Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang... Với áo mơ phai dệt lá vàng

Xuân Diệu là nhà thơ đại diện xuất sắc trong nền thơ ca lãng mạn Việt Nam thời kì 1930 - 1945. Thơ Xuân Diệu bộc lộ niềm yêu đời, yêu cuộc sống, con người và khát khao hạnh phúc. Thơ ông luôn thể hiện niềm khát khao giao cảm với đời, với vũ trụ. Ông luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận hương sắc muôn màu của cuộc sống. Từ mối giao hòa ấy, Xuân Diệu đã để lại nhiều bài thơ đặc sắc. Một trong số đó là bài Đây mùa thu tới viết trước Cách mạng (1938).

Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

BÀI LÀM

Xuân Diệu là nhà thơ đại diện xuất sắc trong nền thơ ca lãng mạn Việt Nam thời kì 1930 - 1945. Thơ Xuân Diệu bộc lộ niềm yêu đời, yêu cuộc sống, con người và khát khao hạnh phúc. Thơ ông luôn thể hiện niềm khát khao giao cảm với đời, với vũ trụ. Ông luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận hương sắc muôn màu của cuộc sống. Từ mối giao hòa ấy, Xuân Diệu đã để lại nhiều bài thơ đặc sắc. Một trong số đó là bài Đây mùa thu tới viết trước Cách mạng (1938). Cả bài thơ gợi tả phong cảnh khi mới chớm vào thu, mang nỗi buồn của mùa thu và gieo vào lòng người đọc nỗi buồn thấm thía nhưng thật đẹp. Đoạn thơ đầu rất tiêu biểu in đậm nét thu riêng của hồn thơ Xuân Diệu:

         Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
              Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
     Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng

Bài thơ mở đầu bằng cảnh thật buồn. Cái buồn của lòng người thấm vào cảnh vật: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang. Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Trong thơ ca truyền thống, nói đến mùa thu là nói đến sen tàn, là ngô đồng rụng, cúc nở hoa:

  Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.

Chỉ cần một chiếc lá ngô đồng rụng là biết đất trời đã vào thu, nào cần phải nói gì nhiều. Chiếc lá ngô đồng lìa cành trong thơ xưa trở thành biểu tượng của mùa thu. Xuân Diệu không cần đến chiếc lá ngô đồng rụng mà vẫn cứ là mùa thu. Mùa thu của ông không hẳn đã là sự tàn tạ, chết chóc mặc dù nỗi buồn cũng là đến độ vô cùng:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
     Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Mùa thu được Xuân Diệu cảm nhận trước hết bằng hình ảnh rặng liễu. Đây là hình ảnh ước lệ xuất hiện nhiều trong thơ trung đại: “Khi về hỏi liễu Chương Đài”, “Lơ thơ tơ liễu buông mành” - (Nguyễn Du), “Dặm liễu sương sa khách bước dồn” (Bà Huyện Thanh Quan). Đối với Xuân Diệu, liệu lại được nhân hóa như con người: lá mướt dài rủ xuống, thướt tha như người thiếu nữ đứng cúi đầu cho những làn tóc mây đổ xuống, đồng thời cũng gợi ngàn dòng lệ tuôn rơi hàng nối hàng.

Quả thật khi mùa thu vừa tới mà cảnh đã buồn thê lương, không phải là nỗi buồn man mác, hắt hiu như Nguyễn Khuyến, Tản Đà... mà là một nỗi buồn vợ ra bằng nước mắt, bằng ngàn dòng lệ tang tóc. Nỗi buồn ấy thật mênh mang.

Nó mở ra cả không gian ba chiều dày đặc bởi đâu có phải một cây liễu mà là một “rặng liễu”, một hàng người... Những từ “đìu hiu”, “chịu tang”, “tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”... cách sử dụng thanh điệu và láy âm đã tạo ra một âm điệu buồn, gợi rất đạt cái dáng buông xuống, rủ xuống mềm mại của những hàng tơ liễu. Nhưng ngay ở hai câu thơ này, mùa thu tuy buồn mà vẫn đẹp và nhất là vẫn trẻ trung. Còn nhớ cả nhà thơ cổ điển thường “tự nhiên hóa con người”, tả vẻ đẹp của con người thường so sánh ví von với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực (Nguyễn Du ví sắc đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”...). Với Xuân Diệu thì ngược lại, ông lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp, thiên nhiên được nhân hóa một cách nghệ thuật. Do vậy mặc dù cảnh buồn đến thế nhưng với cách nhìn trẻ trung của nhà Thơ mới, luôn nhìn đời bằng cặp mắt “xanh non, biếc rờn” nên người đọc vẫn thấy cảnh buồn mà lại đẹp:

    Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Câu thơ vang lên như một tiếng reo khẽ. Được nhắc lại tới hai lần với từ “đây” ở đầu câu biểu hiện nỗi niềm đầy hứng khởi, xác nhận một sự thực bấy lâu vẫn chờ mong: ấy là sự hiện diện trọn vẹn của mùa thu. Nhịp điệu câu thơ bỗng trở nên gấp gáp, một sự ngỡ ngàng chợt đến nhẹ nhàng, một chút yêu đời, yêu cuộc sống.

Câu thơ cuối là hình ảnh bầu trời thu, không gian mùa thu, cái không gian mùa thu ấy như chiếc áo màu “mơ phai” choàng cho cảnh vật, tạo cho mùa thu một dáng vẻ tươi sáng thanh nhẹ.

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Với Xuân Diệu, tín hiệu của mùa thu tới là màu vàng - sắc màu đặc trưng của mùa thu. Nó mang đến cho mùa thu một vẻ đẹp rực rỡ mà không mùa nào có được - một vẻ đẹp tươi thắm tột cùng trước khi tàn lụi. Câu thơ Xuân Diệu gợi nhớ đến bức tranh “Mùa thu vàng” của Lêvitan. Chúng ta cũng không thể quên được những câu thơ tả cảnh thu vào loại hay nhất.

Nguyễn Du:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
                                                               (Truyện Kiều)

Nhà thơ Bích Khê:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.

Xuân Diệu cũng nằm bất rất đúng cái sắc vàng của mùa thu ấy nhưng mà vàng nhạt, màu của chiếc áo “mơ phai” dệt bằng sắc lá vàng tươi. Cái đẹp của chiếc áo thu vàng như chứa đựng một sự tàn phai quên lãng, nhưng chính nhờ cái sắc màu tươi sáng thanh nhẹ ấy mà đoạn thơ tuy buồn nhưng không hiu hắt bi thương.

Chỉ với bốn câu thơ/ Xuân Diệu đã làm sống dậy cả một cảnh thu, một sắc thu Việt Nam với những vẻ đẹp vừa thân quen, vừa mới lạ của một hồn thơ nhạy cảm và tinh tế. Nhưng thấm sâu trong cảnh thu vẫn là một nỗi buồn man mác. Đó là nỗi buồn của thời đại, nỗi buồn của một thế hệ thi nhân mất nước mang cái “tôi” bé nhỏ của các nhà thơ lãng mạn bơ vơ trước cuộc đời. Nỗi buồn ấy, vẻ đẹp ấy đã làm nên một nét thu riêng của Xuân Diệu nhưng lại là một nét thu tiêu biểu cho thơ lãng mạn bấy giờ.

Có thể nói đoạn thơ đầu là đoạn hay nhất trong bài thơ mùa thu của Xuân Diệu, được cảm nhận với những hình ảnh! màu sắc, âm thanh rất riêng, rất Xuân Diệu. Đoạn thơ thể hiện cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm, tất cả được diễn tả bằng ngôn ngữ mới lạ. Đúng như nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói: “Xuân Diệu là nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”.

Các bài học liên quan
Đề bài: Hãy làm sáng tỏ ý kiến của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
Đề bài: Phân tích cái “ngông” trong “Hầu Trời” của Tản Đà.
Đề bài: Chứng minh rằng, truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc, như có nhà nghiên cứu đã nhận định, là một khi tình xuất sắc thể hiện sự kết hợp giữa chính trị và văn chương trong sự nghiệp sáng tác của Bác Hồ.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật