Đề bài: Phân tích câu 22,23 trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” để nêu lên quan niệm sống, chết của người nghĩa quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp của nông dân Nam Bộ. Bình luận về quan niệm ấy

Những vần thơ ấy của Mai Am Công chúa đã gợi nhắc trong lòng độc giả hình tượng nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Trong bài văn tế này, Đồ Chiểu đã dựng nên một tượng đài nghệ thuật về người li nghĩa quân nông dân với quan niệm sống chết.

BÀI LÀM

Bồi hồi đọc mãi bản văn ai
Phách cứng văn hùng cảm động thay
... Quốc ngữ một thiên truyền mãi mãi
Còn hơn xây mộ cất khô hài.

Những vần thơ ấy của Mai Am Công chúa đã gợi nhắc trong lòng độc giả hình tượng nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Trong bài văn tế này, Đồ Chiểu đã dựng nên một tượng đài nghệ thuật về người li nghĩa quân nông dân với quan niệm sống chết:

"Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ".

Sinh ra, lớn lên để chứng kiến cảnh quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, những người nông dân vốn hiền lành, “cui cút làm ăn” cũng cảm thấy xót xa, lo lắng. Mặc dù rất yêu chuộng hòa bình nhưng lòng căm thù giặc đã thức tỉnh trách nhiệm của họ với Tổ quốc. Hai câu văn trên đã thể hiện rõ quan niệm sống, chết của nghĩa quân nông dân.

Tuy không phải là “quân cơ, quân vệ” nhưng những người nông dân đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc để sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù. Họ đã nhận thức được rằng nếu đầu hàng giặc, “chịu chữ đầu Tây” thì sẽ đi ngược lại với đạo lí. Những hành động “quăng vùa hương, xô bàn độc” của giặc càng khơi sâu lòng căm phẫn trong lòng người nghĩa quân nông dân. Sẽ thật “hổ”, thật “buồn” biết bao khi ta quỳ gối làm tay sai, nô lệ cho giặc. Những cụm từ "thà thác", “hơn còn” làm cho hai câu văn trở nên mạnh mẽ; dõng dạc. Nó như một lời tuyên ngôn, lời thề của cả một đời người: thà chết vinh còn hơn sống nhục. Người nghĩa sĩ ra đi nhưng họ đã để lại một quan niệm nhân sinh cao đẹp. Cái chết của họ là gieo mầm cho sự sống. Đây là lí tưởng sống thiêng liêng, cao đẹp của người nghĩa sĩ và cũng là quan niệm sống mà Nguyễn Đình Chiểu đã nhiều lần thể hiện:

Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây
Một giấc sa trường phận cũng may.
(Thơ điếu Phan Công Tòng)

Hay:

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.

Hai câu văn trong bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc đã thể hiện rõ quan niệm sống và chết cao đẹp, tiến bộ của người nghĩa quân nông dân.

Họ đã đứng dậy đấu tranh, cho sự vinh nhục không chỉ của bản thân mà còn của quê hương, Tổ quốc.

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác một ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia...

Dù đã ra đi nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn khẳng định rằng linh hồn của các nghĩa sĩ vẫn còn sống mãi, vẫn phù hộ để chống giặc ngoại xâm. Lời khẳng định cho thấy niềm tự hào vô cùng sâu sắc, cho thấy Nguyễn Đình Chiểu đã đặt người nông dân đúng vào vị trí có thực của họ trong lịch sử, toát lên một vẻ đẹp tâm hồn cao quý, lưu danh với hậu thế ngàn thu. Họ sống một cuộc sống anh hùng, chết một cái chết vinh quang. Những nghĩa sĩ vô danh hi sinh “nào đợi gươm hùm treo mộ”. Quan niệm “chết vinh còn hơn sống nhục” lại được thắp sáng qua hình ảnh và cuộc đời của họ.

Có thể nói: “Bài học lớn nhất của người nghĩa sĩ để lại cho đất nước, nhân dân là bài học về sống và chết sống hiên ngang, chết bất khuất” (Tạ Đức Hiền). Quan niệm sống và chết của người nghĩa sĩ nông dân đã khẳng định “máu không thể dìm được chân lí” (Gorki). Đó là chân lí của lòng yêu nước. Lí tưởng cao đẹp ấy của họ bắt nguồn từ thứ tình cảm thiêng liêng cao cả. Hai câu văn trên đã làm tỏa sáng hình tượng người anh hùng nghĩa quân nông dân.

Sau này trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, lí tưởng cao ấy của những nghĩa sĩ cần Giuộc đã được các thế hệ đi sau tiếp bước. Hai thơ của Tố Hữu cũng đã khẳng định:

Thiếu tất cả, ta rất giàu dũng khí
Sống chẳng cúi đầu. Chết vẫn ung dung.

Hay:

Tuốt gươm, không chịu sống quỳ
Tuổi xanh chẳng tiếc sá chi bạc đầu
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chỉ, chung câu quân hành.

Cái chết của người nghĩa sĩ cần Giuộc đã được bất tử bởi hồn họ đã tạc vào núi sông. Họ đã sống hiên ngang và chết cao đẹp. Nghĩa quân Cần Giuộc đã chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc. Cái chết của họ không vô nghĩa mà đã viết nên những trang sử hào hùng của cả dân tộc. Một người nước ngoài đã nói: “Nếu người Việt Nam thua đế quốc thì cả loài người sụp đổ”. Câu nói ấy đã một lần nữa khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước của nhân dân ta. Quan niệm sống và chết đúng đắn, cao đẹp của người nông dân trong bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc đã góp phần xây dựng bức tượng đài vĩ đại về những người nông dân, những người anh hùng vô danh “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”.

Horace đã từng nói: “Dịu ngọt và vinh quang biết bao khi chết cho quê hương”. Có lẽ những nghĩa quân nông dân cũng cảm nhận được sự dịu ngọt và niềm vinh quang khi được hi sinh cho quê hương mình. Chính quan niệm sống và chết cao đẹp của họ đã làm bất tử hình tượng người nông dân yêu nước ấy. Cùng với thời gian và lịch sử, lí tưởng ấy của họ mãi còn chân giá trị. Đó là bài học sống cho muôn đời, muôn thế hệ.

Các bài học liên quan
Đề bài: Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến
Đề bài: Phân tích bài thơ “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến.
Đề bài: Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật