Đề bài: Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận

Thơ mới - “một thời đại trong thi ca” - gạch nối giữa cái mới và cái cũ đã để lại cho kho tàng văn học nước nhà bao tác phẩm đặc sắc. Tràng giang của nhà thơ Huy Cận là một tác phẩm như thế. Bài thơ đi vào lòng người đọc bởi sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại, giữa màu sắc Đường thi và tinh thần Thơ mới.

BÀI LÀM

Thơ mới - “một thời đại trong thi ca” - gạch nối giữa cái mới và cái cũ đã để lại cho kho tàng văn học nước nhà bao tác phẩm đặc sắc. Tràng giang của nhà thơ Huy Cận là một tác phẩm như thế. Bài thơ đi vào lòng người đọc bởi sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại, giữa màu sắc Đường thi và tinh thần Thơ mới.

Trước Cách mạng tháng Tám; Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới. Thơ ông luôn phảng phất nỗi buồn của cả một thế hệ. Tràng giang rút trong tập Lửa thiêng - tập thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ấy của Huy Cận. Bài thơ sáng tác năm 1939 được gợi cảm hứng khi tác giả đứng trước con sông Hồng mênh mang sóng nước. Nhan đề Tràng giang không gợi nên một con sông cụ thể nào, cứ như một con sông văn hóa lặng lẽ chảy vào tâm hồn người đọc. Bởi thế, tác giả không dùng từ “trường giang” dễ gây liên tưởng tới dòng Trường giang của đất nước Trung Hoa, mà lại dùng tràng giang bởi điệp vần “ang” làm âm hưởng cứ thế vang xa. Hơn nữa, một nhan đề Hán Việt gợi được vẻ cổ kính cho toàn bài thơ. Bình cũ rượu mới, đề tài và cảm hứng tác phẩm có lẽ không còn xa lạ, đó là cảm xúc trước không gian, trước vũ trụ bao la vô tận quen thuộc mà ta đã gặp trong thơ Lí Bạch hay Bà Huyện Thanh Quan. Nhưng cái mới ở đây chính là phong cách thơ Huy Cận “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Đó là nỗi niềm bâng khuâng trước sông dài trời rộng. Nếu Xuân Diệu là nhà thơ “ám ảnh thời gian” thì Huy Cận lại là nhà thơ “khắc khoải không gian”. Màu sắc Đường thơ cổ điển còn được thể hiện qua thể loại và bút pháp. Thể thơ bảy chữ - một thể thơ đặc sắc rất cô đọng, hàm súc, “ý tại ngôn ngoại” được tác giả vận dụng một cách sáng tạo. Bút pháp tả cảnh ngụ tình vẽ nên trước mắt ta bức tranh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ, thấm nỗi buồn Thơ mới - nỗi buồn cả một thế hệ thanh niên Việt Nam. Bên cạnh hệ thống từ Hán Việt cổ kính là những từ láy được vận dụng đặc sắc, chuyền tải những cảm xúc thời đại. Cứ như vậy, màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại đan xen làm nên một tổng thể hài hòa - “Tràng giang”.

Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại kết hợp trong suốt dọc bài thơ, len lỏi trong từng khổ thơ. Ngay từ những câu đầu tiên:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Bút pháp tả cảnh ngụ tình cổ điển vẽ nên một không gian mênh mang sóng nước. Nhưng trong không gian ấy, “điệp điệp” và “song song”, hai từ láy đặt cuối câu thơ khiến cho nỗi buồn mang phong cách Huy Cận lan tỏa theo từng con sóng, bao trùm lên cảnh vật. Cùng với “thuyền về nước lại” gợi trong tâm hồn ta cái gì chia li như “gió theo lối gió, mây đường mây”, “sầu trăm ngả” cùng theo nước theo thuyền lan xa mãi. Ở đây có một hình ảnh đặc biệt: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

Những nhà Thơ mới, mà tiêu biểu là Huy Cận, đã đưa vào thơ cả những sự vật tưởng như tầm thường, giản dị một cành củi khô. Cành củi khô lạc theo dòng nước, gợi những kiếp người lênh đênh vô định, theo sóng đời đưa đẩy, chưa biết đi về đâu. Đó phải chăng cũng là nỗi cô đơn, lạc lõng của tâm hồn thi sĩ trước trăm mối sầu thương, thương đất nước, thương quê hương lầm than? Với hình ảnh này, Huy Cận đã thường tỏ ra bước tiến cách mạng trong thi ca, mang đậm tinh thần hiện đại.

Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Bức tranh thiên nhiên Đường thi tiếp tục được mở rộng và đẩy cao thêm. Đây đó “lơ thơ” những cồn nhỏ, gợi thêm vẻ mênh mông xa vắng. Và “gió đìu hiu“. Tác giả đã học từ “đìu hiu” này trong Chinh phụ ngâm:

Non Kì quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò

Với cách vận dụng của ông, một từ láy trong thơ ca xưa đã bước vào trong Thơ mới, tăng thêm nỗi buồn cho cảnh vật. Rồi đâu đây có tiếng chợ vãn làng xa hay tiếng làng xa vãn chợ giờ đâu vắng? Cả hai cách hiểu đều dẫn ta đến cảnh "vãn chợ" trong chiều buồn cô liêu. Và “sâu chót vót” chứ không phải “cao chót vót”. “Chót vót” gợi cái gì đó thăm thẳm khôn cùng. Còn “sâu” gợi cái sự hun hút rợn ngợp, phù hợp hơn trong cái buồn của cảnh vật. Vậy là lại một sáng tạo mới mang tên Huy Cận trên cái nền sông dài trời rộng từ lâu ta đã gặp trong thơ!

Vẫn mạch cảm xúc trước thiên nhiên hùng vĩ vô tận, tác giả một lần nữa ghi dấu thời đại của mình trong khổ tiếp theo:

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

“Bèo”, “bờ xanh”, “bãi vàng” đều là những cảnh vật rất Việt Nam, mang đậm nét vùng đồng bằng sông Hồng - nơi gợi cảm hứng cho tác giả viết nên bài thơ. Rõ ràng, nói về sông nước, đâu chỉ có sóng, có thuyền hay lá trôi trên sông! Cái hay của Huy Cận chính là dùng không nói có, không chuyến đò ngang, không câu, không thân mật, chỉ có sự cô đơn quạnh quẽ, chỉ có nỗi buồn vô tận, chỉ có “bờ xanh tiếp bãi vàng” - nỗi buồn nối tiếp theo từng cảnh vật.

Đỉnh cao của sự kết hợp giữa màu sắc Đường thi và tinh thần hiện đại chính là khổ thơ cuối:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Cảnh tượng thật hùng vĩ tráng lệ! Chim, mây từ lâu đã không còn là đề tài xa lạ trong thơ ca.

Trước đây ca dao có câu:

Chim bay về núi tối rồi

Hay Bà Huyện Thanh Quan viết:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

hoặc thơ Lí Bạch có câu:

Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn.

Nhưng sự sáng tạo của Huy Cận ở đây chính là dấu hai chấm giữa dòng thư tạo sự ấn tượng về cánh chim nhỏ nghiêng đi vì chờ nặng bóng chiều.

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Ông đã học câu thơ của Thôi Hiệu:

Yên hà giang thượng sử nhân sầu 
(Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

Vẫn là khói sóng, khói hoàng hôn, nhưng Huy Cận còn buồn hơn Thôi Hiệu. Thôi Hiệu xa quê, nhìn khói sóng nhớ về quê hương. Còn Huy Cận, ông nhớ quê ngay trên mảnh đất quê hương, đứng trên đất nước Việt Nam mà nhớ Việt Nam! Đây cũng là nỗi buồn thế hệ của các nhà thơ mới, nỗi buồn khi quê nhà bị xâm chiếm, nỗi buồn bế tắc, tuyệt vọng gửi cả vào tiếng mẹ đẻ. Huy Cận nói: nỗi buồn trong bài Tràng giang chẳng phải là tấm lòng nhớ quê, yêu đất nước thầm kín đó sao?

Thơ mới thường buồn, nhưng cái buồn trong thơ Huy Cận là buồn trong sáng, làm giàu cho tâm hồn người đọc. Vẫn là cảm xúc trước thiên nhiên vô tận quen thuộc, nhưng Tràng giang còn ẩn chứa nỗi buồn thế hệ và một tấm lòng yêu nước thầm kín. Vẫn là thi liệu cổ, nhưng tác giả đã vận dụng một cách tài tình, sáng tạo. Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại, màu sắc Đường thi và tinh thần Thơ mới hòa hợp trong từng khổ thơ, từng câu chữ, làm nên nét đặc sắc cho thơ Huy Cận. Để từ đây, ta lại hiểu thêm về tâm hồn Huy Cận, nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới.

Rất nhiều năm trôi qua, tác giả Huy Cận đã ra đi, nhưng Trang giang với những vẻ đẹp cổ điển và hiện đại thì còn mãi với lịch sử văn học dân tộc, tiêu biểu cho “một thời đại trong thi ca”!

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu.
Đề bài: Bình giảng khổ thơ sau trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Hơn một loài hoa đã rụng cành... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu:  Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang... Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Đề bài: Phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu:  Ta muốn ôm!... Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật