Đề bài: Những cảm nhận của anh/chị sau khi đọc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao

Cuộc sống hôm nay xuất hiện những dạng Chí Phèo và báo chí đã có những bài bình luận và báo động. Những làng Vũ Đại cũng xuất hiện. Sự sống có thể là trường cửu trong một nhân vật văn học, tôi muốn được cùng bạn đọc trở lại chân dung gốc Chí Phèo và công của người đã khai sinh ra nó - nhà văn lớn Nam Cao.

BÀI LÀM

Cuộc sống hôm nay xuất hiện những dạng Chí Phèo và báo chí đã có những bài bình luận và báo động. Những làng Vũ Đại cũng xuất hiện. Sự sống có thể là trường cửu trong một nhân vật văn học, tôi muốn được cùng bạn đọc trở lại chân dung gốc Chí Phèo và công của người đã khai sinh ra nó - nhà văn lớn Nam Cao.

Xuất hiện ngay từ dòng đầu của truyện là hình ảnh Chí Phèo “vừa đi vừa chửi”. Tiếng chửi đó sẽ bám riết chúng ta và tạo nên âm hưởng chủ đạo cho toàn thiên truyện “Hắn vừa đi vừa chửi....”. Kể cũng thú vị: Tiếng chửi là hiện tượng bình thường ở các làng quê xưa (lúc nào mà chẳng có cớ để diễn ra, từ chuyện mất gà, chuyện ẩu đả, chuyện say rượu, chuyện xôi thịt chốn cung đình...) thì ở đây lại mang vẻ lạ, vì đó là tiếng chửi của Chí Phèo. Tiếng chửi của Chí là sự lạ, nhưng lại thành quen, thành bình thường ở làng Vũ Đại, vì cái cách hắn chửi “vừa đi vừa chửi” và vì cái không thay đổi trong lời chửi: Từ chửi trời, chửi đất, đến chửi cả làng Vũ Đại, rồi chửi tất cả những ai không chửi nhau với hắn! (Đến vậy mà không ai ra điều. Tức quá!). Thế là Chí chửi đến “cái con chết mẹ nào” đã đẻ ra Chí, cứ thế ta đi dần vào lai lịch, vào lịch sử của nhân vật, từ người lương thiện mà thành lưu manh, rồi từ lưu manh mà muốn trở thành người lương thiện. Nhưng nếu chặng đầu của đời Chí diễn ra theo hướng thuận, như một logic không cưỡng lại được, thì chặng thứ hai lại bị ách tắc. Đâu dễ làm người lương thiện và hậu quả của sự ách tắc đó là cùng diễn ra hai án mạng. Đó là Bá Kiến và Chí Phèo. Nhưng đằng sau ách tắc nhất thời ấy, cuộc sống vẫn cứ trôi theo nhịp chảy quen thuộc, khi hình ảnh một “cái lò gạch” lại lởn vởn hiện ra cùng nỗi lo nơi người đàn bà đã từng ăn nằm với y là Thị Nở.

Truyện mở ra bằng một nhịp chửi và kết thúc cũng bằng tiếng chửi và lạ làng. Giữa hai nhịp chửi trở thành bình thường, thành quen thuộc ở làng Vũ Đại - đó là trọn vẹn một kiếp người - kiếp Chí Phèo. Một kiếp người gắn với sinh hoạt của cái làng có tên Vũ Đại, với một quần thể người, vừa nương tựa, vừa cưu mang nhau, vừa xâu xé và đâm chém nhau. Truyện có tên nhân vật chính, được mở ra và kết thúc trong dư âm một tiếng thét, không lẫn với bất cứ ai. Cũng là chuyện về sinh mệnh và số mệnh của làng quê Việt Nam trước 1945, trên quá trình suy thoái và băng hoại.

Đó là một quá trình dường như mang tính quy luật - quá trình lưu manh hóa con người. Nó được hiện thân ở trong một cái tên riêng - Chí Phèo - một cái tên riêng có tính cách, Có số phận, một cái tên riêng có ý nghĩa đại diện cho một quần thể, một xu thế. Hắn không phải ngẫu nhiên, lịch sử tên truyện đã đi qua Cái Lò gạch cũ, Đôi lứa xứng đôi, để dừng lại ở Chí Phèo.

Nó là một ám ảnh vì cái phần ở ngoài, ở hai phía trước và sau cuộc đời Chí Phèo. Đó là cái hướng mở trong truyện do sự kết nối qua nhân vật chính với những người không dưng bỗng có liên quan mật thiết đến cuộc đời Chí: Từ anh đi thả ống lươn nơi lò gạch cũ ở đầu truyện, đến người đàn bà xấu nết ma chê quỷ hờn là Thị Nở khi chứng kiến cái chết của Chỉ ở cuối truyện.

Mang tên nhân vật chính, nhưng trong tính hoàn chỉnh của nó, để hiểu kiệt tác Chí Phèo và nhân vật Chí Phèo, không được bỏ qua gương mặt Thị Nở. Qua đặc tả của Nam Cao, đó là một người đàn bà cực kì xấu xí. Thế nhưng trong sự gặp gỡ, sự kết hợp giữa hai gương mặt xấu xí ấy, người đọc lại có dịp cảm nhận một cái gì đẹp, một cái gì như là chất thơ, là tình yêu. Và tình yêu, nếu có thể dùng chữ ấy trong khả năng bù đắp và tái tạo của nó, đã biết cách đưa trở lại sự thăng bằng cho một cuộc sống toàn những phen ẩu đả và những cơn say. Tình yêu làm tỉnh lại một phần đời Chí. Sự tỉnh táo lại cho hắn biết thế nào là mùi vị của hạnh phúc trong mùi bát cháo hành, và hắn cảm nhận được những âm thanh quen thuộc của đời: “Tiếng cười nói trong những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá...”.

Ở tình huống truyện luôn gây bất ngờ đó, Nam Cao có dịp vừa đào sâu, vừa mở rộng thêm cái phần người bị tước đoạt đang trở lại sự giằng co để phục hồi của nó. Để từ sự giằng co đó mà đi tới cái kết thúc truyện mang sức chứa triết học, và nội dung tố cáo sâu sắc những cơ sở xã hội đã làm nảy nở hiện tượng Chí Phèo, vừa như nạn nhân vừa như quỷ dữ.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).
Đề bài : Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” qua đó nêu lên tư tưởng của tác phẩm và phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật