Đề bài: Hãy bình luận ý kiến: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”

Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện” tức con người sinh ra bản tính đều tốt. Tuy nhiên khi phải đối mặt với cuộc sống khó khăn với những thách thức và muôn vàn toan tính, chúng ta lại để thói vị kỉ hàng ngày, hàng giờ len lỏi trong tâm hồn mỗi con người mà thậm chí còn chế ngự, lấn át đi cả cái bản tính tốt vốn có.

Bài LÀM

Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện” tức con người sinh ra bản tính đều tốt. Tuy nhiên khi phải đối mặt với cuộc sống khó khăn với những thách thức và muôn vàn toan tính, chúng ta lại để thói vị kỉ hàng ngày, hàng giờ len lỏi trong tâm hồn mỗi con người mà thậm chí còn chế ngự, lấn át đi cả cái bản tính tốt vốn có. Bởi vậy mới có câu: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính”.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu câu nói ấy nghĩa là gì? Thói xấu là một hay nhiều thói quen không tốt của con người. Nó làm chúng ta trở nên “xấu” hơn, thay đổi bản chất tốt đẹp vốn có. Ở đây, người ta nói đã sử dụng cách nói so sánh, ẩn dụ rất hay và đầy ý nghĩa! “Thói quen xấu ban đầu là người khách qua đường” tức ta mới gặp “nó” một vài lần, “nó” chưa ảnh hưởng tới ta. “Nhưng sau trở thành người bạn thân ở chung nhà” tức là giờ đây ta đã sống chung với “nó”, sống chung với cái xấu và cái xấu luôn đồng hành cùng ta mọi lúc. “Kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính” - đây mới là điều nguy hiểm nhất! Thói xấu không chỉ thoáng qua hay làm bạn cùng ta mà nó đã trở thành chính con người ta, nó ăn sâu vào tiềm thức, ngấm vào máu!...

Thoạt nghe những điều ta đã phân tích ở trên đây chúng ta có thể nghi ngờ, chưa tin vào hậu quả khôn lường của nó, nhưng nếu sau khi các bạn lắng nghe, quan sát những sự việc, con người xung quanh ta, chắc chắn các bạn sẽ thấy khác!

Từ khi còn rất nhỏ, lúc nào con người mới bắt đầu hình thành nhân cách, những thói hư, tật xấu đã luôn rình rập, tiếp cận với chúng ta hàng ngày. Bởi vậy nên hồi bé, cha tôi vẫn thường nói rằng: “Tại sao những cái tốt thì con khó học mà cái xấu thì con học nhanh thế?”. Trẻ con như tờ giấy trắng, khi ta vẩy một vết mực lên tờ giấy ấy, vết ố sẽ là mãi mãi không bao giờ xóa đi được. Chúng ta cần phải uốn nắn trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ để trẻ tiếp thu cái tốt, đẩy lùi cái xấu.

Không chỉ trẻ em - lứa tuổi chưa biết thế nào là tốt xấu, có thể bị nhiễm những thói hư tật xấu mà ngay cả người lớn - những người đã ý thức được đầy đủ cũng rất dễ mắc sai lầm, mắc phải những thói xấu! Ví như khi ta cảm thấy thích một vật gì đó của người khác mà ta không có được, từ một ý thích muốn sở hữu ta chuyển sang hành động chiếm đoạt. Ta lấy cắp chúng và tự “an ủi’’ mình rằng: “Không sao đâu đó chỉ là một vật nhỏ thôi mà”. Nhưng rồi một lần, hai lần, ba lần, vật nhỏ hóa thành vật lớn, từ một hành động vô thức đã trở thành thói quen cá nhân, một thói quen vô cùng xấu, nó làm đánh mất đi giá trị và phẩm hạnh của con người!

Hay một ví dụ gần gũi và cụ thể hơn như chính trong học đường của chúng ta. Đó là nạn quay cóp và gian lận trong thi cử. Một học sinh vốn là một học sinh khá của lớp nhưng bạn lại không hề tự tin vào sức học của mình. Cứ mỗi lần làm bài ở trên lớp, bạn ấy lại giở sách giở vở với lí do là kiểm tra lại kết quả. Nhưng rồi một lần, hai lần dẫn tới việc ỷ lại của người học sinh đó. Bạn thường xuyên không học bài và làm bài tập về nhà, đến giờ kiểm tra thì quay cóp. Hành động ấy của bạn đã dẫn tới kết quả học tập của bạn bị sút kém nghiêm trọng. Từ một học sinh khá, bạn học sinh ấy đã trở nên vô cùng chểnh mảng và không có ý thức học.

Hay một ví dụ khác về vấn đề bức thiết trong học đường chúng ta hiện nay như lối sống văn minh và lời ăn tiếng nói khi giao tiếp. Ngày nay, khi mà xã hội ngày càng phát triển, các bạn trẻ được tiếp thu những cái mới: ăn theo kiểu Tây, mặc theo kiểu Tây và văn phòng nói cũng được “Tây hóa”. Một số bạn trẻ tự cho mình cái quyền bình đẳng quá mức khi giao tiếp với người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ. Có thể lúc đầu, các bạn có tốt, hai lần là thiếu lễ phép với người trong nhà; nhưng nếu không tự ngăn chặn, tự thay đổi chính mình thì lâu dần, thói quen vô lễ sẽ ngấm vào ý thức, hình thành một lối sống thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng đối với người lớn tuổi.

Một ví dụ rõ nét khác là hiện tượng sử dụng ma túy cũng vậy. Ban đầu, một số bạn trẻ có thể do tò mò thôi, do bị bạn bè lôi kéo mà thu hút một lần và thấy mình như được lột xác, được “bay” vào “chốn bồng lai”. Rồi lần thứ hai, lần thứ ba cứ thế tiếp đến, dẫn đến việc bạn trẻ đó không thể sống mà không có ma túy!

Ma túy đã ngấm vào máu thịt và không thể loại bỏ nó đi được. Ta đâu có ý thức được rằng chính từ điểm xuất phát ban đầu là hành động tò mò ấy, ta đã đặt dấu chấm hết cho tương lai của chính mình, hủy hoại hạnh phúc gia đình, suy thoái đạo đức của xã hội. Đây cũng là một điều rất đáng buồn, nó gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai không biết tự kiềm chế bản thân, để những thói hư tật xấu ngấm vào người dẫn tới những hậu quả hết sức thương tâm!

Người khách qua đường, tới người bạn thân và cuối cùng là ông chủ khó tính. Đó là quá trình bao chiếm và xâm nhập của cái xấu. Một khi con người không giữ được thiên lương, nhân phẩm trước sự cám dỗ của vật chất, hưởng thụ thì rất dễ mất đi nhân phẩm. Thói xấu như kẻ xảo quyệt, ranh ma đội lốt người khách để thực hiện ý đồ của mình. Đó là sứ giả của ác quỷ, của bóng tối, của những tiêu cực đi ngược lại với con người, xã hội. Và cái ác, cái đê tiện có sức mạnh ghê gớm và đáng sợ. Nó một thứ virut có sức lây lan khủng khiếp. Chúng ta phải có sự lựa chọn, lập trường chín chắn trước hoàn cảnh. Không ai trong đời là không gặp cái xấu, vấn đề là bản thân con người phải tìm cho mình một con đường sống, đề phòng và loại bỏ suy nghĩ xấu.

Mỗi chúng ta hãy vững tâm, giữ chặt cánh cửa của tâm hồn mình lại, đừng để những cái xấu có cơ hội len lỏi hay làm ảnh hưởng tới ta dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta cần có lập trường đúng đắn và vững chắc để chiến thắng hoàn cảnh, không để thói xấu thành người bạn thân và ông chủ nhà. Chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ nó ngay từ đầu bằng ý chí bản thân đẩy lùi nó, để chính ta trở thành “ông chủ” điều khiển lại nó, buộc nó phải mất đi.

Các bài học liên quan
Đề bài: Dân gian có câu: “Ở hiền gặp lành ”, nhưng trong tác phẩm
Đề bài: Từ ý tưởng trong lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, em hãy viết bài văn nghị luận về “tấm lòng”
Đề bài: Nếu một người được gọi là phu quét đường hãy quét những con đường như Michelangcle đã vẽ tranh, hãy quét những con đường như Beethoven đã soạn nhạc và hãy quét những con đường như Shakerpear đã làm thơ.
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận xã hội nêu suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ Hi Lạp sau: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”.
Đề bài: Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Một số khác lại coi kí ức như một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Đề bài: Quan điểm của em về câu nói “Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một người học trò”.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật