Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Trước đó đã có khá nhiều nhà thơ viết về làng cảnh Việt Nam, nhưng chưa có ai để lại ấn tượng sâu đậm bằng Nguyễn Khuyến.
- Bài học cùng chủ đề:
- Phân tích bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến.
- Phân tích bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến lớp 11
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Trước đó đã có khá nhiều nhà thơ viết về làng cảnh Việt Nam, nhưng chưa có ai để lại ấn tượng sâu đậm bằng Nguyễn Khuyến. Qua những bài thơ của ông, cảnh sắc thiên nhiên của làng quê Bắc Bộ êm đềm tĩnh lặng hiện lên rõ nét. Đó là cảnh những đêm trăng huyền ảo, những ngôi chùa cổ kính, những khúc sông uốn lượn trôi xuôi, những mái nhà thấp thoáng, những ngõ trúc quanh co, những buổi trưa hè yên ả. Trong sáng thanh cao hơn cả là cảnh mùa thu ở làng quê được nhà thơ miêu tả bằng hết bút tinh tế, bằng gam màu thanh nhẹ và bằng một tấm lòng yêu mến nâng niu, trân trọng thiết tha. Khi đọc thơ Nguyễn Khuyến, nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ nôm. Mà thơ nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.
Đọc ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, chúng ta không những được chiêm ngưỡng bức tranh mùa thu thân thuộc nơi làng quê Việt Nam mà còn hiểu được bao nỗi niềm tâm sự của một thi nhân thiết tha gắn bó với quê hương đất nước.
Thu vịnh là mùa thu làm thơ, Thu điếu là mùa thu câu cá, Thu ẩm là mùa thu uống rượu. Căn cứ vào tên gọi các bài thơ, chúng ta có thể hiểu rằng, bài thơ Thu vịnh là bài thơ vịnh cảnh mùa thu nói chung, còn hai bài thơ Thu điếu và Thu âm là cảnh thu được miêu tả trong tương quan với sự việc câu cá và uống rượu. Như vậy nét độc đáo của từng bài thơ là ở điểm nhìn nghệ thuật, là sắc thái tâm trạng khi đón nhận cảnh thu. Nhà thơ Xuân Diệu rất tinh tế khi nhận xét: “Trong ba bài thơ, bài này (tức Thu vịnh) mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao. Mang cái thần của cảnh mùa thu”.
Cái thần của cảnh thu mà Nguyễn Khuyến miêu tả là ở bầu trời: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”. Ấn tượng nổi bật của trời thu là trong sáng, cao rộng gợi lên chiều cao thăm thẳm không cùng. Hai chữ xanh ngắt vừa diễn tả màu sắc trời thu nhưng điều quan trọng hơn là gợi lên chiều cao vời vợi của không gian, cao đến mấy tầng. Cảnh sắc ấy toát lên vẻ đẹp trong sáng, thanh nhẹ rất phù hợp với vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Khuyến, một nho sĩ có cốt cách thanh cao đã lánh xa chốn quan trường bon chen đố kị, lánh xa cái xã hội đảo điên đương thời để giữ trọn khí tiết và nhân cách của mình.
Cách nhập đề của tác giả giản dị, trực tiếp mà gây được ấn tượng mạnh lạ thường. Với bản tính tự nhiên, hồn hậu, Nguyễn Khuyến vượt qua được những hình ảnh sáo mòn ước lệ trong thơ ca phương Đông cô điên vào cảnh thực của mùa thu Việt Nam. Từ bầu trời cao, hồn thơ như tỏa xuống khóm trúc gần gũi trong khuôn viên yên tĩnh:
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Câu thơ giàu tính tạo hình đã in được những cành trúc uốn cong mềm mại lên bầu trời xanh cao rộng. Những cây trúc, cây tre còn non cao vút lên uốn cong như cần câu gặp làn gió thu thổi nhẹ khe khẽ lay động gợi lên không khí hiu hắt của mùa thu. Hai hình ảnh bầu trời và khóm trúc tuy xa nhau về khoảng cách nhưng có nhiều nét tương đồng về màu sắc và đường nét, cần trúc uốn cong gợi nên vòm trời. Vòm trời làm nền cho cần trúc, cần trúc tô điểm cho bầu trời, chúng in hình soi bóng qua nhau, sự phối cảnh của nhà thơ thật tinh tế.
Cảnh thu vẫn được tác giả tiếp tục tái hiện theo cách nhìn từ xa đến gần, từ bầu trời xanh đến khóm trúc, từ khóm trúc đến mặt nước ao nhà, từ ao nhà đến song cửa sổ:
Nước biếc trông như từng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Cảnh thu bay bổng nhẹ nhàng thanh thoát mà hư ảo. Bầu trời gợi hư ảo bằng sự xa xám, làn nước gợi hư ảo bằng từng khói phủ. Câu thơ tả cảnh rất ảo mà lại rất thực. Làn nước mùa thu ít xao động bởi gió mùa thu thổi nhẹ, thời tiết mùa thu chớm lạnh, những làn nước hơi không bay đi, không bốc lên mà vương vấn trên mặt nước như từng khói.
Có nhiều người băn khoăn trước bước nhảy đột ngột về thời gian ở bài thơ này. Sao nhà thơ đang miêu tả cảnh thu ban ngày lại có bóng trăng? Thực chất Nguyễn Khuyến đã tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm khác nhau để tạo nên bức tranh thu trong bài Thu vịnh. Không phải đợi đến lúc cất bút làm thơ Nguyễn Khuyến mới quan sát, chiêm ngưỡng cảnh mùa thu. Những hình ảnh đã đầy ắp trong tâm trí, nhà thơ cứ việc chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu nhất để miêu tả. Điều quan trọng nhất ở đây là tìm ra vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên trong tương quan với cách cảm thụ của thi nhân. Có người vì bị ám ảnh bởi hai chữ để mặc và cho đó là thái độ hờ hững của nhà thơ trước cảnh đẹp, cần phải hiểu ngược lại mới đúng. Đã có song thừa hẳn phải có để mặc bóng trăng vào. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ cáo quan về quê nhà là để “lánh đục về trong”, nhà thơ sống hài hòa với thiên nhiên, coi thiên nhiên là bầu bạn. Cánh cửa nhà luôn luôn rộng mở để đón nhận bóng trăng, đón nhận làn hương từ bên ngoài thoáng tới. Trăng đến với người như đến với người bạn tri kỉ, người luôn rộng mở tâm hồn để đón nhận ánh trăng, để hòa nhập với thiên nhiên trong trẻo. Đó là cách lựa chọn của Nguyễn Khuyến khi treo ấn từ quan:
Lầu son phủ tía nhường cho trẻ
Nước biếc non xanh bạn với già.
(Cảnh trong nhà)
Đọc những bài thơ trữ tình phong cảnh của Nguyễn Khuyến chúng ta đều thấy được sự hòa hợp hồn nhiên đằm thắm giữa người và cảnh.
Ở hai câu đề và hai câu thực, nhà thơ tả cảnh thu, đến hai câu luận, tác giả vẫn tiếp tục viết về cảnh vật nhưng thực chất đã mở ra hướng suy nghĩ luận bàn:
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhà thơ không miêu tả cảnh hoa nở, loài hoa nở mùa thu mà muốn “gợi cái bâng khuâng man mác về thời gian” (Xuân Diệu). Câu thơ của Nguyễn Khuyến gợi nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hộ (Trung Quốc):
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Hình ảnh “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoài” đã nói lên sự bất biến của thiên nhiên tạo vật và sự khả biến của thời gian, thời cuộc. Hoa vẫn như xưa, đến mùa lại nở, còn cuộc đời luôn vận động đổi thay. Nỗi niềm u hoài của Nguyễn Khuyến được bộc lộ kín đáo qua từng hình ảnh thơ như vậy. Nỗi niềm tâm sự đó cũng thể hiện qua câu hỏi tưởng như bâng quơ: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Một tiếng kêu lạc điệu phá tan không gian tĩnh mịch của đêm khuya. m thanh lẻ loi ấy gợi lên cả phương trời xa xôi và gợi lên nỗi bơ vơ đơn độc lẻ loi của con người giữa một thời loạn lạc.
Nguyễn Khuyến về quê nhà ở ẩn để tìm sự thanh thản cho tâm hồn nhưng nhà thơ vẫn không thể dứt bỏ được những trăn trở về tình cảnh của đất nước, nỗi ưu tư về thời thế vẫn dội lên trong lòng nhà thơ trước bất cứ cảnh huống nào. Luôn mang tâm sự u hoài như vậy, tiếng cuốc kêu trong đêm cũng gợi nhớ đến nước non:
Cỏ phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
(Cuốc kêu cảm hứng)
Mạch cảm hứng về thời cuộc đọng lại trong hai câu kết:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Cảm hứng thi ca đã đến với nhà thơ, cảnh thu, cảnh đời bao điều đang thôi thúc. Nhưng khi cầm bút làm thơ, Nguyễn Khuyến lại cảm thấy thẹn với Đào Tiềm. Đào Tiềm (365 - 427) là một nho sĩ có nhân cách cứng cỏi, có khí tiết thanh cao, cáo quan về ở ẩn lúc mới 41 tuổi. Nguyễn Khuyến rất kính trọng nhân cách của Đào Tiềm, lấy gương cố nhân để soi mình. Soi vào đó Nguyễn Khuyến cảm thấy mình chưa sánh kịp với người xưa về nhân cách, khí tiết. Nỗi niềm tâm sự ấy làm ông day dứt đến trọn đời. Trong Di chúc, Nguyễn Khuyến còn ghi lại:
Ơn vua chưa chút báo đền
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.
Đây không phải là chuyện ơn vua mà chính là nợ nước. Nhìn giang sơn đang bị kẻ thù giày xéo mà không thể làm gì để cứu vớt. Vì bất lực nên nhà thơ chỉ còn biết giữ mình sao cho trong sạch, không chịu luôn cúi nơi triều đình, không mong vinh hoa phú quý nơi quan trường. Bởi vì làm quan trong hoàn cảnh ấy là có tội với dân với nước. Còn chút niềm an ủi mà Nguyễn Khuyến có được là: “Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”, không dính dáng đến chuyện bán nước của triều đình nhà Nguyễn.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo