Đề bài: Phân tích bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến

Khóc Dương Khuê là những giọt lệ cuối đời mà Nguyễn Khuyến ép lấy để viếng hương hồn người bạn tri âm tri kỉ.

BÀI LÀM

Người thi sĩ ấy sống thâm trầm lặng lẽ mà trong thơ lắm khóc, lắm cười. Có khi cười hóm hỉnh, có khi cười chua chát nhưng đọng lại sau nụ cười là giọt lệ lặn vào trong. Người thi sĩ ấy đã khóc nhiều: khỏe vợ, khóc con, khóc thông gia, khóc cho cả bà con hàng xóm, khóc những bạn bè sao sớm vội ra đi. Những giọt lệ ấy của thi nhân giúp ta nhìn thấy nhân tình thế thái, nhìn thấy cuộc đời dâu bể và một tâm hồn nhân ái bao la. Khóc Dương Khuê là những giọt lệ cuối đời mà Nguyễn Khuyến ép lấy để viếng hương hồn người bạn tri âm tri kỉ.

Bài thơ mở đầu bằng những lời than thảng thốt:

Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Dương Khuê người làng Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây, đậu tiến sĩ cùng khoa với Nguyễn Khuyến. Hai người kết bạn với nhau từ thuở nho sinh. Về sau mỗi người sống mỗi cảnh nhưng họ vẫn giữ được tình bạn thủy chung, vẫn tìm thấy ở nhau những điểm đồng cảm. Tin bạn mất quá đột ngột khiến nhà thơ không khỏi bàng hoàng. Tác giả không dùng trực tiếp những từ ngữ nói về cái chết. Biết đâu nói lại càng đau. Chỉ cần mấy chữ thôi đã thôi rồi là người đọc hiểu được sự việc và hơn nữa hiểu được nỗi đau đớn, xót xa, nuối tiếc đến bàng hoàng tê tái của thi nhân. Đây là cảm xúc, tâm trạng của một nho sĩ tuổi đã về già mà vẫn mạnh mẽ, sâu sắc. Trong giờ phút đau thương ấy mây nước cũng như man mác, ngậm ngùi, buồn đau, nuối tiếc. Mất bạn, Nguyễn Khuyến thấy không gian trở nên trống trải, nhìn đâu cũng thấy nỗi buồn thầm lặng ở bên trong.

Sau giây phút bàng hoàng, Nguyễn Khuyến ngậm ngùi nhớ lại những kỉ niệm của tình bạn trong mấy chục năm qua. Kí ức đưa nhà thơ trở về ngày đầu gặp gỡ, khi họ là những nho sinh mới bước vào chốn trường thi:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.

Tình bạn của họ hình thành tự nhiên như đã có duyên trời định sẵn. Thời gian và cuộc sống với bao kỉ niệm càng gắn bó họ với nhau. Nguyễn Khuyến nhớ lại những buổi cùng nhau đến chốn núi non để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, nhớ những khi cùng nghe hát ả đào thưởng thức tiếng đàn tiếng hát, nhớ cả chén rượu mùa xuân cùng nhấp và những buổi đàm đạo văn chương ý hợp tâm đầu. Biết bao kỉ niệm bộn bề hiện về trong kí ức. Nhưng cuộc đời họ đâu chỉ có ngọt ngào. Đất nước đau thương vì quân thù giày xéo, người trí thức dù có công danh địa vị cũng chịu phận tôi đòi tủi nhục. Nét cảm nhận về thời thế với tâm trạng buồn bã bỗng dội lên trong hai câu thơ:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đẩu thăng chẳng dám than trời;

Phải là người hiểu biết và cảm thông sâu sắc mới viết được những lời thơ như thế. Mặc dù làm quan nhiều năm dưới triều nhà Nguyễn nhưng không ít lúc Dương Khuê chán chường thời cuộc. Hiểu bạn để cảm thông với bạn, đó là tấm lòng vị tha bao dung độ lượng của Nguyễn Khuyến đối với con người đặc biệt là đối với những người thân.

Qua đoạn hồi tưởng này, người đọc có thể hình dung được mối tình bằng hữu thắm thiết của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê gắn bó thủy chung từ lúc hàn vi đến lúc hàn vi đến lúc vinh hiển, từ tuổi thanh niên đến lúc về già. Những kỉ niệm được trình bày theo trình tự thời gian tạo cho người đọc ấn tượng về mối quan hệ liên tục bền vững trong toàn bộ cuộc đời của hai người.

Nguyễn Khuyến còn nhớ rất rõ lần gặp gỡ cuối cùng cách đây ba năm. Trong phút gặp gỡ của đôi bạn già, họ ân cần hỏi han trò chuyện, vui mừng khi thấy bạn mình vẫn như xưa:

Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

Hai câu thơ này vừa nhắc về kỉ niệm, vừa là tiền đề cho đoạn thơ tiếp theo. Bác vẫn khỏe mạnh, minh mẫn sao lại vội đi, vội từ giã cuộc đời một cách đột ngột như vậy.

Tình cảm chân thành và sâu nặng của tác giả được biểu hiện tập trung ở phần cuối của bài thơ. Hình ảnh Dương Khuê trong lần gặp gỡ cuối cùng vẫn còn in đậm trong tâm trí của Nguyễn Khuyến. Nhà thơ cảm thấy việc bạn qua đời là hết sức phi lí:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,

Sự phi lí ấy là cách phân tích của trái tim, là lí lẽ của tình cảm. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật dường như phi lí ấy đã làm nhà thơ đau đớn thương tiếc đến bàng hoàng: “Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”. Câu thơ giản dị như một lời nói tự nhiên mà diễn tả được nỗi đau tâm hồn và thể xác của thi nhân. Nỗi mất mát ấy không có gì bù đắp nổi. Nhà thơ cảm thấy cuộc đời mình từ đây trở nên vô vị, cô đơn và trống trải biết nhường nào. Giọng thơ như lời văn vi, dằn dỗi, như tiếng khóc nức nở kéo dài:

Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua

Một đoạn thơ ngắn mà dồn nén bao nhiêu tâm trạng, bao trùm lên tất cả sự cô đơn trống vắng đến tận cùng. Một câu thơ chỉ có tám chữ mà đã có những bốn chữ không: Không mua không phải không tiền không mua”. Mất bạn, Nguyễn Khuyến mất tất cả hứng thú của cuộc đời. Sự kiện ấy làm đảo lộn cả nếp sống thường nhật. Vì không có bạn hiền nữa nên nhà thơ không còn muốn uống rượu, làm thơ, gảy đàn mặc dù đó là thú vui của các bậc tao nhân mặc khách. Cuộc đời còn ý nghĩa gì nữa đâu khi không còn tri âm tri kỉ cũng như Trân Phôn treo giường lên khi vắng bạn, như Bá Nha đập nát đàn khi Chung Từ Kì không còn nữa.

Sau những dằn vặt đau xót, nhà thơ thầm thì trò chuyện,với linh hồn của bạn, lời thơ trở nên thâm trầm như dồn nén nỗi đau vào tâm khảm:

Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Lúc viết bài thơ này cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã gần bảy mươi tuổi. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời dâu bể, cụ đâu còn nhiều nước mắt để khóc thương. Nỗi đau khổ của người già không biểu hiện qua những dòng lệ chứa chan tuôn chảy. Nỗi đau âm thầm lặng vào trái tim, vào đường gan thớ thịt. Còn có được những hạt lệ để khóc Dương Khuê cảm động như thế hẳn cụ phải ép từ trái tim yêu thương tha thiết của mình. Những hạt lệ ấy chính là hạt châu hạt ngọc của tâm hồn cụ dâng lên hương hồn của người bạn vừa quá cố.

Tình bạn là một tình cảm thân thiết gần gũi và vô cùng thiêng liêng cao cả. Con người sẽ cô đơn buồn bã biết chừng nào nếu thiếu tình bè bạn. Chân lí tình cảm ấy được Nguyễn Khuyến nói lên thật sâu sắc và cảm động qua bài thơ Khóc Dương Khuê.

Trong thơ ca Việt Nam, không ít những bài thơ viết về tình bạn. Nhưng viết sâu sắc, viết cảm động, viết chân thành như Nguyễn Khuyến quả thật không nhiều. Phải chăng tình cảm sâu nặng và tài năng nghệ thuật đặc sắc đã làm cho tiếng Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến còn vọng mãi đến ngày nay.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương.
Đề bài: Bình luận câu nói “Thất bại là mẹ thành công”.
Đề bài: “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng. Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra ” (Bùi Minh Quốc)

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật