Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Truyện ngắn Chí Phèo là một kiệt tác văn chương, là đỉnh cao nghệ thuật của một nhà văn hiện thực tài năng Nam Cao.

BÀI LÀM

Truyện ngắn Chí Phèo là một kiệt tác văn chương, là đỉnh cao nghệ thuật của một nhà văn hiện thực tài năng Nam Cao.

Truyện ngắn này ngay từ đầu đã có tên Chí Phèo. Khi Nam Cao mang bản thảo đến Nhà xuất bản Đời mới, ông Nguyễn Gia Vĩ bàn bạc với tác giả định đổi thành Cái lò gạch  nhưng sau đó ông lại tự đổi thành Đôi lứa xứng đôi để chiều theo thị hiếu độc giả đương thời. Đến năm 1946, khi in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản), tác giả lấy lại tên Chí Phèo.

Truyện ngắn Chí Phèo không những phản ánh chân thực, sâu sắc, cảm động cuộc sống đắng cay tủi nhục, bế tắc của người nông dân cung đình trong xã hội thực dân phong kiến mà còn phát hiện và khẳng định nhân phẩm của họ ngay cả khi họ bị giai cấp thống trị đày đọa mất cả nhân hình lẫn nhân tính, ngay trong khi họ không được coi là con người. Qua một câu chuyện cụ thể, một cuộc đời cụ thể, tác phẩm đã đặt ra hàng loạt vấn đề quan trọng, cấp bách có ý nghĩa hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.

Trước hết, truyện ngắn Chí Phèo là lời tố cáo đanh thép đối với giai cấp thống trị, kẻ đã tước đoạt quyền sống, quyền làm người của nhân dân lao động.

Chí Phèo vốn là một con người, một con người có bản chất lương thiện, có nhân cách trong sáng, có ý thức nhân phẩm. Chí Phèo là người bần cùng nhất trong hạng bần cùng. Chí Phèo là kẻ cô cùng. Chí ra đời trong sương gió, trong tối tăm của cái lò gạch cũ. Được những người lương thiện cưu mang nuôi dưỡng, Chí cũng nên người. Mặc dù phải chịu đựng cái phận đi ở làm thuê nhưng Chí vẫn có một tâm hồn trong sáng, có bản chất lương thiện. Thuở ấy, Chí đã từng ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cày mướn cuốc thuê, vợ dệt vải, khi khá giả thì mua dăm ba sào ruộng để làm. Ước mơ của Chí giản dị và thiết thực biết bao. Đó cũng là ước mơ giản dị của bao người nông dân cùng định như Chí.

Ở cái tuổi hai mươi ấy, Chí cũng ý thức sâu sắc về nhân phẩm và cũng giàu lòng tự trọng, biết giữ nhân cách trước sự cám dỗ của bà vợ bá Kiến.

Đang sống trong cảnh nghèo khó mà lương thiện, Chí Phèo bị bá Kiến đẩy vào chốn ngục tù một cách oan uổng, bất công. Sau 7, 8 năm sống trong chốn nhà tù của chế độ thực dân phong kiến Chí trở về làng với một con người hoàn toàn khác trước. Chí trở nên xa lạ với dân làng Vũ Đại, xa lạ với anh Chí hiền lành trước đây.

Mới nhìn đã biết hắn là tên lưu manh chính hiệu: “Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”: Chí nói, Chí chửi, Chí la làng. Chí say triền miên, say bất tận, cơn say khác. Say là trạng thái tinh thần của Chí. Chí chửi chân trời, chửi làng Vũ Đại... Chửi là ngôn ngữ của Chí để giao tiếp hét lên nỗi khổ đau chất chứa trong lòng và có lúc kèm thêm tiếng la làng đến xé họng. La làng cũng là ngôn ngữ của Chí, Chí dùng để cầu cứu một cách tuyệt vọng và có lúc dùng để tỏ tình. Chí Phèo không có bộ mặt người đã đành, Chí cũng không có nốt ngôn ngữ của loài người. Ai đã cướp đi của Chí bộ mặt người, tiếng nói người? Nhà tù thực dân phong kiến đã đón nhận một Chí Phèo lương thiện để rồi cho ra đời một Chí Phèo lưu manh. Chính môi trường nhà tù là nơi tha hóa con người nhanh chóng và triệt để nhất, là nơi đào tạo, biến đổi người thành quỷ nhanh nhất.

Sau khi ra tù, Chí Phèo vẫn tiếp tục bị bá Kiến cầm tù. Xiềng xích của bá Kiến vô hình nhưng còn khắc nghiệt hơn cả nhà tù. Chỉ cần vài câu nói ngọt xớt, chỉ cần vài hào bạc là bá Kiến đã cột chặt Chí Phèo vào chỗ đầy tớ tay chân, biến Chí thành quỷ dữ, thành công cụ vô ý thức để gieo rắc tội ác, trừng phạt những phe cánh đối lập. Nhân vật Chí Phèo hiện lên trong tác phẩm thật độc đáo, cụ thể đến từng chi tiết. Nhưng không vì thế nhân vật được coi là ngẫu nhiên, cá biệt. Chí Phèo là một hình tượng điển hình. Chí là sản phẩm của chế độ áp bức bóc lột con người tàn nhẫn, là con đẻ của xã hội bất công tàn bạo. Đi sâu giải thích nguồn gốc tính cách Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã khái quát được một quy luật hết sức nghiệt ngã: chừng nào còn chế độ áp bức bóc lột dã man thì chừng ấy còn có những người có cùng bị đẩy vào con đường tha hóa lưu manh. Khi con người không còn gì để giữ thì dễ sa trượt vào con đường lưu manh. Trong nhiều truyện ngắn khác, Nam Cao cũng chỉ ra quy luật ấy. Trạch Văn Đoàn (Đôi móng giò), Cu Lộ (Tư cách mõ) và ngay trong tác phẩm Chí Phèo có Binh Chức, Năm Thọ là những bậc tiền bối của Chí.

Tính cách của Chí Phèo mang tính lưỡng phân. Chí Phèo đi trên bờ vực chênh vênh: thiện - ác, tỉnh - say, người - thú. Khi say, Chí sống trong trạng thái vô thức, hung dữ, sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả giết người, đốt nhà. Chí say quá lâu, say hàng chục năm trời chứ không phải là ít. Vì vậy quãng đời dằng dặc ấy Chí không được sống cuộc sống con người, không biết mình là con người. Mà chẳng ai coi Chí là người cả. Chí bị đẩy ra ngoài rìa cuộc sống, không thể hòa nhập với nhân loại, với cộng đồng. Có thể trong lúc say, Chí cũng muốn đối thoại với đồng loại. Nhưng còn đâu tiếng nói con người. Không có ai cô đơn hơn Chí Phèo. Chí muốn gây sự, muốn giao tiếp bằng tiếng chửi với loài người cũng không được nói. Miêu tả một kẻ lưu manh đầy thú tính như vậy, Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân mà ngược lại, đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật để phát hiện, để khẳng định phẩm chất tốt đẹp của họ, ngay trong khi họ bị rạch nát bộ mặt người và tàn phá tâm hồn người.

Để khẳng định bản chất tốt đẹp vốn có của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã xây dựng một mối tình vào loại độc đáo nhất trong văn chương Đông Tây, kim cô. Đó là mối tình của một kẻ bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại và một kẻ xấu đến ma chê quỷ hờn. Có ý kiến cho rằng, Nam Cao quá nhẫn tâm khi dồn hết tất cả những gì xấu xí, khiếm khuyết bậc nhất cho nhân vật thị Nở: Xấu hơn quỷ, nghèo, con nhà mả hủi lại dở hơi. Nhưng nếu thị không có những đặc điểm đó thì làm sao có thể ở vậy cho đến hơn ba mươi tuổi. Chỉ cần thiếu một trong những đặc điểm ấy thì thị đã không cho Chí một cơ hội gặp gỡ bất ngờ như vậy giữa đêm trăng sáng. Cách miêu tả của Nam Cao là hoàn toàn hợp lôgic của sự việc, đạt được chủ đích nghệ thuật.

Cuộc gặp gỡ với thị Nở đã làm Chí Phèo chợt tỉnh sau bao năm tháng say triền miên. Bấy lâu tâm hồn Chí bị xiềng xích trong trạng thái say. Rượu mạnh đã phủ lấp tâm hồn người của Chí. Trước hết, thị Nở đã giải tỏa cho Chí Phèo ra khỏi cơn say, trả về cho Chí ngôn ngữ của con người. Lần đầu tiên sau bao năm Chí cười, mà cười thật hiền, Chí lại biết nói tiếng nói của con người, mà nói có duyên nữa là khác: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”. Chí còn biết khóc, tức là hắn biết cảm động. Chí lại còn biết nghe, trước đây hắn có nghe thấy gì đâu: “Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy...”

Tất cả các giác quan của Chí giờ đây đã được khai thông, Chí được sống với trái tim người, trái tim người vẫn còn nguyên vẹn đó, vẫn biết yêu thương xúc cảm, vẫn biết nhớ nhung, hờn dỗi, vẫn cảm nhận được hạnh phúc hiện hữu, vẫn khát khao một tình yêu, một mái ấm gia đình.

Khi trở về cuộc sống con người là Chí thèm lương thiện. Hóa ra đã bao nhiêu năm Chí không phải đòi cơm, đòi rượu mà đòi lương thiện, khát lương thiện. Tâm hồn trong sáng của Chí bị cầm tù trong kiếp quỷ dữ, tâm hồn ấy thèm khát lương thiện bấy lâu nay, thèm khát thường trực những cơn say đã phong tỏa lí trí của Chí rồi. Chí đâu còn biết được nỗi thèm khát đến cháy bỏng của tâm hồn mình. Từ bên vực thẳm vô thức u mê tăm tối Chí đã trở về với ý thức: ý thức được tình trạng tha hóa của mình, ý thức được tình yêu mà mình đang có. Chí Phèo cảm nhận đó là tình yêu. Chỉ là tình yêu mới có đủ sức mạnh để giành giật Chí trở về cuộc sống con người, chỉ có tình yêu chân thực mới hướng con người vươn tới cái thiện. Chí Phèo - thị Nở đã có một tình yêu như thế mặc dù con đường đi đến tình yêu của Chí không phải là con đường mà loài người thường đi.

Khi miêu tả mối tình Chí Phèo - thị Nở, ngòi bút Nam Cao vẫn sắc lạnh, pha chút cường điệu nhưng thực chất đằng sau những lời văn tưởng như lạnh lùng ấy là một tấm lòng nhân ái rộng lớn. Với câu chuyện tình này, Nam Cao muốn nói với người đọc rằng, những con người xấu đến ma chê quỷ hờn, những người bị coi là quỷ dữ vẫn khát khao, yêu thương, vẫn hướng về hạnh phúc, vẫn rung động chân thành trước tình yêu, vẫn sống đầy đủ cuộc sống tinh thần tình cảm của những con người. Tình yêu không phải là một đặc ân mà tạo hóa dành cho giai nhân tài tử như nhiều tác phẩm văn chương đã miêu tả mà của mọi người, của con người.

Phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của những người lao động nghèo khổ, bị đày đọa trong là một minh chứng hùng hồn cho chủ nghĩa nhân đạo cao cả của Nam Cao cho một niềm tin to lớn ở con người, phải có đối mặt đầy nhân ái, Nam Cao mới phát hiện được những đốm sáng đặc biệt ấy không bao giờ tắt trong trái tim người.

Chí Phèo chỉ được trở về cuộc sống con người trong năm ngày ngắn ngủi. Năm ngày sống trong yêu thương, đợi chờ, hi vọng. Những ngày ấy Chí ít uống rượu, Chí không nghiện rượu, Chí chỉ tìm quên lãng trong rượu mà thôi. Giờ đây Chỉ cần phải tỉnh, tỉnh để mà yêu, tỉnh để sắp xếp tương lai cho cuộc đời mình. Thế rồi ngày thứ sáu đau khổ đã đến. Bà cô của thị Nở không cho phép cháu gái của mình lấy cái thằng không cha không mẹ, chỉ có nghề rạch mặt ăn vạ. Bà đâu có biết Chí Phèo là người. Chỉ có thị Nở biết, cả làng Vũ Đại không ai biết, chỉ một mình thị Nở biết Chí Phèo là người. Không thể trách bà cô thị Nở vì dưới đôi mắt của bà, Chí Phèo vẫn là một con quỷ dữ mà thôi. Ai chứng minh Chí Phèo là người?

Trong cơn bế tắc tuyệt vọng Chí Phèo lại uống, nhưng rượu không còn công hiệu, rượu không làm thay đổi Chí Phèo nữa rồi. Men tình yêu đã ngấm, vô hiệu hóa men rượu. Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo vác dao ra đi, hiển nhiên là đến nhà bá Kiến. Chí Phèo đòi lương thiện:

“Tao muốn làm người lương thiện”.

Ôi tiếng gọi thiết tha của bản chất nguyên sơ mà loài người sẵn có bật ra từ trái tim, từ miệng Chí Phèo. Con thú thôi gào thét, chỉ có tiếng gọi của con người: “Tao muốn làm người lương thiện.”. Phải chăng đó là tiếng gọi đầu tiên của loài người khi thoát khỏi kiếp thú, đó là tiếng gọi đàn, tiếng tập hợp để tạo nên cộng đồng? Không có lương thiện thì làm sao có thể dựa vào nhau mà sống, làm sao có thể tồn tại được giữa bao loài muông thú?

Bá Kiến không còn là người. Trái tim đó là trái tim thú, nó là loài thú có bộ mặt người, hắn là loài thú ăn thịt đồng loại. Bá Kiến làm gì có lương thiện để cho Chí Phèo. Bá Kiến chỉ có cái ác, thứ đó hắn đã cho Chí nếm hàng chục năm về trước và nuôi Chí bằng thứ đó bấy lâu nay. Chỉ có một cách... là đâm chết bá Kiến, tiêu diệt một cái ác trong muôn vàn cái ác đang ngự trị trong xã hội và chỉ có một cách... tự kết liễu đời mình.

Chí Phèo chết khi vừa mới được trở về cuộc sống con người. Chí Phèo chết vì xã hội không cho anh ta được sống và cũng vì anh không tìm ra con đường sống. Đó là sự lựa chọn đầy bi kịch. Nhưng sống mà làm quỷ thì thà chết còn hơn. Chết là sự giải thoát tâm hồn khỏi kiếp sống quỷ dữ. Với ý nghĩa đó, cái chết của Chí Phèo là bản án đanh thép đối với xã hội đương thời và cũng là lời kêu cứu loài người hãy cứu lấy những sinh linh đang bị đày đọa trong kiếp quỷ.

Tác phẩm Chí Phèo mở đầu bằng hình ảnh “Hắn vừa đi vừa chửi” kết thúc là cái lò gạch cũ bỏ không. Đã hết một vòng tròn luẩn quẩn bế tắc. Đã kết thúc một kiếp sống đau thương tủi nhục. Cái lò gạch ấy có còn là điểm khởi đầu của một Chí Phèo con hay không? Tức giận chỉ để ba dấu chấm lửng (...) Câu trả lời là thuộc về mọi người, mọi chế độ, mọi thời đại.

Các bài học liên quan
Đề bài : Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” qua đó nêu lên tư tưởng của tác phẩm và phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).
Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật