Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng)

Hạnh phúc của một tang gia là nhan đề của chương XV, một chương viết vào loại đặc sắc nhất của tiểu thuyết số đỏ. Với ngòi bút châm biếm đầy tài năng, Vũ Trọng Phụng đã tạo ra được một tình huống độc đáo, xây dựng được những bức chân dung nhân vật đầy tính hài hước và nhiều chi tiết châm biếm đặc sắc.

BÀI LÀM

Hạnh phúc của một tang gia là nhan đề của chương XV, một chương viết vào loại đặc sắc nhất của tiểu thuyết số đỏ. Với ngòi bút châm biếm đầy tài năng, Vũ Trọng Phụng đã tạo ra được một tình huống độc đáo, xây dựng được những bức chân dung nhân vật đầy tính hài hước và nhiều chi tiết châm biếm đặc sắc.

Để chỉ ra bản chất giả dối, vô nhân đạo của tầng lớp thượng lưu thành thị, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tìm được một tình huống trào phúng độc đáo: một cái chết đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều người, đặc biệt là những người thân trong gia đình.

Theo đạo lí thông thường, đã là tang gia thì mọi người trong gia đình ắt sẽ bối rối, buồn đau, thương tiếc. Vậy mà cái chết của cụ cố tổ đã đem lại cho con cháu trong nhà niềm hạnh phúc lớn lao. Vì sao có chuyện nghịch cảnh, nghịch lí đó? Mọi cái đều có nguyên nhân.

Khi còn sống, cụ cố tổ đã tìm đến một ông chưởng lí văn khê để giao hẹn với pháp luật rằng, khi nào mình chết thì tài sản mới được đem ra chia cho con cháu.Thế là từ đó đám con cháu của cụ mong mỏi ngày đêm cho cụ chóng qua đời. Sau khi vợ chồng Văn Minh đã dùng kế lắm thầy rầy ma để giết cụ không thành, ông Phán - cháu rể quý hóa của cụ - phải dùng đến thủ đoạn đánh vào danh dự của gia đình, tác động một đòn tâm lí nặng nề để cụ buồn mà chết. Diệu kế đó có hiệu quả. Sau khi biết cháu gái của mình hư hỏng, danh dự của gia đình bị tổn thương, cụ ngất đi, ba ngày sau thì cụ chết thật. Thế là niềm hạnh phúc mà cả nhà mong đợi đã đến.

Cái chết của cụ cùng đám tang to của cụ đã tạo nên một tình huống trào phúng. Qua dịp này, bộ mặt thật của bọn thượng lưu, trưởng giả, những kẻ bề ngoài thì tỏ ra lịch sự, đạo đức nhưng thực chất thì hết sức xấu xa, tồi tệ đã bị vạch trần. Niềm vui lớn nhất của đám con cháu là được chia tài sản. Chả thế mà con cháu nhiệt tình, vui vẻ tổ chức đám tang linh đình như tổ chức ngày hội lớn!

Niềm hạnh phúc của mọi người được biểu hiện thật sinh động, mỗi người đều có cái lí do riêng để mà vui, mà sướng. Vũ Trọng Phụng như một nhà họa sĩ tài hoa, phác thảo nhanh hàng loạt chân dung. Mỗi chân dung được phác họa vài nét. Nhà văn ghi lại cái thần của nhân vật, tóm lấy mấy chi tiết đặc sắc, chỉ ra cái lố bịch, cái bất lương ẩn hiện đằng sau mỗi chi tiết.

Trước hết phải nói đến cụ cố Hồng, con trai cụ cố tổ. Cụ Hồng mới ngoài năm mươi nhưng có tính hiếu danh kì quặc: thích được gọi là cụ cố, thích tỏ ra già cả. Đám tang sẽ tạo điều kiện cho cụ già hơn, được phô trương cái sự già cả của mình trước thiên hạ. Cụ sung sướng mơ màng nghĩ đến cái cảnh được “mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khỏe mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa !”. Cụ chẳng biết gì và chẳng muốn biết cái gì nên câu cửa miệng của cụ là: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ! Trong lúc tang gia bối rối cụ phải gắt lên đúng một nghìn tám trăm bảy hai lần câu nói muôn thuở ấy.

Vợ chồng Văn Minh là nhà kinh doanh, lợi dụng dịp ông nội chết để lăng xê các mốt trang phục táo bạo nhất để thăm dò dư luận. Văn Minh không những mải nghĩ chuyện làm ăn mà còn nghĩ cách đối xử với Xuân, một kẻ có hai cái tội nhỏ, một cái ơn to, như thế nào cho phải. Nhờ có sự phân vân, bối rối ấy mà mặt anh ta hóa ra lại hợp cảnh tang gia.

Cô Tuyết lộng lẫy; nổi bật trong đám tang nhờ bộ y phục ngây thơ bằng voan mỏng trông như hở cả nách và nửa vú để chứng minh cho thiên hạ biết rằng mình chưa đánh mất chữ trinh. Tuyết đưa mắt tìm mãi mà chả thấy bạn giai của mình đâu cả. Vì thế mà Tuyết mới có được “vẻ buồn lãng mạn đúng một của một nhà có đám”!

Cậu Tú Tân thì sướng điên người vì được dịp thao diễn đội quân nhiếp ảnh của mình mà bấy lâu nay đã chuẩn bị công phu, nóng lòng chờ đợi. Ông Phán thì sung sướng với cái sừng vô hình trên đầu mình. Ông không ngờ đôi sừng trên đầu mình lại có giá trị to thế. Bỗng nhiên ông có vài nghìn để sắp tới tiến hành một cuộc doanh thương.

Cái chết của cụ cố tổ còn đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác nữa. Những tên cảnh sát thất nghiệp bỗng được thuê giữ trật tự cho đám tang, huy chương trên ngực và các kiểu râu ria trên cằm, trên mép. Niềm hạnh phúc của gia đình thân hữu cụ cố Hồng biểu hiện thật đa dạng nhưng rất giống nhau ở bản chất vô lương tâm, vô nhân đạo.

Vũ Trọng Phụng đã triệt để khai thác các chi tiết mang tính châm biếm, hài hước để làm nổi rõ tính bi hài kịch của đám tang. Nhà văn luôn luôn tạo được hai hệ thống hình ảnh mang màu sắc tương phản rõ nét.

Nhìn toàn cảnh đám tang ai cũng phải trầm trồ về quy mô to lớn, hình thức đa dạng, lễ nghi đầy đủ, một đám tang danh giá nhất, kiểu máu nhất. Đám tang to đến mức khiến cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng.

Nhưng khi nhìn kĩ, chịu khó lắng nghe thì hóa ra không phải là đám tang mà là đám rước linh đình vui vẻ. “Ai cũng làm bộ mặt nghiêm chỉnh, song lẽ thực sự thì vẫn thì thầm với nhau, chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về cái tủ mới sắm, một cái áo mới may”.

Còn đám trai thanh gái lịch thì cười tình với nhau, chê bai, bình phẩm, ghen tuông nhau. Từ đám người ấy người ta nghe được những câu thì thào rất vui vẻ, ý nhị, không hợp với không khí đám ma: Con bé nhà ai kháu thế? - Con bé bên cạnh đẹp hơn nữa! - ừ, ừ, cái thằng ấy bạc tình bỏ mẹ! - Xưa kia vợ nó bỏ nó chớ? - Hai đời chồng rồi, còn xuân chán! Gớm cái ngực, đảm quá đi mất! - Làm mối cho tớ nhé? - Mỏ vàng hay mỏ chì? Không không hẹn hò gì cả!... ”.

Những câu nói chất của đám người thanh lịch ấy, nó còn có giá trị hơn hàng Chục trang miêu tả, trần thuật.

Khi miêu tả cứ phải thường xuyên nhắc lại đảm cứ đi đây là đám tang. Đám cứ đi, đi không ngừng tới huyệt nhưng không phải là đám tang thực sự mà chỉ là đám rước vui vẻ tưng bừng. Những người đưa tang không mảy may nghĩ đến người đã khuất, không đau buồn, không thương tiếc mà ngược lại, tranh thủ tận hưởng niềm vui. Đó là cái bi của người chết, cái hài của xã hội, cái vô phúc của một gia đình giàu sang, đầy tiền bạc, đánh giá mà thiếu tình người, thiếu đạo lí, thiếu ân nghĩa, không có chút hiếu thảo với cha ông.

Tác giả kết thúc chương viết bằng một chi tiết đầy tính bi hài kịch: ‘‘Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng tráng loè xoè, ông Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi. Hứt!... Hứt!... Hứt!... Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư... ”. Đó là món tiền mà ông Phán đã thuê Xuân giết cụ cố tổ, người mà ông ta đang đau đớn khóc than!

Số đỏ là cuốn tiểu thuyết trào phúng có ý nghĩa phê phán sâu sắc. Ở chương XV này, tác giả đã tập trung làm nổi bật tính bi hài của đám tang, từ đó vạch rõ bản chất của tầng lớp thượng lưu thành thị đương thời, những kẻ giả dối, bịp bợm, lố lăng, chỉ biết chạy theo đồng tiền và lối sống đồi bại, không biết đến đạo lí, tình nghĩa ở đời.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).
Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Đề bài: Phân tích câu 22,23 trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” để nêu lên quan niệm sống, chết của người nghĩa quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp của nông dân Nam Bộ. Bình luận về quan niệm ấy.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật