Đề bài: Phân tích bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ
Bài ca ngất ngưởng là lời tự bạch chân thành, là bức chân dung tự họa của một nhà thơ giàu bản lĩnh và cá tính độc đáo. Bài thơ được viết theo thể hát nói, một thể thơ rất phù hợp với tâm hồn phóng khoáng, tự do của Nguyễn Công Trứ và phù hợp với nội dung cụ thể của bài thơ.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ trang 37 SGK Ngữ Văn 11
- Phân tích bức chân dung tự họa của Nguyễn Công Trứ trong Bài ca ngất ngưởng
- Bình luận Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), tự là Tôn Chất, hiệu là Hi Văn, sinh năm 1778 tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc đời của Nguyễn Công Trứ thật phong phú, sinh động, có nhiều nét độc đáo và không kém phần phức tạp. Ông là con người của niềm say mê sôi nổi, của hoài bão lớn lao. Trong ông luôn đau đáu nỗi niềm “chí nam nhi”, “nợ tang bồng”, “nợ công danh”, “gánh trung hiếu”. Ông tận tâm với công việc, trung thành với chế độ phong kiến, hết lòng vì nước vì dân. Nguyễn Công Trứ có cá tính mạnh mẽ, không chịu sống bình lặng trong khuôn phép của đạo lí phong kiến mà luôn luôn vươn tới khẳng định bản ngã, vượt lên thế tục, ngông nghênh ngất ngưởng giữa cuộc đời với những triết lí nhân sinh khá cực đoan.
Nguyễn Công Trứ là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất trong thi đàn dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được viết bằng chữ Nôm, hiện nay mới sưu tầm được trên 50 bài thơ tứ tuyệt, bát cú Đường luật, trên 60 bài ca trù, một bài phú và một số câu đối. Thơ của Nguyễn Công Trứ tập trung vào ba chủ đề cơ bản: chí nam nhi, cảm nghĩ về nhân tình thế thái và cảnh nghèo, trí lí cầu nhàn hưởng lạc.
Bài ca ngất ngưởng là lời tự bạch chân thành, là bức chân dung tự họa của một nhà thơ giàu bản lĩnh và cá tính độc đáo. Bài thơ được viết theo thể hát nói, một thể thơ rất phù hợp với tâm hồn phóng khoáng, tự do của Nguyễn Công Trứ và phù hợp với nội dung cụ thể của bài thơ.
Thể hát nói là một thể thơ dân tộc có nguồn gốc từ ca trù. Thể thơ này mới được hình thành từ thế kỉ XVIII, sang thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX mới được sử dụng rộng rãi. Nguyễn Công Trứ là người có công lớn trong việc đưa thể hát nói thành thể tài thi Ca dân tộc thực sự. Đúng như nhận định của nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Cái thể ca trừ nhờ phép thần của Nguyễn Công Trứ đã trở nên một thể cách hoàn toàn Việt Nam, rất thích hợp với những diễn xuất hùng mạnh... Tôi nhớ như có lần ông Huỳnh Thúc Kháng ví cái điệu thơ ấy với thủy triều... Thể hát nói đa dạng về vần điệu, thanh điệu, phóng khoáng về câu chữ, niêm luật, vì thế các bậc tải tự có tư tưởng tự do, có tinh thần phóng khoáng thích sử dụng thể thơ này để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Chọn thể hát nói để viết Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ đã phát huy được sự màu nhiệm của ngôn ngữ và thể loại để diễn tả tính chất ngất ngưởng của cái tôi trữ tình.
Nguyễn Công Trứ viết Bài ca ngất ngưởng khi ông đã nghỉ hưu ở quê nhà, sống cuộc đời phóng khoáng, tự do, nhàn tản. Nhưng không phải đến lúc xa rời chức phận địa vị công danh Nguyễn Công Trứ mới ngất ngưởng mà đó là phong cách sống, là bản chất, là triết lí sống của ông thể hiện trong suốt cuộc đời, giờ đây mới có dịp nhìn lại một cách toàn diện.
Ngất ngưởng là từ tượng hình thuần Việt có giá trị biểu đạt cao, diễn tả một vị trí, tư thế cao chênh vênh, không ổn định. Sự ngất ngưởng đó không chỉ nói lên vị trí cao của Nguyễn Công Trứ trong triều đình, trong xã hội mà chủ yếu thể hiện thái độ của một con người vượt lên thế tục, sống khác người, khác đời như muốn chơi ngông thách thức với xung quanh.
Bài thơ mở đầu bằng một câu thơ chữ Hán nói lên vai trò quan trọng của kẻ sĩ:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
(Mọi việc trọng trời đất chẳng việc gì là ngoài phận sự của ta)
Là một người có chí khí anh hùng, có chí nam nhi to lớn, Nguyễn Công Trứ luôn luôn nghĩ đến chức phận, trách nhiệm của mình. Đã nhiều lần trong thơ, Nguyễn Công Trứ hùng hồn khẳng định trách nhiệm ấy: Vũ trụ chức phận nội (Gánh trung hiếu), Vũ trụ giai ngộ phận sự (Nợ tang bồng), Vũ trụ chi gian giai phận sự (Luận kẻ sĩ). Ông coi mọi việc trong trời đất đều là việc của mình, muốn ôm mọi việc lớn của non sông, muốn cống hiến hết mình cho đời há chẳng là sự ngất ngưởng đó sao? Để thực hiện trách nhiệm phận sự của kẻ sĩ, Nguyễn Công Trứ phấn đấu không biết mệt mỏi trên con đường khoa cử, hăng hái trên chốn quan trường, ông có nghĩ đến danh nhưng có danh là để có phận, có phận mới có điều kiện cứu nước, yên dân. Vì thế ông không buồn chán bi quan ngay cả khi bị giáng chức, phải làm lính thú ở biên ải. Với động cơ cao đẹp, với nhân cách trong sáng, cụ Thượng Trứ có quyền tự hào về cuộc đời oanh liệt của mình qua những tháng năm hành đạo:
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lăng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Bằng những từ Hán Việt, trang trọng, bằng những điệp từ và cách ngắt nhịp dồn dập, tác giả đã lần lượt kể về những công danh, công trạng và chức vị mà ông đã trải qua. Những câu thơ như lời kể tự nhiên, như một thiên hồi kí ngắn gọn mà sung mãn một niềm tự hào không giấu giếm của nhà thơ. Niềm tự hào của ông không chỉ xuất phát từ bản lĩnh tự tôn mà xuất phát từ chính cuộc đời sôi động trong chốn quan trường, trận mạc, trong sự gắn bó với nhân dân. Ông là người có tài, có công lớn, đặc biệt là việc khai hoang vùng biển đem lại nhiều vùng đất canh tác màu mỡ cho nhân dân. Với những công trạng ấy, Nguyễn Công Trứ thực sự thảnh thơi khi từ giã quan trường sau khi đã làm tròn bổn phận kẻ sĩ.
Nguyễn Công Trứ không những nổi tiếng là người có chí nam nhi, chỉ anh hùng, say mê hết mình trên con đường hành đạo mà còn nổi tiếng là một tay say mê hành lạc. Ở phương diện nào, Nguyễn Công Trứ cũng sống hết mình, sống có chủ trương, có triết lí hẳn hoi. Lúc chưa cổ công danh, ông quyết lập công danh cho kì được: “Không công danh thà nát với cỏ cây”, lúc lao vào ăn chơi hưởng lạc, ông như quên hết chí bình sinh để tận hưởng “túi thơ bầu rượu, yến yến hường hường” với triết lí: “Nhân sinh bất hành lạc - Thiên tuế diệc vị hương”. Cả hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy đều xuất phát từ cá tính độc đáo của Nguyễn Công Trứ. Ông là người không ngủ yên trong cuộc đời bình lặng, đã sống là sống sôi nổi hết mình bất chấp khuôn phép. Lúc về hưu, ông càng có điều kiện bộc lộ phong cách sống ngất ngưởng của mình:
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Ở đây, cái tôi cá nhân của nhà thơ được thể hiện khá rõ nét. Đó là cái tôi khát khao khẳng định bản ngã trước cuộc đời đầy rẫy sự đảo điên của Lê mặt - Nguyễn sơ. Ông sống theo ý thích của mình dù có khác người, trái đời cũng bất chấp thế luận. Lúc cưỡi bò vàng ngất ngưởng rong chơi, ông đeo mo cau vào đuôi bò với dụng ý rất ngông: che miệng thế gian. Lúc đến chốn thâm nghiêm linh thiêng như chùa chiền miếu mạo, ông vẫn đem theo “đủng đỉnh một đôi dì”. Lúc nghe hát ả đào, ông say say tỉnh tỉnh lắc lư theo nhịp trống phách:
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Phải say người, say cảnh, say tình, say thơ đến nhường nào ông mới nhập được hồn thơ vào nhạc điệu như thế! Nguyễn Công Trứ sống hết mình, ngất ngưởng giữa cuộc đời, không quan tâm đến phú quý hay bần hàn, được hay khen hay chê.
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Thái độ sống của Nguyễn Công Trứ thể hiện một bản lĩnh cứng cỏi vượt lên thói đời phàm tục, dám đối lập cá nhân với cộng đồng. Đây không chỉ là thái độ sống của ông lúc về già mà là phẩm chất, tính cách đã định hình từ trước cuộc đời của ông đầy những bước thăng trầm, liên tục phải thay đổi công việc và chức vụ, có lúc là đại tướng, có lúc làm lính thú ở biên ải.
Nhưng dù ở cương vị ông vẫn giữ vững bản lĩnh của mình. Vì ông là người tài năng và có bản chất trong sáng.
Sau khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình, ông kết luận:
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Nguyễn Công Trứ tự xếp mình ngang hàng với các bậc danh tướng trong lịch sử Trung Quốc. Đó không chỉ là niềm tự hào về tài năng mà còn là niềm tự hào về khí tiết, đạo lí. Ông là bề tôi trung thành của nhà Nguyễn, tư tưởng trung quân ái quốc chi phối tất cả những hoạt động của ông trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên tính chất tích cực và tiêu cực của tư tưởng này ở ông còn nhiều điều cần bàn luận. Nhưng xét về tư cách con người, ông là người thủy chung trong sáng. Có như vậy ông mới có thể ngất ngưởng ngay trong chốn quan trường mà vẫn không sợ đố kị, ghen tuông của những gian thần, nịnh thần đương thời. Nguyễn Công Trứ đã ngất ngưởng trước cái xã hội giả dối bất công, ngất ngưởng trước những kẻ sống ươn hèn bạc nhược, chui lủi, sợ hãi ánh sáng và dư luận
Bài ca ngất ngưởng đã khái quát được những nét lớn trong cuộc đời của một nho sĩ tài năng, có phẩm chất cao đẹp, có bản lĩnh vững vàng trước những thăng trầm của lịch sử. Bài thơ xây dựng được một hình tượng nhân vật trữ tình mang ý vị trào phúng, nhưng đằng sau nụ cười ấy là một thái độ sống, một quan niệm nhân sinh mang màu sắc hiện đại. Quan niệm đó là dấu hiệu ban đầu của ý thức về cá nhân, về bản ngã, về nhu cầu giải phóng cá nhân ra khỏi những ràng buộc của xã hội phong kiến mà sang thế kỉ XX sẽ phát triển thành trào lưu tư tưởng.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo