Đề bài: Phân tích bài “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm

Chiếu cầu hiền là tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cho loại văn bản nghị luận trung đại, được viết thành 6 đoạn với bố cục ba phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết - đây là bố cục quen thuộc của một văn bản nghị luận.

BÀI LÀM

Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi đem quân ra Bắc quét sạch 20 vạn giặc Thanh cùng bọn tay sai bán nước. Lê Chiêu Thống và tàn quân chạy theo Tôn Sĩ Nghị, triều Lê sụp đổ. Triều đại Tây Sơn thành lập, một số trí thức Bắc Hà đã hợp tác, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ quan lại, trí thức cũ của triều đình Lê - Trịnh bất hợp tác, chống lại triều Tây Sơn. Vì thế, Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm thấy mình viết Chiếu cầu hiền kêu gọi những người tài đức ra giúp nước an dân.

Chiếu cầu hiền là tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cho loại văn bản nghị luận trung đại, được viết thành 6 đoạn với bố cục ba phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết - đây là bố cục quen thuộc của một văn bản nghị luận.

Phần một, tác giả dùng lời của Không Tử để tạo ra một tiền đề vững chắc, thuyết phục và có ý nghĩa quan trọng với mục đích cầu hiền của bản chiêu. Bởi với các nhà nho, lời của Khổng Tử luôn luôn là đúng đắn. Tác giả đã khẳng định: Người tài phải đem tài của mình ra giúp nước thì mới hợp lẽ trời. Đoạn văn mở đầu văn bản được trình bày bằng thao tác so sánh với hai lập luận: “Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần,.người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử; và “Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải ý trời sinh ra người hiền vậy.” nhằm khẳng định một điều: sao muốn đẹp phải tỏa sáng, người hiền tài muốn được công nhận phải cống hiến tài năng đó cho nước, cho đời. Như vậy, tác giả vừa tôn vinh bậc thánh hiền của đạo Nho (như sao sáng), vừa khẳng định với hiền sĩ khắp nơi rằng triều đại mới là một triều đại dùng đức để cai trị đất nước. Ngô Thì Nhậm thật cao tay, ông mượn lời thánh hiền và ý trời để tạo ra một cơ sở lí luận chắc chắn cho việc cầu hiền của triều đình;

Phần hai gồm có bốn đoạn, trong đó đoạn thứ hai như là một điểm tựa để tác giả bẩy đoạn 3, 4, 5 lên cao nhằm thực hiện mục đích thuyết phục, kêu gọi hiền tài ra giúp vua, giúp nước. Tác giả chỉ rõ thực tại thái độ của nho sĩ Bắc Hà trước việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc diệt Trịnh. Trong lúc thời thế suy vị, hiền tài như ngôi sao bị che khuất, không được trọng dụng, tôn kính. Vì thế cách hành xử tích cực nhất của họ lúc này là giữ gìn lấy khí tiết trong sạch của một nhà nho chân chính bằng cách trốn tránh, ẩn dật hoặc là dè dặt, giữ mình ở chốn quan trường. Thời thế không cho phép họ tự thể hiện mình chứ không phải là họ tự vùi lấp mình. Tác giả dùng nhiều hình ảnh gợi cảm để chỉ tình trạng thất thế loạn lạc của kẻ sĩ (ẩn trong ngòi khe, kiêng dè không dám lên tiếng, gõ mở cánh cửa, ra biển vào sông, chết đuối trên cạn,...), nhưng khi đất nước cần mà chỉ lo sống yên phận là vô trách nhiệm.

Ở đoạn văn thứ ba, tác giả thay lời vua để thổ lộ những tâm tư sâu kín, đó là nỗi niềm canh cánh chờ mong sự xuất hiện của hiền tài. Lời kêu gọi kiên quyết nhưng cũng rất khiêm nhường: “Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến”. Người viết đưa ra hai câu hỏi tu từ liên tiếp: “Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?” cho thấy sự day dứt, trăn trở khôn nguôi trong lòng vua Quang Trung lúc bấy giờ. Hai câu hỏi nhưng mang ý nghĩa khẳng định: Đây là lúc thích hợp để người hiền tài mang sức mình ra gánh vác việc non sông. Qua đó, ta thấy rõ ràng một điều rằng vua Quang Trung là người rất coi trọng hiền tài. Như vậy người hiền tài sẽ không lo sợ bị che lấp tài năng hoặc tài năng bị quên lãng, bỏ rơi như thời buổi suy vi. Lập luận như thế là đã rất chặt chẽ và thuyết phục.

Vẫn tiếp tục nỗ lực thuyết phục người hiền tài ra giúp đời, tác giả đã thể hiện rất rõ mong mỏi của vua Quang Trung, đồng thời cũng chỉ ra cho người tài thấy đã đến lúc họ phải mang sức mình ra giúp đời, đó là: “Nay đương buổi đầu của nền đại định, công việc mới.mở ra. Kỉ cương triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên cương phải lo toan. Dân còn mệt nhọc chưa lại sức, mà đức hóa của trẫm chưa thấm nhuần khắp nơi”... Tác giả liệt kê hàng loạt vấn đề cần giải quyết để tìm cách khơi gợi, kích động những người hiền tài có lòng tự trọng, có trách nhiệm. Tất cả đều là những mảnh đất trống cho người hiền thể hiện tài năng của mình. Cơ hội đã đến. Trọng trách quốc gia không chỉ ở mình vừa gánh vác được. Từ đó kết đoạn là những câu hỏi tu từ xoáy sâu, nhấn mạnh, khích lệ họ đừng chần chừ, ngần ngại nữa, nhanh đưa sức ra giúp dân trị nước. “Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò vua giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?”. Người viết đã dùng thủ pháp quen thuộc mà rất hiệu quả bằng cách tiếp tục đưa ra câu nghi vấn từ từ để khẳng định đất nước đang còn rất nhiều người hiền tài. Đồng thời, một mặt tác giả chỉ cho người hiền thấy được thời cơ, vận hội mới, qua đó đề cao vai trò của họ trong việc trị nước; mặt khác lại đánh vào tâm lí, khơi gợi lòng tự trọng của họ. Lời văn nhẹ nhàng mà lí lẽ, lập luận thì sắc sảo, có sức thuyết phục cao - vừa lay động chí, vừa chuyển tâm ý của người hiền tài.

Ở phần ba, tác giả trình bày những biện pháp cụ thể, chỉ rõ con đường và cách thức ra giúp đời cho người tài. Người viết cũng vạch ra và lí giải rõ ràng, cụ thể con đường để người tài ra giúp vua một cách thuận tiện nhất, điều này tăng cấp tối đa sự thuyết phục bằng một chính sách cầu hiền đặc biệt: Ai có tài cho phép tự trình bày công việc; Cho phép các quan tự tiến cử; Người hiền tự tiến cử mình. Chính sách cụ thể, rõ ràng, công bằng, dân chủ - mở rộng cửa cho người hiền tài vào cung giúp vua, giúp nước. Người hiền theo quan niệm của Quang Trung thật toàn diện, không chỉ hướng tới những người giỏi chữ nghĩa mà còn hướng tới những người có tay nghề giỏi. Cách làm này đã thể hiện thành ý và thái độ trọng dụng người tài của vua Quang Trung. Đồng thời nhấn mạnh lại thời cơ, vận hội của người hiền. Những lời kêu gọi cuối tác phẩm như một lời hiệu triệu mạnh mẽ, khơi dậy, làm nức lòng kẻ hiền tài bốn bể rằng cơ hội lập danh, lập thân của họ thực sự đã đến. Cái lí của triều đình đưa ra là không còn gì thuận lợi hơn nữa (trời trong sáng, đất thanh bình) cho người tài đức xuất hiện. Thời cơ đã đến cho những ai muốn làm nên nghiệp lớn (gặp hội gió mây). Điều đó cũng cho thấy nghệ thuật thuyết phục của Ngô Thì Nhậm không chỉ độc đáo mà còn rất tài năng. Lời lẽ thiết tha, lí lẽ sắc sảo, lập luận chặt chẽ. Hòa quyện trong mỗi lời văn là tình và một bên là sự cần thiết của nước nhà, một bên là tấm lòng ưu ái canh cánh của nhà vua dành cho các bậc hiền tài.

Ngô Thì Nhậm đã dùng những lập luận đầy đủ, thấu đáo và sắc sảo để chỉ ra cho người hiền tài thấy được trách nhiệm của họ với đất nước, đồng thời thể hiện được nhân cách và phẩm chất của vua Quang Trung. Vì lợi ích chung của đất nước, vua Quang Trung đã tỏ rõ sự khiêm tốn, thái độ chân thành, thực sự, mong muốn có được sự cộng tác của các bậc hiền tài. Ngô Thì Nhậm đã rất khéo léo và sắc sảo khi lập luận, lời lẽ trong bài vừa có cái trang trọng, cao sang, trí tuệ của kẻ bề trên, lại vừa có cái thành tâm, khiêm nhường của người có đức đang cầu hiền tài. Vua Quang Trung quả là sáng suốt khi đánh giá cao năng lực và giao cho Ngô Thì Nhậm trọng trách chấp bút thay mình để cầu hiền trong thiên hạ.

Chiếu cầu hiền không chỉ là lời kêu gọi người hiền ra giúp đời mà nó còn giúp cho những nho sĩ chưa hiểu thời cuộc, còn ẩn dật, lánh đời hiểu hơn về vua Quang Trung - một vị minh quân. Đồng thời, tác giả đã chỉ ra vai trò và trách nhiệm của người trí thức đối với công cuộc xây dựng đất nước. Vì thế, Chiếu cầu hiền mà Ngô Thì Nhậm đã chấp bút thay vua Quang Trung ngoài ý nghĩa chính trị của một thời nó còn mang giá trị văn hóa của mọi thời.

Các bài học liên quan
Đề bài: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật