Đề bài: Từ ý tưởng trong lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, em hãy viết bài văn nghị luận về “tấm lòng”

Con người sống ở trên đời cần phải biết yêu thương, đùm bọc, biết cảm thông lẫn nhau. Mỗi người cần phải mang cho mình một “tấm lòng”, một sự đồng cảm xuất phát từ cảm nhận của con tim, để biết yêu thương, biết quan tâm nhiều hơn.

BÀI LÀM 1

Con người sống ở trên đời cần phải biết yêu thương, đùm bọc, biết cảm thông lẫn nhau. Mỗi người cần phải mang cho mình một “tấm lòng”, một sự đồng cảm xuất phát từ cảm nhận của con tim, để biết yêu thương, biết quan tâm nhiều hơn. Trong bài hát Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một lời ca rất sâu sắc: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”.

“Tấm lòng” chính là tình yêu thương, sự đồng cảm giữa người với người. Tình yêu thương ấy không chỉ xuất phát như một tình cảm tự nhiên trong trái tim, trong tâm hồn mà còn được hình thành nhờ suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân. Tấm lòng tự nó là quà tặng của bản thân chúng ta dành cho những người xung quanh như một nguồn suối ngọt ngào. Sống với mọi người có nghĩa là trao tặng tấm lòng của mình cho họ. Nếu luôn mang trong mình tình yêu thương thì đi tới bất cứ đâu, ta cũng dễ cảm thấy tình yêu đang chờ đợi, chào đón mình. Tấm lòng là một khung trời bao la mà khi mở rộng thì ta có thể dung chứa được mọi lối sống, mọi quan điểm, mọi phê bình ... của người khác mà không cảm thấy bực bội hay khó chịu. Trái lại, ta còn có khả năng hướng mình và người khác tới một sự đồng cảm, gần gũi hơn.

Với những người có tấm lòng nhân ái, bao dung thì cả vũ trụ này là quê hương yêu dấu, và đối với họ, tất cả mọi người, dù là bất kì ai cũng đều là những người anh em để họ chia sẻ tình yêu thương. Không có gì có thể ngăn cản được lòng nhân ái đích thực để làm nên một cuộc sống an vui cho con người. Kiêu căng, ích kỉ, oán ghét, hận thù... cũng sẽ tiêu tan trước sức mạnh của lòng nhân ái.

Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc được trong khi có biết bao người đang đau khổ. Chúng ta không thể chữa trị cho những người đau yếu, tật nguyền. Chúng ta không xóa được nỗi thống khổ của họ, nhưng chính sự hiện diện của chúng ta trong nỗi thống khổ của họ sẽ đem lại cho họ niềm hi vọng và sự chữa trị. Chúng ta không thể bù đắp được những thiếu thốn và mất mát của họ, nhưng sự chia sẻ của chúng ta sẽ làm vơi đi những tủi nhục và cay đắng trong đời họ. Chúng ta không thể tạo cho họ một tâm hồn tươi mới, nhưng sự đồng hành, gần gũi với họ trong cuộc sống sẽ làm cho họ phai nhạt dần những mặc cảm, u uất, có khi là những căm phẫn, hận thù. Khi sống như vậy, chính chúng ta cũng nhận được sự nâng đỡ lớn lao từ nơi họ, đồng thời tìm thấy niềm vui tinh thần và nguồn nghị lực dâng cao từ chính lòng nhân ái của mình.

Chỉ có ai quên hạnh phúc của mình để tìm hạnh phúc cho người thân xung quanh, mới có được hạnh phúc tràn đầy. Hạnh phúc tiềm tàng trong nước mắt của người mà ta đã lau khô, trong nụ cười của người mà ta đã làm tươi nở, trong những người mà ta đã an ủi, khích lệ... Einstein đã từng nói: "Chỉ cuộc đời sống cho người khác mới là cuộc đời đáng sống". Suốt đời chúng ta hãy đem tấm lòng mình tới người thân trong gia đình và mọi người xung quanh.

Cách trao tặng là phương thức tốt nhất để giữ lại những gì mình đã cho đi. Những gì mình thực sự sở hữu chính là những cái mình đã cho đi, mà sở hữu lớn lao nhất là chính sự sống mình. Mở rộng lòng nhân ái cũng chính là niềm vinh hạnh của mỗi người chúng ta để mang lại bình an và hạnh phúc cho mọi người.

Nếu mỗi người đều biết yêu thương những người xung quanh mình thì cái “vòng tình cảm” ấy sẽ ngày càng mở rộng ra thêm mãi. Cuộc sống của người dân ở các vùng khó khăn và vùng bị thiên tai sẽ bớt khó nhọc rất nhiều. Chính vì xuất phát từ tấm lòng mà người dân ở những nước nghèo được nhận trợ cấp không hoàn lại từ những nước phát triển. Và có biết bao nhiêu bác sĩ sẵn sàng tình nguyện đến chữa bệnh ở những vùng có dịch bệnh nguy hiểm. Ở khắp nơi trên thế giới, con người đang sống vì nhau, vì lợi ích chung của cả cộng đồng.

Con người không thể chỉ biết sống cho riêng mình. Tự cô lập, thu mình trong cái vỏ bọc của sự ích kỉ là tự hủy hoại chính mình.

Câu ca trong bài hát của Trịnh Công Sơn không đơn thuần chỉ là một lời khuyên nhủ mà còn có một triết lí, một lời răn dạy. Quả vậy, tình yêu thương đưa con người xích lại gần nhau hơn, và quan trọng hơn cả, nó giúp ta hiểu và nâng niu giá trị cuộc sống.

Có tình yêu thương, cuộc sống này sẽ trở nên tươi đẹp biết nhường nào. Hoa cỏ sẽ đua nhau khoe sắc bởi được tắm dưới dòng ánh nắng ấm áp được “sẻ chia” từ ông mặt trời. Con người ta sẽ cười thật nhiều trong hạnh phúc, quan tâm của nhau. Cả thế giới, mọi dân tộc đều là những người bạn thân thiết, khăng khít, sẽ không có chiến tranh, và đau thương, mất mát. Một đứa trẻ sẽ phát triển đầy đủ, toàn diện về mọi mặt vì nó được đến trường, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội. Mỗi cá nhân sẽ mang trong mình một tâm hồn trong trẻo, một bài học về lẽ sống và lẽ làm người.

BÀI LÀM 2

Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này là một hạnh phúc lớn lao, nhưng sống để hòa đồng, để yêu thương chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau mới là hạnh phúc . thật sự. Đó chính lòng yêu thương con người. Trong đời sống cần phải có lòng thương yêu giữa người với người, như vậy gia đình mới hạnh phúc, xã hội được yên ổn và cao hơn nữa là đem lại vùng trời bình yên cho thế giới. Trên Trái đất có mấy tỉ người, nhưng không phải ai cũng tâm niệm và giác ngộ được điều giản dị trong lời bài hát Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng’’. Câu hát ngắn gọn đã chứa đựng nhân sinh quan sâu sắc, khiến chúng ta phải thức tỉnh và suy ngẫm.

Câu hát đã đặt việc sống cho bản thân sang một bên để quan tâm đến đời sống xã hội, sống cho mọi người. Thật vậy, đã là con người thì phải có tình người, có lòng nhân ái và yêu thương. Giữa cuộc sống này, nếu không tồn tại tình thương, thì sẽ không còn là đời sống đúng nghĩa nữa. Con người ta có hai phần, phần “con” và “tấm lòng” mà Trịnh Công Sơn nhắc tới là phương tiện, là ranh giới xác định giữa hai phần ấy. Nhạc sĩ muốn nhắc ta hãy tạm quên đi lợi ích cá nhân, hãy quay ra cuộc sống bên ngoài, để nhìn cuộc đời khác, những mảnh đời bất hạnh hơn, để nhận ra tình thương trong con người mình đang trỗi dậy.

Yêu thương là hạnh phúc cao nhất trong mỗi con người. Nhưng chúng ta phải thực hiện lòng yêu thương này như thế nào cho phù hợp mà không thiên về một phía nào. Trước tiên, chúng ta muốn thương yêu chia sẻ với người thì ta hãy yêu thương chính bản thân mình trước. Hãy sống một cách chân thật trong sáng, như vậy tình thương của chúng ta mọi người mới dễ dàng đón nhận. Gần hơn nữa là người thân trong gia đình, bởi cha mình không thương, mẹ mình không thương, mà thương yêu người khác thì có phải chăng là mưu dù đạt được mục đích gì nơi người này chăng? Sau đó, ta đem tình thương này đến chia sẻ với mọi 1 người xung quanh. Nếu không làm được như vậy thì tình thương này không thể gọi là lòng yêu thương con người được. Bởi nếu tình thương chân thật, trong sáng, thì sẽ được mọi người đón nhận. Khi chúng ta yêu thương con người thì phải biết quý trọng và quan tâm đến người khác và tạo được lòng tin ở họ.

Lòng thương yêu không hạn chế ở một phương diện nào, mà luôn dang rộng vòng tay để chào đón mọi người. Khi thấy ai đó hạnh phúc, thành đạt, hãy cùng chia sẻ niềm vui và động viên họ vươn cao, thành công hơn nữa. Khi ai đó vấp phải thất bại, ta hãy cùng chia sẻ để họ tiếp tục phấn đấu và cố gắng. Đó mới là một tình thương trọn vẹn. Nếu chúng ta muốn thành công, thành đạt trong cuộc đời này thì hãy thương yêu con người, vì những người này sẽ là người bạn tốt của chúng ta, giúp cho chúng ta trở nên hoàn thiện. Chúng ta hãy thương yêu bằng cả tấm lòng của chính mình, cả vật chất lẫn tinh thần, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Khi có một người nào đó gây cho ta khổ đau thì chúng ta cũng nên khoan dung, tha thứ cho họ bằng tình thương và sự quan tâm giúp đỡ.

Cũng như vậy, chúng ta hãy biết chia sẻ lòng yêu thương với tất cả mọi người. Chúng ta hãy giúp đỡ bằng lòng yêu thương trọn vẹn, không chỉ về tiền tài vật chất, mà còn phải củng cố tinh thần cho họ nữa. Điều gì đáng quý hơn khi chúng ta thực hiện trọn vẹn tình thương giữa con người với con người? Chúng ta thử nghĩ xem nếu nhân rộng tình thương này ra toàn thế giới, mọi người đều thương yêu, chăm sóc lẫn nhau, thì làm sao có thể có chiến tranh, bạo loạn, hay các vấn đề xã hội? Như vậy, lòng yêu thương con người không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta, nó là một nhân tố cấu tạo nên hòa bình.

Trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp biết bao tấm lòng: ‘Tấm lòng” của người cháu xa quê là khi trời trở rét lo lắng không biết bà có đủ sức khỏe qua mùa đông lạnh buốt; “tấm lòng” của người mẹ là giọt nước mắt đầy âu lo mỗi khi con ốm, con đau, mỗi khi con đứng trước, ngưỡng cửa quan trọng nào đó của cuộc đời; “tấm lòng” của người thầy, người cô là luôn trăn trở làm sao mang đến cho những học trò của mình bài giảng hay, dễ hiểu; “tấm lòng” của người bác sĩ là luôn cố gắng hết sức vì sự sống của bệnh nhân đang chông chênh bên hai bờ ranh giới. “Tấm lòng” có thể nhỏ bé, giản dị, có thể là trách nhiệm, là lẽ sống, có thể là bổn phận hay là bản năng của mỗi người nhưng nó tồn tại khắp nơi trong cuộc sống này.

Trong lòng thương yêu luôn ẩn chứa một phẩm giá tốt đẹp của mỗi con người, đó là đức tính hi sinh, khoan dung, và cần phải có đức tính nhẫn nhịn. Người xưa có câu: “Có khi nhẫn để yêu thương.”. Chúng ta hãy tập cho mình những đức tính tốt đẹp như: nhẫn nhịn, khoan dung, tha thứ, nhường nhịn... và biết hi sinh.

Từ nhỏ chúng ta đã được dạy dỗ bằng những lời ca dao:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Hay:

Thương người như thể thương thân.

Nghĩa là chúng ta sinh ra trong một cộng đồng, cùng chung tộc loại thì cần phải thương yêu lẫn nhau, không phân biệt người đó ở đâu, xứ nào, hễ sinh ra trên cõi đời này điều đầu tiên cần phải biết đó là lòng thương yêu giữa người với người. Nếu con người chúng ta bị tách ra khỏi cộng đồng thì chắc chắn rằng không thể nào mà tồn tại được. Cho nên chúng ta muốn tồn tại, phát triển và trưởng thành hãy sống hòa đồng vào xã hội.

Trong mỗi thời đại, tình yêu thương luôn luôn cần và đủ để thực hiện một cách trọn vẹn. Yêu thương con người vốn là đức tính cao đẹp theo dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc từ xưa đến nay. Vì vậy, chúng ta hãy trân trọng và phát huy đức tính cao đẹp ấy. Chúng ta phải giữ gìn xây dựng, bồi đắp lòng yêu thương và hoàn thiện con người trong mỗi lúc mỗi nơi, phải biết tôn trọng môi trường sống, môi trường làm việc của mỗi người. Bên cạnh đó, chúng ta hãy sống một cách không xa xỉ, lãng phí, không xa hoa, phung phí để dần hoàn thiện được nhân cách của con người.

Lòng yêu thương con người đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Vì vậy, hãy dành tình yêu thương của mình cho mọi người thật nhiều. Bởi yêu thương để sống, sống để yêu thương, đó mới chính là hạnh phúc cần có của con người. Trong thời đại hiện nay, thế giới đang phát triển, tuổi trẻ chúng ta phải có lòng yêu thương nhiều hơn, yêu thương để học tập, yêu thương để cống hiến. Giai đoạn này được coi là sự cống hiến hăng say nhất của tuổi trẻ. Chỉ có yêu thương mới có thể xoa dịu những ngăn cách giữa người giàu và nghèo, những bất đồng nghi kị. Phải biết yêu thương gắn bó, cảm thông chia sẻ và đôi lúc phải nhẫn chịu, nhường nhịn để giải quyết những vấn đề khuất mắt. Như vậy sẽ tạo ra thế giới hòa bình, ngày càng hạnh phúc văn minh và giàu đẹp.

Các bài học liên quan
Đề bài: Quan điểm của em về câu nói “Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một người học trò”.
Đề bài: Bình luận câu châm ngôn: “Im lặng là vàng”

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật