Đề bài: Phân tích hiệu quả của nghệ thuật tương phản trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam)

Thạch Lam là cây bút xuất sắc của văn học giai đoạn 1930-1945. Những tác phẩm của ông không chỉ hấp dẫn người đọc ở cốt truyện độc đáo mà bởi những giá trị tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc. Hai đứa trẻ là một thi phẩm như vậy.

BÀI LÀM

Thạch Lam là cây bút xuất sắc của văn học giai đoạn 1930-1945. Những tác phẩm của ông không chỉ hấp dẫn người đọc ở cốt truyện độc đáo mà bởi những giá trị tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc. Hai đứa trẻ là một thi phẩm như vậy. Truyện thu hút chú ý của người đọc trước hết ở nghệ thuật tương phản, đối lập được sử dụng rất tinh tế, điêu luyện.

Nghệ thuật tương phản là một bút pháp mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn. Các nhà văn thường vận dụng thủ pháp này để tô đậm sự đối lập gay gắt giữa các hiện tượng, sự vật, từ đó thể hiện tập trung tư tưởng của tác phẩm. Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã xây dựng thành công bút pháp tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa quá khứ và hiện tại. Đồng thời sự xuất hiện của đoàn tàu đã tạo nên sự tương phản với cuộc sống tù đọng của khung cảnh phố huyện.

Truyện Hai đứa trẻ được vẽ nên bởi ba khung cảnh liên hoàn từ lúc chiều tàn đến nửa đêm. Trong những bức tranh nhạt nhòa và xám xịt ấy là những hình ảnh về kiếp người đói nghèo sống dật dờ giữa một ao đời tù đọng, phẳng lặng. Truyện có không gian ở phố huyện nghèo, hai chị em Liên và An thường ngồi đợi chuyến tàu đêm đi ngang qua phố huyện và cảm nhận những sự việc đang diễn ra xung quanh mình. Tuy truyện chỉ có tình huống như vậy nhưng qua tài năng của Thạch Lam, những chi tiết ấy được mô tả thật sống động và gợi rất nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Thủ pháp tương phản đã góp phần không nhỏ trong thành công này. Sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái âm thanh buồn bã của phố huyện và âm thanh của đoàn tàu rầm rộ đi qua, sự tương phản giữa cuộc sống thực tại và quá khứ êm đềm trong dòng mơ tưởng của Liên, giữa hoàn cảnh cuộc sống và tính cách nhân vật qua từng trang viết...

Thủ pháp tương phản đã được Thạch Lam khai thác triệt để trong tác phẩm, đặc biệt là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng và bóng tối đã xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện, ánh sáng yếu ớt của mặt trời “như hòn than sắp tàn” và xen vào đó là những hình ảnh đầu tiên của bóng tối “cây tre làng trước mặt đen lại”. Nhưng ám ảnh và có sức khơi gợi nhiều hơn cả là một không gian tối - sáng lúc phố huyện vào đêm: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị”. Trong sự đối lập sáng - tối đó, bóng tôi là gam màu chủ SH Bóng tối dày đặc, mênh mang, bao phủ khắp một vùng, còn ánh sáng thì mờ nhạt, nhỏ nhoi, leo lét không đủ để xua đi bóng tối. Thạch Lam thường miêu tả bóng tối nhưng chỉ trong Hai đứa trẻ, bóng tối mới đủ hình hài, cung bậc: “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối” bóng bác phở Siêu “mênh mông ngã xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ. Đêm ở phố huyện tĩnh mịch và đầy bóng tối”. Trong cái thế giới ngập tràn bóng đêm, dưới một bầu trời thăm thẳm bao la đầy bí mật của phố huyện, ánh sáng lại quá yếu ớt, mà nhạt, nhỏ bé, leo lét. Ánh sáng của các cửa hiệu chỉ là những khe sáng, lọt ra ngoài, hắt xuống mặt đường gồ ghề khiến mặt đất dường như nhấp nhô hơn vì những hòn đá nhỏ vẫn còn một bên sáng một bên tối. Ánh đèn của bác phở Siêu chỉ là những chấm “nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối”. Ánh sáng ngọn đèn của chị em Liên thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa.....Có lẽ trong văn học xưa nay, ánh sáng cũng đã từng xuất hiện nhiều nhưng không mấy ai miêu tả ánh sáng là “khe”, là “vệt”, là “châm”, là “hột”, là “quầng”... một cách độc đáo như Thạch Lam. Những ánh sáng vô cùng nhỏ bé, yếu ớt và mong manh. Từ ánh sáng của tự nhiên cho đến ánh sáng của con người đã toát lên điều đó. Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, những con đom đóm với ánh sáng nhỏ bé đã làm hiện lên một khung cảnh phố huyện bình lặng. Chi tiết về ánh sáng cứ trở đi trở lại trong tác phẩm như ám ảnh một điều gì đó rất mong manh trong cuộc sống của họ. Đối lập với những thứ ánh sáng chỉ chiếu sáng một vùng đất ấy là bóng tối. Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà. Gam màu chủ đạo, ngự trị khắp phố huyện chính là màu đen của bóng đêm. Sự tương phản này cho thấy cuộc sống nghèo khổ mỏi mòn của phố huyện. Đồng thời nhà văn công hướng những con người tới những hi vọng vào tương lai tươi sáng bởi những ánh sáng tuy nhỏ bé, yếu ớt nhưng không bao giờ tắt, lụi tàn.

Không chỉ là sự tương phản trong ánh sáng mà bóng tối, quá khứ và hiện tại của chị em Liên cũng đối lập gay gắt. Đó là một quá khứ tươi đẹp, chị em Liên được hưởng những thứ quà ngon lạ, còn giờ đây hai chị em thấy món phở của bác Siêu là một thức quà xa xỉ. Đó là “Hà Nội xa xăm, Hà Nội rực sáng”, còn giờ đây là khung cảnh phố huyện u ám mờ mịt. Thầy Liên mất việc, gia đình Liên phải về quê, chị em Liên phải làm quen dần với bóng tối. Đặt quá khứ và hiện tại của chị em Liên cạnh nhau, nhà văn Thạch Lam như tô đậm hơn nữa sự nghèo khổ, tù túng ở hiện tại, đồng thời ấp ủ về niềm hi vọng hướng về tương lai tốt đẹp.

Và trong tâm hồn của Liên cũng có một sự tương phản giữa cuộc sống thực tại và quá khứ êm đềm. Quá khứ là một niềm vui khi “chị được hưởng những thức quà ngon, lạ”, được “đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”, là hạnh phúc, là một cuộc sống ấm êm mà những đứa trẻ xứng đáng được có. Nhưng không, thực tại của Liên chỉ là cái buồn trong đôi mắt chị, Liên phải trông cửa hàng giúp mẹ ở một phố huyện nghèo, chịu đựng cuộc sống buồn tẻ và ảm đạm cứ lặp lại, hàng ngày. Sự tương phản như làm bật lên sự nuối tiếc về những tháng ngày đã qua, về một kí ức đầy ánh sáng, và đó cũng là niềm mơ ước, khát khao cùng Liên cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sự xuất hiện của đoàn tàu đối lập hoàn toàn với khung cảnh phố huyện. Đoàn tàu được miêu tả bằng âm thanh “Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới với những đốm lửa tung bay trên đường sắt. Một phố huyện với sự bao trùm dày đặc của bóng tối bỗng tươi vui, nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng hành khách nói chuyện ắt hẳn đi sự chán nản, cuộc sống tẻ nhạt của cư dân phố huyện. Dường như con tàu đã đem đến một thế giới khác, khác hẳn cuộc sống tối tăm nơi đây. Một lần nữa, nhà văn Thạch Lam đem đến cho người đọc một nhận thức mới về niềm tin, niềm hi vọng trong cuộc sống. Niềm tin ấy được gửi gắm trọn vẹn qua hình ảnh đoàn tàu qua phố huyện. Đoàn tàu đến mang theo một thứ ánh sáng khác hẳn thứ ánh sáng leo lắt của ngọn đèn chị Tí và hàng phở bác Siêu... Ánh sáng của đoàn tàu là ánh sáng rực rỡ, nhưng nó chỉ vụt lóe lên, nhanh như một ngôi sao băng vút qua bầu trời đêm để rồi khi nó qua đi thì bóng tối càng dày đặc hơn “các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường”, “những toa hạng trên sang trọng, lố nhố những người, đông và kênh lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Ánh sáng đó bừng lên rực rỡ, sáng cả không gian và cả tâm hồn con người giữa màn đêm tối tăm rồi vụt qua để lại sau nó cái tĩnh lặng và màn đêm đen tối. Ánh sáng từ con tàu, và ánh sáng chói lòa trong tiềm thức của Liên, rực sáng lên giữa khung cảnh bóng đêm tĩnh mịch bởi lẽ nó là ánh sáng của ước mơ đã thắp sáng cả tâm hồn Liên đã bị bóng tối lấp đầy dù chỉ trong giây phút, bởi lẽ nó là quá khứ, là thực cảnh mà Liên đã từng được sống, từng cảm nhận.

Trong suốt thiên truyện, bóng tối và ánh sáng tồn tại song song nhau. Bóng tối thuộc về thiên nhiên, thuộc về cuộc đời và số phận của con người nơi đây. Tuy nó bao trùm mọi vật, to lớn khổng lồ và đáng sợ nhưng vẫn không đủ để dập tắt ánh sáng - cái thuộc về con người, thuộc về những khát khao, mơ ước của tâm hồn họ. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi thôi, yếu ớt le lói thôi nhưng cũng đủ để xuyên qua bóng tối, đủ để làm bừng sáng tâm hồn con người nơi phố huyện nhỏ này, đó là những lúc chúng lóe sáng, bừng lên để rồi “xa xa mãi, khuất sau rặng tre”. Tất cả họ - những kiếp người lầm than nghèo khổ - đều xuất hiện trong bóng tối, hiện lên trong ánh sáng mờ, sắp lụi tàn, dập tắt. Tuy sống trong hoàn cảnh khổ cực tuy chịu nhiều khó khăn nhưng chị Tí, vợ chồng bác xẩm, bác phở Siêu... vẫn sống và hi vọng. Họ vẫn khao khát, vẫn mơ ước đến một tương lai tươi sáng. Tác giả sử dụng bút pháp tương phản rất thành công gợi cho độc giả nỗi buồn đầy thương cảm. Ta cũng hiểu được tấm lòng thương cảm sâu sắc của Thạch Lam đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi trong bóng tối mờ mịt. Trong bức tranh phố huyện, bóng tối và ánh sáng trộn lẫn vào nhau, đó là một xã hội Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến thu nhỏ lúc bấy giờ. Câu chuyện như một nỗi day dứt về kiếp người, kiếp đời.

Bút pháp tương phản được sử dụng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ mang nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ phản ánh hiện thực mà còn là mở ra niềm hi vọng, hướng về tương lai tươi đẹp. Với việc sử dụng nghệ thuật đối lập tương phản trong thiên truyện, Thạch Lam đã mô tả thành công cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, tẻ nhạt, tối tăm của những con người nơi phố huyện đang héo mòn vì bóng tối của cuộc đời. Qua đó nhà văn đã thể hiện được tinh thần nhân đạo, thể hiện cái tài và cái tâm của tác giả, tạo nên cả đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng đầy thi vị cho tác phẩm. Tác phẩm khép lại mà vẫn để lại nhiều dư âm nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đượm tình người, tình đời.

Các bài học liên quan
Đề bài: “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống. (SGK Ngữ văn 11, tập một).
Đề bài: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật