Đề bài: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước: Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp” (Thân Nhân Trúng). Từ quan điểm trên, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình?

Dân tộc ta ra đời và phát triển trong một hoàn cảnh thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và địch họa. Thật khó có thể tồn tại nếu không có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng độc lập, tự do luôn cháy bỏng.

BÀI LÀM

Dân tộc ta ra đời và phát triển trong một hoàn cảnh thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và địch họa. Thật khó có thể tồn tại nếu không có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng độc lập, tự do luôn cháy bỏng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt đã không ngừng xuất hiện những tài năng lỗi lạc củng cố thêm niềm tin và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với cả dân tộc vượt qua bao gian nguy, thử thách. Trước sự hưng vong của đất nước, mỗi người dân đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm. Trí thức lại càng phải có trách nhiệm hơn thế. Lời bài kí của Thân Nhân Trung khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu khoa Nhâm Tuất 1442 như vẫn trầm hùng: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp”.

Thông điệp của người xưa rất rõ ràng, hiền tài là nguyên khí quốc gia, hiền tài quan hệ mật thiết tới vận mệnh hưng vong của đất nước. Hiền tài có thể hiểu là sự kết hợp hài hòa giữa tài và đức cần phải có ở mỗi người. Hiền tài là chính là khát vọng của cả dân tộc. Nguyên khí chính là sức sống của mỗi quốc gia.

Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của người Việt, các triều đại phong kiến tiếp tục sau nhà Tiền Lê như Lí, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều coi trọng hiền tài và luôn đặt làm “quốc sách” hàng đầu trong kế sách trị quốc, an dân, giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc. Bất kì triều đại nào nếu thực hiện đúng đắn và đầy đủ “quốc sách” này thì triều đại đó đều ghi lại những chiến công hiển hách, những dấu ấn tinh hoa rực rỡ nhất trong các trang sử vàng của dân tộc.

Nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã từng nhận định: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng” có nghĩa là đất nước muốn hưng vượng phải nhờ vào trí thức. Người xưa, quan niệm trí thức là người được học rộng, biết nhiều, có trình độ đào tạo cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Ngày nay, trí thức là những người lao động trí óc. Thái độ của trí thức là thước đo sự tiến triển của chế độ. Một đất nước muốn phát triển và vươn xa hơn nữa thì không thể thiếu những người hiền tài. Họ là những người có tài có đức, là rường cột của nước nhà, có quan hệ lớn đến sự thịnh suy của đất nước. Vậy chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải làm gì để phấn đấu trở thành một người hiền tài giúp ích cho đất nước?

Trước hết, thế hệ tuổi trẻ Việt Nam chúng ta cần suy ngẫm đến những tiến bộ, những mặt còn hạn chế của chính mình, để từ độ có những kết luận đúng đắn giúp đất nước ngày càng đi lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội mà nhân loại đã tích lũy suốt mấy ngàn năm lịch sử và những kiến thức tân tiến, hiện đại của khoa học kĩ thuật bây giờ. Nếu chúng ta không học thì sẽ thành những con người lạc hậu và chậm tiến. Vì thế, việc làm trước tiên của thanh niên trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là phải học tập, trang bị thật tốt cho mình vốn kiến thức, hiểu biết về thế giới, khoa học và con người... Học tập tốt không chỉ giúp ta góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh, phát triển và phồn vinh mà còn là con đường tốt nhất giúp ta đi đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp. Đúng như một câu danh ngôn đã nhấn mạnh: “Học tập là hạt giống của kiến thức. Kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Trong những năm học phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức hết sức căn bản, nhưng nếu chúng ta không chăm chỉ học hành, lơ là, chểnh mảng thì sẽ không nắm vững được kiến thức một cách có hệ thống mà còn tốn thời gian, tiền bạc và kết quả thu được cũng chẳng đáng là bao. Nếu khi còn trẻ, ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Như chúng ta đã biết, tài năng và đạo đức là hai yếu tố không thể tách rời trong một người hiền tài. Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Cái tài nhờ có cái tâm để “cháy lên”, còn cái tâm lại nhờ cái tài để “tỏa sáng”. Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc học, thanh niên, học sinh còn phải hoàn thiện bản thân, tu dưỡng và rèn luyện về đạo đức. Có lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải, đó là nhân nghĩa, là truyền thống cao đẹp của người Việt Nam mà chúng ta cần duy trì và phát triển và thiết thực nhất đó là sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà..., quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn với những người xung quanh, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn, luôn có thái độ kính trọng và biết ơn với những người đã có công với đất nước... Đặc biệt, thanh niên cần tích cực rèn luyện một lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, thuốc lá, ma túy… và những thói hư tật xấu, lối sống lai căng, thực dụng, xa dời các truyền thống văn hóa của xã hội bởi chúng có tác hại ghê gớm cho bản thân, gia đình, xã hội về tư tưởng đạo đức, sức khỏe, kinh tế, nòi giống...

Thực tế vẫn còn rất nhiều bạn còn mải chơi, bỏ học coi việc học là nghĩa vụ nặng nề mà bố mẹ giao cho, chẳng nghiêm túc và tự giác trong học tập,... Đó là những con người lười nhác, chỉ hưởng không công chưa xác định được lí tưởng sống đúng đắn.

Mỗi người chúng ta đều có những mặt mạnh, yếu khác nhau, không ai là hoàn mĩ cả, mặt khác, xã hội luôn không ngừng phát triển. Vì vậy, thanh niên phải luôn tự hoàn thiện bản thân mình, biết vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, biết phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điều hay, điều tốt của người khác. Có như thế thì bản thân, gia đình, cộng đồng sẽ ngày một phát triển tốt hơn, tiến bộ hơn.

Tóm lại, thanh niên chúng ta cần phải phấn đấu học tập, xác định mục tiêu học tập đúng đắn, coi việc học tập khoa học kĩ thuật là then chốt, trở thành những nhà khoa học trẻ tuổi tương lai, những thanh niên xung phong trong thời đại mới, có kích thích sáng tạo, tìm tòi cái mới, ứng dụng lí thuyết vào đời sống thực tế, học hỏi không ngừng, có tình yêu quê hương đất nước, nhận lãnh trách nhiệm là người chủ nhân tương lai của đất nước, là thành viên ưu tú của xã hội. Song song đó, chúng ta cần tránh xa những cạm bẫy của thói hư tật xấu, của tệ nạn xã hội, luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ phẩm cách trong sáng, bảo vệ gia đình, xã hội, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Những hành động trên là vô cùng thiết thực trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa này, những điều mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được để đất nước ngày càng phát triển và có thể sánh đôi với các cường quốc khác, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn.

Mỗi chúng ta sinh ra ai cũng đều như nhau, đều tiềm ẩn trong mình những phẩm chất, tài năng tốt đẹp để trở thành một con người hiền tài. Chúng ta hãy luôn ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình, nối tiếp truyền thống của cha ông, trở thành những trí thức, rèn luyện để trở thành hiền tài để cống hiến tài năng vào tiến trình phát triển đất nước.

Các bài học liên quan
Đề bài: Từ ý tưởng trong lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”, em hãy viết bài văn nghị luận về “tấm lòng”
Đề bài: Nếu một người được gọi là phu quét đường hãy quét những con đường như Michelangcle đã vẽ tranh, hãy quét những con đường như Beethoven đã soạn nhạc và hãy quét những con đường như Shakerpear đã làm thơ.
Đề bài: Viết một bài văn nghị luận xã hội nêu suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ Hi Lạp sau: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”.
Đề bài: Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Một số khác lại coi kí ức như một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Đề bài: Quan điểm của em về câu nói “Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một người học trò”.
Đề bài: Bình luận câu châm ngôn: “Im lặng là vàng”

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật