Đề bài: Dân gian có câu: “Ở hiền gặp lành ”, nhưng trong tác phẩm "ở hiền", nhà văn Nam Cao lại để cho Nhu suy nghĩ: “Tại sao ở đời lại có nhiều sự bất công đến thế? Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành?

Con người được sinh ra luôn luôn tồn tại hai mặt: tốt và xấu, thiện và ác. Nếu phần “người” chiến thắng phần “con” thì cái thiện, cái tốt được nâng lên, lấn át cái xấu, cái ác.

Đề bài: Dân gian có câu: “Ở hiền gặp lành ”, nhưng trong tác phẩm "ở hiền", nhà văn Nam Cao lại để cho Nhu suy nghĩ: “Tại sao ở đời lại có nhiều sự bất công đến thế? Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành? Tại sao những kẻ hay nhịn hay nhường thường thường lại chẳng được ai nhường mình. Còn những kẻ thành công thì hầu hết rất tham lam, chẳng ai nhịn nhường ai, nhiều khi lại xảo trá, lọc lừa và tàn nhẫn. “Nhất là tàn nhẫn”. Em hãy bày tỏ ý kiến từ những việc đặt ra.

BÀI LÀM

Con người được sinh ra luôn luôn tồn tại hai mặt: tốt và xấu, thiện và ác. Nếu phần “người” chiến thắng phần “con” thì cái thiện, cái tốt được nâng lên, lấn át cái xấu, cái ác. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Bên cạnh những người hiền lành, tử tế, sống có đạo đức thì vẫn còn nhiều những kẻ lừa lọc, xảo trá. “Ờ hiền gặp lành”, đó là chân lí mà dân gian xưa đã đúc kết. Nhưng ở thời nào cũng vậy, cái xấu, cái ác nhiều khi gây nên điều bất công ngang trái, như suy nghĩ của nhân vật Nhu trong ở hiền của Nam Cao: “Tại sao ở đời lại có nhiều sự bất công đến thế? Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành? Tại sao những kẻ hay nhịn hay nhường thường thường lại chẳng được ai nhường mình. Còn những kẻ thành công thì hầu hết rất tham lam, chẳng biết nhịn nhường ai, nhiều khi lại xảo trá, lọc lừa và tàn nhẫn. Nhất là tàn nhẫn!”. Hai câu nói đưa ra hai quan điểm, gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Những câu ca dao tục ngữ của ông cha ta từ bao đời nay luôn chứa đựng nhiều kinh nghiệm, bài học triết lí. Câu tục ngữ; “Ở hiền gặp lành” cũng vậy. "Ở hiền" chỉ những con người hiền lành, tốt bụng, thường làm điều thiện. Còn “gặp lành” là những điều may mắn, tốt đẹp. Như vậy, câu tục ngữ đã nêu lên quan hệ nhân quả trong cách sống của con người: những người tốt, người làm việc thiện luôn gặp những điều may mắn. Câu nói khuyên con người phải luôn làm điều thiện, điều tốt. Sở dĩ như vậy vì cha ông ta tin vào quan điểm của nhà Phật: mỗi điều xảy ra bao giờ cũng để lại kết quả. Người sống thật thà. tốt bụng gặp điều may mắn, kẻ xấu, kẻ ác gặp báo ứng: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Câu nói đồng thời cũng là lời răn dạy, lời ước mong của con người.

Nhưng câu nói của nhân vật Nhu dường như lại là sự đảo ngược, phản đề lại câu tục ngữ của ông cha. “Ở hiền gặp lành” là điều đương nhiên nhưng nhiều khi vẫn bị cái xấu, cái ác lấn lướt. Câu nói của Nam Cao nhìn bề ngoài có vẻ như tương phản, đối lập với câu tục ngữ nhưng thực chất lại bổ sung, làm đầy đặn thêm ý nghĩa. Nam Cao không chỉ nhìn thấy khía cạnh được gặp may mắn của người tốt mà còn nhìn thấy cái tốt, cái thiện nếu không được đặt đúng chỗ thì sẽ bị cái ác, cái xấu lợi dụng, lấn át. Nam Cao đặt ra một hiện thực kẻ xấu với những mưu mô xảo quyệt sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích, để thành công. Sở dĩ như vậy vì người tốt bao giờ cũng nhường nhịn, sống đạo đức, khoan dung, vị tha. Người tốt bao giờ cũng đặt nhân nghĩa lên hàng đầu, hành động, suy nghĩ thường gắn với cảm tính. Với người bất hạnh cũng vậy, thậm chí còn khoan dung vị tha cho cả những kẻ xấu. Còn những người ác, thủ đoạn thường hay suy trước tính sau, hành động theo lí trí. Tất cả những mưu mô thường được lường trước để lợi dụng, gài bẫy người tốt. Như vậy, câu nói “ở hiền gặp lành” và những suy ngẫm của Nam Cao không đối lập mà bổ sung ý nghĩa cho nhau, góp phần hoàn thiện thêm những nhận thức đánh giá về cái thiện - ác, điều tốt - điều xấu.

Mỗi chúng ta được sinh ra không chỉ biết sống cho bản thân mà còn sống vì người khác, làm điều thiện góp ích cho đời. Mỗi một việc thiện, một hành động có ích sẽ làm cuộc sống ngày càng tốt đẹp lên. Trước hết, những người ở hiền phải có suy nghĩ hành động tích cực, cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, sống đạo lí với những người thân yêu, biết cách đối nhân xử thế. Dù cuộc sống có xô bồ, nghiệt ngã thì nhân cách đạo đức cũng phải vững vàng. Cuộc sống ngày càng phát triển thì con người càng quan tâm đến nhân cách đạo đức. Những người tốt, người thiện luôn được trọng dụng, tin cậy. Dù là ai, người giàu hay kẻ nghèo, cũng cần tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách, để làm việc có ích cho đời. Nguyễn Trãi từng viết:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo...
                             (Bình Ngô đại cáo)

Trong lịch sử có biết bao nhiêu triều đại vì vua là hôn quân, tàn ác mà làm suy vong đất nước, để lại tiếng xấu muôn đời. Ngày nay, biết bao nhiêu quỹ từ thiện, những chương trình truyền hình được mọi người hưởng ứng để giúp đỡ người nghèo được thực hiện. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam ta luôn đặt tình nghĩa, lối sống “lá lành đùm lá rách” lên hàng đầu. Nhiều nước giàu như Mĩ, Ấn Độ... vẫn còn nhiều khu ổ chuột. Đó là một thực tế xót xa.

Không phải ai cũng làm được nhiều điều thiện, điều tốt nhưng có những kẻ lấy cái ác làm nguyên tắc sống. Những kẻ xấu xa, vô nhân đạo luôn có nhiều tham vọng, nhưng để đạt được ước nguyện, thay vì làm điều tốt, phấn đấu bằng khả năng của bản thân, chúng lại tìm cách sống xảo trá, lừa lọc. Để thành công thì phải luyện rèn nhưng những kẻ tham lam, lại vì nôn nóng đạt được mục đích nên đã chọn con đường thủ đoạn, lừa lọc để giẫm lên người khác để đạt tới thành công. Những thủ đoạn của chúng nhắm vào những người hiền lành, tốt bụng. Nên thông thường chúng sẽ vùi dập họ, không cho những người có tài năng được cống hiến. Điều đó gây nên biết bao oan khuất, và một trong số những vụ án oan lớn nhất trong lịch sử Việt Nam lại rơi vào vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - vụ án “Lệ Chi viên”, vẫn biết “ở hiền gặp lành” nhưng trên thực tế có những người cả đời sống hiền lành nhưng luôn bị đàn áp. Cho dù “đạo cao một thước, ma cao một trượng” nhưng cái ác không bao giờ chiến thắng, tuyệt nhiên không thể đánh bại nhân nghĩa. Có thể mới đầu kẻ bất nhân thắng thế nhưng đó chỉ là tạm thời. “Gieo nhân nào, gặp quả ấy”, chúng sẽ tự bóc trần bản chất của mình hoặc bị trừng trị đích đáng. Bóng tối dù bao trùm buồng giam nơi Huấn Cao viết chữ tặng viên Quản ngục, nhưng ánh sáng dù nhỏ bé nơi ngọn đuốc, phiến lụa óng cũng đủ để đẩy lùi bóng tối. Và trong khung cảnh tăm tối, nhơ bẩn ấy, cái đẹp vẫn ngời sáng.

Dù sống ở thời nào, con người vẫn luôn mong muốn đạt đến cái thiện, cái đẹp. Làm điều thiện, sống hiền lành, không chỉ để gặp may mắn mà còn để giúp ích cho đời. Nếu bản thân chúng ta chưa gặp những điều mình mong muốn thì phần hậu sẽ dành cho đời con cháu. Câu tục. ngữ “Ở hiền gặp lành” khuyên con người cần giữ những phẩm tính tốt đẹp, nhân hậu. Kết quả “gặp lành”, gặp may mắn như một phần thưởng trong tương lai để ta phấn đấu. Tuy nhiên, không nên để điều thiện, điều tốt dành cho những kẻ bất nhân, mà kẻ bất nhân phải bị trừng trị đích đáng. Nếu lòng tốt bị kẻ khác lợi dụng, phục vụ vào những mục đích xấu xa thì những người tốt sẽ bị vùi dập còn kẻ xấu sẽ thành công, thậm chí còn được tung hô, biểu dương. Cái xấu, cái ác sẽ không có cơ hội hành động nếu chúng ta biết đánh giá đúng, nhìn nhận đúng bản chất con người. “Không phải cái gì long lanh cũng là vàng”, đó là bài học quý cho mỗi chúng ta.

Nguyễn Minh Châu đã từng nhận xét: trong con người tồn tại thiên thần và ác quỷ, rồng phượng và rắn rết. Nâng cao cái thiện thì khó nhưng không phải không làm được. Làm điều ác thì dễ nhưng không phải không tránh được. Dù cái ác vẫn còn hoành hành nhưng chúng ta, đều tin vào sức mạnh và sự chiến thắng tuyệt đối của cái thiện đối với cái ác, người nhân nghĩa với kẻ bất nhân.

Các bài học liên quan
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận xã hội nêu suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ Hi Lạp sau: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”.
Đề bài: Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Một số khác lại coi kí ức như một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Đề bài: Quan điểm của em về câu nói “Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một người học trò”.
Đề bài: Bình luận câu châm ngôn: “Im lặng là vàng”

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật