Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thạch Lam là một cây bút xuất sắc của “Tự lực văn đoàn” và cũng là nhà văn tài hoa, tiêu biểu cho thời kì văn học trước Cách mạng tháng Tám. Các tác phẩm của ông, mỗi truyện lại được ví như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là một bài thơ trữ tình như thế

BÀI LÀM 1

Thạch Lam là một cây bút xuất sắc của “Tự lực văn đoàn” và cũng là nhà văn tài hoa, tiêu biểu cho thời kì văn học trước Cách mạng tháng Tám. Các tác phẩm của ông, mỗi truyện lại được ví như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là một bài thơ trữ tình như thế. In trong tập Nắng trong vườn, Hai đứa trẻ mang đậm phong cách văn xuôi Thạch Lam - nó đan cài cả hai yếu tố lãng mạn và hiện thực - nó ẩn chứa giá trị nhân đạo và những thông điệp sâu sắc.

Có thể nói xuyên suốt cả tác phẩm, một âm điệu chậm chạp, uể oải, ngưng đọng, một giọng điệu buồn - buồn tẻ, buồn thương cứ bám theo suốt chúng ta. Rất tinh tế, Thạch Lam đã lồng cái cảm quan chung ấy vào từng chi tiết để thể hiện niềm xót thương với những kiếp người nghèo khổ sống lay lắt trong phố huyện.

Câu chuyện diễn ra vào một ngày chợ phiên - cái ngày theo lệ thường phải đông đúc, ồn ào, huyên náo, cái ngày theo lệ thường người bán người mua tấp nập và chí ít ra, khi chợ tàn nó cũng phải để lại chút dư vị nào đó trong không khí. Thế nhưng... chiều xuống mau, chợ phiên kết thúc. Cái mùi nghèo đói đeo bám khắp nơi. Cái mùi của những phế phẩm: vỏ thị, bã mía. Cái mùi của sự buồn chán: hai chị em Liên hôm nay cũng chẳng bán được gì nhiều. Một cái vòng luẩn quẩn, người bán thì cứ trồng vào người mua, người mua lại cứ trồng vào người bán, mặc cho những đứa trẻ con cứ tìm kiếm, bòn mót những gì còn sót lại, mà thứ còn sót lại, mùi vị chúng trong cái phố huyện nghèo này đã nói lên hết rồi.

Màn đêm buông xuống bao trùm lên phố huyện một bóng tối dày đặc, Nổi , bật trên cái nền tôi đó là ánh sáng tù mù của mấy ngọn đèn hàng nước chị Tí, gánh hàng bác Siêu và cả mấy “hột sáng” của chị em Liên nữa. Mẹ con chị Tí, ban ngày mò cua bắt ốc, tối dọn hàng nước dù biết là chẳng bán được bao nhiêu. Gia đình bác xẩm thì ngồi trên manh chiếu rách, thằng con nhỏ nằm bò ra nhặt cả những rác,bẩn xung quanh. Cái thau sắt trắng để trước mặt. Tiếng đàn bầu bật trong đêm, thế nhưng chẳng có một tiếng, hay một dấu hiệu nào của đồng xu ai đó cho vào thau cả. Bác Siêu bán phở có lẽ là khổ nhất, thứ hàng bác bán thật xa xỉ đối với chị em Liên. Tất cả những con người, những cảnh đời ấy đã được quan sát qua con mắt trẻ thơ của Liên và nó khiến cho tâm hồn non nớt ấy cũng cảm thấy trĩu nặng. Đặc biệt, là cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách nghe rợn trong đêm tối - biểu hiện cao nhất của kiếp người tàn tạ.

Ngần ấy số phận, ngần ấy con người đều sống chung trong vòng đời quẩn quanh tẻ nhạt, trong không gian mà ánh sáng chẳng qua chỉ để tô đậm đêm tối, không thấy tương lai. Sự chán nản mỏi mòn dường như cứ ăn mòn con người ta - khiến con người ta nhiều lúc vô vọng thành tuyệt vọng. Thạch Lam, một cách rất tự nhiên dường như cũng cuốn người đọc đi theo cảm xúc xót thương cho những kiếp người như thế.

Giá trị nhân đạo của Hai đứa trẻ còn được thể hiện qua sự phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây. Truyện được lấy điểm nhìn từ Liên - cô chị - tuy không còn bé nhưng cũng chưa lớn hẳn - biết thay mẹ trông nom gian hàng, đảm đang, chăm sóc em ân cần chu đáo. Ở Liên ta không chỉ nhận ra một tâm hồn, không hẳn là trẻ dại khi sợ tiếng cười của cụ Thi điên hay cả ngày ngồi mong chờ tàu từ Hà Nội về, mà còn một sự nhận thức khá sâu sắc về cuộc sống đang diễn xung quanh. Đó là sự tinh tế, khi bao người còn lại cố cầm cự như tạm hài lòng với cảnh sống hiện tại, chỉ dám mơ những giấc mơ xa xăm không rõ ràng thì Liên lại ý thức được hết sự buồn tẻ vô vị đến đơn điệu mà cuộc sống nghèo đang diễn ra, Liên thấy đau lòng và khao khát mãnh liệt một tương lai mới mẻ và sáng sủa hơn cuộc sống tẻ nhạt nơi phố huyện. Đó là sự đa cảm, khi Liên cảm động thương xót những đứa trẻ con nhà nghèo, cô nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau phiên chợ nhưng lại chẳng có tiền cho chúng. Qua nhân vật chị Tí, ta thấy hình ảnh một phụ nữ sống tảo tần, chịu thương chịu khó. Sáng sớm chị ra đồng mò cua bắt ốc, tối đến lại về mở quán nước hi vọng kiếm thêm được mấy đồng. Phải cần cù lắm, phải cố gắng lắm chị mới duy trì được cái nếp làm việc như thế. Chị vừa phải kiếm tiền, vừa phải lo cho đứa con trai nhỏ của mình... Cuộc sống nơi phố huyện diễn ra dẫu có tẻ nhạt thì thi thoảng ta vẫn thấy ấm lòng bởi sự quan tâm và tình cảm giữa con người với con người trong nghèo đói. Họ không chỉ quan tâm đến gia đình mình mà còn biết quan tâm đến những người khác nữa.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ nhất qua sự trân trọng, nâng niu những ước mơ, hi vọng của những con người nghèo khổ của phố huyện vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là chị em Liên, với ước mơ giản dị, nhỏ bé, hơi khác thường: đêm đêm đợi con tàu từ Hà Nội về. Người ta vẫn nói: chờ đợi là một điều khủng khiếp. Nhưng rõ ràng không có gì để chờ đợi thì còn điều khủng khiếp hơn. Chẳng thế mà chị em Liên hằng đêm mong chờ chuyến tàu đó đến thế. Giữa cái chốn thực tại mà nghèo đói, tăm tối tẻ nhạt bủa vây, con người ta đường tìm về quá khứ tươi đẹp, mơ đến cảm giác hạnh phúc đầy đủ, để cuộc đời còn chút gì đó tươi sáng, đẹp đẽ hơn. Những chuyến tàu từ Hà Nội về, đúng như ước mơ và khát khao cháy bỏng, mang theo những luồng ánh sáng mạnh, những âm thanh rộn ràng, bóng người lố nhố trên các toa sang trọng, màu vàng lấp lánh. Nó là khát khao của chị em Liên về cuộc sống tươi sáng hơn. Tất cả lung linh như một giấc mơ, vụt đến và vụt biến mất, để lại trong Liên vầng sáng trong những giấc mơ đẹp và đáng trân trọng. Chính qua khát vọng của Liên, Thạch Lam muốn lay động, thức tỉnh những người nghèo ở phố huyện, hướng họ tới một cuộc sống khác phong phú, ý nghĩa hơn.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng nhưng đầy nhạc điệu và cung bậc cảm xúc, Thạch Lam qua tác phẩm Hai đứa trẻ mang đến cho người đọc thật nhiều suy nghĩ. Tác phẩm để lại ấn tượng chẳng phải vì nó có cốt truyện gay cấn - truyện ngắn Thạch Lam dẫu có cốt truyện bao giờ - nhưng bởi nó làm ta cảm động, càng làm ta trăn trở vì cách ta sống, ta đối xử với cuộc sống của mình như thế nào? Thành công của Thạch Lam và Hai đứa trẻ là sự thành công trong việc thức tỉnh trí óc và trái tim con người. Sự thành công ấy được đóng góp một phần quan trọng bởi giá trị nhân đạo sâu sắc - mới mẻ của qua tác phẩm.

BÀI LÀM 2

Một lúc nào đó sống trong thế giới ngày càng tiện nghi nhưng ồn ào, hỗn tạp, bụi bặm, khi mà cái tính chất bị hòa trộn cùng những cái tạp chất, con người ta sẽ khao khát tìm về một cõi êm dịu hiền hòa. Khi đó, hãy đến với khu vườn văn của Thạch Lam - một cây bút xuất sắc trong trào lưu văn học lãng mạn 1930 - 1945, để được “thanh lọc” tâm hồn mình trong bầu không khí mát rười rượi thoảng mùi hương tỏa ra rất dịu dàng từ tấm lòng tác giả. Và để thẩm thấu những giá trị nhân đạo cao cả của những trang văn tinh tế đầy cảm xúc như truyện ngắn Hai đứa trẻ.

Hai đứa trẻ là một truyện ngắn ít sự kiện, hành động nhưng đầy ắp những bâng khuâng, khi nó tái hiện thế giới nội tâm của Liên và An - hai em nhỏ phải sống trong cảnh tù đọng, tẻ nhạt, mỏi mòn nơi một phố huyện nghèo xác xơ, tiêu điều. Trên cái phông nền là cảnh đời tăm tối của những người dân ngụ cư trên phố huyện, giá trị nhân đạo của tác phẩm đã cất cánh bay lên, cứ nhẹ nhàng mà lãng sâu, thấm thía.

Trước hết, tác giả bày tỏ tấm lòng xót thương chân thành đối với những kiếp người nghèo khổ nơi phố huyện, những kiếp người đang phải chôn vùi cuộc đời mình trong nghèo nàn, tăm tối. Ở phố huyện này, “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Nhưng đâu chỉ có thể, bóng tối đã trở thành đám mây u ám che phủ lên những kiếp người ở nơi đây, bám riết lấy cuộc đời họ. Quả thực, trên cái nền là bóng đêm bao phủ mênh mông ấy, có những con người đang sống âm thầm, lặng lẽ như những cái bóng, cam chịu, nhẫn nhục. Đó là mẹ con chị Tí ngày đi mò cua bắt tép, đêm đêm dọn hàng nước bên dưới góc làng, làm đến khuya mà vẫn chẳng kiếm được bao nhiêu; là bác phở Siêu đêm nào cũng gánh thùng phở ra bán nhưng ở phố huyện nghèo nàn này "quà bác là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền", biết lấy ai mua? Đó còn là vợ chồng bác xẩm ngồi lê la trên manh chiếu, “thằng con bò ra đất, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường”, là bà cụ Thi điên nghiện rượu lảo đảo "đi lần vào bóng tối" - đại diện cho một kiếp người đã tàn lụi quá nhiều. Và cả mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom nhặt những phế phẩm còn sót lại của người bán hàng... Tất cả họ đều đang bươn bà kiếm cái ăn, manh áo, giành giật từng chút một để sinh tên trong thực tại khắc nghiệt của cuộc sống. Thế nhưng, trên thực tế, họ chỉ tồn tại, một sự tồn tại cầm chừng, bấp bênh vô vọng và chắc hẳn nghĩ đến tương lai cũng chỉ là một mặc cảm mờ mịt mà thôi. Cuộc sống của họ cứ thế trôi đi không có gì mới mẻ, chỉ là sự vận hành theo phương thức đã định sẵn của một cỗ máy, trùng khớp nhau đến nghẹt thở, chính xác đến từng chi tiết. Thật đáng thương biết bao! Như những ngọn đèn con của chị Tí “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”, đó là những mảnh đời thấm đầy mồ hôi và nước mắt cứ làm lụi, cặm xui, cô đơn giữa bóng tối mênh mang của cuộc đời. Mỗi người trong số họ lặng lề góp chút ánh sáng nhỏ bé, cho khung cảnh phố huyện nghèo. Và ẩn hiện sau từng con chữ chính là tấm lòng tê tái yêu thương của tác giả. Những trang văn chứa đầy bóng tối mà chói sáng tâm chân tình, nhân hậu, xót xa chân thành của nhà văn dành cho những kiếp người cơ cực!

Bên cạnh đó, giá trị nhân đạo của truyện ngắn còn thể hiện ở lòng mến thương trẻ thơ, sự thấu hiểu những tâm tư tuổi nhỏ. Hai chị em Liên là những đứa trẻ thật đáng thương, bởi lẽ ở cái tuổi nhẽ ra còn được tung tăng cắp sách đến trường, nô đùa với chúng bạn, cuộc sống của chị em Liên đã phải thu lại trong cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu nơi phố huyện nghèo xác xơ. Ngày nào cũng như ngày nào, mọi công việc cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc chán ngấy mỏi mòn. Từ ngày bố mất việc, gia đình sa sút phải bỏ Hà Nội về quê, các em đã không còn được sống một tuổi thơ đúng nghĩa - được vui chơi hồn nhiên, thỏa thuê mơ ước. Nỗi lo vật chất áo cơm của cha mẹ từ lúc nào đã thấm vào tâm hồn thơ ngây của các em, giam giữ những bàn chân nhỏ bé khao khát được chạy nhảy nô đùa trong một cái lồng tù túng ngưng đọng: "Trẻ con tụ họp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ khiến An thèm muốn nhập bọn với chúng để nô đùa, nhưng sợ trái lời mẹ dặn phải coi hàng nên hai chị em đành ngồi yên trên chõng..."

Và đáng thương hơn nữa, khi bóng tối của phố huyện đã dần dần len lỏi, phá hủy đời sống tinh thần của hai đứa trẻ. Tác giả tập trung khắc họa tâm hồn ngây thơ của Liên. Với em, vũ trụ thăm thẳm bao la vẫn là thế giới đầy bí ẩn, xa lạ, nơi mà cô bé tin có dòng sông Ngân Hà, có con vịt theo sau ông Thần Nông... Thế nhưng, cái cảm giác “buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn” thì chẳng phải trẻ con chút nào! Dường như cái buồn lặng của buổi chiều miền /quê đang dần dần nhuộm lên tâm hồn ngây thơ của em một màu vàng úa hiu hắt, thay vì những cảm nhận xanh tươi như lứa tuổi của em cần có.

Thêm vào đó, bóng tối đã quen thuộc với Liên đến mức em “không sợ nó nữa”. Nhưng không sợ nghĩa là đã từng sợ. Còn gì đau xót hơn khi ở cái tuổi trong sáng đầy mộng ước, bóng đêm mịt mù đã trở thành một điều gì đó rất thường tình cứ đeo đẳng bám riết lấy ta và thậm chí làm ta chai sạn? Cái phản xạ tự nhiên của trẻ con đã mất đi, nghĩa là một tuổi thơ thực sự đã bị đánh mất mà không biết đến bao giờ mới trở lại.

Trong trào lưu văn học lãng mạn 1930 - 1945, khi các thi sĩ đều muốn “thoát lên tiên” hoặc “phiêu lưu trong trường tình”, thì Thạch Lam vẫn giữ vững cho mình một quan điểm nghệ thuật riêng: “Ông lặng lẽ hướng ngòi bút của mình về phía những người nghèo khổ với tấm lòng trắc ẩn chân thành” (Phong Lê). Với ông, văn chương sinh ra là để nói lên tiếng nói của con người, một công cụ chiến đấu cho hạnh phúc của con người và khi Thạch Lam biết xót thương cho những người nghèo khổ, cho những tuổi thơ bị chôn vùi trong bóng tối, thì ta chợt xúc động nhận ra tầm cao đẹp và trái tim lớn của một người cầm bút Thạch Lam dường như yêu thương tất cả, day dứt và lo âu cho tất cả. Mỗi số phận, mỗi mảnh đời được tái hiện một trăn trở đối với ông.

Nói đến giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Hai đứa trẻ, không thể không kể đến sự trân trọng những ước mơ nhỏ bé của con người. Những người dân ngụ cư trên phố huyện mang trong mình một khát khao mơ hồ đến tôi Á nghiệp: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khó hằng ngày của họ”. “Cái gì” đó là cái gì, và biết bao giờ nó mới đến? Chính họ cũng không biết đâu là cánh cửa dẫn họ thoát khỏi cuộc sống ngưng đọng, vô vị, mỏi mòn, bế tắc, mở ra một con đường mới sáng hơn ! và tươi đẹp hơn? Không ai trả lời cho họ. Trước mặt, sau lưng chỉ có màn đêm dày đặc, mông lung. Nhưng dù sao chăng nữa, đó vẫn là những ước mơ đáng được trân trọng. Vì chừng nào con người còn biết ước mơ, thì chừng đó họ chưa chịu khuất phục trước số phận mỏi mòn.

Nếu ước mơ của những người dân ngụ cư trên phố huyện còn mờ mờ nhân ảnh thì ước mơ của hai chị em Liên lại thật rõ ràng và xúc động: ước mơ được sống một cuộc đời sáng tươi, vui vẻ, có ý nghĩa hơn. Điều đó giải thích vì sao ngày nào hai chị em cũng mỏi mắt chờ đợi được trông thấy đoàn tàu từ Hà Nội đi Qua rồi mới chịu đóng cửa, tắt đèn đi ngủ. Đó đâu chỉ là biện pháp duy nhất để khuây khỏa nỗi hắt hiu, đơn điệu? Nhìn vào bề sâu, đó chính là sự vực dậy mãnh liệt của khao khát hướng về ánh sáng, về một thế giới có sự sống con người theo đúng nghĩa của nó. Mỗi lần đoàn tàu đi qua là một lần các em được trông thấy giấc mộng đẹp của mình dù chỉ là trong giây lát: “những toa đèn sáng trưng”, “những cửa kính sáng”, những người “nho nhỏ” trò chuyện, cười đùa với nhau. Điều đáng nói hơn cả là những ước mơ của Liên và An thật nhỏ bé, nhỏ bé đến tội nghiệp. Thông thường, trẻ con hay mong ước những gì to tát, cao xa, những gì lớn nhất trong tưởng tượng của chúng. Nhưng ở đây, Liên và An chỉ mơ có ánh sáng, có âm thanh, có hơi người... Chính ở đây, ý nghĩa nhân văn của ngòi bút Thạch Lam bừng sáng khi ông phát hiện và trân trọng ước mơ nhân bản của con người trong cảnh đời cũ trước Cách mạng.

Và cuối cùng, một giá trị nhân đạo mới mẻ mà không kém phần sâu sắc đã được Thạch Lam gửi gắm qua thiên truyện có sức rung, sức gợi sâu xa này, hình ảnh hai chị em Liên “lặng người” nhìn theo đoàn tàu đang vụt qua trong bồi hồi thương nhớ, trong miên man khao khát như một đoạn phim ngắn chầm chậm trải qua trước mặt người đọc. Nó đánh thức trong ta bao chiêm nghiệm, bâng khuâng. Có lẽ, con người ta dù ở trong thực tại khắc nghiệt như thế nào cũng giữ cho mình niềm tin và không ngừng mơ ước. Một bức thông điệp kín đáo mà không kém phần sâu sắc đã được Thạch Lam gửi gắm qua thiên truyện tới những tâm hồn uể oải, rệu rã đang cam chịu một cuộc sống lay lắt vô nghĩa. Chân lí cao đẹp về ước mơ và cuộc sống cứ nhẹ nhàng đi vào tâm thức ta. Quả là một giá trị nhân đạo mới mẻ đáng trân trọng. Một hồi chuông lay gọi cứ âm vang thánh thót mãi ngay cả khi ta đã gấp lại trang sách nhỏ.

Bằng những giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, truyện ngắn Hai đứa trẻ đã chứng minh với người đọc một giá trị vĩnh cửu của văn chương: Văn chương giúp con người nhìn thẳng vào cuộc đời, vào những bất hạnh, khổ đau của đồng loại, để biết thương hơn, yêu hơn và thấy lòng mình trong sáng hơn. Vâng, “từ đó, văn chương đã mang cái vectơ hướng vào cuộc đời, vào con người” (Hoàng Thiệu Khang).

Các bài học liên quan
Đề bài: Bằng các tác phẩm đã học và đọc thêm, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu nhằm một mục đích chiến đấu bảo vệ đạo đức của nhân dân, quyền lợi của Tổ quốc.
Đề bài: “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống. (SGK Ngữ văn 11, tập một).
Đề bài: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật