Đề bài: Phân tích cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, từ đó nêu lên giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Huấn Cao là một nhân vật trong truyện ngắn Chữ người tử tù, một nhân vật hội tụ đầy đủ nhất những tư tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân trong những sáng tác trước Cách mạng - nhân vật vừa anh hùng, vừa tài hoa.
- Bài học cùng chủ đề:
- Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).
- Đề bài: Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
- Soạn bài Chữ người tử tù, trang 107 SGK Ngữ Văn 11
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Huấn Cao là một nhân vật trong truyện ngắn Chữ người tử tù, một nhân vật hội tụ đầy đủ nhất những tư tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân trong những sáng tác trước Cách mạng - nhân vật vừa anh hùng, vừa tài hoa. Vẻ đẹp rực rỡ, uy nghi lẫm liệt của Huấn Cao được bộc lộ sáng ngời qua cảnh cho chữ viên quản ngục. Đây chính là sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối; của cái đẹp, cái cao thượng trước sự phàm tục, nhơ bẩn; của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu, nô lệ.
Truyện có hai nhân vật chính: Huấn Cao và viên quản ngục. Huấn Cao là người có tài viết chữ đẹp, còn viên quản ngục là người thích chơi chữ đẹp. Điều đặc biệt ở đây là người viết chữ đẹp và người thích chơi chữ đẹp gặp nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu: nhà ngục, và là sự gặp gỡ của một tên tử tù sắp bị áp giải vào kinh để lĩnh án tử hình với một tên quan coi ngục. Kẻ đại diện cho trật tự xã hội ấy khó có thể hình dung được cái nguyện vọng xin chữ kia của viên quản ngục lại có thể thực hiện nổi, bởi vì Huấn Cao “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”, ông là người rất ý thức được đối với những người đến xin chữ ông. Cả đời ông mới chỉ viết “hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn của ông” mà thôi. Bước chân vào nhà lao, Huấn Cao đã tỏ rõ sự khinh bạc đến điều và trước những lời đe dọa của bọn vô danh tiểu tốt, Huấn Cao lãnh đạm, không thèm chấp. Huấn Cao không bao giờ vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép buộc mình viết, đến chết chém ông cũng chẳng sợ nữa là. Vậy mà khi việc cho chữ diễn ra thì người anh hùng “chọc, trời khuấy nước” ấy lại là con người rất biết trân trọng và cảm kích trước một tấm lòng có thiên lương của con người tri kỉ, hiểu và trân trọng cái đẹp. Thật lạ là một con người cô đeo gông, chân mang xiềng một tên tử tù bị giam trong ngục tối đang chờ ngày ra pháp trường bị chặt đầu, ấy thế mà vẫn dành những dòng chữ cuối cùng, một đêm cuối cùng của đời mình để viết những dòng chữ nắn nót cho viên quản ngục. Đây hoàn toàn không phải là một lễ vật của kẻ nô lệ dâng hiến cho một kẻ quyền thế đang nắm vận mệnh của mình, đây cũng không phải là sự trả ơn đối với những bữa cơm rượu thịnh soạn mà viên quản ngục biệt đãi Huấn Cao; mà đây chính là sự trân trọng rất nghệ sĩ mà Huấn Cao dành cho một kẻ biệt nhỡn liên tài biết quý trọng cái đẹp, có sở thích cao quý; là sự đáp lại của một tấm lòng với một tấm lòng.
Quang cảnh trong buổi Huấn Cao cho chữ viên quản ngục vừa lạ, vừa đẹp lại vừa có gì như một ảo ảnh, một ánh hào quang, như không phải của thế giới này mà là một cõi nào của thần thoại: “Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vàng có tiếng mõ trên vọng canh”, “trong một buổi tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, trong một không gian khói tỏa như đám cháy nhà, “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tâm dâu rọi ôm ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, “một người tù cổ đeo gông, - chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiếm lụa óng và thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực.
Cảnh tượng diễn ra thật sống động. Đoạn văn giống như một thước phim cận cảnh quay chậm. Cái buồng giam tối tăm, bẩn thỉu đầy mạng nhện, phân chuột, phân gián kia bỗng trở nên linh thiêng trước ba cái đầu người đang cúi xuống tấm lụa trắng tinh và những dòng chữ vuông vức. Cả đám khói tỏa như đám cháy nhà, tiếng mõ trên vọng canh văng vẳng, lửa đám cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo... tất cả hiện lên đầy ám ảnh. Và hiện lên lung linh nhất, gây ấn tượng nhiều nhất là ba con người đang cúi xuống kia. Cả ba nhân vật Huấn Cao, quản ngục và thầy thư lại bỗng thăng hoa thành những hình tượng kì vĩ, phi thường.
Nguyễn Tuân đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập triệt để: đối lập giữa sự thanh cao của việc cho chữ với cái bẩn thỉu, tối tám của chốn ngục tù; đối lập giữa tấm lụa trắng tinh khiết mùi mực thơm nước với không gian u ám, bẩn thỉu của ngục tù; đối lập giữa thái độ đường hoàng của người tử tù với vẻ khúm núm, vụng về của viên quản ngục và thơ lại. Đúng như nhận xét của Nguyễn Tuân, cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Điều lạ lùng chưa từng có là việc cho chữ, những dòng chữ đẹp đẽ, quý báu ấy đáng lẽ phải diễn ra trong hoàn cảnh bình thường, ở một nơi thư phòng, trang trọng... nhưng ở đây, nó lại diễn ra trong ngục tù với một buồng tối ẩm ướt, bẩn thỉu. Và điều lạ lùng hơn nữa là người viết chữ đẹp, người cho chữ, một nghệ sĩ tài hoa lại là một kẻ tử tù, chỉ đến sáng mai sẽ phải vào kinh để lĩnh án chém, điều lạ lùng ấy vẫn không lạ bằng tư thế, thái độ của người tử tù - người cho chữ. Huấn Cao hiện lên ung dung đường hoàng, quản ngục và thơ lại khúm núm, vụng về. Giờ phút sinh thành ra cái đẹp thật trang trọng và thiêng liêng.
Đây là một thế giới của ảo ảnh. Những lời khuyên bảo của Huấn Cao đối với quản ngục lại một lần nữa cho ta thấy được nhân cách cao quý của ông: “Ta khuyên thầy quản nên thay đổi chốn ở đi”, “thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Huấn Cao không chấp nhận cái đẹp lẫn lộn với cái xấu, cái ác và ông muốn chơi chữ đẹp thì phải sống lương thiện. Rõ ràng, Huấn Cao không chỉ là hiện thân của một người nghệ sĩ tài hoa mà đậm nét hơn là hiện thân của một phẩm tiết, của cái “tâm” của kẻ sĩ.
Bên cạnh một Huấn Cao uy nghi lộng lẫy, hình ảnh viên quản ngục và thầy thơ lại cũng hiện lên thật đẹp và cảm động. Đây cũng là những tâm hồn nghệ sĩ lạc vào chốn nhơ bẩn, tối tăm. Lòng yêu cái đẹp, trọng cái tài của viên quản ngục đã gắn liền với lòng kính phục khí phách và nhân cách cao cả. Họ đúng là những “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Cái vẻ khúm núm của viên quản ngục, cái cử chỉ run run của thơ lại, cái vái tay “xin bái lĩnh” trong lời nói mà “dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào” của quản ngục cũng không phải là biểu hiện của sự kém nhân cách; mà nó nâng họ lên, làm cho họ đẹp thêm ra. Đó là cái vái lạy đầy tôn kính và cảm phục trước cái đẹp, cái cao cả, một cái vái lạy trước hoa mai như câu thơ của Cao Bá Quát ngày trước:
Nhất sinh đệ tử bái mai hoa
(Một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy hoa mai.)
Đúng là cái đẹp, cái tài năng và thiên lương đã chiến thắng và cảm hóa con người.
Đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục là một đoạn văn đặc sắc nhất của tác phẩm. Nguyễn Tuân đã chứng tỏ tài năng của một nghệ sĩ bậc thầy trong việc dựng cảnh và sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, một thứ ngôn ngữ đặc biệt, gợi lên một không gian cổ kính, trang nghiêm, rất thích hợp với việc làm sống lại một thời vắng bóng xa xưa. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của những trang viết này đủ để khẳng định một tài năng văn học uyên bác Nguyễn Tuân.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo