Đề bài: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ” (Ban-dắc)

Nhà văn Ban-dắc là “một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực” (Ang-ghen). Ông nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết hiện thực có giá trị phê phán, tố cáo mạnh mẽ, được tạo nên nhờ lòng say mê văn chương kết hợp với vốn sống phong phú và sự hiểu biết sâu sắc những góc cạnh của xã hội tư bản.

BÀI LÀM

Nhà văn Ban-dắc là “một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực” (Ang-ghen). Ông nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết hiện thực có giá trị phê phán, tố cáo mạnh mẽ, được tạo nên nhờ lòng say mê văn chương kết hợp với vốn sống phong phú và sự hiểu biết sâu sắc những góc cạnh của xã hội tư bản. Ban-dắc đã có lần khẳng định: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”. Phải chăng đây là một lời khuyên quý báu giúp con người tiến bước nhanh hơn trên con đường hoàn thiện bản thân?

Vấn đề mà Ban-dắc đưa ra thoạt tiên tưởng chừng mâu thuẫn nhưng kì thực lại hết sức thấm thía. Sự mạnh mẽ mà Ban-dắc đề cập đến không phải là sức mạnh của cơ bắp mà chính là sự tự hoàn thiện, sự nhận thức bản thân. Ban-dắc đã chỉ ra một trong những yếu tố quan trọng giúp con người trưởng thành trong cuộc sống là biết nhận thức đúng đắn về những điểm yếu của bản thân; dù trong cuộc sống, không có ai hay thứ gì là hoàn hảo. Tấm huy chương còn có mặt trái của nó, huống chi con người. Biết công nhận cái yếu của mình là lúc con người đã có đủ năng lực nhận thức, sự dũng cảm, trung thực để kiểm điểm bản thân một cách khách quan, toàn diện. Nhận ra những sai lầm, yếu kém, hạn chế của mình, con người sẽ biết tự sửa chữa và phấn đấu vươn lên. Nhưng tự công nhận những cái chưa tốt của chính bản thân mình là một điều vô cùng khó khăn, không phải ai cũng có thể làm được.

Khi công nhận cái yếu của mình, tức là cá nhân không còn tự cao tự đại, biết ứng xử khiêm tốn, đúng mực, biết nhìn nhận cuộc sống và đánh giá mọi người xung quanh một cách khách quan. Quan trọng hơn nữa, nhận ra những khiếm khuyết của mình sẽ trở thành một động lực không hề nhỏ thúc đẩy mỗi chúng ta càng thêm phấn đấu rèn luyện, học tập vươn lên.

Sự đúng đắn trong ý kiến của Ban-dắc đã được thực tế cuộc sống chứng minh, ở khá nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực, nhiều hoàn cảnh và nhiều con người khác nhau. Nhờ dũng cảm công nhận những thiếu sót của bản thân mà nhiều con người đã vượt lên được chính mình, vượt qua khó khăn, tự hoàn thiện bản thân và đạt được thành công trong cuộc sống. Anh Nguyễn Ngọc Kí bị liệt cả hai cánh tay từ khi còn nhỏ. Nhưng anh không hề sợ hãi, tuyệt vọng mà đã dũng cảm đối mặt với sự thật đau lòng ấy, không hề nhụt chí, ngày ngày anh luyện viết bằng chân. Cuối cùng, sự dũng cảm và nỗ lực không mệt mỏi của anh đã được đền đáp khi chữ viết của anh, qua rèn luyện, còn đẹp và chuẩn hơn nhiều người viết tay, đồng thời anh cũng đã trở thành một nhà giáo ưu tú.

Nhiều năm trước, công ty máy tính nổi tiếng của Mĩ Pioneer chẳng may rơi vào sa sút, làm ăn thua lỗ, tình hình vô cùng khó khăn. Thế nhưng ông Tan Uran - Giám đốc điều hành của công ty lúc ấy, đã thốt lên những lời mà mọi người rất ít kì vọng ở một ông giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn nhất, trong đó có lẽ họ nhớ nhất là câu: “Tôi đã sai lầm và tôi xin lỗi tất cả các bạn. -Tôi hứa sẽ làm việc nhiều hơn nữa, vì các bạn”. Cả khán phòng lặng đi, nhưng trong thâm tâm, họ đủ tin tưởng và biết rằng ông Tàn Uran xứng đáng với sự trung thành mà họ dành cho ông ấy và Pioneer, trong bất kì trận chiến nào. Và quả nhiên, Pioneer đã được vực dậy, vươn lên mạnh mẽ không lâu sau đó.

Vấn đề mà Ban-dắc đưa ra không chỉ có ý nghĩa với cá nhân mà còn với cả quốc gia, dân tộc. Có rất nhiều tập thể, đất nước còn khó khăn, yếu kém nhưng bằng chính nội lực, đặc biệt là sự đánh giá kĩ lưỡng về bản thân, họ đã vươn lên và thành công rực rỡ. Nhật Bản là một điển hình. Sau Thế chiến thứ hai, nước Nhật bị tàn phá nặng nề, chưa kể đến những hậu quả đau lòng khác do hai quả bom nguyên tử do Mĩ thả xuống. Năm 2011, xứ sở hoa anh đào cũng đang phải hứng chịu thảm họa kép: động đất sóng thần và rò rỉ phóng xạ hạt nhân. Thế nhưng, nhìn vào những gì mà Nhật Bản đã làm được sau Thế chiến thứ hai để bước lên bậc cường quốc, chúng ta cũng có đủ niềm tin để chờ đợi rằng năm, mười năm nữa thôi họ sẽ khôi phục, giành lại vị trí và phát triển mạnh mẽ. Và có một điều mà chúng ta đều biết, trong những cuốn sách giáo khoa của Nhật Bản, luôn đặt ra vấn đề là Nhật Bản là đất nước không có tài nguyên thiên nhiên. Và họ muốn mỗi công dân Nhật Bản phải hiểu những khó khăn của đất nước, của dân tộc và phải có trách nhiệm để tự vươn lên và họ đã trở thành một dân tộc, một đất nước hùng mạnh.

Câu nói của Ban-dắc đã để lại cho mỗi chúng ta nhiều bài học quý báu. Với bản thân, hãy nghiêm khắc với chính mình, dũng cảm công nhận những thiếu sót, lắng nghe những góp ý của mọi người chứ không nên bực tức, giận dỗi hay bảo thủ. Phải có cái nhìn khách quan, công bằng với những người xung quanh, không nên cho rằng mình là “cái rốn của vũ trụ”, còn xung quanh mọi người đều kém cỏi, chẳng có gì để học tập. Biết tìm ra cái yếu của mình để khắc phục, sửa chữa còn là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với các quốc gia và dân tộc, nhất là trong tình trạng thế giới chứa đựng nhiều bất ổn như hiện nay.

Dẫu biết trên thế gian này, chẳng có gì là hoàn hảo cả. Thế nhưng nếu bạn dám dũng cảm công nhận cái yếu của bản thân, từ đó phấn đấu vươn lên, thì dù có không hoàn hảo, “ngọc tì vết vẫn cứ là ngọc quý”. Câu nói của Ban-dắc đã thành một hành trang quý báu giúp chúng ta thêm dũng cảm để vững bước trên đường đời.

Các bài học liên quan
Đề bài: Trình bày vắn tắt quan điểm nghệ thuật của Nam Cao.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật