Đề bài: Thiên nhiên trong hai khổ thơ đầu và cuối bài “Tràng giang” của Huy Cận

Bài thơ Tràng giang được sáng tác trước năm 1940 khi Huy Cận còn đang học ở Trường Canh nông. Một lần đứng trước sông Hồng ở bến phà Chèm, ông đã nhớ về dòng sông quê hương và đây chính là sự khơi gợi cho nhà thơ viết bài Tràng giang.

BÀI LÀM 1

Muôn thuở đời này, thiên nhiên vẫn là người bạn tri âm tri kỉ của hồn thơ thi sĩ. Thiên nhiên gắn bó, đồng cảm và sẻ chia với thi nhân mọi cảm xúc, nỗi lòng. Hoa lá cỏ cây say mê rạo rực cùng tâm hồn sôi nổi. Vội vàng của Xuân Diệu, trăng và đêm chao đảo điên cuồng cùng nỗi đau Hàn Mặc Tử... và sông trời mây nước trong vũ trụ này âu sầu “ảo não” với nỗi “sầu vạn kỉ” của nhà thơ Huy Cận trong Tràng giang, rất gọn, rất đẹp nhưng cũng không tránh khỏi vẻ buồn tủi cô đơn nhuốm từ nỗi buồn tận đáy lòng thi sĩ.

Vẻ đẹp và nỗi buồn của áng thơ ra đời vào một buổi chiều thu năm 1939. Theo nhà thơ kể lại, hôm ấy người nhìn cảnh sông Hồng mênh mông sông nước - nhìn cảnh rợn ngợp bộn bề mà nghĩ về kiếp người nổi trôi vô định. Sông nước hữu tình cộng hưởng với tâm hồn đa cảm của nhà thơ đã gợi tứ cho Tràng giang và ngay tiêu đề bài thơ đã là một điều gì rất đẹp nhưng rất buồn.

Tràng giang là một từ Hán Việt có ý nói sông dài, nó đã mở ra một không gian mênh mông vô biên, vô tận (tác giả không dùng “trường giang” vì chỉ có nghĩa là sông dài). Dùng “tràng giang”, âm “ang” trong cụm từ điệp lại và thanh bằng (mở ở cuối câu) gợi được cả chiều dài lẫn chiều rộng. Tràng giang đi vào thơ Huy Cận là một tạo vật thiên nhiên mặc dù nó được gợi tứ từ một địa điểm cụ thể, nhưng khi trở thành hình tượng thơ, nó khước từ mọi địa danh cụ thể để trở thành địa danh phổ quát. Nhan đề gợi cảm hứng về một không gian, nó không chỉ dừng lại ở một con sông đơn thuần, cụ thể mà còn là sự triền miên của dòng sông cảm xúc.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ không chỉ thể hiện qua nhan đề mà còn thể hiện qua câu thơ đó từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Bài thơ gợi không gian mênh mông của đất trời, gợi trong sâu thẳm lòng người một nỗi niềm bâng khuâng nhớ về sông dài trời rộng. Nó là cơ sở để khám phá những dòng cảm xúc trong bài thơ.

Khổ thơ đầu của bài thơ là nỗi sầu vời vợi triền miên được gợi lên từ những hình ảnh:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Ở hai câu thơ đầu, cảnh vật được gợi tả khá quen thuộc, bình dị, sông nước, thuyền trôi... “sóng gợn” nhưng khi thêm cụm từ “buồn điệp điệp” thì sống ấy đâu còn là hình ảnh của thiên nhiên mà là sóng ở trong lòng người. Đồng thời, Huy Cận vẽ ra những luồng nước cứ song song rong ruổi mãi về phía trời. Cảnh sông nước mênh mông thơ mộng. Không gian được mở ra theo chiều rộng và mở ra theo chiều dài. Có sự xuất hiện của cặp hình ảnh “sông nước - con thuyền”. Đây là cặp hình ảnh phổ biến trong thơ ca dân gian và thơ ca trung đại.

Trong thơ Huy Cận, thể thơ và hình ảnh không có gì mới mẻ nhưng cảm xúc thì hoàn toàn khác lạ. Cảm xúc hoàn toàn mới lạ nhờ cặp từ láy nguyên “điệp điệp”, “song song” ở cuối câu tạo dư ba cho ngôn ngữ để càng dễ hình dung về một dòng sông triền miên vô định.

Sang hai câu thơ sau, tình buồn bắt gặp cảnh buồn với:

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

vẫn biết xuyên suốt bài thơ, tâm trạng thi nhân nhuốm đầy cảnh vật (không vậy sao cảnh buồn đến thế!) nhưng phải đến cuối bài người đọc mới thấy rõ được nỗi lòng nhà thơ. Tác giả sâu nỗi “nhớ nhà”. Không có khói sóng lan tỏa trên sông như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

nhưng Huy Cận cũng da diết nhớ quê, nhớ nhà. Điều đó đủ thấy nỗi buồn của nhà thơ là buồn từ trong buồn ra (không phải buồn vì cảnh vật tác động), vì vậy, thiên nhiên của Tràng giang của nghiêng nghiêng âm thầm theo nỗi lòng của tác giả.

Có thể nói, thiên nhiên trong Tràng giang là một bức tranh đẹp mà buồn. Với lòng yêu mến đất nước, lòng yêu thiên nhiên sẵn có, thi nhân đã vẽ nên một bức họa xinh xắn, tinh tế. Nhưng thiên nhiên còn mang nặng tâm trạng buồn bã u hoài của tác giả nên có chút gì tan tác, đơn chiếc, buồn thương.

Nét đẹp cũng như nỗi buồn trong thiên nhiên Tràng giang đều thể hiện tài năng, sự tinh tế của Huy Cận. Quan trọng hơn, điều đó còn xác định lòng yêu nước thiết tha, khắc khoải của Huy Cận nói riêng, của thế hệ thanh niên Việt Nam đương thời nói chung. Bởi suy cho cùng, trong thời đại ấy, có con người Việt Nam chân chính nào mà không buồn, không đau cho được?!

Tràng giang, tự thân trong đó đã mang cái hồn của quê hương xứ sở. Nói như Xuân Diệu, Tràng giang là “một bài thơ ca hát non sông đất nước”. Và như vậy. Tràng giang thực sự là “một kiệt tác xinh xắn” trong nền văn học Việt Nam.

BÀI LÀM 2

Nhà thơ Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới với rất nhiều những tác phẩm đặc sắc. Trong thơ của ông, thiên nhiên là đề tài chính luôn được nói đến. Trong bài thơ Tràng giang, vẻ đẹp thiên nhiên đã được Huy Cận khắc họa rõ nét và đặc sắc ở khổ 1 và khổ 4.

Bài thơ Tràng giang được sáng tác trước năm 1940 khi Huy Cận còn đang học ở Trường Canh nông. Một lần đứng trước sông Hồng ở bến phà Chèm, ông đã nhớ về dòng sông quê hương và đây chính là sự khơi gợi cho nhà thơ viết bài Tràng giang. Nếu như khổ thơ đầu là thiên nhiên rộng lớn mênh mông thì khổ thơ cuối là những hình ảnh thiên nhiên khiến tác giả nhớ đến quê nhà của mình.

Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp thiên nhiên rộng lớn, mênh mông gợi buồn của dòng sông:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Trong ba câu thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả hình ảnh con thuyền, sóng nước, cành củi khô. Con thuyền nhỏ bé lênh đênh trôi dạt trên dòng nước rộng mênh mông. Dòng sông ấy chỉ có sóng gợn, tức là sóng rất nhỏ liên tiếp tạo thành một nỗi buồn không dứt hết đợt này đến đợt khác. Thuyền và nước cùng trôi trên những đợt sóng sầu trăm ngả. Một loạt những từ như: “điệp điệp”, “song song”, “trăm ngả”, “về ...” đều gợi sự chia tan, chia lìa tưởng như không bao giờ gặp lại được. Hình ảnh “củi một cành khô” trôi vật vờ trên dòng sông thể hiện dụng ý của tác giả muốn nhấn mạnh rõ nét hơn. Câu thơ vừa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho những kiếp người bơ vơ, lạc lõng trong cuộc sống. Bởi vậy cảnh làm cho nhà thơ cảm thấy buồn. Đúng như quy luật của con người, đứng trước cảnh dòng sông rộng lớn, con người ta thường cảm thấy nhỏ bé. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh ra đời của bài thơ, Huy Cận muốn nói đến tâm trạng của thế hệ thanh niên cũng bơ vơ giữa dòng đời, không tìm được lối đi.

Khác với khổ thơ đầu, tác giả giới hạn sự vật vào một thì đến khổ thơ cuối, ý thức đơn lẻ lớn hơn, mạnh hơn và nỗi buồn nhớ càng da diết hơn. Ở khổ cuối, nhà thơ miêu tả cảnh bầu trời hùng vĩ:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Hình ảnh bầu trời cao với “lớp lớp” mây trắng đùn ra thật đẹp và hùng vĩ. “Mây trắng” và “cánh chim” là những hình ảnh ước lệ. Cánh chim nhỏ nhoi làm bầu trời cao rộng càng thêm rộng lớn. Cánh chim đơn chiếc, nhỏ nhoi trong buổi chiều tà và trong không gian cao rộng, ngút ngàn càng làm cho không gian thêm diệu vợi. Trước cảnh thiên nhiên, Huy Cận đã thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết ở hai câu thơ cuối.

Bài thơ được đặt tên là Tràng giang chứ không phải “Trường giang” bởi “trường” là dài, còn “tràng” là rộng lớn. Tác giả đã sử dụng rất nhiều tính từ gợi tả cùng những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Qua đó thể hiện nỗi nhớ nhà và tình yêu quê hương da diết. Bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển và hiện đại. Cổ điển thể hiện ở thể thơ, thi liệu của cuộc sống, sử dụng nhiều từ Hán Việt và hình ảnh ước lệ tượng trưng. Còn hiện đại vì tác giả không chỉ mang nỗi buồn cá nhân, cảnh vật gần gũi thân thuộc, thể hiện trực tiếp cái tôi của tác giả.

Tràng Giang đưa ta chảy về biển trời xa xăm cuối cùng lại đẩy ngược ta về với cội nguồn. Có lẽ vì thế bài thơ sẽ còn mãi “làm tổ” trong lòng người đọc với vẻ đẹp cổ điển trang nhã, sâu lắng và vẻ đẹp hiện đại mang nặng một tấm lòng yêu nước, yêu quê hương.

BÀI LÀM 3

Huy Cận là một nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi không gian. Tràng giang được xem như là một kiệt tác thể hiện rõ phong cách thơ của ông với không gian thiên nhiên được vẽ nên mênh mông, hùng vĩ ở khổ thơ đầu và khổ cuối:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
...
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Đến với khổ thơ đầu, ta bắt gặp hình ảnh của sông nước mênh mông. “Sóng gợn” làm người đọc như hình dung ra hình ảnh của con sóng tới tấp xô bờ, gọi lên nhau tít tắp, trải ra trước mắt ta dòng sông tràng giang dài và rộng. Trên dòng tràng giang đó, tác giả bỗng ‘‘thấy” một con thuyền đem cõi xuôi dòng. Điệp từ “song song” và “điệp điệp” tạo nên nhịp điệu ngay từ đầu. “Nước song song” liệu sẽ đưa chiếc thuyền đi về đâu. “Song song” gợi sự liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, gợi lên nhau, dòng nước thì cuốn đi xa, miên man, xa tít tắp vô định. Đến câu thơ thứ ba, con thuyền của nhà thơ có lẽ đã xuôi đi một bến bờ nào đó, nhường lại cho không gian tràng giang lại thêm bao la, rợn ngợp khi thiếu vắng bóng dáng con thuyền. Bức tranh sông nước lại như được mở rộng hơn nữa ra hàng trăm ngả. Dòng sông lúc này không chỉ dài mà còn rộng lớn, sự tăng tiến của không gian thiên nhiên không thể nhìn thấy trực tiếp, mà nó ẩn qua mỗi câu chữ, trải ra trong tâm trí người đọc. Và lúc này, từ không gian bao la khái quát, tác giả lại “thả” một sự vật chưa từng có trong thơ văn trung đại vào dòng tràng giang, đó là cành củi khô. Điểm nhìn tập trung vào một chi tiết, nhưng nó làm bức tranh sông nước thêm sống động nhờ sự xuất hiện của cành củi đang trôi dạt. Tuy là cảnh đang tồn tại trong thế vận động: sóng gợn, thuyền xuôi dòng, củi trôi... nhưng lại tạo cảm giác đơn độc, lạc lõng.

Đến khổ cuối, sự vật thiên nhiên đã được chuyển sang một hướng khác: đó là mây, núi. Người yêu thơ sẽ nhìn thấy ngay từ đầu những từ láy lớp lớp như tô điểm, tô đậm trên bầu trời cao rộng những tầng mây trùng điệp, bao quanh “ngọn núi bạc”. “Mây cao” và “núi bạc” bỗng làm không gian Tràng giang giãn nở lên một tầng cao hơn, bức tranh thiên nhiên không dừng lại ở cảnh sông nước nữa mà còn là cảnh mây núi hùng vĩ. Cũng giống như khổ đầu, từ cái nhìn bao quát ở không gian rộng, tác giả bỗng trở về một chi tiết nhỏ nhưng nổi bật trên bầu trời mây: “chim nghiêng cánh nhỏ”. Đây là một hình ảnh thơ đẹp, hình ảnh chim nghiêng cánh như muốn kéo cả bóng chiều về với không gian nơi đây. Chữ “sa” dùng thật đắt, cánh chim kia không phải sải rộng trong không gian, mà nó bỗng nghiêng mình nặng trĩu bởi “màu thời gian”. Cuối cùng, bức tranh khép lại với hình ảnh “không khỏi hoàng hôn” mà lại thật quen thuộc của quê hương Việt Nam. Bóng chiều cùng màu hoàng hôn trong tưởng tượng dưới ngòi bút của tác giả đã như kéo bức màn của bức tranh Tràng giang với bao cảm xúc của người đọc đọng lại.

Được xếp vào một trong những kiệt tác của phong trào Thơ mới, nhưng hai khổ thơ của Tràng giang vẫn mang dáng dấp những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, của sông nước mênh mông bao la, của mây núi hùng vĩ, thanh bình nhưng trên hết ta thấy được tài năng vượt bậc của thi nhân và tình yêu quê hương sâu đậm của người con đất Việt.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu.
Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang... Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Đề bài: Phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu:  Ta muốn ôm!... Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật