Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu: Ta muốn ôm!... Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!

Vội vàng là một trong những bài thơ hay nhất và tiêu biểu nhất của Xuân Diệu cũng như dòng thơ lãng mạn Việt Nam và đoạn thơ bình giảng là đoạn thơ tiêu biểu thể hiện rõ ràng từng chủ đề của tác phẩm cũng như con người Xuân Diệu: “Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết”.

Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu:

Ta muốn ôm!
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!

BÀI LÀM

Ngày Xuân Diệu mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có lời đánh giá rất xác đáng: “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình“. Có lẽ cái nét đặc sắc của hồn thơ Xuân Diệu đã được biểu hiện đầy đủ nhất trong bài thơ Vội vàng mà đoạn thơ bình giảng là một đoạn thơ hay nhất của bài thơ:

Ta muốn ôm!
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đủ đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi.

Bài Vội vàng tiêu biểu cho tập thơ nói riêng, cho hồn thơ Xuân Diệu nói chung. Đó là một bài thơ thể hiện nhân sinh quan mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc: Thiên đường là ở ngay trên mặt đất của chúng ta với biết bao điều hấp dẫn và quyến rũ, vì vậy hãy yêu mến, hãy gắn bó sống hết mình với cuộc sống thực lại tươi vui này. Đoạn thơ bình giảng nằm ở cuối bài thơ, bộc lộ niềm ham sống, khát Sống, tận hưởng tận hiến đến vô biên tuyệt đỉnh của thi nhân. Ở phần trên bài thơ, thi sĩ luận giải cho người đọc thấy tạo hóa có sinh ra con người để mãi mãi tận hưởng mọi thứ ở trên trần gian này đâu. Đời người ngắn ngủi, tuổi xuân có hạn, thời gian trôi đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Cho nên nhà thơ giục giã chúng ta phải “nhanh lên”, “vội vàng” lên để tận hưởng bữa tiệc của trần gian khi mà “chưa ngả chiều hôm”, khi mà mùa xuân “đang non”, con người còn tuổi trẻ:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Đột ngột một câu thơ ngắn chỉ có ba chữ xen vào như ngắt quãng cả đoạn thơ, gợi cho người đọc có liên tưởng, cảm nhận vòng tay cuốn riết, níu giữ, ôm trùm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn, non tơ.

Theo bước chân vội vàng và vòng tay cuồng nhiệt của lòng khát khao sống đến tuyệt đỉnh của nhà thơ, ta bước vào một thế giới tràn ngập cảm xúc mãnh liệt và những hình ảnh sống động, hấp dẫn, đẹp đẽ của sự sống trong thiên nhiên và cuộc đời.

Một đoạn thơ ngắn mà có đến năm từ “ta muốn” lặp đi lặp lại như một nhịp điệu hối hả, như nhịp đập của một trái tim rộn ràng. Nó nói lên được cái ham muốn khát thèm đến cuồng nhiệt của nhà thơ, nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động từ chỉ trạng thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mỗi lúc một mãnh liệt, nồng nàn: “ôm sự sống”, “riết mây đưa”, “say cánh bướm”, “thâu”, “căn”... Ta có cảm tưởng thơ Xuân Diệu chỉ là sự tuôn chảy cảm xúc từ trái tim lai láng, thi hứng không một chút gượng gạo, không một nét làm duyên, không một từ ép vân. Tình yêu cuộc sống và khát khao tận hưởng thanh sắc, hương vị cuộc đời của thi nhân cứ tăng dần theo từng từ “muốn”, “ôm” đã nằm gọn trong vòng tay, đến “riết” còn ghì chặt hơn, “say” là sự ngây ngất đến bất tỉnh vẫn chưa hóa lòng, còn muốn “thâu” nghĩa là muốn thu tất cả, tất cả hòa nhập làm một để cuối cùng là một tiếng kêu của sự cuồng nhiệt chưa bao giờ có trong thơ ca Việt Nam:” Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi”.

Dưới ngòi bút của Xuân Diệu và trong ánh mắt xanh non, biếc rờn của thi sĩ, mùa xuân hiện lên rõ rệt và sống động như có hình dáng, có hồn, có sắc. Mùa xuân như môi như má của một trái chín ngọt thơm trong vườn. Đứng trước cái hấp dẫn của mùa xuân cuộc sống, thi sĩ dường như không nén nổi lòng yêu đã đi đến một cử chỉ cũng thật đáng yêu. “Ta muốn cắn vào ngươi”, chỉ có “cắn vào mùa xuân” mới tận hưởng hết được trọn vẹn đầy đủ hương vị của đất trời.

Có lẽ trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ Xuân Diệu nhất vì mỗi câu mỗi chữ đều mang hơi thở nồng nàn, đắm say của một nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, mới từ điệu hồn, cách cầm, cách nghĩ đến cách dùng từ. Ngay cả liên từ “và” có vẻ thừa thãi nhưng đã thể hiện được một cách đậm nét cái tôi của Xuân Diệu, nghĩa là làm rõ được cả cái tham lam, ham hố đang trào lên mãnh liệt trong trái tim yêu đời của nhà thơ, Câu thơ “Cho no nê thanh sắc của thời tươi” mới đọc qua tưởng một câu văn xuôi tầm thường nhưng thực ra rất thơ. Điệp từ “cho” với nhịp độ tăng tiến nhấn mạnh các cấp độ khát vọng hưởng thụ đạt đến độ thỏa thuê sung mãn trọn vẹn. Và với một loạt từ láy “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê” với các kiến trúc câu, nhà thơ không chỉ diễn tả khát vọng hưởng thụ mà còn gợi cho ta nghĩ thế giới này được bày ra như một bữa tiệc lớn với đầy thực đơn, đầy của ngon vật lạ và thi sĩ là một thực khách đang trong trạng thái thèm khát cháy lòng. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không sống hết mình, không hưởng thụ hết mình!

Nếu ai có định nghĩa nhà thơ là con người của tình cảm thì Xuân Diệu xứng đáng nhất với danh hiệu ấy. Tình cảm trong thơ Xuân Diệu là tình cảm của một con người ham sống, khát khao sống “mà còn gì làm cho sự sống đầy đủ hơn xuân và tình”, “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm, chim, chất đầy trong bầu mây trời thanh sắc. Ông hăm hở đi tìm những nơi sự sống dồi dào tụ lại. Khi ông khát khao vô biên tuyệt đích, chẳng phải ông muốn lên tới đỉnh cao nhất của sự sống đó sao. Ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy chỉ tình yêu mới gom được bao nhiêu ý nghĩa” (Thế Lữ).

Vội vàng là một trong những bài thơ hay nhất và tiêu biểu nhất của Xuân Diệu cũng như dòng thơ lãng mạn Việt Nam và đoạn thơ bình giảng là đoạn thơ tiêu biểu thể hiện rõ ràng từng chủ đề của tác phẩm cũng như con người Xuân Diệu: “Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết”.

Các bài học liên quan
Đề bài: Chứng minh rằng, truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc, như có nhà nghiên cứu đã nhận định, là một khi tình xuất sắc thể hiện sự kết hợp giữa chính trị và văn chương trong sự nghiệp sáng tác của Bác Hồ.
Đề bài: Phân tích đoạn trích “Tình yêu và thù hận” (trích “Rô-mê-ô và Giu-li-ét”) của sếch-xpia.
Đề bài: “Vấn đề Đôi mắt đã được đặt ra từ trước Cách mạng qua các tác phẩm của ông”. (Nguyễn Hoành Khung) Dựa vào những tác phẩm đã học và đọc thêm của Nam Cao, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật