Đề bài: Phân tích bài “Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)
Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ nổi tiếng nhất của Hàn Mặc Tử. Thi phẩm này không những làm rạng danh một thi sĩ tài hoa mà còn điểm tô cho một xứ sở vốn đã nổi tiếng là xứ mộng, xứ thơ - xứ Huế.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ, trang 38 SGK Văn 11
- Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ - Ngắn gọn nhất
- Cảm nhận của anh (chị) về bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ nổi tiếng nhất của Hàn Mặc Tử. Thi phẩm này không những làm rạng danh một thi sĩ tài hoa mà còn điểm tô cho một xứ sở vốn đã nổi tiếng là xứ mộng, xứ thơ - xứ Huế.
1. Điểm xuất phát cảm hứng của bài thơ là một mối tình, mối tình đầu, mối tình đơn phương mà Hàn Mặc Tử ôm ấp trong bao năm tháng. Theo Quách Tân, người bạn thân nhất của Hàn Mặc Tử thì “khi làm việc ở Sở Đạc điền, Tử yêu một thiếu nữ con một viên chức cao cấp, nhà ở cùng một con đường với Tử. Nàng tên Hoàng Cúc, không đẹp nhưng thùy mị, có duyên, giữ cốt cách thanh và phong độ một cô gái quê. Từ yêu tha thiết, nhưng tính vốn rụt rè bẽn lẽn nên chỉ đứng xa mà chiêm ngưỡng và bộc bạch nỗi lòng cùng thơ. Thảy thảy đều gửi gắm trong tập Gái quê... Năm 1939, Từ nhận được một phiếu phong cảnh với lời thăm sức khỏe do Hoàng Cúc gửi. Để tạ lòng cố nhân, Tử soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ gửi tặng Hoàng Cúc”. Trong bức thư của Hoàng Cúc gửi thi sĩ Quách Tấn đề ngày 15-10-1971, bà có giải thích thêm về bức ảnh ấy: "Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cổ ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước". Lúc nhận được bức ảnh ấy, Hàn Mặc Tử cũng không hiểu đó là cảnh “bến Vĩ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?)”. Trở lại điểm xuất phát cảm hứng là để có thêm một hướng tiếp cận, để giải thích những ý tưởng vượt ngoài văn bản và tiềm ẩn trong ngôn từ tác phẩm chứ không thể thay thế văn bản.
2. Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi thiết tha vừa như chào mời, vừa như trách móc nhẹ nhàng:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Sao anh không về Vĩ Dạ, một cảnh quan xinh đẹp dễ làm say lòng người?
Sao anh không về để vãn cảnh, để gặp lại người thương? Một tình huống, một duyên cớ đã được gợi lên. Vĩ Dạ là một ngôi làng xinh đẹp nằm bên bờ sông Hương, nhưng đối với Hàn Mặc Tử, điều quan trọng hơn là mảnh đất ấy có hàng Cúc đang nở. Mối tình đầu không thể nguôi quên ấy đã thức dậy cảnh thơ. Say người rồi say cảnh. Cảnh càng đẹp hơn, lung linh hơn nhờ có tình. Tình kín đáo hơn khi nhờ cảnh ngụ ý. Mà nào có ai mời, ai trách. Lời của thiếu nữ thôn Vĩ cũng chẳng qua là niềm mong ước của Hàn Mặc Tử mà thôi. Cần một nguyên cớ như thế mới có thể về chơi thôn Vĩ mà cũng chỉ là về trong tưởng tượng. Chỉ tưởng tượng thôi mà biết bao rạo rực say mê. Cảnh làng quê thôn Vĩ hiện lên với bao vẻ đẹp tươi sáng, thơ mộng và tràn đầy sức sống:
... Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Trái tim thổn thức xao động của thi nhân đã đưa bước chân về thôn Vĩ lúc nào trong tâm tưởng. Những hình ảnh thơ một phần được gợi lên từ bức ảnh bên Vĩ Dạ mà Hoàng Cúc tặng, một phần được sàng lọc từ trong kí ức của nhà thơ trong những lần về thăm thôn Vĩ. Vẻ đẹp trong trẻo, tươi tắn của bức tranh thiên nhiên hiện lên trong khoảnh khắc hừng đông. Đó là lúc thiên nhiên đang đắm mình trong bầu không khí nguyên sơ chưa hề vướng bụi. Những hàng cau cao vút như kiễng chân đón nắng mai (và đón cả những người khách phương xa đang về chơi thôn Vĩ?). Những vườn cây xanh tốt, tươi tốt đến nõn nà lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ. Chỉ có thời điểm ấy - bình minh, lá cây mới có thể “xanh như ngọc’. Chỉ có thể nhìn cảnh bằng đôi mắt xanh non, bằng trái tim trìu mến mới có câu thơ ngỡ ngàng như vậy: “Vườn ai mướt quá xanh như il ngọc”. Vườn ai? Hay chính là vườn nhà em? Kìa bóng ai đã thấp thoáng đằng sau khóm trúc: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Hình ảnh con người đã hiện lên trong bức tranh thiên nhiên nhưng đường biển ranh giới không rõ ràng. Thơ trữ tình của Hàn Mặc Tử gợi nhiều hơn tả, mọi hình ảnh đều hướng về thế giới nội tâm. Gương mặt chữ điền cũng gợi về vẻ đẹp tâm hồn, tâm hồn của những người hiền lành phúc hậu, khi thấp thoáng đằng sau khóm trúc lại có thêm vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.
3. Người hiền lành phúc hậu, cảnh tươi sáng thơ mộng cùng hòa quyện trong niềm vui gặp gỡ. Những niềm vui sao quá mỏng manh ngắn ngủi, vui chưa đâu trong tim sầu đã về trong mắt. Người buồn đau lặng lẽ, cảnh lạc lõng chia lìa:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Bầu trời có mây bay và gió thổi, mà dòng sông lặng lẽ trôi xuôi. Trước hết hai câu thơ gợi lên nhịp điệu êm đềm trầm mặc rất riêng của xứ Huế, một vẻ , đẹp chẳng nơi nào có được. Nhưng theo lôgic thông thường thì mây bay nhờ gió, mây bay theo chiều gió, vậy mà ở đây: “Gió theo lối gió, mây đường mây”.
Lại ngăn cách quyết liệt, gió đóng khung trong gió (hai chữ “gió” đóng hai đầu), mây cuộn trong mây hai chữ “mây” (cũng khép kín tròn lại). Những hình ảnh ấy gợi lên cảnh ngộ chia lìa, mỗi người một ngả. Một tia hi vọng vụt lên đã rơi vào vô vọng. Nỗi buồn của thi nhân đã rơi vào cảnh, man mác trong cảnh. Lặng đi trong khổ đau chua xót của cuộc đời, Hàn Mặc Tử lại trở về cõi mộng, về với thế giới vầng trăng quen thuộc, nơi trú ngụ cuối cùng của tâm linh thi sĩ: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?
Có lẽ trong làng thơ Việt Nam từ xưa đến nay, không có thi sĩ nào viết nhiều về trăng như Hàn Mặc Tử. Đối với Hàn Mặc Tử, trăng không chỉ là cảnh quan để thưởng ngoạn mà là bầu không khí, là cả một thế giới bao quanh nhà thơ:
Không gian đắm đuối toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
(Huyền ảo)
Trăng trong thơ ông biến hóa khôn lường, khi vô hình khi hữu hình, lúc rõ ràng lúc mộng ảo. Trăng là hình ảnh thiên nhiên, là thiên tạo nhưng trăng còn là thế giới mà Hàn Mặc Tử đã tự tạo, sinh thành. Thị nhân đã từng say trăng, rượt trăng, ngủ với trăng, ngậm một miệng trăng và mơ ước xây cho mình một thế giới bằng trăng.
Vậy thì sông trăng, thuyền chở trăng trong bài Đây thôn Vĩ Dạ là cõi thực hay cõi mộng, là cảnh sắc thiên nhiên của Hương giang tĩnh lặng trong đêm hay chỉ là thế giới tâm tưởng của thi nhân? Hai câu thơ tạo nên sự đồng hiện giữa cõi thực và cõi mộng, giữa ngoại cảnh và nội tâm. Nhưng dù thực hay mộng đều góp phần biểu hiện niềm khao khát gặp gỡ đến thiết tha cháy bỏng của Hàn Mặc Tử: Có chở trăng? Có kịp về ngay tối nay không? Câu thơ đau đáu một hồi niềm mong đợi.
4. Mong đợi rồi mơ ước, nhưng trong mơ đã thấy mong manh:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.....
Mơ khách đường xa mong người hãy đến, hãy gần nhưng càng mơ khách đường xa thì khách đường xa ngày càng xa mãi. Tâm hồn thi nhân bơ vơ ngay trong xứ mộng. Muốn trở lại tìm em lại gặp toàn khói, gặp cõi nhân gian mờ ảo. Áo em trắng, không gian toàn màu trắng. Có hay không bóng hình em trong khói sương mờ ảo kia? Hay em chỉ là một ảo ảnh giữa ảo ảnh không gian? Yêu mà không nhận diện được hình bóng của người mình yêu, yêu mà không nắm bắt được tình cảm của người mình yêu. Vì vậy thi sĩ rơi vào tâm trạng day dứt, băn khoăn rất chân thành:
Ai biết tình ai có đậm đà?
Em kín đáo và xa xôi, em tinh khiết và mờ ảo giữa cuộc đời “mờ nhân ảnh”. Vậy thì ai có thể hiểu được tình cảm của em có đậm đà tha thiết gì không? Bài thơ dừng lại ở một câu hỏi day dứt băn khoăn về một mối tình đang ở dạng đơn phương. Ở giữa họ vẫn là một khoảng không xa vời, vẫn là hai thế giới đầy bí ẩn.
Đọc Đây thôn Vĩ Dạ, chúng ta gặp gỡ hai nhân vật trữ tình: người thiếu nữ thôn Vĩ và chàng thi sĩ phương xa. Hai nhân vật ấy xuất hiện đan xen và có lúc hòa nhập trong các câu thơ. Nhưng cả hai nhân vật chỉ là cái tôi trữ tình phân thân của Hàn Mặc Tử, đều góp phần bộc lộ tâm trạng của Hàn Mặc Tử. Vì vậy toàn bài thơ rất thống nhất trong trạng thái tình cảm của thi nhân. Đó là tình cảm của một người ôm ấp một mối tình âm thầm mà tha thiết, kín đáo mà mãnh liệt, mới hé mở đã khép vào vô vọng, chưa có phút giây ngọt ngào đã chia lìa xa cách. Cả bài thơ lạ nhưng câu hỏi buông vào hư không, lan tỏa rồi mất hút không lời hồi âm, đồng vọng. Có câu hỏi trách móc nhẹ nhàng: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, có câu hỏi đầy chờ mong khao khát: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó. Có chở trăng về kịp tối nay?”. Có câu hỏi băn khoăn day dứt: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Đó là những câu hỏi đã từng làm cháy gan cháy ruột Hàn Mặc Tử và cũng là những câu hỏi sẽ làm thổn thức bao trái tim khi chập chững bước vào địa hạt tình yêu.
5. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ tình đặc sắc của Hàn Mặc Từ, đồng thời cũng là bài thơ thành công viết về thiên nhiên, con người xứ Huế. Một tình yêu thiết tha, đầy ước mơ, khát vọng, đầy trăn trở day dứt hòa với thiên nhiên tươi sáng, thơ mộng, huyền ảo tạo một vẻ đẹp riêng hiếm có trong thi phẩm này.
Cuộc đời của Hàn Mặc Tử đầy những cơ hàn, bệnh tật. Con người ấy không những phải khổ đau vì đói nghèo bệnh tật mà còn đau khổ vì tình yêu éo le, trắc trở. Vậy mà đôi mắt người ấy vẫn trong trẻo khi ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, trái tim người ấy vẫn giàu yêu thương và ước vọng. Thương cảm biết bao cuộc đời đau khổ ấy, trân trọng và quý mến biết bao tâm hồn nhân hậu ấy!
BÀI LÀM 2
Phong trào Thơ mới xuất hiện trên thi đàn văn học đã tạo ra bất ngờ lớn nhưng sự xuất hiện của Hàn Mặc Tử còn tạo ra sự ngạc nhiên hơn nhiều. Hàn Mặc Tử khiến người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo, mới lạ của một tâm hồn thơ quằn quại đau đớn trong bất hạnh. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say thơ siêu thực hay với một thế giới đầy ma quái là một giọng thơ trữ tình đằm thắm. Tất cả thể hiện một tình yêu đời tha thiết, khao khát tình yêu đến cháy bỏng. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế.
Đây thôn Vĩ Dạ ra đời khi Hàn Mặc Từ đã lâm bệnh nặng, không có cơ hội để trở về với cuộc“ sống đời thường bởi căn bệnh phong quái ác. Bài thơ là sự hòa quyện giữa thực và ảo, Hiện thực là những kỉ niệm về xứ Huế, ảo mộng là những hình ảnh về con người trong mơ tưởng của thi nhân. Bài thơ được gợi cảm xúc từ tấm bưu thiếp về phong cảnh Huế có hình người chèo đò trên sông Hương với lời thăm hỏi của Hoàng Cúc gửi cho thi sĩ.
Mở đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đã làm cho người đọc xúc động đến nao lòng:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Câu thơ đầu tiên của khổ thơ mang nhiều sắc thái. Đó có thể là lời trách móc nhẹ nhàng đồng thời là lời mời rất tha thiết của một cô gái nào đó. Cũng có thể là lời của chính tác giả tự hỏi mình, trách mình. Hỏi nhưng lại là bày tỏ (tức là câu hỏi không trả lời thành đối thoại) mà là hỏi để thành dòng độc thoại, đô bộc bạch tâm tình. Hàn Mặc Tử đang phân vân hỏi chính là để nhắc nhở đến một việc cần phải làm, đang phải làm mà không biết có còn cơ hội để thực hiện nữa hay không? Đó là ước ao được một lần về thôn Vĩ, thăm cảnh cũ tình xưa. Tác giả dùng “không về” (chứ không dùng chưa về) như thể hiện tâm trạng đau xót về bệnh tật của cuộc đời, phảng phất nỗi niềm tuyệt vọng, dùng từ “chơi” chứ không dùng từ “thăm” mang sắc thái gần gũi thân thiết. Câu thơ đầu là niềm khao khát được về thôn Vĩ Dạ đã cất lên thành lời tư vấn khắc khoải, thôn Vĩ Dạ là một địa danh cụ thể - đó cũng là tình người tình đời, tức là tác giả khát khao được giao cảm với cuộc đời. Ba câu thơ tiếp theo tác giả hồi tưởng về cảnh và người thôn Vĩ:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Nhà ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Mỗi câu thơ là một chi tiết của khu vườn, tất cả đều hòa hợp ánh lên một vẻ đẹp thanh tú. Nhìn từ xa là hình ảnh hàng cau - một loài cây quen thuộc trong những khu vườn xứ Huế. Hơn thế đó còn là hình ảnh hàng cau trong nắng sớm mai, giữa những vườn mướt “xanh như ngọc” một hình ảnh trong sáng, thân thuộc đến bất ngờ. Điệp từ “năng” được sử dụng đã làm bừng sáng cả câu thơ và giống như một tiếng reo vui. Đồng thời tác giả cũng gợi tả được sự dịch chuyển của nắng theo từng đốt của thân cau. Đó không còn là ánh nắng của thiên nhiên nữa mà nó là ánh sáng của kỉ niệm đẹp trong kí ức của nhà thơ. Cùng là ánh nắng trong buổi đầu dài của tuổi thanh xuân nhớ đến thôn Vĩ, nhớ đến xứ Huế mơ mộng, tác giả không quên nhắc tới những khu nhà vườn xinh đẹp dưới ánh nắng mai “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Câu thơ như một tiếng reo vùi đồng thời đó cũng là cách hỏi bâng quơ duyên dáng nhưng cũng thật thiết tha giống như một câu nói với người yêu. Đó là khu vườn nhà ai đó của thôn Vĩ hoặc cũng có thể là khu vườn của nhà người mình yêu. Chữ “mướt” gợi màu xanh non tơ, mềm mại đầy xuân sắc. Câu thơ có sử dụng biện pháp so sánh “xanh - như ngọc”, Ngọc là một tinh thể trong suốt vừa có màu vừa có ánh vừa tỏa mát, ánh sáng rười rượi sắc xanh làm cho khu vườn giống như viên ngọc khổng lồ. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh có nhận xét về những câu thơ đẹp một cách lạnh lùng, đọc lên như rưới vào tâm hồn người đọc một nguồn sáng”. Nhận xét này thật đúng với câu thơ trên. Có lẽ những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên lá và khi ánh bình minh soi xuống đã tạo cho khu vườn một vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Câu thơ cho thấy tình yêu của tác giả với Vĩ Dạ, một Vĩ Dạ rực rỡ, lộng lẫy trong kí ức của tác giả. Ai có thể tin rằng câu thơ đầy sức sống này lại là của một thi sĩ không còn cơ hội trở lại với đời thường. Tình yêu Vĩ Dạ của thi nhân bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống, từ tình yêu với người con gái xứ Huế. Vì vậy con người xứ Huế trong cảm nhận của Nhà thơ trong khung cảnh:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Hình ảnh của con người xuất hiện trong đó làm cho bức tranh sinh động hấp dẫn hơn. Đây là nét về cách điệu chứ không phải là nét vẽ tả thực - Đó cũng có thể là nét tự họa mình trong thơ. Tác giả tự coi mình là kẻ đứng ngoài cuộc vui và hình ảnh “lá trúc che ngang” giống như cuộc trở về cuộc đời trần thế một cách lén lút, vụng trộm. Đó là sản phẩm của sự mặc cảm chia lìa, động thái đó cũng là một tình yêu mãnh liệt. Câu thơ chứa đầy uẩn khúc rất đáng trân trọng. Cảnh sắc thiên nhiên thôn Vĩ nhưng cũng là khu vườn trần gian qua lăng kính của sự mặc cảm chia lìa trở lên lộng lẫy, rực rỡ. Với Hàn Mặc Tử, đó là thiên đường trần gian nhưng lại không thuộc về mình mà dần tuột khỏi tay mình.
Khổ thơ thứ hai có sự thay đổi về không gian và cảm xúc nhưng vẫn là dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình, kỉ niệm lúc này tràn về mãnh liệt đến nỗi từng bước của chàng trai lan tỏa, xen đầy cả không gian:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đỏ
Có chở trăng về kịp tối nay?
Thiên nhiên đầy đủ hình ảnh nhưng lại là cảnh bị li tán. vẫn là hình ảnh “mây”, “gió”, “trăng”, “hoa” nhưng cảnh vật cứ vắng lặng đến tê lòng gió bay đi, mây cũng bay đi, dòng nước cũng trôi đi. Đây có lẽ không phải hình ảnh của thị giác mà là hình ảnh của tâm trạng - một tâm trạng mặc cảm chia lìa. Đặc biệt là cách sử dụng động từ “lay” không mang cảm xúc nhưng đặt trong câu thơ cùng với “dòng nước buồn thiu” động từ này trở nên buồn hiu hắt dường như đề phụ vào nỗi buồn của mây và sông nước. Nỗi buồn từ trong lòng người đã lan tỏa vào cảnh vật. Tác giả quan sát cảnh vật li tán mà nghĩ tới thân phận mình. Câu thơ còn là sự xuất hiện của hoa bắp hình ảnh quen thuộc giản dị nhưng dưới mắt của Hàn Mặc Tử thì nó như một thân phận côi cút bị bỏ rơi trong cuộc phiêu tán. Hành động "lay" giống như một sự níu giữ vu vơ, một sự lưu luyến vô vọng. Phải chăng tác giả đang nói đến thân phận của mình và ao ước có một thể thơ yềvtịộ là trong hình ảnh trăng từng xuất hiện trong nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử
Áo ta rách rưới trời không vú
Xuất bốn mùa trăng mặc vải trắng
(Ánh sáng)
Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai
(Cô liêu)
Trăng nằm sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
(Bẽn lẽn)
Và trong bài thơ này ‘'Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”. Hình ảnh “sông trăng” khiến cho cảnh trở nên lung linh huyền ảo, trăng tràn đầy không gian từ dòng sông đến cõi mộng. Dường như trăng không chỉ là ánh sáng mà trở thành vật thể có hình khối. Trăng như một bám víu duy nhất, một tri âm, một cứu tinh của Hàn Mặc Từ. Ở khổ thơ thứ nhất, tác giả sử dụng từ “về” và ở khổ thơ thứ hai này cũng thế, nhưng không phải là sự trở về Vĩ Dạ ấm áp và thân mật, nó đã đổi hướng về với Hàn Mặc Tử. Từ “kịp” làm giọng điệu câu thơ trở nên khắc khoải da diết. Nếu như trăng không về kịp thì số phận của Hàn Mặc Tử lâm vào tuyệt vọng vĩnh viễn. Câu thơ giống như một lời cầu khẩn để thể hiện một cách sống của tác giả, trong hoàn cảnh đó dường như tác giả đang chạy đua với thời gian để giành lại sự sống. Nếu như Xuân Diệu muốn tận hưởng một cách tối đa tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc đời trần thế thì Hàn Mặc Tử mong một cái tối thiểu - mong được sống. Khổ thơ vang lên một khao khát sống mãnh liệt và trăng là điểm tựa, bặm víu cuối cùng của kẻ cô đơn đang chơi vơi giữa trời.
Đến khổ thơ thứ ba, nhịp thơ chuyển từ khoắc khoải sang gấp gáp, khắc khoải hơn. Các hình ảnh liên tiếp hiện về, khổ một là hình ảnh khu vườn đẹp, một đêm trăng đẹp thì khổ ba là hình ảnh, hình bóng đẹp của một vị khách đường xa. Tất cả như đang mời gọi nhà thơ:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Câu thơ trở nên khó hiểu, các hình ảnh liên tiếp hiện về. “Khách đường xa” không chỉ là xa cách về không gian mà là sự xa cách về thời gian đem đến cảm giác bâng khuâng xa vắng. “Áo em trắng quá” - vẻ đẹp của tà áo trắng và sắc trắng tinh khôi là hình ảnh trung tâm của bức tranh. Cái nhìn “không ra” không phải bởi lẫn vào sương khói cũng không phải sự bất lực của thị giác mà ở đây là sự ngỡ ngàng trước cái sắc trăng ở mức độ tuyệt đối, đến lạnh lùng khiến cho tác giả không nhận ra. Như vậy, ước mơ cuối cùng vẫn là hướng tới con người, có thể là những người tình xưa bởi khi phải chia lìa với cuộc đời là phải chia xa với người mình yêu thương,
Hai câu thơ cuối bài tác giả quay về với thực tại của bản thân. Hai câu thơ cũng phảng phất những vần thơ trong những vần thơ trong những bài thơ khác:
- Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem bỏ tôi dưới trời sâu
- Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
(Những giọt lệ)
Giọng điệu nhuốm màu sự đau đớn, hoài nghi có lúc hi vọng có lúc lại tuyệt vọng. Nhà thơ nhận ra thân phận giữa dòng của mình, đó là cuộc đời ngắn ngủi. Câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà” có thể là tình anh, tình em, tình cuộc đời. Đó là sợi dây duy nhất trói buộc Hàn Mặc Tử với cuộc đời tươi đẹp. Nhưng lại là tình ai mong manh xa vời không thuộc về nhà thơ. Câu hỏi cuối bài giống như một tiếng thở dài cũng là lời cầu mong được giao hòa với, cuộc đời của một con người tha thiết gắn bó với đời với người một cách cháy bỏng. Vượt lên nỗi đau riêng, thơ Hàn Mặc Tử nói lên tâm trạng chung của bao lứa đôi phải xa cách.
Đây thôn Vĩ Dạ là một sáng tác của Hàn Mặc Tử khi tài năng của nhà thơ vừa tới độ chín mà nỗi đau vì bệnh tật và bất hạnh đã khiến thơ ông quần quại k đau thương đến điên loạn. Trong nỗi đau buồn và hoài nghi của một tâm hồn đã dự cảm được bất hạnh, ta nhận được tâm tình của Hàn Mặc Tử gắn bó với cuộc đời tha thiết biết bao, tình yêu của ông vô vọng nhưng vẫn mãnh liệt biết bao. Theo lời mời gọi của nhà thơ, ta đến với Vĩ Dạ trong thơ ông rồi yêu mến cái miền đất bé nhỏ và cái tên gọi ấy biết bao.
BÀI LÀM 3
Người đọc yêu thơ Hàn Mặc Tử không ai không nhắc đến bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - bài thơ nhỏ xinh nhưng có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Có người cho rằng đây là bài thơ tranh thi vị về phong cảnh thiên nhiên xứ Huế, nhưng có người lại cho rằng đây là bài thơ tình của tác giả... Dù hiểu theo cách nào thì bài thơ vẫn là một tác phẩm tuyệt bút.
Thơ hay là thơ mà đọc lên ta thấy có mình ở trong đó. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đã làm cho không ít người đọc phải rơi lệ. Vì tình hay vì cảnh? Vì cảnh ngộ của nhà thơ hay chính là một quan niệm nhân sinh, một triết lý của lòng người? Có lẽ là tất cả. Đọc bài thơ ta như thấy nhà thơ đang vùng vẫy, vượt lên những quần quại đau đớn của cuộc đời để hòa lòng mình vào cảnh vật, để níu kéo cuộc đời từng giây từng phút, từng hơi thở và từng hương vị của xứ thơ.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Nếu như trong thơ, Xuân Diệu thèm được sống, khao khát sống hết mình, hết công suất thì với Hàn Mặc Tử nhất là trong lúc này khi ông đang mang bệnh hiểm nghèo thì niềm khao khát sống chỉ là một niềm mong ước được trở về vùng miền có người mà mình thầm yêu trộm nhớ: Vĩ Dạ. Nhưng điều đó khó trở thành hiện thực. Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Đây không phải là câu hỏi mang tính hiển ngôn. Đọc câu thơ ta có thể chia ra câu thơ là lời hỏi của ba nhân vật trữ tình: của nhà thơ, của người yêu hoặc của một cô gái Huế nào đó. Song phải hiểu đây chính là câu hỏi của nhà thơ mới đúng. Dường như Hàn Mặc Tử đang tự vấn lòng mình trong lời thơ nhẹ nhàng, duyên dáng mà thực chất là đang đau đớn, quần quại: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Chỉ một lần nữa thôi, một điều nhỏ nhoi thôi mà chẳng lẽ lại không về được ư? Người ta thường nói “về” khi nói đến một nơi nào đó thật Sự gần gũi. Ở đây, Hàn Mặc Tử không chỉ đơn thuần là về thăm một danh lam thắng cảnh mà là sự trở về với một vùng quê yêu dấu mà sức nặng tình cảm của nó theo suốt cuộc đời ông. Hiểu được ý nghĩa của câu hỏi ta mới biết được Hàn Mặc Từ đau đớn đến mức nào khi biết mình không còn được trở lại nơi ấy nữa. Câu thơ đau đáu một niềm thương, sự nuối tiếc. Từ “sao” cứ xoáy sâu vào lòng người để cho người đọc cũng phải thắc mắc “Tại sao”.
Nếu như câu thơ là lời nói của một người yêu hoặc của một cô gái xứ Huế nào đó thì đây chỉ là một sự mời mọc hết sức duyên dáng mà ta cũng có thể quên đi trong cuộc sống đời thường. Nhưng ở đây là niềm đau vô hạn trong tâm hồn của một thi nhân, đó là nỗi lòng mà ta phải trân trọng.
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Bước chân của nhà thơ đã về thôn Vĩ từ lúc nào trong tâm hưởng. Ta đang bồi hồi với nỗi mất mát trong lòng người thì bây giờ người đang được thưởng thức niềm vui với cảnh, với người, nhưng đó là hạnh phúc chứa đựng trong nỗi đau đớn tuyệt đỉnh:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Cảm nhận của du khách đầu tiên khi đến với thôn Vĩ vào buổi sáng là được nhìn nắng mới trong vườn cau. Đất trời miền Trung bao la nắng gió, hội tụ về đây một không khí mát mẻ, trong lành. Nắng báo hiệu cho một ngày trời quang đãng, sáng sủa. Câu thơ là một sự biểu hiện sâu sắc nét đặc trưng của kiến trúc vườn thôn Vĩ Dạ: vườn trồng cau. Cây cau là cây mảnh nhỏ nhưng mọc rất cao, vượt lên trên tầng lá um tùm để đón nhận cái nắng đầu tiên... Cây cau là cây đặc trưng để miêu tả cảnh đẹp xứ Huế. Vũ Trọng Phụng đã khéo bình hình ảnh thơ này: “Cây cau đặc biệt hơn những cây khác trong vườn. Nó vươn cao mà lại có nhiều đốt, dường như đây là một cái thước mà thiên nhiên dựng sẵn trong vườn để đo mực nắng. Nắng ở đây là nắng mới, nắng mới của một ngày, bây giờ nắng đã đầy cả trong vườn biến khu vườn thang một viên ngọc”. Ta chẳng biết nói gì thêm, chỉ biết trầm trồ khen ngợi vì lời bình tinh tế quá. Rất có thể ý của lời bình đã có sẵn trong thơ từ nhưng vì lời thơ hay nên thức dậy những khám phá mới mẻ, đầy chất thơ trong lòng bạn đọc, là sự đồng sáng tạo của cả hai. Đó chính là cái tài của nhà thơ: làm thơ hay nhưng không xa lạ với mọi người mà gần gũi để cho người đọc tự tiếp nhận
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
“Vườn ai” có thể là vườn “em” vườn của nhân vật trữ tình nhưng cũng có thể là vườn của một người nào đó trong thôn. Trong thơ Hàn Mặc Từ, mô tip “vườn” được nhắc lại nhiều lần, ông gọi đây là chốn nước non thanh tú”. “Vườn” trong Đây thôn Vĩ Dạ cũng là “chốn nước non thanh tú”. Dường như bước chân của nhà thơ đang bước đi ngắm cảnh. Nếu như “nắng hàng cau” là cảnh ở tầm cao thì trong câu thơ này, cảnh lại ở tầng thấp hơn, nhà thơ không còn phải ngước lên mà chỉ cần nhìn xung quanh đâu đây cũng thấy “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Câu thơ là một sự so sánh: màu xanh của vườn được so sánh với màu xanh của ngọc. Đây chính là đỉnh cao của sự so sánh bởi “ngọc” là biểu tượng cao nhất của cái đẹp. Màu xanh của “ngọc” không chỉ cho ta thấy riêng màu xanh mà còn cho ta thấy cả ánh xanh, nghĩa là màu của “vườn ai” không chỉ xanh mà còn lung linh ánh sắc trong nắng mới. Màu xanh non, mượt mà trù phú của cây lá điểm sương sớm lung linh đến tuyệt vời. Câu thư đẹp và hay quá, chắc chắn đây không phải cảnh lúc hừng đông, khi cây lá còn ướt đẫm sương đêm. Cảnh còn nguyên sơ, chưa hề vướng bụi. Một cảm giác mát mẻ, nhẹ nhàng đến với tâm hồn ta, ta như đang đi trong khu vườn ấy, ngắt những chồi non, lộc biếc hát ca.
Xét về mặt câu chữ “xanh như ngọc” là một tính từ chỉ màu sắc bởi nó đi sau tính từ “mướt”. Đó là sự sáng tạo trong ngôn từ của nhà thơ, có sự tương đồng để làm nên vẻ đẹp trực quan, tuyệt đối của cảnh vật. Từ “quá” đã đẩy vẻ đẹp của khu vườn lên tuyệt đối của sự thanh quý. Nhưng có một điều làm cho người đọc khắc khoải đó là khi nhà thơ hỏi “vườn ai”, từ “ai” đặt trong tương quan bốn từ “ai” trong cả bài thơ, gợi lên một niềm khắc khoải. Dường như cảm giác về Hàn Mặc Tử và cảm giác của Hàn Mặc Tử hết sức xa vời, dường như “vườn” đã thuộc về ai đó chứ không phải thuộc về mình, tạo ra khoảng cách giữa người làm thơ và cảnh vật, còn người đang thèm khát trở về với cảnh thì cảnh cứ lùi xa dần, xa dần. Ta hiểu đây không phải là sự bi quan khi nhà thơ mất dần sự sống, mà đây là nỗi đau, nỗi đau chứa trong vẻ đẹp đến tuyệt vời. Chính sự đối lập ấy làm cho nỗi đau thêm sâu sắc.
Nếu như “nắng” thì ở trên cao, “vườn” thì ngay trước mắt nhưng nó là chung - chung và rộng lớn thì: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là hình ảnh cụ thể, tâm hồn thi nhân đang thả ra khắp nơi, thì nay lại tụ lại một điểm, kéo gắn lại. Lê Trí Viễn - Giáo sư Văn học có nói: “Chữ điền” trong Huế chỉ con gái”. Vậy khuôn mặt trong câu thơ là “con gái”? Câu thơ nhẹ nhàng, duyên dáng bộc lộ ý tứ sâu xa. Cái vẻ đẹp phúc hậu, hiền lành, duyên dáng của người Huế nay lại được “che ngang” bởi lá trúc lại càng duyên dáng, kín đáo hơn. Khuôn mặt thấp thoáng sau lá trúc kia là sự ngưng lại, tập trung cụ thể nhất vẻ đẹp của khổ thơ mở đầu.
Khổ thơ là cách nói giản dị, cảnh giản dị, người giản dị nhưng hết sức thanh cao. Đằng sau đó là một lòng yêu đời, yêu người đến khắc khoải của thi nhàn. Đó là “đôi mắt lệ phía sau hàng chữ gấm”, khổ thơ thanh thoát nhưng ẩn chứa nhiều tâm sự buồn đau.
Nếu như cảnh vật trong khổ thơ đầu hòa quyện, gắn bó thì cảnh trong đoạn thơ sau tan tác chia li:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
“Vui chưa đậu trong tim, sầu đã đậu trong mắt”. Niềm vui đầu chưa trọn vẹn khi tìm đến cảnh thì nỗi buồn của lòng người lại ắp đầy. Hai câu thơ:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
là sự sâu sắc nhất của cảnh vật tan tác. Những vật tưởng chừng như không xa cách, tách rời như mây và gió thì nay mỗi bên mỗi ngả, dường như cảnh có sự ngăn cách quyết liệt. Phải chăng câu thơ chịu ảnh hưởng của mô típ chia lìa trong thơ của thi sĩ? Dường như Hắn Mặc Tử đang sống với cảm xúc chia lìa của chính mình?
“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Dòng nước là biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử. Nước luôn luôn chảy trôi nhưng có cảm giác như đứng yên. Nhà thơ đã từng miêu tả “Mây chết đuối trên dòng sông vắng lặng”. Còn nước trong câu thơ “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” lại là dòng nước mang tâm trạng “buồn thiu”, là nỗi buồn từ lòng mà ra, tự thân cảnh vật tạo ra. Đó là sự lặng im dường như dòng sông đứng im. Cái “lay” động khe khẽ của hoa bắp cũng chỉ là hình ảnh nhằm làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của cảnh vật. Cảnh càng thêm đau lòng.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
Trong bài thơ của Hàn Mặc Tử có con thuyền chở trăng đậu trên bến sông soi bóng ánh trăng. Ta gặp "trăng" trong rất nhiều bài thơ của nhà thơ. Trăng là (nguồn sống, là mộng, là cái say của thi nhân. Thi nhân là đã từng say trăng, vượt đuổi trăng, ngủ với trăng, nay lại như con thuyền chở trăng về trong niềm mong đợi khắc khoải của bên. Dòng nước ở câu thơ trên đã hóa thành dòng trăng tự lúc nào. Trăng hóa lòng thành nước hay nước vì ngập sắc vàng mà hóa thành trăng? Cái đẹp của câu thơ là ở chỗ đó. Nhưng sao phải “chở trăng về kịp tối nay”. Nếu không “kịp” thì có làm sao không? Câu thơ chứa một niềm trông đợi, chờ mong. “Tối nay” là tối nào? Có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời nhà thơ mà phải “kịp”? Câu thơ thông báo một điều gì đó rất hệ trọng, tạo nên một nỗi buồn không tả xiết, hé mở một thực tại ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử dường như đang chạy đua với thời gian. Sự sống với ông chỉ còn là trong gang tấc nên phải “kịp”, không kể là tối nào vì nếu không “kịp” sẽ mất mát. Nhà thơ - người bệnh như đang chớp lấy từng khoảnh khắc sống.
Cảm giác ảo tưởng về quá khứ, về một miền quê thanh bình, trong tâm tưởng đã dần nhường chỗ cho một thực tại phũ phàng.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Đoạn thơ có hình ảnh của một người tình xa, một người tình chỉ còn trong tâm tưởng, dường như càng mơ thì người càng xa mãi. Câu thơ tái hiện hình ảnh thực của bức tranh mà người con gái gửi cho Hàn Mặc Tử “Trong tranh có hình ảnh cô gái chèo đò”. Đây có phải là người con gái mặc áo trắng để cho nhà thơ phải thốt lên: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Em nhìn không ra hay anh nhìn không ra? Tâm hồn anh đang bơ vơ lạc lõng giữa không gian của tâm linh này về gặp em giữa cõi nhân gian này lại chỉ thấy toàn sương khói làm mờ nhân ảnh “ở đây” là ở đâu? Giữa bức tranh, bài thơ hay cuộc sống xô bờ đời thường?
Màu sắc đặc trưng của đoạn thơ là màu trắng, màu áo trắng gần với màu nắng trong hai câu:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
(Mùa xuân chín)
Màu trắng trong Đây thôn Vĩ Dạ là màu trắng lẫn vào sương khói trắng. Trắng quá nên “không nhìn ra”. Thông thường màu trắng là màu dễ nhận ra nhất nhưng ở đây lại là “nhìn không ra” nên “nhìn không ra” là một tính từ tả trăng mà Hàn Mặc Tử sáng tạo ra. Đó là màu trắng đến tột cùng. Nhà thơ đang rơi vào trạng thái hoài nghi sâu sắc. Sự biến đổi tâm trạng của tác giả thay đổi liên tục nhưng lại gắn liền một khối. Đây là kiểu thơ “sực nhớ” của nhà thơ. Dường như những kí ức đã đâm sâu nay lại vụt lên, không phải là sự sắp xếp trí tuệ mà là sự sắp xếp theo logic tình cảm.
Ánh sáng của bài thơ ngày một âm u, nỗi niềm của tác giả ngày càng hướng vào trong, đi sâu vào tâm lí. Nhà thơ đang rơi vào trạng thái cô đơn đến tuyệt vọng, cô đơn nhưng không phải chán đời mà càng yêu đời hơn, mặc dù cơ hội sống không còn nữa nhưng không rơi vào sự bế tắc mặc dù hoài nghi. Nhà thơ như truyền sự sống tâm linh vào thơ. Sự sống của nhà thơ là một tác phẩm văn học.
Ngô Thì Nhậm có nói: “Tất cả cỏ, cây, hoa, lá đều từ trong lòng mà ra” hoặc "thơ là họa cảm thấy" và tình lúc hòa quyện, lúc chia lìa nhưng tất cả tình cảm, là trạng thái mơ của Hàn Mặc Tử: mơ trong cái thực và thực cả trong mơ”. Khi viết bài thơ này Hàn Mặc Tử đang trong cơn hiểm nghèo nên những chi tiết, những khám phá mà ta hiểu được là sự trùng hợp giữa thơ và đời của thi nhân. Nhà thơ đã tỏa cái tâm đau thương vào văn học để cho cái tâm ấy tự bộc lộ lòng mình. Ta thông cảm cho nhà thơ, ta tiếc cho một hồn thơ đang độ “Mùa xuân chín”. Thương tiếc người để người trân trọng người hơn.
Bài thơ có giá trị nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu cho phong cách thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ hay nhưng không xa lạ với người đọc mà gần gũi bởi lời thơ giản dị, tự nhiên. Nhà thơ đã sáng tạo ra những từ ngữ, hình ảnh để làm nổi bật tư tưởng, tình cảm của mình. Quan niệm về sống và được sống là cao quý, bài thơ thể hiện niềm khao khát được sống mãnh liệt, sống hết mình kể cả trong những sự việc đời thường.
Phải chăng Huế đã đậm đà, Vĩ Dạ đậm đà, nhà thơ đã đậm đà... nên hỏi xem ai có đậm đà nữa không? Ai mà biết được.
Gấp sách lại, tôi cảm thấy bồi hồi xúc động trước tâm hồn còn nguyên sơ trinh trắng của thi sĩ, sự thanh khiết của cảnh và niềm đau của cố nhân. Bài thơ trở thành một thông điệp nhà thơ gửi đến bạn đọc và làm rạng danh một thi sĩ tài hoa và xứ mộng - xứ thơ - xứ Huế.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo