Đề bài: Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

Chữ người tử tù là truyện ngắn có giá trị nhất trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Viết truyện ngắn này Nguyễn Tuân bày tỏ một quan niệm sống, bộc lộ niềm khát khao hoàn thiện nhân cách, thể hiện thái độ của mình đối với xã hội.

BÀI LÀM

Chữ người tử tù là truyện ngắn có giá trị nhất trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Viết truyện ngắn này Nguyễn Tuân bày tỏ một quan niệm sống, bộc lộ niềm khát khao hoàn thiện nhân cách, thể hiện thái độ của mình đối với xã hội. Trong lúc biết bao người ngụp lặn trong dòng đời xô bồ để tìm kiếm công danh, tiền tài, địa vị; trong lúc không ít kẻ vứt bỏ lương tâm để ôm chân đế quốc; trong lúc có bao người sống chui lủi sợ sệt thì Nguyễn Tuân đưa ra một Huấn Cao tài hoa, khí phách, trọng nghĩa khinh tài, giữ trọn thiên lương trong sáng. Đó chẳng phải là lời tuyên ngôn của một người sống đẹp, biết sống đẹp hay sao!

Chữ người tử tù có nói đến một thú chơi - thú chơi chữ. Nhưng khác với nhiều truyện trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân viết về thú chơi chữ không phải để ngợi ca lối sống tiêu dao, cầu kì, quay lưng với thế sự của đám nho sĩ bất đắc chí mà là để ngợi ca vẻ đẹp tài hoa của con người. Huấn Cao là người viết chữ đẹp: “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lam... Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời”. Thời chữ tượng hình còn thịnh hành, những người viết chữ đẹp được coi là người tài hoa nghệ sĩ, thú chơi chữ được coi là thú chơi tao nhã của tao nhân mặc khách.

Giữa thế giới xô bồ hỗn loạn, giữa cái thế giới nhơ bẩn tăm tối của ngục tù xuất hiện ba con người, ba “âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Một người tài hoa, viết chữ đẹp nổi tiếng và hai người say mê cái đẹp, quý trọng cái tài. Đó là sự gặp gỡ tình cờ và đầy thú vị.

Hóa ra người tài không đơn độc, ngay trong chốn ngục tù vẫn tìm được người tri kỉ, hóa ra cái đẹp không bị hắt hủi, ngay trong chốn nhơ bẩn cái đẹp vẫn lên ngôi, vẫn được tôn thờ.

Huấn Cao không những là bậc tài hoa mà còn là đấng anh hùng nghĩa sĩ, con người Văn võ toàn tài: “ông Huấn có khí phách hiên ngang”. Ông coi thường tiền tài, quyền lực và cái chết. Ông viết chữ đẹp nhưng không dùng chữ để cầu danh, cầu tài, cầu lợi, Đây là vấn đề nhân cách, một nhân cách cứng cỏi mới có thể đường hoàng tuyên bố: “Chữ thì quý thật. Ta không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết bao giờ.”

Con người có hoài bão tung hoành chọc trời khuấy nước ấy dám chống lại cả triều đình phong kiến, chỉ sa cơ lỡ vận, đang chờ án tử hình mà vẫn ung dung thanh thản. Chính trong những ngày cuối đời, nơi nhà ngục tỉnh Sơn, ông Huấn gặp một tình huống khá thú vị! Viên quản ngục, kẻ đại diện cho triều đình phong kiến mà ông Huấn ghê tởm, lại niên tài ôn, dành cho ông chế độ biệt đãi và có một mong ước xin được mấy chữ của ông đề vào bức lụa trắng tinh.

Quản ngục, kẻ có quyền lực trong tay nhưng không thể dùng quyền lực để ép người tù viết chữ cho mình, vì người tù ấy có khí phách, không biết sợ uy quyền. Có lần quản ngục đánh bạo đến thăm ông Huấn và đã nhận được một câu nói khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đến quấy rầy ta”.

Sau câu trả lời ấy, Huấn Cao nghĩ đến trận báo thù nay mai nhưng ông không hề sợ, đối với ông đến cảnh chết chém còn chẳng sợ nữa là. Cho đến lúc viên thơ lại đến báo cho ông biết ngày mai ông phải vào kinh lĩnh án tử hình, ông vẫn trầm ngâm mỉm cười không hề nghĩ đến cái chết đang đón đợi mình mà chỉ nghĩ đến việc đáp lại một tấm lòng trong thiên hạ. Cùng một lúc, Nguyễn Tuân đặt nhân vật của mình trước hai thử thách lớn: quyền lực và cái chết. Đó là những thứ đáng sợ nhất đối với con người. Nhưng Huấn Cao không sợ những cái đó vì ông có dũng khí, bản lĩnh của một người anh hùng.

Trong tác phẩm Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân không hề đối lập chữ tài và chữ tám, cái đẹp và cái tốt. Huấn Cao không những là người tài hoa, có khí phách mà còn có thiên lương trong sáng lành vững. Con người ấy không những giữ được thiên lương của mình mà còn bảo vệ thiên lương của người khác. Ông viết những dòng chữ cuối cùng của đời mình là để đáp lại một tấm lòng, là để thức tỉnh lương tâm, góp phần định hướng nhân cách, bảo vệ thiên lương cho người mà vì hoàn cảnh trớ trêu bị đày vào giữa đống cặn bã của xã hội.

Cảnh viết chữ được Nguyễn Tuân miêu tả thật cảm động, đó là cảnh tượng xưa nay chưa từng có trong chốn ngục tù.

Thông thường, làm văn chương nghệ thuật, cái công việc thiêng liêng cao quý đó diễn ra nơi thư phòng, thư sảnh vậy mà Huấn Cao viết chữ nơi “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, giữa lúc đêm khuya. Một cảnh tượng đầy sự tương phản. Bức lụa trắng tinh, thỏi mực thơm, ánh đuốc sáng, những đêm tối, trong phòng giam chật hẹp nhơ bẩn. Phải chăng từ cảnh tượng ấy Nguyễn Tuân đã phản ánh một thực tế, một quy luật phũ phàng của cuộc đời: Khi trong xã hội, cái xấu cái ác ngự trị thì cái tốt, cái đẹp phải ẩn mình mới có thể tồn tại được?

Huấn Cao viết chữ trong tình cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng nhưng say mê đậm tô nét chữ. Xiềng xích không thể nào trói buộc được cảm hứng sáng tạo, bốn bức tường không giảm nổi tinh thần tự do, Huấn Cao vượt lên hoàn cảnh, làm chủ tình thế và sáng tạo ra cái đẹp bằng tài hoa và nhân cách của mình. Xưa nay người ta thường nói đến sức mạnh quyền lực, sức mạnh tiền tài, giờ đây Nguyễn Tuân cho mọi người thấy sức mạnh của cái đẹp, quyền lực của tài năng. Quyền lực và tiền tài chỉ có sức mạnh đối với kẻ xấu, kẻ hèn. Cái đẹp, cái tài mới có sức mạnh chinh phục nhân loại, cái đẹp mới bất tử. Bởi vì ở đâu, lúc nào cái đẹp cũng được những người có thiên lương bảo vệ giữ gìn. Cái đẹp, cái tài là thước đo công minh nhất của mọi nhân cách, phẩm giá. Biết bao thời đại đã đi qua mà con người vẫn không thôi đặt ra câu hỏi: Thế nào là người tốt, thế nào là có tâm? Đã có nhiều câu trả lời. Trong truyện ngắn này Nguyễn Tuân đưa ra một câu trả lời thật thú vị: “Người tốt là người biết quý trọng cái tài, biết nâng niu cái đẹp”.

Huấn Cao là người tốt đã đành, quản ngục và thơ lại cũng là người tốt, người có thiên lương. Chính quản ngục đã từng nghĩ: “Một kẻ biết yêu mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình”.

Người biết trọng người tài ấy là người đại lượng, cầu tiến. Người biết quý cái đẹp là người khát khao hoàn thiện mình. Chỉ có những kẻ tiểu nhân hèn hạ mới ghen tuông đố kị cái đẹp, cái tài. Thái độ của quản ngục và thơ lại đối với Huấn Cao đã chứng minh cho lòng tốt của họ. Trong khi Huấn Cao viết chữ, quản ngục “vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực”. Sau khi nghe ông Huấn khuyên bảo, ngục quan vô cùng cảm động với người tù một vái và nghẹn ngào nói: “Xin bái lĩnh”, về chi tiết này, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có lời bình thật sắc sảo: “Có những cái cúi đầu khiến con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sáng trong hơn. Đây là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương”.

Con người ta sinh ra ở đời, không những biết sống ngẩng cao đầu mà nhiều khi còn phải biết cúi đầu và vái lạy. Vái lạy trước điều gì, đó mới là điều đáng quan tâm.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích câu 22,23 trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” để nêu lên quan niệm sống, chết của người nghĩa quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp của nông dân Nam Bộ. Bình luận về quan niệm ấy.
Đề bài: Bằng các tác phẩm đã học và đọc thêm, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu nhằm một mục đích chiến đấu bảo vệ đạo đức của nhân dân, quyền lợi của Tổ quốc.
Đề bài: “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống. (SGK Ngữ văn 11, tập một).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật