Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo độc đáo của truyện ngắn “Hai đứa trẻ”

Thạch Lam - với truyện ngắn đặc sắc Hai đứa trẻ xứng đáng là một nhà nhân văn chủ nghĩa bởi lẽ tác phẩm này thật sự là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc và rất mới mẻ.

BÀI LÀM

Trong nền văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trước Cách mạng, Thạch Lam là một trong những nhà văn giành được nhiều cảm tình của bạn đọc. Dường như, ông sinh ra để hòa giải mối xung đột giữa thơ và văn xuôi, hiện thực và lãng mạn. Vì thế ông có tố chất của một nhà thơ trong một nhà văn xuôi chân chính. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị, mà thâm trầm, sâu sắc. Tác phẩm Hai đứa trẻ trích trong tập Nắng trong vườn (1938) tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Thạch Lam.

Không phải ngẫu nhiên mà Macxim Gorki định nghĩa “Văn học là nhân học”. Thạch Lam - với truyện ngắn đặc sắc Hai đứa trẻ xứng đáng là một nhà nhân văn chủ nghĩa bởi lẽ tác phẩm này thật sự là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc và rất mới mẻ.

Nội dung quan trọng đầu tiên không thể thiếu của một tác phẩm văn học có giá trị nhân đạo đó là sự đồng cảm, xót thương với nỗi khổ của con người. Đối với truyện ngắn Hai đứa trẻ, sự đồng cảm, xót thương ấy là dành cho sáu mảnh đời, sáu hoàn cảnh éo le của những người dân phố huyện nghèo. Bức tranh đời sống của những con người tàn tạ ấy lại hiện lên trong một buổi chợ tàn. Hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mặt người đọc đó chính là hình ảnh những đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ đang nhặt nhạnh “thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại”. Chúng ta không khởi động lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ ấy đang trông mong thứ gì còn sót lại trong nền đất chỉ còn toàn là “rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”. Rồi khi màn đêm buông xuống, ta còn bắt gặp những hoàn cảnh éo le khác, đó chính là những cư dân kiếm sống ban đêm. Họ gồm có mẹ con nhà chị Tí, cụ Thi điên, gia đình bác xẩm, bác phở Siêu và chị em Liên nữa, Mẹ con chị Tí hiện lên với cái chõng nước tồi tàn, ngày thì mò cua bắt tép, tối đến lại dọn hàng nước nhưng cũng chẳng kiếm được là bao, cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách vắng trong đêm tối gây nhiều ám ảnh đối với bạn đọc. Bà cụ "hơi điên" này chắc hẳn không phải là không phải là điên bệnh lí mà điên tâm bệnh - căn bệnh do sự đau đớn, dằn vặt trong tâm hồn khiến con người ta điên dại, phải tìm đến men rượu để vơi đi nỗi buồn. Cụ “uống một hơi cạn sạch”, uống rượu mà tưởng như đang cố nuốt những hận đời, nuốt những nỗi đau. Cụ Thi xuất hiện từ trong đêm tối, mang bóng tối đến và cũng mang bóng tối đi dần về phía cuối làng. Khi cụ vừa đi khỏi, bác phở Siêu cũng mới gánh phở đi tới. Bác thật tội nghiệp, với cái phố huyện toàn những con người nghèo đói như vậy thì quả là thứ quà của bác vô cùng xa xỉ. Những đứa trẻ con, hay mẹ con chị Tí, hay chị em Liên ế hàng... thì làm sao dám mơ đến bát phở của bác. Cùng chung cảnh vắng khách với bác chính gia đình nhà bác xẩm. Hàng đêm họ ngồi trên manh chiếu rách, cái thau sắt trắng trống không để trước mặt, chưa có khách nghe nên cũng chưa hát. Đây quả là một gia đình nghèo nhếch nhác, thằng con nghịch bò ra khỏi chiếu nhặt rươi, thỉnh thoảng bác lại góp chuyện bằng mấy tiếng đàn hầu bật trong đêm vắng. Nào đâu chỉ có những người đó là khổ, ngay chính chị em Liên - nhân vật chính của câu chuyện, cũng chịu cảnh nghèo đói, thiếu thốn. Hai đứa trẻ thật đáng thương vì do hoàn cảnh mà thấy Liên mất việc, cả nhà phải rời Hà Nội phồn hoa về cái phố huyện này và phải giúp gia đình bươn chải kiếm sống bằng việc trông coi quán hàng tạp hóa nhỏ xíu cho mẹ; nhìn thấy trẻ con tụ tập chơi đùa cũng không dám nhập bọn vì còn phải trông hàng. Chính hoàn cảnh sống éo le đã khiến hai chị em Liên không được vui cái vui của trẻ nhỏ, và có vẻ đầy những lo toan, vất vả, già trước tuổi.

Sáu kiếp người, sáu hoàn cảnh khác nhau hiện lên hết sức rõ nét qua lời kể của Thạch Lam. Chắc chắn, nhà văn phải có một tấm lòng cảm thông, yêu thương lắm mới có thể khắc họa hình ảnh của họ một cách chi tiết đến như vậy. Dường như, ông đang lắng tai nghe rõ cả tiếng thở dài ngao ngán của chị Tí, thương cảnh vắng khách của bác phở Siêu, thương cả cái cảnh nhếch nhác của gia đình bác xẩm, chia sẻ cái khó khăn trong việc bán hàng của chị em Liên và không khỏi đau xót khi nghe thấy tiếng cười khanh khách như xé lòng của cụ Thi điên.

Không phải với lòng thương hại, cũng không phải với tình thương kiểu ban phát, Thạch Lam đến với những người dân phố huyện nghèo bằng lòng chân thành sâu sắc. Ông đau trước nỗi đau của nhân vật; u sầu, buồn bã trước nỗi buồn của họ. Thạch Lam không chỉ thương xót trước sự nghèo đói, thiếu thốn của những người dân phố huyện mà ông thương cả nhịp sống quẩn quanh, mòn mỏi, tẻ nhạt như ngưng đọng của họ. Họ không phải đang sống mà chỉ đang tồn tại một cách lay lắt. Chính điều này đã ám ảnh người đọc.

Điều đặc biệt là Thạch Lam đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình theo một hướng riêng, ông cúi xuống những mảnh đời bé mọn, bất hạnh như mẹ con chị Tí, chị em Liên hay bà cụ Thi điên... Với tấm lòng đôn hậu, yêu thương trìu mến, ông tìm đến những hoàn cảnh éo le, những con người nhỏ bé tội nghiệp, cùng đường và không còn ai bênh vực. Chính tấm lòng của Thạch Lam đã tạo nên một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc đến vậy.

Truyện ngắn Hai đứa trẻ không chỉ thể hiện niềm cảm thông, xót thương sâu sắc đối với những kiếp người tàn nơi phố huyện, mà nó còn thể hiện niềm trân trọng, ngợi ca những vệ đẹp đáng quý của họ. Thông qua việc khắc họa Hình ảnh của Liên, Thạch Lam đã tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của con người. Nhân vật Liên được miêu tả là một cô gái có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm và biết yêu thương. Qua quan sát phố huyện, Liên buồn man mác trước giờ khắc ngày tàn. Lắng nghe tiếng trống canh, tiếng ếch nhái từ đồng ruộng vọng vào, nhìn cảnh ngày tàn, hoàng hôn đỏ rực và bóng tối kéo đến khiến con người ta không có lí do mà vẫn buồn. Chắc hẳn Liên phải nhạy cảm lắm mới có thể ngửi thấy mùi riêng của đất mà ngỡ là “mùi nghèo của quê mình”. Qua miêu tả của Thạch Lam, ta thấy được tấm lòng đôn hậu và giàu tình thương của Liên. Chị thương lũ trẻ em nghèo phải bới rác kiếm sống, buồn vì chính mình cũng không có tiền đề cho chúng. Chị nhận thấy cái nghèo của quê mình, thấy sự quẩn quanh, tẻ nhạt của đời sống nơi phố huyện nghèo nên chị không ngừng nghĩ ngợi xa xăm, ước mơ xa xăm về chuyến tàu Hà Nội hàng đêm đi qua phố huyện nhỏ của chị. Không chỉ khắc họa vẻ đẹp của nhân vật Liên, Thạch Lam còn ca ngợi tình người, những tình cảm tốt đẹp mà người dân phố huyện dành cho nhau. Dù những mẩu đối thoại của họ ít ỏi và vụn vặt nhưng đó đều là những câu thăm hỏi ân cần, trìu mến, như của Liên đối với chị Tí: ‘‘Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?” hay của chị Tí dành cho Liên: “Còn cô chưa dọn hàng à?” hay sự sốt ruột khi chưa thấy mấy người khách quen của chị: “Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?”... Ta thấy ẩn chứa trong những lời thăm hỏi là một tình cảm sẻ chia khó khăn, một tình người bàng bạc tỏa ra từ tác phẩm. Qua việc khắc họa, vun đắp và tôn vinh những vẻ đẹp của người dân phố huyện, Thạch Lam bày tỏ lòng trân trọng sâu sắc đối với những phẩm chất đáng quý của con người.

Không chỉ đồng cảm, xót thương với kiếp sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối của chị em Liên, của mẹ con chị Tí, của bác phở Siêu hay của bà cụ Thi điên... mà trong cái bóng tối nơi phố huyện, Thạch Lam đã phát hiện ra những mơ ước sâu kín của họ. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Dù ước mơ đổi đời ấy tuy hiện lên còn rất mơ hồ nhưng Thạch Lam vẫn nâng niu, vun đắp những hi vọng đẹp đẽ của họ vào tương lai. Nhìn cảnh chị em Liên cố thức đợi tàu, Thạch Lam không chỉ thấu hiểu mà còn trân trọng cái ước mơ những chuyến tàu, ước mơ về một Hà Nội xa xăm ấy.

Có ước mơ nào nhỏ bé, tội nghiệp hơn ước mơ đợi chuyến tàu chở những kỉ niệm, kí ức đẹp về một Hà Nội sáng rực giờ chỉ còn là trong tưởng tượng. Thạch Lam trân trọng cái khát khao của chị em Liên về một chuyến tàu ngày ngày đi qua cuộc đời mình dù chỉ là trong khoảnh khắc. Thạch Lam tin rằng chị em Liên cũng như những người dân phố huyện khác sẽ không bị chìm trong bóng tối nơi đây mà mỗi người đang tự thắp lên cho mình ánh sáng của sự hi vọng.

Hai đứa trẻ khép lại với nỗi trăn trở trong lòng bạn đọc: Vì sao mà những con người nơi phố huyện nghèo trước Cách mạng lại sống lụi tàn, cơ cực đến thế? Truyện ngắn Hai đứa trẻ gián tiếp tố cáo và lên án xã hội đương thời tàn nhẫn, bất công đã đẩy con người ta vào chốn cùng đường, bế tắc, không có lối thoát. Qua đó, Thạch Lam bày tỏ khát vọng thay đổi cuộc sống này để con người được sống với đúng nghĩa “con người” chứ không phải chỉ là đang tồn tại, cầm cự sống qua ngày như vậy.

Với truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã tạo nên một khía cạnh mới của chủ nghĩa nhân đạo 1930 - 1945 trong văn học Việt Nam. Ông là một trong những thế hệ nhà văn được thức tỉnh bởi ý thức cá nhân và ý nghĩa về sự tồn tại của mỗi cá nhân trong cuộc đời. Hai đứa trẻ cũng như những tác phẩm khác của Thạch Lam đều đặc sắc và mới mẻ ở việc phát hiện ra nỗi buồn cá nhân, những ước mơ bình dị, sự lay tỉnh những con người quẩn quanh hãy đứng lên để sống một cách có ý nghĩa hơn cho cuộc đời. Vì thế những giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ đã tạo nên một Thạch Lam không giống ai, một Thạch Lam vững chãi trên văn đàn với một vị trí đặc biệt quan trọng.

Đối với một tác phẩm nghệ thuật chân chính, ngoài tài năng của người nghệ sĩ thì cái tâm đóng vai trò hết sức quan trọng. Thạch Lam với tấm lòng đôn hậu, yêu thương con người trìu mến xứng đáng là “một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Chính tấm lòng nhân đạo của Thạch Lam đã quyết định đến sự thành công lớn của Hai đứa trẻ, mãi mãi giữ một vị trí quan trọng trong lòng bạn đọc.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích câu 22,23 trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” để nêu lên quan niệm sống, chết của người nghĩa quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp của nông dân Nam Bộ. Bình luận về quan niệm ấy.
Đề bài: Bằng các tác phẩm đã học và đọc thêm, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu nhằm một mục đích chiến đấu bảo vệ đạo đức của nhân dân, quyền lợi của Tổ quốc.
Đề bài: “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống. (SGK Ngữ văn 11, tập một).
Đề bài: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật