Đề bài: Bình giảng khổ thơ đầu bài ”Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử

Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn, tài năng của Hàn Mặc Tử. Bài thơ có ba khổ, khổ thơ thứ nhất là vườn thôn Vĩ Dạ, khổ hai là cảnh trời mây sông nước với hoa bắp lay, với trăng, khổ ba nói về lòng người...

BÀI LÀM

Nói về thơ văn Hàn Mặc Tử, nhà thơ Chế Lan Viên quả quyết rằng: “Mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và cái còn lại của cái thời kì này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Từ”. Không phải đó là sự đánh giá quá cao mà là sự thấu, hiểu, một tấm lòng trân trọng ngưỡng mộ tới một tài năng có sức sáng tạo mãnh liệt nhất trong phong trào Thơ mới. Thật vậy, cuộc đời Hàn Mặc Tử quá ngắn ngủi. Ông chỉ sống có hai tám năm song những gì ông để lại thật có ý nghĩa - nó sẽ mãi mãi bất tử cùng thời gian và làm rung động trái tim mọi thời. Trong đó, đặc sắc nhất là những bài thơ viết về thiên nhiên, đất nước và con người. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tâm hồn, tài năng của Hàn Mặc Tử. Bài thơ có ba khổ, khổ thơ thứ nhất là vườn thôn Vĩ Dạ, khổ hai là cảnh trời mây sông nước với hoa bắp lay, với trăng, khổ ba nói về lòng người... Mới đọc tưởng như ba khổ thơ không liên quan gì đến nhau. Nhưng thơ Hàn Mặc Tử là thơ hướng nội. Đọc thơ Hàn Mặc Tử là phải đọc bằng tâm trạng và cảm thụ bằng tâm trạng của người viết thì chúng ta sẽ thấy, khổ thơ có một chất kết dính liền rành mạch rất chặt. Chất keo ấy chính là tâm trạng cảm xúc của người viết. Bao trùm lên bài thơ là một nỗi đau để nuối tiếc và chơi vơi trước bao khái niệm đẹp về Vĩ Dạ, về xứ Huế, về con người, về tình yêu. Khổ thơ đầu thể hiện rõ nội dung ấy:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Đây không phải là một bức tranh toàn cảnh về vườn thôn Vĩ mà cảnh có sự chọn lọc của tiềm thức: ấn tượng của tác giả về thôn Vĩ Dạ. Người ta nói rằng hồi còn là nhân viên Sở Đạc điền ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có quen rồi yêu một cô gái có tên là Hoàng Cúc người Huế. Song vì những lí do thường tình của cuộc sống, một thời gian sau Hàn Mặc Tử trở lại Quy Nhơn, Hoàng Cúc đã về Vĩ Dạ. Thế rồi căn bệnh hiểm nghèo đã đẩy Hàn Mặc Tử phải vào điều trị ở trại phong Quy Hòa. Một buổi chiều, cô gái Huế gửi vào cho nhà thơ một tấm ảnh chụp phong cảnh Huế kèm theo mấy lời hỏi thăm. Có lẽ đó là chất men xúc tác đã khơi cảm hứng cho tác giả, làm sống dậy những kỉ niệm về thôn Vĩ trong tâm tưởng của nhà thơ.

Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Nhiều người cho rằng đây là một lời mời chào có pha chút trách móc dịu ngọt của cô gái Huế đối với nhà thơ, trách Hàn Mặc Tử tại sao lâu không về chơi thôn Vĩ. Nhưng nghĩ kĩ lại thì không phải như thế bởi ai lại nỡ lòng nào đi trách một người đang đau vì bệnh tật, cô đơn, bất lực, tuyệt vọng đang từng ngày ngồi chờ tử thần mang đi. Đây chính là lời tư vấn của nhà thơ. Nhà thơ phân thân để tự hỏi mình sao không về thăm thôn Vĩ, chữ "anh" trong câu thơ là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất chứ không phải là ngôi thứ hai. Nhà thơ bất lực không về được nữa nên thành ra phải hỏi. Mà hỏi chỉ là hình thức ngôn ngữ bên ngoài để bọc cái nỗi đau bên trong - nỗi đau muốn về lại mà không sao về được nữa. Trong thơ thường có những khoảng trống, khoảng trắng, những đoạn không nói là như thế. Nếu chỉ đọc qua không hiểu rõ hoàn cảnh của Hàn Mặc Tử và mối tình đầu đã qua của nhà thơ, người đọc rất dễ tưởng rằng đây là một câu mời chào và lời trách yêu của cô gái thôn Vĩ. Nhưng nếu đặt câu thơ trong toàn bộ bài thơ, trong hoàn cảnh đau thương của Hàn Mặc Tử, ta mới thấy hết nỗi đau chất chứa trong lòng thi sĩ. Thôn Vĩ giờ đây chỉ còn là nơi đi về hoài niệm, trong nỗi nhớ thương khắc khoải. Bài thơ đặt ra một câu hỏi day dứt nhức nhối và cả bài thơ sẽ là sự trả lời cho câu hỏi đó. Điều đó giúp ta hiểu vì sao nhà thơ lại phải tự vấn mình như thế và vì sao ông muốn về lại thôn Vĩ mà không thể nào về được nữa.

Từ câu hỏi mở đầu, vẻ đẹp của Vĩ Dạ cứ hiện dần lên trong bài thơ, trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử. Trước hết là cảnh vườn quê thôn Vĩ bừng sáng lên rực rỡ trong nắng ban mai:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Bức tranh vườn cây thôn Vĩ nổi hẳn lên là những hàng cau vươn cao hơn các tán lá khác để đón ánh nắng mặt trời. Đặc biệt sinh động là cái ánh nắng ban mai “nắng mới lên” rực rỡ. Đó chỉ là một khoảnh khắc thời gian nhất định trong một ngày, nhưng chính cái khoảnh khắc ấy đã in đậm trong tâm trí nhà thơ và trở thành một hình ảnh không thể nào quên được về thôn Vĩ. Một câu thơ mà có đến hai lần lặp lại chữ nắng "nắng hàng cau, nắng mới lên" làm bức tranh trở nên lung linh. Dường như đó không phải là hình ảnh của thị giác mà là hình ảnh bằng hồi ức, bằng kỉ niệm trong lòng thi nhân, mà hoài niệm thì bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh tỏa sáng, nhất là kỉ niệm về một nơi đã từng gắn bó của một người biết mấy tha thiết với cuộc sống. Nhà thơ Hồng Nguyên viết về người lính nhớ về những nơi đã từng đi qua, nhớ làng xuôi, xóm ngược cũng là nhớ về những hàng cau ấy:

Tôi nhớ làng xuôi xám ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
                                        (Nhớ - Hồng Nguyên)

Trong câu thơ trên có hàng cau, có nắng nhưng vẫn không phải cái nắng của Hàn Mặc Tử. Cái nắng hàng cau nắng mới lên của Hàn Mặc Tử tinh khiết, lung linh và hư ảo hơn nhiều, nó là một cái gì khó nắm bắt, khó định hình nhưng nhờ nó mà cảnh trở nên kì diệu và có hồn.

Cảnh vườn quê thôn Vĩ hiện lên trong hoài niệm của Hàn Mặc Tử là một màu xanh đầy sức sống: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Thôn Vĩ Dạ nổi tiếng với những vườn cây hoa trái hôn mùa và trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử, chúng hiện lên thật quyến rõ, Nhà thơ dùng chữ “mướt” thật tinh tế và gợi cảm. Mướt gợi một màu xanh nhưng không phải xanh tươi, xanh mượt mà là một màu xanh non mơn mởn đang độ phát triển, màu xanh như còn bóng lên trong trẻo tựa như khu vườn vừa được tắm gội sạch sẽ. ’’Xanh như ngọc” là một phép so sánh đẹp và chính xác vì trong màu xanh còn có ánh sáng của những tia nắng ban mai chiếu xuống. Chỉ với hai câu thơ, Hàn Mặc Tử đã dựng lên một cảnh sắc vườn quê. Ví dụ đầy ấn tượng mang vẻ đẹp riêng của xứ Huế nhưng tại sao lại là “vườn ai” mà không phải là vườn em? Một chữ “ai” phiếm chỉ mà day dứt biết bao những nuối tiếc trước cảnh thôn Vĩ. Trong kho tàng ca dao Việt Nam, chữ "ai" có một biểu hiện tinh diệu vô cùng:

Ai đi đường ấy xa xa
Để ai ôm bóng trăng tà năm canh.

Nhưng ở đây “ai” đâu còn là một đại từ phiếm chỉ như trong ca dao nữa mà có địa chỉ rõ ràng, tuy vậy, nó vẫn không đủ để tác giả gọi bằng em. Bởi thôn Vĩ đâu còn là của mình, kỉ niệm chỉ còn trong quá khứ, làm sao có thể trở lại thôn Vĩ Dạ được. Vì thế nhắc đến những cảnh sắc thôn Vĩ chỉ làm nhói đau thêm nỗi xót xa nuối tiếc. Nỗi đau như nén lại trong một chữ “ai” gợi cảm giác xa vời và từ “vườn ai” mà nỗi đau gợi đến “thuyền ai” đậu trên sông trăng có chở trăng về để xoa dịu nỗi đau, để rồi lại chơi với tuyệt vọng trong nỗi ngậm ngùi luyến tiếc “Ai biết tình ai có đậm đà”. Thơ Hàn Mặc Từ làm cho người đọc day dứt từ những chi tiết rất nhỏ, chữ "ai" mang đầy tâm trạng ấy.

Câu thơ thứ tư được tác giả cách điệu hóa mang ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp của con người: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Thấp thoáng trong vườn cây xanh tốt sau những tán lá tre mạnh mai ấy là một khuôn mặt “chữ điền” vuông vức, hồn hậu, thật thà. Con người xuất hiện làm cho bức tranh sinh động hẳn lên và hài hòa giữa cảnh với con người. Thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng quả là một họa sĩ cao tay: bức tranh vườn cây thôn Vĩ nếu thiếu vắng “mặt chữ điền” thì sẽ trở nên trống vắng, ngược lại “mặt chữ điền” mà không có “lá trúc che ngang” thì sẽ không còn thi vị. Hơn nữa, hình ảnh cây trúc trong thị hiếu thẩm mĩ của người dân Việt Nam cũng là một biểu tượng cho thiên nhiên đẹp “trúc xinh trúc mọc đầu đình”. Thiên nhiên tô điểm cho vẻ đẹp của con người và con người xuất hiện làm bừng sáng thêm cảnh sắc vườn cây đậm đà, thêm sắc mới cho màu xanh. Câu thơ khép lại bức tranh vườn cây thôn Vĩ để lại một hình ảnh đẹp trong tâm tưởng nhà thơ và một dư vị buồn trong nỗi đau nuối tiếc của thi sĩ.

Đoạn thơ bốn câu xinh xắn như một bài thơ tứ tuyệt. Nó không chỉ làm nổi lên một khung cảnh thiên nhiên xanh tươi đẹp đẽ của xứ Huế mà đằng sau những hình ảnh ấy là một tấm lòng, là niềm nhớ thương da diết, là nỗi tiếc nuối khôn nguôi của nhà thơ về cảnh cũ người xưa. Đồng thời, đó cũng là khát khao hướng tới cái đẹp của cuộc đời, của tình người dẫu rằng nó còn thấp thoáng chơi với, mờ ảo.

Các bài học liên quan
Đề bài: Nêu suy nghĩ của mình về lời nhận xét sau đây của nhà thơ Xuân Diệu: “Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.
Đề bài: Phân tích khổ cuối bài “Tràng giang”.
Đề bài: Phân tích bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu.
Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang... Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật