Đề bài: Viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá con người mà chính con người làm danh giá nghề nghiệp”. - “Louis Pasteur”-

Trong cuộc sống, đối với mỗi người, nghề nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Bàn luận về mối quan hệ giữa nghề nghiệp với con người, nhà bác học Lu-i Pa-xtơ từng nói: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá con người mà chính con người làm danh giá nghề nghiệp”. Câu nói đã đề cao và coi trọng công việc do con người tạo ra.

BÀI LÀM

Trong cuộc sống, đối với mỗi người, nghề nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Bàn luận về mối quan hệ giữa nghề nghiệp với con người, nhà bác học Lu-i Pa-xtơ từng nói: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá con người mà chính con người làm danh giá nghề nghiệp”. Câu nói đã đề cao và coi trọng công việc do con người tạo ra.

Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kĩ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.

Nghề nghiệp trong xã hội không phải là một cái gì cố định, cứng nhắc. Nghề nghiệp cũng giống như một cơ thể sống, có sinh thành, phát triển và tiêu vong. Chẳng hạn, do sự phát triển của kĩ thuật điện từ nên đã hình thành công nghệ điện tử, do sự phát triển vũ bão của kĩ thuật máy tính nên đã hình thành cả một nền công nghệ tin học đồ sộ bao gồm việc thiết kế, chế tạo cả phần cứng, phần mềm và các thiết bị bổ trợ v.v... Công nghệ các hợp chất cao phân từ tách ra từ công nghệ hóa dầu, công nghệ sinh học và các ngành dịch vụ, du lịch tiếp nối ra đời...

Mọi người ai cũng đều có nghề nghiệp, như giáo viên, bác sĩ, kĩ sư, công nhân, thợ xây ... Nghề nghiệp không chỉ là phương tiện kiếm sống của mỗi con người, nuôi sống bản thân và gia đình mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khẳng định giá trị một con người.

Giá trị của một con người là ảnh hưởng của người đó đối với những người xung quanh, với xã hội, là cách nhìn của xã hội đối với người đó. Một người được cho là danh giá là người có tác động tốt đến xã hội, được những người khác tôn trọng, nể phục, hay nói cách khác là một người có giá trị cao trong xã hội.

Câu nói của Pasteur cũng giống như câu nói: “Không có môn võ nào mang đến cho bạn những vinh quang mà chỉ có người luyện võ mang đến vinh quang cho môn võ”. Võ học là một bộ môn thu hút và được nhiều người ngưỡng mộ, mang một vẻ ngoài hào nhoáng nên nhiều người cho rằng chỉ cần học võ là đem đến vinh quang cho bản thân, được mọi người nhìn vào với ánh mắt ngưỡng mộ, kính phục. Nhưng người đó chưa biết rằng, võ học có giá trị cao như vậy là nhờ vinh quang của những người đã đạt thành tích mang lại, hoàn toàn không phải là hào quang mà tự môn võ có.

Trường hợp người luyện võ cũng là một phần trong câu nói của Pasteur. Ông muốn nói rằng danh giá không bị tác động bởi nghề nghiệp cũng như nghề nghiệp không thể tác động vào phẩm giá của mỗi con người. Bởi mỗi nghề nghiệp đều cần thiết cho đời sống con người. Xã hội không thể phát triển một cách toàn diện nếu như thiếu đi bất cứ một nghề nghiệp nào. Mỗi nghề đều có một vai trò nhất định nên không thể nói thầy cô danh giá hôm thầy thuốc, công nhân danh giá hơn thợ xây... Câu nói ấy là một lời nhấn mạnh vai trò chủ động, giá trị mỗi người là do tự mình tạo nên.

Áp dụng vào thực tế, lời nói triết lí của nhà bác học mãi mãi đúng với mọi người, mọi thời đại. Công việc của mỗi người, khi một người đi làm, có công việc thì đó cũng là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của người đó. Con người lao động để khẳng định khả năng của bản thân mình trước xã hội, nuôi sống bản thân, vun đắp cho gia đình, dùng sức mình để tạo ra những thành quả có ích cho xã hội.

Người xưa có câu: “Không có nghề hèn mà chỉ có kẻ hèn”. Quả là một lời răn dạy chí lí. Có những người chỉ dựa vào sự hào nhoáng bên ngoài và những ánh mắt ngưỡng mộ, ghen tị từ người khác về nghề nghiệp để lựa chọn công việc cho bản thân mình. Họ cho rằng những công việc như làm công nhân vệ sinh, thợ xây, người giúp việc là những công việc tầm thường và hèn hạ và không thèm để tâm hoặc khinh thường những người làm nghề đó. Nhưng chính họ mới là những kẻ không xứng đáng với nghề nghiệp nhất.

Trong xã hội, cũng còn rất nhiều người xem trọng thái độ của những người xung quanh, dựa vào đó mà chọn công việc cho mình. Đối với hầu hết học sinh, việc thi vào đại học là vô cùng quan trọng. Bởi vì họ cho rằng khi thi đỗ đại học, họ nhận được những ánh nhìn ngưỡng mộ từ những người xung quanh, là niềm tự hào của gia đình là người thân, và dường như đã được định sẵn một tương lai hứa hẹn. Họ cho rằng họ có được tấm bằng đại học là một tấm vé vào đời, một tấm vé danh giá và một tấm vé xuất phát trước trong cuộc đua, và họ hiển nhiên sẽ dành chiến thắng. Nhưng điều đó không phải hoàn toàn đúng. Tại sao có những người cùng từ một trường đại học, một khoa mà ra nhưng lại có những khoảng cách nghề nghiệp lớn sau khi ra trường? Thậm chí những người học đại học lại không có thu nhập cao như những người còn chưa tốt nghiệp cấp ba trường làng? Hoặc tại sao những người cùng làm giáo trên nhưng có người thành công nhưng có người thất bại? Cho dù cùng một công việc mà được người ta cho là "danh giá" cũng không phải ai làm công việc đó cũng trở nên "danh giá". Vậy tại sao lại thế nếu như “nghề nghiệp làm danh giá con người”? Tất cả là dựa vào sự nỗ lực của bản thân mỗi người, là sự khao khát khẳng định vị thế của mình trước xã hội, cũng là điều mà Pasteur muốn nói.

Những người không thành công là những người không nỗ lực phấn đấu, không khát khao đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, họ muốn được tỏa sáng bởi ánh sáng từ công việc của họ chứ không phải ánh sáng do chính họ phát ra. Một cây đèn được chiếu sáng là nhờ tự phát ra hào quang của mình. Thật vậy, những con người thật sự danh giá là những người thật sự yêu nghề, yêu công việc của mình. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là phương châm lao động của những con người cao quý ấy. Họ luôn cố gắng hết sức mình để vươn tới đỉnh cao trong công việc. Họ làm việc với khao khát thành công, với đam mê và ngập tràn sáng tạo, họ trở thành những người đầu ngành, mang đến những công trình có ích cho xã hội, đất nước và thậm chí cho xã hội. Họ được xã hội tôn vinh bởi chính sự tài giỏi của mình. Cho dù công việc họ làm có là gì thì họ cũng luôn là những người danh giá nhất.

Câu nói của Pasteur giúp chúng ta học được biết bao điều. Danh dự đối với mỗi người là vô cùng quan trọng, giá trị của bản thân cần được khẳng định vững chắc trước xã hội. Đã làm một công việc gì thì chuyên tâm vào công việc đó, cần phải luôn luôn giữ cho bản thân một khao khát đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, lao động sáng tạo, nỗ lực không ngừng nghỉ để khẳng định được giá trị của bản thân trước xã hội.

Câu nói của Pasteur đúng ở quá khứ, hiện tại và tương lai, là một phương châm lao động đúng đắn đối với bất cứ người nào. Em cũng coi câu nói triết lí ấy là phương châm cho công việc của mình, để khẳng định rằng: Nghề của tôi bình thường nhưng bản thân tôi không tầm thường.

Các bài học liên quan
Đề bài: Nếu một người được gọi là phu quét đường hãy quét những con đường như Michelangcle đã vẽ tranh, hãy quét những con đường như Beethoven đã soạn nhạc và hãy quét những con đường như Shakerpear đã làm thơ.
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận xã hội nêu suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ Hi Lạp sau: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”.
Đề bài: Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Một số khác lại coi kí ức như một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Đề bài: Quan điểm của em về câu nói “Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một người học trò”.
Đề bài: Bình luận câu châm ngôn: “Im lặng là vàng”

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật