Đề bài: Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của A. X. Pu-skin

A. X. Pu-skin (1799 - 1837) - nhà thơ Nga - được mệnh danh là “mặt trời thi ca Nga”. Được sinh ra trong một gia đình quý tộc tại Mát-xcơ-va, vì thế, từ bé, Pu-skin đã có điều kiện để học tập và phát triển tài năng.

BÀI LÀM

A. X. Pu-skin (1799 - 1837) - nhà thơ Nga - được mệnh danh là “mặt trời thi ca Nga”. Được sinh ra trong một gia đình quý tộc tại Mát-xcơ-va, vì thế, từ bé, Pu-skin đã có điều kiện để học tập và phát triển tài năng. Cha ông, chú ông đều yêu thích văn học nghệ thuật, nên ông sớm được tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ và cũng say mê văn chương. Được bao bọc trong tình yêu của bố mẹ, bà ngoại, chú, lại được bà nhũ mẫu và lão bộc bảo bọc, thương yêu..., tâm hồn Pu-skin được thấm đẫm bởi các làn điệu dân ca Nga, bay bổng trong thế giới truyện cổ tích, truyền thuyết... Tất cả những điều kiện thuận lợi này đã thúc đẩy tài năng văn học Pu-skin sớm nảy nở và phát triển.

Lớn lên, ông được theo học tại một trường dành riêng cho con em quý tộc ở Pê-téc-bua; được sự giáo dục của các giáo sư tiến bộ, Pu-skin nhanh chóng tiếp thu tinh thần yêu nước; yêu tự do, chống cường quyền bạo lực, căm ghét ách nô dịch. Những bài thơ của ông viết trong trường, nổi tiếng với tinh thần ngợi ca cách mạng, vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục sáng tác những bài thơ tràn đầy tinh thần chống đối Nga hoàng, kêu gọi đấu tranh giải phóng nhân dân như: Tự do, Gửi Sa-đa-ép, Làng, ... Nga hoàng tức giận đày Pu-skin đi khỏi Pê-téc-bua. Nhưng ông vẫn kiên định với con đường đã chọn.

Thời kì đầu những năm 1820, Pu-skin nổi tiếng với những bài thơ trữ tình và những bản trường ca mang khuynh hướng lãng mạn cách mạng như: Người tù Cáp-ca-dơ, Anh em kẻ cướp, Đoàn người Sư-gan... Sau đó, ông lại chuyển sang sáng tác những bài thơ viết về cuộc sống, hằng ngày, phong phú, đầy hương vị Nga và in đậm không khí thời đại, với những tác phẩm lớn đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỉ XIX như tiểu thuyết bằng thơ nổi tiếng Ép-ghê-ni Ô-nhê-ghin...

Được ân xá, Pu-skin trở lại Pê-téc-bua và tiếp tục sáng tác. Cùng với thơ, kịch, Pu-skin bắt đầu sáng tác văn xuôi. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Cô tiểu thư nông dân, Con đầm pích, Đu-brốp-xki và đỉnh cao của văn xuôi Pu-skin là tiểu thuyết Người con gái viên Đại úy. Cuốn tiểu thuyết này được xem là Cuốn Bách thư bằng văn xuôi của đời sống Nga cuối thế kỉ XVIII. Từ 1830 trở đi, những âm hưởng của chủ nghĩa lãng mạn không còn trong sáng tác của Pu-skin. Chủ nghĩa hiện thực trở thành xu hướng chung, trong các sáng tác của ông.

Năm 1937, Pu-skin qua đời trong một cuộc đấu súng để bảo vệ danh dự và chính nghĩa. Ông để lại cho nhân loại nhân dân Nga một niềm tiếc thương vô hạn bởi “mặt trời thi ca Nga đã lặn”.

Pu-skin kế tục những thành tựu xuất sắc của văn học Nga cổ. Đến với các tác phẩm của ông, ta hiểu hơn tính cách, văn hóa, tâm hồn Nga. Không những thế, ông còn là người mở đường phát triển cho văn học mới, cho sự thức tỉnh của dân tộc Nga, người “đã đặt những nền móng không gì lay chuyển nổi cho tất cả những gì sau này sẽ kế tục mình trong nghệ thuật Nga” (Go-rơ-ki).

Các bài học liên quan
Soạn bài Vào phủ chúa Trịnh trang 3 SGK Ngữ Văn 11

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật