Đề bài: Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu

Năm 1905, Phan Bội Châu lên đường sang Nhật Bản trong niềm say mê lí tưởng cứu nước, một sứ mạng lịch sử đè nặng đôi vai: khôi phục lại đất nước, tái tạo giang sơn...

BÀI LÀM

Năm 1905, Phan Bội Châu lên đường sang Nhật Bản trong niềm say mê lí tưởng cứu nước, một sứ mạng lịch sử đè nặng đôi vai: khôi phục lại đất nước, tái tạo giang sơn... Khi chia tay bạn bè, đồng chí, Phan ứng khẩu đọc Lưu biệt khi xuất dương. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của lớp nhà nho tiên tiến đầu thế kỉ XX: ý tưởng mạnh mẽ, táo bạo, nhiệt huyết và khát vọng giải phóng dân tộc sôi trào. Bằng một giọng thơ sôi nổi, đầy hào khí, tác giả đã thể hiện được tinh thần chung của thời đại, đã thổi vào không khí cách mạng đầu thế kỷ XX một luồng sinh khí mới. Giọng điệu, khí phách cho đến hình tượng thơ còn mang đậm dấu ấn của thi pháp trung đại nhưng về mặt tư tưởng đã đánh dấu một sự vượt thoát ra khỏi khuôn khổ suy nghĩ của một trí thức Hán học.

Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc lại quan niệm chí làm trai của các nhà nho xưa.

Làm trai phải lạ ở trên đời,
     Há để càn khôn tự chuyển dời.

Chí làm trai là một lí tưởng nhân sinh trong chế độ phong kiến, thể hiện tư tưởng nhập thể tích cực của đạo Nho. Người làm trai phải gánh vác những công việc lớn lao, trọng đại. Chí làm trai đó thường gắn với cái mộng công danh:

Công danh nam tử còn vương nợ
                                          (Phạm Ngũ Lão, Thuật hoài)

Không công danh thời nát với cỏ cây
                                                       (Nguyễn Công Trứ, Chí khí anh hùng)

Và trong thực tế, không ít người đã lập nên công tích ở đời như Phạm Ngũ Lão từng “Múa giáo non sông trải mấy thì đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ gìn đất nước; như Nguyễn Công Trứ từng khơi sông lấp biển, mang cuộc sống ấm no lại cho nhân dân... khi Tuy hắn mạnh vào vai trò nam tử, nhưng Phan Bội Châu chẳng qua chỉ mượn một quan niệm có sẵn nhằm khẳng định cho cái bản ngã đội trời đạp đất hào hùng của chính mình thôi, không hề có một dấu ấn của con người bổn phận theo lí tưởng làm trai phong kiến. Với một nhà nho tân. học, một nhà cách mạng nhiệt thành đang say mê hướng tới ánh sáng lí tưởng mới như Phan Bội Châu giữa lúc non sông chìm đắm, chí của Phan là chí xoay trời chuyển đất, lấp bể, vá trời chứ đâu chịu ngồi yên mà nhìn đất nước an bài theo ý muốn của bọn thực dân: “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Lẽ nào để trời đất vẫn xoay tới đâu thì tới? Tác giả đã khẳng định vị thế, trách nhiệm của người làm trai là phải gánh vác non sông, chuyển xoay vũ trụ. Đó là lí tưởng sống mà vì nó Phan sẵn sàng hiến trọn cuộc đời mình.

Hai câu tiếp là ý thức tự khẳng định mình giữa cuộc đời:

 Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?

Đây là một thái độ sống tích cực không buông trôi theo dòng đời mà cũng không thụ động chờ đợi . Cái Tôi ở đây là một cái Tôi trách nhiệm chủ động ghé vai gánh vác trọng trách ở đời. Lẽ sống anh hùng ấy gắn gắn liền với một nhân sinh quan thật cao cả, đẹp đẽ, nó vượt ra ngoài cái danh lợi tầm thường, tuy vẫn có ước vọng thật chính đáng là để lại tiếng thơm muôn đời. Câu thơ nổi bật con người đầy trách nhiệm của nhà thơ. Con người ấy thấy rõ trách nhiệm của cá nhân với lịch sử dân tộc.

Phan Bội Châu quan niệm về nỗi nhục và vinh là:

 Non sông đã chết, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.

Một sự phủ định cũng thật dứt khoát nhưng lại hàm chứa sự nóng bỏng sôi sục của con người không cam chịu cúi đầu; phủ định cuộc sống nhục nhã để tìm đến một lẽ sống vinh quang chứ không phải để chìm đắm trong đau buồn, thất vọng. Phan Bội Châu là một nhà nho, đã từng qua cửa Khổng, sân đình, sách vở thánh hiền đã từng thấm sâu vào tim. Nhưng cùng với cả một thế hệ nhà nho tâm huyết lúc này, Phan đã được tận mắt thấy sự sụp đổ của những thần tượng cũ trước làn sóng xâm lăng của thực dân, thấy những truyền thống tốt đẹp đang bị mai một, xã hội đảo điên, trắng đen không thể phân biệt. Khác với một Nguyễn Công Trứ bi quan yếm thế khi nếm trải “Vào trường danh lợi vinh liền nhục” để rồi ao ước “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”; khác với một Tú Xương từng nguyền rủa chế độ thi cử và kẻ sĩ cùng thời “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo - Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi” mà vẫn lận đận lều chõng mong được chen chân vào rồi cay cú “Tám khoa không khỏi phạm trường quy”; Phan Bội Châu đã xác định con đường khác hẳn. Phan Bội Châu có được một ý tưởng táo bạo và dứt khoát với những cái gì đã cũ kĩ, lỗi thời, không đảm đương được trách nhiệm lịch sử đối với dân tộc nữa. Với ông, đó là trách nhiệm cứu nước.

Từ đầu bài thơ là những lời bộc bạch đầy hào khí, đến hai câu kết này, tác giả mượn một hình ảnh thơ thật đẹp, thật hùng tráng để bày tỏ lòng mình:

 Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Một tư thế hiên ngang ngạo nghễ đầy kiêu hãnh của một trang hào kiệt với chí khí ngất trời cao, sánh ngang trời đất... Trách nhiệm đè nặng đôi vai, nhưng tâm hồn thì như đã rất tung xiềng xích, thả sức cho khát vọng ước mơ. Nhân vật trữ tình như muốn lao ngay vào một trường hoạt động mới mẻ, bay lên cùng những đợt sóng trào sôi để tỏ bày tráng chí, hoài bão của mình, như những cánh chim bằng bay vút lên giữa sóng gió biển khơi, giữa cao rộng đất trời...Hình ảnh mang tính chất anh hùng ca này bày tỏ khát vọng lên đường, thể hiện một phong thái hào hùng, niềm hăm hở dấn thân vì nghiệp lớn.

Bài thơ là lời mời gọi lên đường, gửi gắm một khát vọng hoài bão mãnh liệt, khẳng định tình yêu đất nước tha thiết và thôi thúc tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của tác giả. Phan Bội Châu đã thổi một luồng sinh khí vào văn chương thời đại, mở ra những trang đầy hào khí của văn thơ yêu nước đầu thế kỉ, tiếp nối tinh thần bất khuất của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập của thế kỉ trước và động viên những thế hệ yêu nước sau này.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích bi kịch của người tri thức nghèo trong xã hội cũ qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao, từ đó nếu giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
Đề bài: Phân tích truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao.
Đề bài: “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” - Nam Cao
Đề bài: Những cảm nhận của anh/chị sau khi đọc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.
Đề bài: Vì sao khi giết Bá Kiến, Chí Phèo lại kết liễu đời mình? Từ bi kịch đó em hãy nêu lên giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả trong truyện ngắn

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật