Đề bài: Nêu suy nghĩ của mình về lời nhận xét sau đây của nhà thơ Xuân Diệu: “Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”

Bài thơ Tràng giang ra đời như một minh chứng sống động bác bỏ hoàn toàn ý kiến trên, như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Tràng giang là bài thơ có ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.

BÀI LÀM

Thơ mới là dàn đồng ca của nỗi buồn. Đúng vậy, trong Thơ mới, đẹp thì phải buồn; không buồn, không đẹp. Vì thế mà đã có nhiều ý kiến cho rằng Thơ mới quá ảo não, quá sầu khổ mà chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng bài thơ Tràng giang ra đời như một minh chứng sống động bác bỏ hoàn toàn ý kiến trên, như nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Tràng giang là bài thơ có ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.

Tràng giang ra đời trong phong trào Thơ mới, vì vậy nó cũng buồn. Huy Cận từng tự đánh giá: “Chàng Huy Cận xưa kia hay sầu lắm”, nhưng đó là nỗi “sầu vạn kỉ dồn về trong khoảnh khắc”. Nỗi sầu, nỗi buồn vạn kỉ cũng chính là nỗi buồn của thế hệ trí thức khi biết nhìn nhận thời cuộc, nhìn nhận về chủ quyền đất nước.

Tràng giang là bài thơ tả cảnh sông dài trời rộng, tức là tả cảnh thiên nhiên đất nước. Những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ nhưng rất đỗi bình dị lần lượt hiện ra: “sóng”, “con thuyền”, “cành củi”, “cánh chim”, “mây đùn” thành núi... Hai chữ “Tràng giang” tự bản thân nó đã gợi ra một cái gì đó bao la hùng vĩ. Nhan đề “Tràng giang” tức là sông dài, nhưng nó không dừng lại ở một nghĩa. Nếu như “Trường giang” chỉ gợi liên tưởng về bề dài thì “tràng giang” còn gợi mở độ mênh mông của không gian theo chiều rộng. Từ nhan đề có thể nhận thấy hình tượng xuyên suốt bài thơ là hình ảnh con sông như hiện thân của không gian vũ trụ bát ngát, rợn ngợp. Trong bài thơ, khổ nào cũng có những hình ảnh gắn liền với sông nước: sóng, thuyền, bèo... Những con sóng cứ lăn mãi, lăn mãi về nơi vô định, những kiếp người bé nhỏ phiêu dạt giữa dòng sông, dòng đời rộng lớn. Hình ảnh thiên nhiên tồn tại trong hai hệ thống: một bên là những hình ảnh lớn lao kì vĩ, sông dài trời rộng, là mây cao núi bạc; còn một bên là những hình ảnh hết sức nhỏ bé, đơn côi, đó là cảnh củi khô, là con thuyền xuôi mái, là cánh chim nghiêng... Tất cả như một bức tranh với hai gam màu tương phản càng tô đậm thêm ấn tượng về không gian mênh mông rộng lớn, một cánh chim nhỏ lẽ nào che khuất được vũ trụ, dòng sông chảy cứ chảy, con thuyền trôi cứ trôi mà không thể khỏi bàn tay định mệnh của tạo hóa.

Thiên nhiên đẹp là thế, mênh mông là thế nhưng nó dường như cũng tự cảm thấy cô đơn vì cái bóng khổng lồ của mình. Thiên nhiên trong Tràng giang buồn, buồn vì sự quạnh vắng đìu hiu ấn bên trong nó. Trong thế giới bát ngát ấy, ta hầu như không tìm thấy dấu hiệu của sự sống hoặc có chăng cũng chỉ là những dấu hiệu rất mờ nhạt. Thiên nhiên hiện lên như một đôi mắt buồn chất chứa đầy tâm sự. Mọi dấu vết của sự sống đều tồn tại dưới trạng thái hết sức mong manh, yếu ớt: cồn nhỏ lơ thơ, gió đìu hiu, thuyền xuôi mái, bèo dạt, chim nghiêng cánh, tiếng làng xa...

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cần gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Tất cả những hình ảnh đó toát lên một nỗi buồn thấm thía. Và cũng trong chính nỗi buồn mênh mang thấm thía ấy ta thấy được tình yêu quê hương thầm kín của tác giả. Huy Cận hẳn đã quan sát rất kĩ, những hình ảnh quê hương thân thuộc đó hẳn đã gắn chặt vào tâm hồn ông, một tâm hồn yêu thiên nhiên đất nước. Phải là một người yêu thiên nhiên, đất nước lắm mới cổ thể viết ra những dòng thơ như vậy! Huy Cận yêu quê hương, cũng chính là Huy Cận yêu Tổ quốc. Bởi tình yêu thiên nhiên, quê hương là biểu hiện đầu tiên của lòng yêu nước. Như nhà văn nga I.Ê-ren-bua từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng mạc, yêu đồng quê hình thành nên lòng yêu Tổ quốc”.

Không chỉ có vậy, Huy Cận đã có những nhận thức về thế hệ trẻ của đất nước. Trải dài và xuyên suốt trong bài thơ là một hệ thống những hình ảnh đối lập. Một bên là những hình ảnh cao lớn, rộng dài, bao la kì vĩ mang chiều kích vũ trụ: “sông dài”, “trời rộng”, “mây cao”, “núi bạc”, “bờ xanh”, ‘bãi vàng”. Một bên là những hình ảnh, sự vật nhỏ bé, đơn sơ, trơ trọi, trôi nổi, vật vờ: “con thuyền”, “củi một cành khô”, “cồn nhỏ gió đìu hiu”, “bèo dạt”, ‘chim nghiêng cánh nhỏ”... Hệ thống hình ảnh đối lập này tạo nên sự liên tưởng về thân phận con người nhỏ bé, bơ vơ, bất lực, buông xuôi, không định hướng, như bèo dạt hàng nối hàng không biết về đâu, như “củi một cành khô lạc mấy dòng”. Đây là tâm trạng chung của nhiều thanh niên trí thức thời bấy giờ, khi dân tộc chìm trong bóng đêm nô lệ, mà họ chưa tìm thấy con đường đi. Tâm trạng này in đậm trong thơ giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Lưu Trọng Lư cảm nhận thân phận như “con nai vàng ngơ ngác”. Xuân Diệu cũng rơi vào trạng thái của “con cò trên ruộng cánh phân vân”. Còn Tố Hữu thì thốt lên:

Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi

Và đó là lí do của nỗi buồn, cô đơn mà người ta gọi là tâm bệnh của thời đại. Nỗi buồn ấy thấm sâu vào cảm quan nghệ thuật trở thành lí tưởng thẩm mĩ, chi phối hoạt động sáng tạo của các nhà thơ lãng mạn. Trong bài thơ Tràng giang, của Huy Cận nỗi buồn là âm hưởng chủ đạo, bao trùm. Nỗi buồn dường như nằm trong bản thân tạo vật. Có thể nói Huy Cận đã nhìn nhận, đánh giá rất đúng đắn về thời cuộc, và đó cũng là biểu hiện của tình yêu Tổ quốc.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Cuối cùng, kết thúc bài thơ, Huy Cận hạ bút “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”, Câu thơ mượn ý thơ Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị -Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Chỉ khác ở chỗ, Thôi Hiệu đời Đường phải xa quê đã lâu nên nhớ quê là bình thường. Huy Cận, ngược lại, không xa quê, không cần khói vẫn nhớ quê. Nỗi nhớ quê ấy không chỉ là nhớ một mảnh đất, mà là nỗi nhớ cả một đất nước từng huy hoàng lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là tình yêu Tổ quốc được bộc lộ một cách thầm kín và sâu lắng. Nhà thơ nói nhớ nhà nhưng lại hướng đến một nỗi nhớ lớn lao hơn, đó là tình yêu quê hương Tổ quốc.

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Bài thơ kết thúc mà lời thơ chưa kết thúc. Bức tranh tràng giang khép lại là một cánh cửa khác mở ra, để lại những dư âm sâu sắc. Trong đôi mắt của độc giả có lẽ vẫn còn những hình ảnh về con sông, chiếc thuyền, cành củi... dần dần trôi về phía xa. Đối diện với tràng giang, ta có thể nhận thấy không chỉ cảm hứng không gian và tâm trạng cô đơn trống vắng mà còn thấy tâm trạng bơ vơ của một người dân vong quốc, luôn thiết tha với thiên nhiên tạo vật, với giang sơn Tổ quốc. Quả thực, “Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.

Các bài học liên quan
Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang... Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Đề bài: Phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu:  Ta muốn ôm!... Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!
Đề bài: Hãy làm sáng tỏ ý kiến của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật