Đề bài : Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” qua đó nêu lên tư tưởng của tác phẩm và phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

Chữ người tử tù là truyện ngắn rút từ tập Vang bóng một thời một tác phẩm thấm đẫm tình hoài cổ của Nguyễn Tuân nên lẽ dĩ nhiên Chữ người tử tù ngược dòng thời gian để trở lại cái thời đã xa, với một thú vui nghệ thuật thanh cao: chơi chữ.

BÀI LÀM

Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Cái đẹp trong trà đạo Việt Nam xưa, cái đẹp trong thú ẩm thực tao nhã, cái đẹp trong trò chơi “đánh thơ”, “thả thơ” đậm đà cái hồn nghệ sĩ. Cái đẹp ấy là hình ảnh người lái đò sông Đà “tay lái ra hoa”, là anh Tô Hiệu trước khi khuất bóng còn lấy cầu Kiều “đào cười gió đông”, là cảnh mặt trời ngày mới mọc trên đảo Cô Tô... Biết bao vẻ đẹp cuộc đời mà Nguyễn Tuân trân trọng đưa vào trang viết, tựa như ép một đóa hồng vào giữa cuốn sách, Một trong những bông hồng thắm đó ấy chính là cảnh tượng cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử tù, với những lời văn say mê đến độ như muốn kéo người đọc vào trong thế giới của tác phẩm làm ta vừa mến yêu, vừa khắc khoải, vừa chìm trong cảm xúc bi thương hùng tráng....

Chữ người tử tù là truyện ngắn rút từ tập Vang bóng một thời một tác phẩm thấm đẫm tình hoài cổ của Nguyễn Tuân nên lẽ dĩ nhiên Chữ người tử tù ngược dòng thời gian để trở lại cái thời đã xa, với một thú vui nghệ thuật thanh cao: chơi chữ. Nho học thời xưa dùng chữ Hán là kiểu chữ tượng hình, các nét được cách điệu hóa qua nhiều đời thành một nghệ thuật viết chữ có các quy tắc mà xưa nay dân gian vẫn thường xưng tụng. Thiếp Lan Đình của Vương Hi Chi là bảo bối của môn nghệ thuật này. Chữ viết trên lụa bôi thành tranh tứ bình, bức châm có chữ viết để thảo những bài văn, thơ Đường mà được bạn bè hoặc người mình kính ngưỡng đích thân tặng cho, đối với người nhận chữ mà nói, là hạnh phúc vô vàn. Chẳng thế mà viên quản ngục trong truyện lại chỉ vì muốn có được đôi câu đối của người tử tù tự tay viết mà bất chấp tất cả, danh dự, sự nghiệp, tính mạng, âu cũng chỉ vì cái lòng yêu quá lớn mà thôi. Kể từ cái ngày bắt đầu thông hiểu sự đời, cái sở nguyện mà ông trăn trở mãi là có được chữ của ông Huấn Cao treo trong nhà. Được như vậy thật có khác gì trong tay có báu vật. Nhưng xưa nay vẫn vậy, muốn có được báu vật đâu phải dễ, con người nhiều khi cũng lao tâm khổ tứ, bỏ trăm ngàn công sức, mạo hiểm mạng sống mà chưa chắc đã chạm vào được một ngón tay. Tình huống bi đát mà Nguyên Tuân xây dựng cho nhân vật quản ngục, đó là đẩy ông vào cái thế tiến thoái lưỡng nan, có một Huấn Cao ‘‘trong tay mình, dưới quyền mình” mà không thể xin chữ, cũng chẳng dám ngỏ lời, vậy mới hay cái lòng “kính nhi viễn chi” Lớn đến chừng nào.

Nội dung truyện phát triển ngày càng kịch tính, ta băn khoăn tự hỏi liệu Huấn Cao có cho chữ quản ngục, để rồi khi đọc dòng chữ “Ngày mai, tinh mơ, sẽ có người đến giải tù đi” thì trái tim chợt chùng xuống và vang vọng trong đầu ta một giọng buồn bã: “Thế là hết”. Than ôi, cái nỗi lòng đau đớn và tiếc nuối của viên quản ngục còn sâu đậm hơn thế, ước ao cả đời người sẽ chính thức vỡ tan thành nghìn mảnh ở cái pháp trường xa xôi ngoài kinh, và chỉ còn đêm nay... chỉ một đêm nay thôi... làm sao có thể... Giả như ông Huấn Cao không cho chữ quản ngục thì câu chuyện nên chấm dứt ở đây là hơn. Và rồi tất cả những gì đọng lại chỉ là một tấm lòng không được báo đáp cùng nỗi chán chường. Màu sắc u ám sẽ bao trùm thiên truyện. Nhưng Nguyễn Tuấn đâu thể để việc đó xảy ra. Ông đã dựng lên một khung cảnh ngoài sức tưởng tượng: cảnh cho chữ. Bao nhiêu lo lắng được xua đi, người đọc như thở ra nhẹ nhàng, mọi nút thắt được cởi bỏ, kết thúc làm ta thấy nó không hề khiên cưỡng, hài hòa và thoải mái như tự nhiên nó phải vậy.

Cảnh cho chữ diễn ra theo hướng phát triển tự nhiên của mạch truyện nhưng dưới ngòi bút độc đáo của Nguyễn Tuân, đó là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, là hội tụ của tất cả mọi điều đi ngược lại quy luật sẵn có. Nhắc đến hai tiếng “nhà tù”, ta nhớ đến cái hình ảnh một tòa nhà âm u in bóng trên nền trời xám xịt tường rào, song sắt, là tra tấn, cực hình, là những kẻ mặt mày dữ tợn, tính tình luôn đem phạm nhân ra làm nạn nhân cho những “trò chơi” tàn bạo của chúng ta. Ấy vậy mà ngục tối trong văn Nguyễn Tuân sao mà đẹp đến thế. Đẹp không phải về cảnh sắc mà về con người. Cái nơi “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” ấy bỗng trở thành không gian để nghệ thuật được sáng tạo thay vì phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, còn người nghệ sĩ lại là một tử tù cổ đeo gông, chân mang xiềng. Điều gì đã mang đến một vẻ đẹp khác thường cho tất cả những hình ảnh tưởng chừng xấu xí này? Là điều gì khác nếu không phải là ánh sáng từ tâm hồn những con người yêu cái đẹp đã soi rọi và xua tan đi cái âm u của nhà ngục? Một viên quản ngục theo lẽ thường phải hành hạ, tra tấn phạm nhân nhưng người quản ngục của Nguyễn Tuân lại mê đắm và phải lòng cái đẹp, một thầy thơ lại đáng ra là kẻ hay ton hót và bợ đỡ quan trên thì lại biết cảm thông cho tấm lòng yêu chuộng nét chữ Huấn Cao của quản ngục, từ đây mà hết lòng giúp đỡ. Để rồi thay vì cái vẻ thị uy và khinh khỉnh là cái dáng “khúm núm”, “run run” đầy kính cẩn trước kẻ tử tù sắp đến ngày ra pháp trường. Trên bình diện xã hội, họ đứng ở hai vị trí đối lập nhưng trong bình diện nghệ thuật thì cả ba lại là tri kỉ, không cần nhiều lời vẫn hiểu được lòng nhau. Huấn Cao - người tử tù, cùng vì trọng mối tình tri kỉ đó mà lo lắng gìn giữ cái thiên lương trong trẻo của người sống, dù bản thân chỉ ngày mai thôi là sẽ vĩnh viễn ra đi khỏi cõi đời này. Có những kẻ vì sợ chết mà chạy trốn, mà sợ hãi đến phát điên nhưng Huấn Cao thì không. Con người này coi cái chết nhẹ tựa lông hồng và coi việc giữ cho một tâm hồn trong sạch không bị vấy bẩn là điều quan trọng nhất trong những phút giây cuối cùng, là điều mà nếu đạt được thì dù có nhắm mắt cũng không ân hận là đã “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Đầy rẫy tương phản, tưởng như quá sức vô lí nhưng “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” này lại là bức tranh đẹp đến không ngờ, như bản chất của cái Đẹp luôn là những thứ không thể nhìn thấy và chạm vào một cách dễ dàng.

Từ một việc tưởng chừng hết sức bình thường là xin chữ và cho chữ, Nguyễn Tuân đã biến kết thúc cao trào của thiên truyện thành một cuộc tương phùng kì ngộ vô tiền khoáng hậu, nơi ngục tù trở thành chứng nhân cho tình tri kỉ, thiên lương trong sáng và tình yêu cái Đẹp. Huấn Cao, quản ngục và thầy thơ lại tìm đến với nhau bằng sự say mê cái đẹp, bằng những cảm nhận chân thành và tinh tế nhất trong tâm hồn mỗi người. Tuyệt nhiên không có chỗ cho sự mưu toan, cho thói thường kiêu ngạo, cho sự ngã giá bán mua. Ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục như một lời khẳng định đanh thép lẽ sống và đạo làm người của mình: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”, rằng ông không sợ cường quyền, không sợ cái chết, chỉ sợ sẽ “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, răng vàng ngọc hay quyền lực chẳng là gì so với tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của một người. Đã yêu chuộng đến mức ấy thì bản thân cũng đem hết tâm trí, tài lực để báo đáp, để xem cái đẹp trao vào tay người khát khao cái đẹp, và làm sao để giữ cho cái thiên lương của người ấy được vẹn toàn, được lành vững chứ không chôn vùi giữa đống bùn nhơ... Cho chữ, ấy còn là cho đi cái ước nguyện, cái thiện lương của lòng người, mong sao người chơi chữ không chỉ chơi chữ mà còn phải theo được chữ.

Lấy cái nền là không gian nhơ nhớp cửa nhà ngục để tô đậm hình ảnh về sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, cảnh cho chữ đã làm vẻ đẹp của các nhân vật tỏa sáng rực rỡ... Khung cảnh làm tâm can người đọc phải lặng đi trong một chốc, ấy là bó đuốc sáng rừng rực đã quét sạch mọi tàn dư của bóng tối, hương thơm từ chậu mực át hết mùi hôi thối của phòng giam và trên nền đất bẩn là một tấm lụa trắng tinh khôi. Người tử tù đậm tô nét chữ trên vuông lụa, cổ đeo gông, chân vướng xiềng mà ngòi bút vẫn tung hoành ngang dọc những nét rồng bay phượng múa. Hình ảnh ấy như một bài ca hùng tráng và say sưa nhất trần đời. Còn viên quản ngục và thầy thơ lại, người thì “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”, người thì “run run bưng chậu mực”, họ đang run sợ trước cường quyền chăng? Không, đó là sự cúi mình trước cái đẹp. Và cái vái của ngục quan ở cuối truyện khi “dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào” để rồi thốt lên: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” có lẽ là minh chứng : rõ ràng nhất cho sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện trước cái ác, cái xấu xa. Nó cho thấy rằng sức mạnh cảm hóa từ thiên lương của Huấn Cao đã cứu thoát linh hồn quản ngục khỏi chính cái nhà giam trong trái tim mình để sống sao cho xứng đáng với từng chữ trên tấm lụa kia. Cái vái chứa chan ân hận mà cao quý vô cùng của quản ngục cùng lời khuyên chân tình như lời di huấn của Huấn Cao chính là vẻ đẹp rực rỡ nhất - vẻ đẹp của thiên lương con người. Thiếu đi vẻ đẹp của thiên lương, quản ngục sẽ chỉ là kẻ chơi chữ tầm thường, Huấn Cao chỉ là kẻ tài năng khí phách mà kiêu ngạo, và tất cả chỉ là sự vô nghĩa. Nhưng vì thiên lương còn đó mà quản ngục sẽ từ bỏ cái nghề tàn nhẫn này để về quê sống nốt cuộc đời trong thanh bản, ngày ngày ngước lên nhìn bức chấm lụa trắng để rồi nhớ về một cố nhân với chút tình buồn mênh mông trong lòng...

Đọc cảnh cho chữ mới thấy quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp sâu sắc đến mức nào. Cái đẹp ở đây không chỉ là cái đẹp bề ngoài, đẹp hình thức mà còn là cái đẹp trong tâm hồn con người: Đẹp phải gắn với thiện, đẹp không thể đứng chung với cái xấu, với cái ác mà phải có được một ngai vàng cao nhất. Một con người dù hoàn hảo đến đâu mà không có được cái thiện căn thì trong con mắt Nguyễn Tuân, cũng chẳng có gì đáng giá. Với Nguyễn Tuân, hình tượng mà ông hướng tới phải là Huân Cao, không chỉ tài hoa, khí phách mà thiên lương vô cùng trong sáng. Từ đó bàn rộng ra mới thấy không gì có thể hủy diệt và giết chết cái đẹp. Huấn Cao bị tử hình, nhưng chữ của ông còn đó, những gì về ông còn lưu dấu mãi trong lòng viên quản ngục, để mỗi lần nhớ tới lại tự nhắc trong lòng rằng đừng phụ tấm lòng cố nhân, rằng phải sống đúng với từng chữ trên bức châm còn đó. Cái Đẹp còn có sức mạnh chiến thắng cái xấu xa, cái hèn hạ, thậm chí cảm hóa cả cái xấu xa, cái hèn hạ đó, hướng chúng tới sự trong sáng và cao thượng. Nguyễn Tuân và Đốt-tôi-ép-xki đã gặp nhau ở điều này khi Đốt-tôi-ép-xki cũng từng cho rằng: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Chẳng phải chính tâm hồn viên quản ngục, từ chỗ say mê cái đẹp mà đi tới việc từ bỏ con người cũ của mình cũng là nhờ vào cái thiên lương của Huấn Cao đó sao? Lấy quan điểm cái Đẹp làm trọng tâm tư tưởng tác phẩm, coi cái đẹp là “hoa sen trong giếng ngọc”, Nguyễn Tuân đã thể hiện một phong cách nghệ thuật tài hoa và độc đáo.

Nói là tài hoa và độc đáo ở chỗ nào? Cảnh cho chữ chẳng phải là làm ta yêu mến và vì khát khao tìm kiếm cái đẹp, khát khao chạm tới cái đẹp quá mãnh liệt nên mọi tác phẩm của Nguyễn Tuân đều xuất hiện hình ảnh con người phải ở góc độ tài hoa, nghệ sĩ và sự vật, sự việc phải ở góc độ văn hóa, thẩm mĩ. Xây dựng một Huấn Cao có tài viết chữ đẹp nổi tiếng, đứng trước cái chết vẫn oai phong lẫm liệt và đặc biệt là có thiên lương trong sáng, tác giả hướng đến cái chân lí rằng: “con người sinh ra để mà thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”, Nghệ Thuật ở đây trong tư tưởng của Nguyễn Tuân cũng chính là cái đẹp. Điều này còn thể hiện rõ hơn ở nhân vật quản ngục, ngưỡng mộ cái đẹp và dám tìm đến cái đẹp để sở hữu nó trong cái ý nghĩa đích thực của nó, đó lẽ nào không phải nét tài hoa, nghệ sĩ sao? Đúng như Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét, rằng mọi nhân vật của Nguyễn Tuân đều là “hóa thân” của chính ông mà thôi. Còn cái độc đáo thể hiện qua “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, qua những hình tượng nhân vật đẹp đến mức khác thường, phi thường. Thậm chí Nguyễn Tuân còn mong rằng khi mình chết đi được mang theo nguyên cảo, không để lại bất kì bản sao nào ở đời, và thật dễ hiểu khi mọi nhân vật của ông không thể tìm thấy trong bất kì tác phẩm nào.

Từ một cảnh cho chữ tưởng như bình thường, đọc thật lâu, nghiền ngẫm thật kĩ ta mới thấy vỡ lẽ ra nhiều điều “Văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thường thức” (Vũ Ngọc Phan). Xây dựng hình ảnh Huấn Cao và quản ngục mang ánh sáng lấp lánh khác thường, tác giả đưa ra quan niệm của mình về cái Đẹp.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Đề bài: Phân tích câu 22,23 trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” để nêu lên quan niệm sống, chết của người nghĩa quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp của nông dân Nam Bộ. Bình luận về quan niệm ấy.
Đề bài: Bằng các tác phẩm đã học và đọc thêm, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu nhằm một mục đích chiến đấu bảo vệ đạo đức của nhân dân, quyền lợi của Tổ quốc.
Đề bài: “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống. (SGK Ngữ văn 11, tập một).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật