Đề bài: Những sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc trong truyện ngắn “Vi hành”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương. Người viết văn hay làm thơ chẳng qua là vì hành vi chính trị, một hình thức đấu tranh cách mạng.

BÀI LÀM

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương. Người viết văn hay làm thơ chẳng qua là vì hành vi chính trị, một hình thức đấu tranh cách mạng. Chính vì thế trước khi đặt bút viết bao giờ Người cũng xác định mục đích và đối tượng sáng tác. Tuy nhiên, với một tài năng văn học uyên bác, cộng với sự nhiệt tình cách mạng sục sôi, nhiều khi những tác phẩm của Người không đơn thuần là vũ khí đấu tranh mà thực sự đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có nhiều sáng tạo độc đáo. Vi hành là một truyện ngắn như thế.

Giữa năm 1922, Pháp đưa tên vua bù nhìn Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Véc xây. Đây là âm mưu của chúng nhằm lừa gạt nhân dân ta. Thực chất, vị Quốc vương An Nam này sang Pháp là tỏ thái độ hoàn toàn quy phục “mẫu quốc”, Pháp cứ việc đầu tư vào Đông Dương để mà khai thác tài nguyên và tiếp tục đem văn minh tiến bộ đến cho những người được thực dân Pháp bảo hộ.

Nguyễn Ái Quốc lúc này đang hoạt động ở Pháp, Người viết Vi hành vào đầu năm 1923. Cùng với vở kịch Con rồng tre, truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc, bài báo Sở thích đặc biệt (1922) đã lật tẩy âm mưu nói trên và vạch trần tính chất bù nhìn, tay sai của Khải Định. Đồng thời tố cáo sự bịp bợm của bọn thực dân Pháp về cái gọi là “văn minh”, “khai hóa” mà chúng hằng nêu rao đối với các nước thuộc địa. Viết Vi hành, Nguyễn Ái Quốc nhằm trước hết là vào độc gia người Pháp, những người dân Pari và rộng hơn là những người biết tiếng Pháp. Vì thế, tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp và theo phong cách châu u hiện đại. Để có sức thuyết phục cao đối với người Pháp, người viết phải giữ một thái độ khách quan, tránh lối thóa mạ trực tiếp và lối mạt sát đao to búa lớn. Đây là một tác phẩm được viết với một nội dung chính trị rõ rệt. Lần này với một tác phẩm nghệ thuật, Bác đã có nhiều sáng tạo độc đáo.

Sáng tạo đầu tiên ở Vi hành là cách đặt tên tác phẩm. Ngay cái tựa đề cũng gợi một cái gì hết sức cổ điển của một tác phẩm văn xuôi cổ điển và hiện đại là một trong những đặc điểm nổi bật của văn thơ Hồ Chí Minh. Vi hành là hành động của các bậc vua chúa ngày xưa, vì mục đích nào đó thường cải trang làm dân thường đi khắp xứ để không ai biết mình. Theo truyền thuyết, Bác nhắc lại ở đây: “Ngày xưa vua Thuấn vì muốn đích thân tai nghe mắt thấy dân có bằng lòng với mình không” nên đã vi hành bằng cách “cải trang làm dân cày đi dò la khắp xứ”. Ở đây, Khải Định cũng được đi vi hành nhưng lại vì lí do cao thượng khác, có lẽ không phải vì lợi ích của nhân dân, mà để làm những trò lén lút, ám muội, có hại đến đất nước, làm nhục đến quốc thể. Rõ ràng, sự tương phản vì ý nghĩa của hai chữ “vi hành” đã tạo nên một hiệu quả thẩm mĩ cao. Dùng từ có ý nghĩa đẹp để diễn tả một hành vi xấu là một sáng tạo độc đáo đầu tiên tạo nên giọng điệu châm biếm mỉa mai, chi phối toàn bộ tác phẩm.

Thế nhưng sự sáng tạo độc đáo nhất về nghệ thuật trong Vi hành có lẽ là ở nghệ thuật xây dựng tình huống cho câu chuyện. Ở đây là tình huống nhầm lẫn của một đôi trai gái trẻ tuổi người Pháp yêu nhau nhầm Bác là Khải Định. Điều thú vị là Người hiểu tiếng Pháp thì lại cho là chẳng biết gì. Người không phải là Vua thì lại bị ngộ nhận là Hoàng thượng đang đi “vi hành”. Chính vì thế, tác giả mới có cơ hội lắng nghe một cách thoải mái cuộc đối thoại, bình phẩm của đôi trai gái, để qua đó biết được dư luận của người Pháp đối với Khải Định. Và như vậy câu chuyện được kể lại không phải tác giả quan sát Khải Định bằng con mắt châm biếm, căm ghét cuộc đời của một nhà ái quốc, mà chính của người Pháp.

Nhưng không phải chỉ có đôi trai gái người Pháp nhầm Bác là Khải Định mà dân chúng Pháp cũng nhầm lẫn tất cả những người da vàng trên, đất Pháp là Khái Định. Và đặc biệt hơn nữa, đến cả Chính phủ Pháp đích danh mời Khải Định sang làm thượng khách cũng nhầm lẫn, không nhận ra đâu là Khải Định; nên để tránh sự thất thố trong ngoại giao “Chính phủ bên đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tùy tùng đi hộ giá tuốt”. Thực tế khó có thể tin có chuyện kì lạ đó, nhưng như thế mới là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì nhà văn có quyền hư cấu, hư cấu dựa trên những sự thực một trăm phần trăm kia là vị quốc vương An Nam lén lút sang Pháp để làm cái trò hề ám muội. Tài năng của tác giả là bằng tình huống nhầm lẫn, Bác đã dựng chân dung nhân vật mà không cho nhân vật xuất hiện. Khải Định vắng mặt thật mà lại có mặt giả bằng sức tưởng tượng và sự hình dung của chính người đọc, hình tượng Khải Định hiện lên thật sinh động trong nhiều mặt, trong lời bàn tán.

Trước hết là trong cuộc đối thoại của đôi thanh niên nam nữ Pháp ở trên tàu điện ngầm. Một Khải Định mũi tẹt, mắt xếch, mặt bủng như vỏ chanh, thái độ nhút nhát, lúng ta lúng túng (đúng là thái độ của kẻ làm những việc ám muội), trang phục ăn mặc kệch cỡm, có thứ gì thì phô ra hết thứ ấy: “đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm, các ngón tay thì đeo đầy nhẫn. Nhất là “cái chụp đèn chụp lên đầu cuốn khăn hết sức lố bịch”. Đi giữa thủ đô Pari hoa lệ, Khải Định trở thành một thứ đồ làm trò hề giải trí cho người dân Pháp, giữa lúc các khó giải trí ở đây đã cạn ráo vì cái lò ở Găngbe đã loại rồi. Cái rương của Hêramecden cũng đã thanh toán rồi. Vụ án người bị chặt ra từng khúc thì không thu hút được công chúng vì không thuộc giới thượng lưu. Mà khốn nỗi, làm trò giải trí cho người Pháp cũng không đáng giá một xu. Thua vua hề Sáclô thì đã đành, Khải Định còn thua cả trò xem vợ lẽ nàng hầu của Cácmen và “tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công-gô”. Câu nói của anh thanh niên Pháp trong tàu điện ngầm tưởng không có lời báng bổ nào hơn thế: “Nghe nói ông bầu Nhà hát Múa rối cố định kí giao kèo thuê đấy”.

Vị hoàng đế An Nam này đến trường đua để làm gì mà trông điệu bộ “nhút nhát”, “lúng ta lúng túng”, mất hết cả tư cách của một vị quốc vương, nếu không phải là để ăn chơi trác táng? Và khăn áo, vàng nhẫn, lụa là mà hắn “đeo lên người” đâu cả rồi. Hay là đã đánh bạc, cá cược thua sạch, mà phải đem lại, đem các thứ đó đến tiệm cầm đồ. Chưa hết, người ta còn gặp Khải Định trong đường xe điện ngầm mà không hề thấy “tụi các ông quan kiệu đi theo đâu cả”. Hay là hắn đã “gửi tuốt chỗ hành lí nhà ga” để đi chơi vi hành? Thì ra vị hoàng để An Nam này vừa đến Pari đã lập tức lao vào các cuộc ăn chơi bốc giời như một gã đàng điếm, mạt hạng, không có một xó xỉnh nào mà ngài không tới. Những lời nhận xét bình phẩm của đôi thanh niên nam nữ người Pháp quả là ngọn roi đích đáng, quất thẳng vào người Khải Định. Tất cả những lời bình luận ấy, nếu được thể hiện trực tiếp là của người viết ra nó thì lập tức sẽ làm thành những lời thóa mạ ham học, khó được độc giả chấp nhận.

Trong truyện ngắn Vi hành, Bác còn sáng tạo ở việc dùng hình thức viết thư. Viết truyện dưới hình thức viết thư không phải là điều mới mẻ, ở đây lại đem đến cho tác phẩm một hiệu quả nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa làm tăng tính chân thực cho câu chuyện và để độc giả hiểu rằng Vi hành chẳng qua là hình thức một bức thư gửi người thân mà câu chuyện là sự việc người viết được chứng kiến, tai nghe mắt thấy chứ không hề có một dụng tâm sáng tạo mới mẻ gì. Hơn nữa, dùng hình thức viết thư nhí nhảnh, có lúc lại buồn nhớ mênh mông, có lúc lại cười cợt, khi vui tươi. Cảnh thay đổi linh hoạt, đang từ cảnh này sang cành khác: từ cảnh xe điện ngầm ở Pari chuyển thẳng đến cảnh nhà quê thời thơ ấu của tác giả khi ngồi vắt vẻo trên đầu gối của ông bác thân yêu để nghe chuyện cổ tích. Từ chuyện cải trạng của vua Thuấn bên Tàu, đến chuyện vua Pi-e ở nước Nga.

Thư là một thứ văn rất tự do không bao giờ có một quy định chặt chẽ nào, nhờ thế Bác có thể kể được nhiều chuyện, hồi tưởng, liên tưởng thoải mái mà đưa ra nhiều phán đoán, giả thiết về hành vi ám muội của Khải Định. Đồng thời luôn thể tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã đầu độc nhân dân ta bằng rượu cồn là thuốc phiện. Bằng những giọng châm biếm mát mẻ “phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng Đệ Nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam dưới quyền ngự trị của ngài hay không? (...) Hay là chán cảnh làm một ông vua to, giờ ngài muốn thử cuộc đời của các cậu công tử bé?”.

Từ chỗ thử bàn về đồ vi hành, khẳng định tác giả còn chế giễu chế độ mật thám quan tâm săn sóc người quá chu đáo, theo dõi từng bước chẳng khác “bà mẹ hiền nhìn đứa con thơ chập chững những bước đi thứ nhất”. Đó là những người phục vụ thầm kín rụt rẻ, vô tư và hết sức tận tụy.

Người ta nói về cái cười của những người Đông Nam Á không phải cái cười để giải trí mà là cái cười trí tuệ. Cười vào tận trong gan ốc làm cho kẻ thù chết điếng, cái cười ở đây là cái cười như thế. Đằng sau những lời nói hóm hỉnh đó là những nụ cười chế giễu cay độc. Cái nhà nước vẫn tự xưng là “tự do dân chủ và nhân quyền”, những từ ngữ có cánh ấy thực ra cũng chỉ là những trò hề giả dối.

Vi hành thể hiện tài năng nghệ thuật trào phúng bậc thầy của Nguyễn Ái Quốc. Nhà văn đã khéo léo thể hiện được mâu thuẫn trào phúng của truyện: mâu thuẫn giữa cái địa vị, tín ngưỡng cao quý của một đấng vua, một vị thượng khách, giữa chuyện tuyên truyền bằng lời lẽ to tát với thực chất là một tên hề đốn mặt bị khinh bỉ, chế giễu. Nhà văn đã sử dụng bút pháp phóng đại, sử dụng rất đắt những cách chơi chữ trào phúng, cách ví von trào phúng để tạo ra những đối lập về từ ngữ, hành vi đẹp nhưng ở đây lại xấu, tạo ra những đối lập xấu xa. Danh nghĩa cao quý thực chất ở đây lại là một tên hề, bảo hộ thực chất là bóc lột tàn ác. Đặc biệt là giọng văn trào phúng, những tiếng: “Hắn đấy!” ”Xem hắn kia!” là lời chào mừng mà chúng tôi thường gặp dọc đường. Và ngày nay, cứ mỗi lần ra khỏi cửa, thật tôi không sao che giấu nổi niềm tự hào được làm một người An Nam”, và sự biến hóa kì diệu - “chúng tôi” - là một tài năng văn học uyên thâm của Bác.

Như vậy qua Vi hành chúng ta đã thấy thể văn xuôi chính trị kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa chính trị và nghệ thuật, và nói chính trị bằng một cách rất nghệ thuật. Có thể nói Vi hành là một kết tinh nghệ thuật thuộc loại xuất sắc nhất, biểu hiện tài năng văn học lớn - Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm ra đời cách đây đã gần một thế kỉ nhưng hôm nay đọc lại vẫn thấy rất mới và hiện đại.

Các bài học liên quan
Đề bài: “Vấn đề Đôi mắt đã được đặt ra từ trước Cách mạng qua các tác phẩm của ông”. (Nguyễn Hoành Khung) Dựa vào những tác phẩm đã học và đọc thêm của Nam Cao, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài: Phân tích bi kịch của người tri thức nghèo trong xã hội cũ qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao, từ đó nếu giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
Đề bài: Phân tích truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao.
Đề bài: “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” - Nam Cao
Đề bài: Những cảm nhận của anh/chị sau khi đọc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.
Đề bài: Vì sao khi giết Bá Kiến, Chí Phèo lại kết liễu đời mình? Từ bi kịch đó em hãy nêu lên giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả trong truyện ngắn

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật