Đề bài: Bình luận câu nói “Thất bại là mẹ thành công”

Cuộc sống không chỉ là con đường trải đầy hoa hồng mà còn là những nếp gấp, những chông gai với vô vàn thử thách. Vượt qua tất cả khó khăn ấy, dường như mỗi người đã chuẩn bị cho mình hành trang quý giá. “Thất bại là mẹ thành công” là một trong những hành trang ấy.

BÀI LÀM

Cuộc sống không chỉ là con đường trải đầy hoa hồng mà còn là những nếp gấp, những chông gai với vô vàn thử thách. Vượt qua tất cả khó khăn ấy, dường như mỗi người đã chuẩn bị cho mình hành trang quý giá. “Thất bại là mẹ thành công” là một trong những hành trang ấy. Câu nói có ý nghĩa rất sâu sắc trong cuộc đời mỗi con người.

Chỉ với sáu chữ ngắn gọn nhưng “Thất bại là mẹ thành công” đã nói lên một quan niệm sống đúng đắn. Thất bại là cúi đầu, là chấp nhận thua cuộc. Tuy nhiên, không phải sự thất bại nào cũng khiến con người ta trở nên hèn hạ, yêu đuôi. Có những câu thất bại đã tôi luyện ý chí của người ta trở nên “sắt đá” hơn, kiên cường hơn, bản lĩnh hơn. Và đó là “mẹ thành công”. Sở dĩ có câu nói ấy vì trong thực tế, nhiều người đã thất bại và đã thành công. Họ đã vượt qua những mặc cảm tự ti, vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình để cố gắng. Ông cha ta thường dạy “Nhân vô thập toàn”, con người không ai là toàn vẹn nhưng con người có thể cải tạo hoàn cảnh để sống tốt và thành công. Thất bại không quan trọng bằng việc ta phải đứng lên từ thất bại đó như thế nào. Đó mới chính là cái đích mà ai ai cũng mong muốn đạt được.

Câu nói “Thất bại là mẹ thành công” hoàn toàn đúng đắn. Bởi trong cuộc đời, không ai là không gặp phải thất bại bao giờ. Có thể ta đã rất cố gắng để thực hiện ước mơ nhưng may mắn không mỉm cười với ta hoặc vì một lí do ngoài ý muốn nào đó. Con người thất bại trước sự nghiệp, thất bại trước tình yêu nhưng không thể thất bại trước chính bản thân mình vì “đó là thất bại thảm hại nhất”. Điều quan trọng đó là từ thất bại, ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để lần sau cố gắng “thua keo này ta bày keo khác”. Người ta chỉ thất bại khi họ không biết đứng lên trên chính thất bại của mình để nỗ lực phấn đấu hơn. Thomas Edison đã nói “Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi, mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ”. Con đường đến với thành công không chỉ có một mà rất nhiều. Nhưng ta phải tìm nó ra sao và đi như thế nào trên con đường ấy. Chắc hẳn không ai có thể quên được hình ảnh của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, một con người tận tâm với nghề nghiệp, không bao giờ nản chí với thất bại. Chị đã thực hiện rất nhiều ca mổ, đã từng thất bại, đã rất ân hận những điều đó không đồng nghĩa với sự bó tay, thua cuộc. Chính những day dứt đó đã làm ý chí của chị Trâm càng mạnh mẽ. Chị đã từng tâm niệm “Đời người phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”, chấp nhận giống cúi đầu trước nó là một thất bại.

Nếu như có những người biết chấp nhận thất bại để cố gắng thì cũng có những cá nhân lại lấy thất bại làm rào cản tiến bước. Họ cho rằng, may mắn không đến với mình cho nên cố gắng cũng bằng không. Đó là suy nghĩ của những con người không có ý chí vươn lên. Không ít bạn học sinh trong thời đại ngày nay cũng nghĩ vậy. Học mãi không giỏi chẳng qua vì mình không thông minh, không nhạy bén. Quan niệm ấy hoàn toàn sai lầm. Có thể đầu óc của mỗi người khác nhau, sự nhạy bén của mỗi người là khác nhau nhưng những cái để quyết định sự thành công lại là ý chí, nghị lực và sự kiên trì. Đơn giản chỉ là đọc lại một bài văn cô giáo sửa cũng phần nào giúp ta tìm ra lỗi sai. Vì thế những bài viết sau sẽ tốt hơn nếu chúng ta cố gắng sửa chữa.

Chính thất bại sẽ nói cho bạn biết bạn cần phải làm gì để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra. Bạn hãy nghĩ xem, nếu một đứa bé tập đi mà không bao giờ ngã thì có bao giờ đứa bé ấy biết đi hay không? Nếu Steve Jobs không bắt tay vào gây dựng lại sự nghiệp đã bị mất thì ông có trở thành tổng giám đốc công ti Apple hay không? Thành công thật sự chỉ đến với bạn khi bạn trải nghiệm, đấu tranh với thất bại, không khuất phục trước khó khăn.

“Thất bại là mẹ thành công” là câu nói đúng và cần có ở mỗi người nhưng để ý thức được điều đó không phải ai cũng làm được. Mỗi người cần thường xuyên học tập và rèn luyện ý chí, nghị lực khi đối diện với khó khăn. Đồng thời cần học tập noi gương tốt, biết vượt lên sự thất bại để vươn tới thành công:

      Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Chúng ta phải có niềm tin và ý chí vững vàng vào cuộc sống và ngày mai tươi sáng, coi thất bại là mẹ của thành công, vì có thất bại chúng ta mới biết làm việc chăm chỉ hơn, biết cố gắng hơn để đạt được cái đích mà mình hướng tới.

Đến đây, tôi chợt nhớ tới câu hát của nhạc sĩ Trần Lập: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân đã dẫm đau vì mũi gai...” và “Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi và chúng ta là người chiến”. Hãy dẫm lên gai, hãy biết chấp nhận thất bại, hãy đứng dậy để cố gắng và thành công.

Các bài học liên quan
Đề bài: Đọc bài thơ “ Quán hàng phù thủy” K. Badjadro Ấn Độ.  Một phù thủy... Còn quả chín, anh phải trồng, không bán (Thái Bá Tân Dịch)  Anh chị có suy nghĩ gì về ý nghĩa triết lí của bài thơ trên trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Đề bài: Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề dạy và học thêm trong trường, ngoài xã hội và của chính bản thân mình trong thời điểm hiện tại.
Đề bài: Hãy bình luận ý kiến: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”
Đề bài: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước: Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp” (Thân Nhân Trúng). Từ quan điểm trên, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật