ ứng với một vài loại cây như cây bàng, cây nhạn lai hồng (Mùa thu rớm máu từng đôi chút - Với lá bàng thu đỏ ngập trời.” (Chế Lan Viên). Và trong bài thơ của Nguyễn Mĩ, ta cũng bắt gặp màu đỏ trong “cánh nhạn lai hồng”:

       Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng.
                                             (Cuộc chia ly màu đỏ)

Trong Truyện Kiều có một câu thơ tả rừng phong đỏ lá về mùa thu nhưng đó là mùa thu của Trung Quốc (“Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”). Cũng cần phải hiểu thêm liệu cái sắc đỏ của rừng phong ấy có phải có sự góp thêm của sắc màu tâm lý, của sự chia ly cách trở, có lẽ do màu sắc và âm điệu nên nhà thơ Xuân Diệu đã chọn “đỏ” để chọi lại với “xanh” nhằm tạo nên một sự tương phản gay gắt về màu sắc. Câu thơ thứ ba thật đặc biệt “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Cảm nhận của Xuân Diệu thật tài tình. Nhà thơ không phải nhìn bằng mắt mà bằng linh cảm, bằng cảm nhận hết sức mơ hồ nhưng vô cùng tinh tế. Nhà thơ hình dung như gió cũng sợ cái lạnh mà “run rẩy” và lá cây dường như cũng sợ cái lạnh được gió mang đến mà rùng mình rung rinh. Luồng rung động toàn thân ấy gợi ta nhớ đến cái thoáng “linh lung bóng sáng bỗng rung mình” hay cái trạng thái “Tất cả tôi run rẩy tựa dây đàn”... rất đặc trưng cho thi cảm Xuân Diệu. Như một người quay phim tinh tế, thi sĩ đã ghé sát ống kính của mình để đặc tả cận cảnh. Có thể thấy, nhà thơ không chỉ dùng thị giác mà cả thính giác, xúc giác để diễn tả tinh vi cái luồng rung động của mùa thu ấy.

Bốn phụ âm “r” liên tiếp “run rẩy rung rinh” diễn tả tinh tế cái yếu ới, sợ hãi, rùng mình của lá cây khi gió lạnh thu về. Lối diễn đạt cảm giác đó là hình ảnh rõ nhất trong thơ Đường cuối thế kỉ XIX. Nhà thơ cảm nhận thế giới không phải chỉ bằng nhận xét giác quan thông thường. Ngay trong bài Nguyệt cầm, Xuân Diệu cũng có những câu thơ diễn tả cảm giác đó: “Mây vắng trời trong đêm thủy linh. Lung linh bóng sáng bỗng rung mình.../... Đàn ghê như nước lạnh, trời ơi”.

Ba câu thơ đầu chịu ảnh hưởng của lời nói và lối diễn đạt trong văn học xưa nhưng đến câu thơ thứ tư là một nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc của phương Đông:

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Ở câu thơ thứ tư, chỉ cần một hình ảnh “đôi nhánh khô gầy...”, Xuân Diệu đã lột tả được cái hồn của mùa thu nước Việt trong vườn cây “sắc đỏ rũa màu xanh”, đôi ba nhánh cây lá đã lìa cành, để trở lên nên trời những nhành cây khẳng khiu mỏng manh trơ trụi.

Bốn câu thơ trên là sự kết hợp giữa thơ ca Đồng - Tây, cổ điển và hiện đại trong thơ Xuân Diệu, góp phần nâng cao khả năng chiếm lĩnh thế giới, khả năng diễn đạt trong thơ, tạo thành một trong những nét riêng phong cách thơ Xuân Diệu “Nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu:  Ta muốn ôm!... Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!
Đề bài: Hãy làm sáng tỏ ý kiến của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
Đề bài: Phân tích cái “ngông” trong “Hầu Trời” của Tản Đà.
Đề bài: Chứng minh rằng, truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc, như có nhà nghiên cứu đã nhận định, là một khi tình xuất sắc thể hiện sự kết hợp giữa chính trị và văn chương trong sự nghiệp sáng tác của Bác Hồ.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật