Đề bài: “Xuân Diệu là nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới” - (Hoài Thanh). Qua việc phân tích “Vội vàng”, hãy làm sáng tỏ nhận xét trên
Vội vàng là khúc tư bạch, là lời giãi bày chân thành và thiết tha của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, say đắm về triết lí sống gấp, sống vội để tận hưởng một cách trọn vẹn những tinh túy của mùa xuân và cuộc đời.
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề bài: Hãy làm sáng tỏ ý kiến của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
- Soạn bài Vội vàng, trang 21 SGK Ngữ văn 11
- Soạn bài Vội vàng - Ngắn gọn nhất
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Xuân Diệu là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Theo nhà phê bình văn học Hoài Thanh, “Xuân Diệu là nhà Thờ mới nhất trong các nhà Thơ mới”. Bài thơ Vội vàng, một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của thi sĩ trước Cách mạng tháng Tám, rút từ tập Thơ thơ, là một minh chứng hùng hồn cho nhận định đó.
Vội vàng là khúc tư bạch, là lời giãi bày chân thành và thiết tha của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, say đắm về triết lí sống gấp, sống vội để tận hưởng một cách trọn vẹn những tinh túy của mùa xuân và cuộc đời.
Bài thơ “mới” trước hết trong cái nhìn, trong quan niệm của thi nhân về cái đẹp của cuộc đời. Xưa nay mọi người vẫn thường mơ ước vươn tới những cõi bồng lai tiên cảnh, những chốn ảo mộng, hư huyền, những vẻ đẹp không có trên trần thế. Trong các nhà thơ trong phong trào Thơ mới, Thế Lữ là một ví dụ điển hình. Nhưng Xuân Diệu mang một quan điểm hoàn toàn khác. Ông mời gọi, ru bước chân người đọc vào ,một “thiên đường trần thế”, gần gũi như cỏ cây mà đẹp lạ lùng tựa khu vườn địa đàng. Bằng con mắt “tươi non” và “biếc rờn” của người nghệ sĩ mang trái tim nhạy cảm và tinh tế, Xuân Diệu khám phá và trân trọng từng chút gì nhỏ bé nhất, bình thường nhất của tạo hóa, bởi tất thảy chúng đều hiến dâng những tuyệt diệu cho đời:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Không gian mùa xuân hiện lên trong trẻo, trinh tươi, căng mọng sức sống. Cảnh vật thân quen: có ong bướm trong “tuần tháng mật”, có “hoa của đồng nội xanh rì”, có “lá của cành tơ phơ phất” mang “cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”. Có lẽ, với Xuân Diệu, cuộc đời bao giờ cũng mới mẻ, thiên nhiên mùa xuân lúc nào cũng tươi non mượt mà. “Thiên đường trần thế” của ông chẳng khác nào một bàn tiệc thịnh soạn với đầy đủ những thức ăn tinh thần quyến rũ, một khu vườn tình nơi “yên anh” cất cao khúc nhạc tình si. Mùa xuân như vị thần hào hiệp mỗi sớm gõ cửa từng nhà ban phát niềm vui. Mùa xuân chính là mùa của niềm vui, hi vọng, mùa của hẹn hò, của những khát khao yêu đương cháy bỏng. Hóa ra chẳng cần đi đâu xa tìm hoa thơm trái lạ, bởi ở ngay quanh ta đã có một thiên đường. Xuân Diệu đã gieo vào lòng người một lẽ sống đẹp đến thế!.
Thơ Xuân Diệu còn mang nét mới trong cách nhìn về mối tương quan vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thiên nhiên:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
“Tháng giêng” - tháng của mùa xuân, mà cũng có thể là những tháng năm tuổi trẻ. được so sánh với “cặp môi gần” - làn môi của người thiếu nữ ta yêu - một so sánh thật táo bạo! “Tháng giêng” không còn là khái niệm thời gian chung chung mà cụ thể, hữu hình. “Tháng giêng” ngon lành, mời mọc, hấp dẫn đáng yêu khi được ướp trong hương tình. Mà với Xuân Diệu, con người không ngừng khao khát yêu và được yêu, thì mùa xuân, tuổi trẻ chính là những gì quý giá nhất. Điều đáng nói ở đây là trong khi các nhà thơ xưa chọn thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người, như cụ Nguyễn Du tả vẻ đẹp nàng Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, của Thúy Vân là “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” thì Xuân Diệu làm điều ngược lại. Với ông, con người mới là chuẩn mực cho mọi so sánh. Thiên nhiên đẹp hơn, “sống” hơn, đáng yêu hơn khi được so sánh với con người. Quả là một quan niệm rất mới. Nhưng có lẽ, cái “mới” nhất của Xuân Diệu trong áng thơ này, chính là quan điểm sống của ông, một cách sống luôn quấn quýt, hối hả, vội vàng:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mất xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lẽ thường tình, con người ta chỉ nhớ tiếc mùa xuân khi xuân đã trôi qua, chỉ nhớ tiếc kỉ niệm khi kỉ niệm chỉ còn là quá khứ. Nhưng Xuân Diệu, ông “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Với thi nhân, xuân đương tới nghĩa là sắp đến lúc phải giã biệt mùa xuân. Những cái khoảnh khắc đương "xuân thì" rồi sẽ già nua, tàn lìa. Xuân Diệu không ngừng bị ám ảnh về bước đi gấp gáp của thời gian:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Khao khát sống của con người là vô biên, nhưng đời người là hữu hạn. Mùa xuân của đất trời ra đi, rồi sẽ trở lại theo cái vòng tuần hoàn vĩnh cửu của nó. Nhưng mùa xuân của đời người chỉ đến một lần duy nhất trước khi ta trở về với cát bụi. Vì thế, Xuân Diệu mới “bâng khuâng” tiếc cả đất trời. Mùa xuân tươi đẹp là mùa xuân vĩnh hằng, tràn trề nhựa sống như món quà thượng đế ban cho con người. Nhưng có nghĩa lí gì khi con người chẳng còn mãi để thưởng thức mùa xuân. Và từ “tiếc”, Xuân Diệu bày tỏ một ước muốn, một “khát khao” thật Xuân Diệu, thật mới:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Cái ước muốn táo bạo được chế ngự thiên nhiên, vô hiệu hóa bánh xe thời gian để lưu giữ mãi những hương sắc của cuộc đời, của mùa xuân được thi nhân giãi bày thật ý vị. Xuân Diệu khao khát có trong tay mình một năng lực siêu nhiên để được ở mãi cùng “mùa xuân” bởi với ông, tuổi trẻ qua đi thì cuộc đời cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Tuổi trẻ là độ sung mãn nhất của một đời người, khi ta được sống trọn vẹn những đam mê rạo rực, những yêu đương cháy bỏng.
Đời người là hữu hạn, tuổi trẻ rồi cũng sẽ qua, vậy làm sao tận hưởng trọn vẹn mùa xuân - “thiên đường nơi trần thế"? Chỉ có thể vĩnh hằng hóa cái hữu hạn về lượng bằng cái vô hạn về chất. Nghĩa là biết quý trọng từng phút, từng giây, sống chân thành, say đắm hết mình. Xuân Diệu giục giã chính mình và những người đang ở vào quãng đẹp nhất của cuộc đời:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Nhà thơ Thanh Hải trong bài Mùa xuân nho nhỏ cũng từng nhắc nhở chúng ta phải biết sống một cuộc đời ý nghĩa, sống cống hiến để tuổi trẻ trôi đi không hoài phí “Ta làm con chim hót - Ta làm một nhành hoa”. Nhưng Xuân Diệu, với Vội vàng, đã giục giã, thức tỉnh ta bằng những vần thơ cuồng nhiệt hơn, hối hả và mãnh liệt hơn:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!
Ta như lắng nghe được nhịp tim gấp gáp, hối hả, tràn trề nhiệt huyết của chàng trai đang độ mười tám, đôi mươi. Lời thơ như những con sóng bạc đầu trên biển cả, từng đợt sóng tình cảm cứ dâng lên hết lớp này đến lớp khác. Câu chữ cứ chen chúc, xô đẩy nhau như sợ không theo kịp mạch cảm xúc dạt dào. Điệp từ “ta muốn” lặp lại bốn lần khẳng định một khao khát dữ dội, mãnh liệt. Dường như trong một khoảnh khắc, thi nhân muốn bật tung cánh cửa tâm hồn mình để ôm, để thâu trọn tất cả tinh túy của cuộc đời của mùa xuân vào trong. Hàng loạt những động từ mạnh được sử dụng với cấp độ tăng tiến: “ôm” -"riết“ - “say” - “thâu” bày tỏ sự gấp gáp, cuống quýt, hối hả, vội vàng của tác giả để nắm lấy, chiếm giữ, hưởng thụ ở mức độ cao nhất những cái đẹp của thiên đường trần thế”. “Và non nước, và cây, và cỏ rạng”'- cuộc đời rộng mở quá, phong phú quá, làm sao tận hưởng cho trọn những tuyệt diệu xung quanh mình? Chỉ có cách là sống hết mình, sống cuồng nhiệt, đắm say “Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng. Cho no nê thanh sắc của thời tươi”.
“Chếch choáng“, “đã đầy”, “no nê” đều là những động từ diễn tả một trạng thái say mê, ứ tràn, thuê thoa. Xuân Diệu khát khao được “thâu” trọn vũ trụ tươi đẹp vào tâm hồn để được nhập hòa làm một. Khát khao cháy bỏng, tha thiết làm rung động lòng người! Xuân Diệu không chấp nhận một cách sống mờ mờ nhân ảnh, uể oải, rệu rạo. sống là phải dốc trọn nhiệt tâm của mình, sống cho trọn chữ “sống”, sống làm sao để thâu hết ý nghĩa của cuộc đời khi tuổi trẻ đã đi qua.
Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!
Một tiếng thốt lên tha thiết, mới mẻ chưa từng có trong văn chương! Nơi đây, lòng yêu đời, niềm khát khao sống thăng hoa hơn bao giờ hết. Cuộc đời trở thành một trái đời đỏ hồng, căng mọng, hấp dẫn mà Xuân Diệu khao khát được “cắn” để tận hưởng cho trọn những giọt lành của nó.
Với bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu khẳng định thêm nhận định của Hoài Thanh về mình. Những lời thơ rống riết, giục giã như hồi chuông thức tỉnh lòng ta. Cuộc đời tươi đẹp và đáng quý biết bao! Hãy sống gấp, sống vội vã để tận hưởng hết những giá trị của cuộc đời, đi trọn những đam mê của tuổi trẻ.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo