Đề bài: Theo anh chị làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp

Môi trường là toàn bộ các điều kiện tự nhiên, nhân tạo bao quanh con người có tác động tới đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên, có thể nói, môi trường rất quan trọng và vô cùng cần thiết với cuộc sống con người.

BÀI LÀM 1

Môi trường là toàn bộ các điều kiện tự nhiên, nhân tạo bao quanh con người có tác động tới đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên, có thể nói, môi trường rất quan trọng và vô cùng cần thiết với cuộc sống con người. Môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và cuộc sống con người. Vì vậy, để có một cuộc sống khỏe mạnh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, con người cần phải sống thân thiện với môi trường, giữ gìn và bảo vệ môi trường luôn xanh, sạch, đẹp.

Hiện nay, sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp tạo ra nhiều các chất thải độc hại, cùng với đó là nạn chặt phá rừng, xả rác bừa bãi... làm cho môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Trong những năm gần đây, có rất nhiều các thảm họa thiên nhiên xảy ra, hàng nghìn người bị thương và thiệt mạng, tất cả % là do sự biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm. Các loài động vật cũng đang kêu cứu khi môi trường sống của chúng ngày càng hạn hẹp, rừng xanh không còn nữa, chỉ là đất trống đồi trọc. Việc chặt phá rừng hiện nay diễn biến ngày càng chóng mặt khi những người nào đó dùng việc làm này để mưu sinh. Liệu có bao giờ họ nghĩ rằng khi hết rừng, hết gỗ chặt thì lấy ở đâu hay lại lên đường tiếp tục búa rìu phá rừng nữa. Lá phổi của Trái đất ngày càng có nhiều lỗ thủng. Sống trong môi trường ô nhiễm, sức khỏe con người không được đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động sống khác.

Vấn đề môi trường là một vấn đề mang tính toàn cầu. Ngày nay, hầu hết chúng ta biết rằng những mối đe dọa tồn tại, và rất nhiều trong số đó có nguyên nhân từ con người. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta, bất kể tuổi tác đều có thể làm điều gì đó giúp làm chậm và ngược lại một số thiệt hại. Chúng ta phải học cách sống trong một cách bền vững - nghĩa là học cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong đó bao gồm không khí, nước ngọt, rừng, động vật hoang dã, đất nông nghiệp và vùng biển, mà không hủy hoại chúng. Khi dân số tăng nhanh và thay đổi lối sống, chúng ta phải giữ thế giới trong một điều kiện tốt để các thế hệ tương lai sẽ có các nguồn lực tự nhiên tương tự mà chúng ta đang có.

Nhu cầu hướng tới một môi trường sống sạch hơn, xanh hơn, tốt hơn là thiết yếu và hợp lí. Bạn có thể không có khả năng làm giảm sự nóng lên toàn cầu, kết thúc ô nhiễm và cứu những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng một cách riêng lẻ, nhưng bằng cách chọn lựa một phong cách sống thân thiện với trái đất, bạn có thể làm được nhiều việc mỗi ngày để giúp đạt đến những mục tiêu đó. Và có những quyết định thông minh về cách bạn sống, loại và lượng tài nguyên mà bạn tiêu thụ. Hãy bắt đầu việc bảo vệ môi trường sống bằng những việc làm đơn giản và thiết thực nhất trong chính cuộc sống của mình.

Trước hết, chúng ta hãy có ý thức và thực hiện những hành động giữ gìn cây xanh. Cây xanh hấp thụ khí carbon dioxide, ngăn xói mòn đất và cung cấp ô sinh thái cho mọi sinh vật sống. Chúng ta hãy giữ gìn cây xanh bằng cách chọn những vật trang trí nội thất từ các chất liệu thân thiện với sinh thái như tre chẳng hạn. Đừng quá chạy theo một, hãy tìm những loại bàn ghế, tủ đựng quần áo bền như vậy vừa tiết kiệm tiền vừa không góp phần tăng lượng đồ phế thải vào môi trường.

Tiếp đó, chúng ta hãy sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên. Bạn có biết rằng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất sử dụng trong vệ sinh hàng ngày đang làm chúng ta chết dần vì là một trong những nguyên nhân gây ra các căn bệnh như Parkinson, ung thư và các bệnh liên quan đến não. Vậy tại sao không sử dụng các loại hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên và tận dụng hiệu quả mối quan hệ đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát dịch hại.

Một việc tưởng như rất nhỏ bé là tiết kiệm năng lượng điện bằng cách rút các phích ra khỏi ổ cắm khi không sử dụng. Có lẽ bạn không biết rằng việc để cho các thiết bị điện gia dụng ở chế độ “chờ” trong thời gian dài đã làm tiêu tốn một lượng điện lớn. Vì vậy, hãy rút các chuôi cắm ra khỏi ổ hoặc tắt nguồn tất cả các thiết bị như máy sấy tóc, máy vi tính, ti vi, thiết bị sạc điện thoại di động... khi không sử dụng.

Hiện nay, ở nhiều nơi, việc sử dụng năng lượng sạch đang ngày càng phổ biến. Bạn hãy sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo bất cứ khi nào có thể như năng lượng từ gió, ánh nắng mặt trời... Đây là các loại năng lượng sạch vì việc sản xuất và tiêu thụ chúng không làm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính như sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch.

Chúng ta hẳn đều biết nguyên tắc 3R (reduce, reuse, and recỵcle), có nghĩa là giảm sử dụng tái sử dụng - sử dụng sản phẩm tái chế. Con người tạo ra rất nhiều rác, nhất là chất thải gia đình. Hầu hết rác thải được chôn trong những bãi rác khổng lồ hoặc đốt ở lò đốt - cả hai hành động có thể gây nguy hiểm cho môi trường. Liệu có phải tất cả những gì con người không dùng đến đều là rác? Chỉ cần bạn để ý một chút sẽ nhận ra: phần lớn những gì chúng ta vứt bỏ đều có thể. Phần lớn chất thải của con người được tạo thành từ thủy tinh, nhựa, kim loại và giấy, tiêu tốn một lượng khổng lồ những nguồn tài nguyên thiên nhiên như cây, than, dầu và nhôm. Một trong những cách để xử lí rác thải là phân loại rác của bạn. Các chất hữu cơ như vỏ khoai tây, thức ăn thừa, lá trà ... có thể chuyển thẳng vào làm phân ủ trong vườn và sử dụng như một loại phân bón tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Lon nhôm, chai thủy tinh và báo thường được thu hồi từ bậc thềm, nhưng với những sản phẩm khác như chai nhựa, hộp nước trái cây và bìa các tông bạn phải mang đến những địa điểm tái chế gần nhất. Tiếp đó, hãy sử dụng giấy tái chế để bảo vệ cây. Hãy tranh thủ lướt web để tìm kiếm thông tin, thay vì cứ chăm chăm đọc báo, gửi email và file thay vì viết thư, đấy là bạn đã góp phần bảo vệ cây xanh - là nguyên liệu chính sản xuất ra giấy. Bạn cũng nên mang quần áo cũ của bạn tới những cửa hàng từ thiện. Một số sẽ được bán, phần còn lại sẽ được trả lại cho nhà máy dệt để tái chế. Một trong những thứ rất khó tái chế túi ni lông. Bạn hãy giảm sử dụng túi ni lông, tránh mua túi ni lông hoặc từ chối sử dụng các túi giao hàng của siêu thị, thay vào đó sử dụng những túi mua hàng có độ bền cao, hoặc tái sử dụng túi ni lông nhiều lần cho tới khi chúng hỏng và sau đó tái chế. Bạn có tin rằng các túi ni lông không thể bị phân hủy sinh học nên chúng có thể tồn tại trong môi trường đến hàng trăm năm và để sản xuất ra 100 triệu túi nhựa phải tiêu tốn 12 triệu barrel dầu hỏa, vì vậy hãy sử dụng giấy, các loại lá... để gói sản phẩm thay vì sử dụng loại túi này.

Nếu chúng ta mở rộng tầm suy nghĩ về mọi việc, chúng ta thấy rằng thường thì ta nhận được nhiều hơn mất khi chúng ta thay đổi cuộc sống của mình để bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta. Nhiều người nói rằng khi có sự thay đổi thường thì phải đi kèm theo là sự chịu đựng thêm một tác động hay hệ quả nào đó. Nhưng thay đổi là tốt! Bằng cách đơn giản hóa cuộc sống, cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản hơn, dễ dàng hơn và bình yên hơn.

Thế kỉ XX đã đem đến sự phát triển và thay đổi về mặt kĩ thuật trên phạm vi rộng lớn, tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn tốt cho môi trường. Hiện tại, chúng ta đang chịu đựng những hậu quả của sự thay đổi. Sống thân thiện với tự nhiên không phải là một nghiên cứu theo một hay xu thế, mà là một cách tiếp cận có trách nhiệm để suy nghĩ một cách khác biệt về bản thân và môi trường xung quanh bạn. Kết quả sẽ là một thế giới tươi đẹp và bền vững hơn cho tất cả chúng ta. Nếu tất cả chúng ta tạo nên những thay đổi nhỏ này trong đời sống, hiệu quả sẽ vô cùng to lớn. Chúng ta có thể tạo ra một sự khác biệt chung trong cuộc sống hôm nay của mình và thay đổi một cách quyết liệt cho tương lai tốt đẹp hơn. Những thế hệ mai sau sẽ cảm ơn chúng ta về điều đó.

BÀI LÀM 2

Ai cũng biết rằng môi trường có một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng. Môi trường là không khí, là thức ăn, là sự cân bằng sinh thái đảm bảo cho sự sống của con người. Môi trường quen thuộc và gần gũi với chúng ta như những người bạn thân thiết không thể thiếu được trong cuộc đời. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, con người vừa đối xử tàn tệ với môi trường, thậm chí có tính hủy hoại môi trường mà không biết rằng làm như vậy là tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.

Chặt phá rừng, vứt rác bừa bãi, xả nước thải, rác thải công nghệ không đúng quy định của các nhà máy, xí nghiệp... là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của con người. Khí hậu Trái đất đang nóng dần lên một cách bất thường và càng ngày càng khắc nghiệt hơn là nguyên nhân dẫn tới những thiên tai như dông bão, sóng thần, lở núi, lũ quét, lũ bùn, hạn hán... ngày càng dồn dập xảy ra trên khắp thế giới, để lại những tác hại ghê gớm khôn lường về của cải và tính mạng. Đó là một thực tế đáng sợ mà ai ai cũng biết qua các phương tiện truyền thông hiện đại.

Nhân loại phải làm gì để cứu lấy môi trường? Có rất nhiều giải pháp song vấn đề hàng đầu vẫn là giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trước cộng đồng. Bảo vệ môi trường - có thể rất nhiều người nghĩ đó là những hoạt động mang tính quy mô, tốn kém. Điều đó đúng song nó cũng có thể bắt đầu từ những việc làm hết sức nhỏ bé hàng ngày.

Trước hết, chúng ta phải giữ gìn môi trường sống xung quanh cho sạch sẽ, không vứt rác ra đường, ra những nơi công cộng. Điều này nhỏ nhưng không dễ, phải luyện thành ý thức tự giác thường xuyên. Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu hiện nhưng phổ biến nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối thì vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Trong lớp học, sân trường, học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang,... Nguy hiểm hơn cả là tình trạng bệnh viện chôn rác xuống lòng đất ngay bên cạnh khu dân cư, hay mới đây là vụ nhà máy bột ngọt Vedan đã thải nước xuống dòng sông Thị Vải mấy chục năm biến dòng sông thành dòng sông chết. Nhà trường phối hợp với các ban ngành thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, kiểm tra ý thức tự giác của mọi người về việc giữ gìn vệ sinh. Nên có những hình thức khiển trách đúng mức đối với những học sinh có thói quen vứt rác bừa bãi. Đối với người dân vi phạm thì họp tổ dân phố kiểm điểm, Còn công ty nào vi phạm thì thẳng tay phạt nặng, rút giấy phép hoạt. Tốt nhất là các cơ quan nhà nước cần đưa ra những bộ luật thật cụ thể về vấn đề xâm hại môi trường.

Tiếp đó, các nhà máy, xí nghiệp phải được di dời ra xa khu dân cư. Việc xả khói thải, nước thải, chất thải phải được kiểm tra thường xuyên, liên tục theo quy định. Nếu nhà máy, xí nghiệp nào cố tình vi phạm thì Nhà nước phải xử phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép hoạt động hoặc truy tố trước pháp luật.

Bên cạnh việc nghiêm cấm chặt phá rừng, việc trồng cây gây rừng phải được làm thường xuyên, liên tục bảo vệ và tăng cường độ che phủ rừng, cải tạo môi trường sống, phủ xanh đất trống đồi trọc, duy trì lá phổi xanh cho Trái đất, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường, bể góp phần làm cho môi trường ở các thành phố ngày càng xanh và sạch, cần có kế hoạch trồng cây, tạo mảng xanh tại các tuyến đường, công viên.

Trong trường học, học sinh các cấp phải được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường sống thông qua các hình thức như tham gia các kì thi tìm hiểu môi trường, tham gia đội tình nguyện bảo vệ môi trường... Những công việc của “tuổi nhỏ” như tưới nước, tỉa cành, thu gom rác... đã góp phần hình thành một thói quen, một nếp sống tốt trong thiếu nhi đó là tình yêu thiên nhiên, sự thân thiện và ý thức bảo vệ môi trường...

Có thể nói, môi trường là mái nhà chung của toàn nhân loại, mỗi người phải biết giữ gìn nguồn sống của chính mình. Đồng thời, bảo vệ môi trường không phải là một lời nói suông, mà đang đòi hỏi cấp thiết và cần phải hành động ngay, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy, tất cả mỗi người hãy cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Vì tương lai của một thành phố xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của các thế hệ mai sau.

Các bài học liên quan
Đề bài: Hãy bình luận ý kiến: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”
Đề bài: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước: Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp” (Thân Nhân Trúng). Từ quan điểm trên, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình?
Đề bài: Viết bài văn nghị luận xã hội nêu suy nghĩ của em về câu nói sau đây của nhà văn Nga: “Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực mà chính là nơi thiếu tình thương”.
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá con người mà chính con người làm danh giá nghề nghiệp”. - “Louis Pasteur”-
Đề bài: Dân gian có câu: “Ở hiền gặp lành ”, nhưng trong tác phẩm
Đề bài: Từ ý tưởng trong lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, em hãy viết bài văn nghị luận về “tấm lòng”

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật