Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân)

Nguyễn Tuân là một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam với phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo. Ông luôn tiếp nhận đời sống theo phương diện văn hóa thẩm mĩ và khám phá con người dưới góc độ tài hoa nghệ sĩ. Bằng phong cách nghệ thuật ấy, truyện ngắn Chữ người tử tù đã trở thành một trong những đóa hoa tươi thắm nhất trên hành trình “đi tìm kiếm cái đẹp” của ông.

BÀI LÀM

Nguyễn Tuân là một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam với phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo. Ông luôn tiếp nhận đời sống theo phương diện văn hóa thẩm mĩ và khám phá con người dưới góc độ tài hoa nghệ sĩ. Bằng phong cách nghệ thuật ấy, truyện ngắn Chữ người tử tù đã trở thành một trong những đóa hoa tươi thắm nhất trên hành trình “đi tìm kiếm cái đẹp” của ông. Trong đó cảnh cho chữ trong nhà giam là phần đặc sắc nhất của thiên truyện này. Đây có thể coi là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Bừng sáng trong thiên truyện ngắn là sự hội tụ của ba vẻ đẹp: tài hoa nghệ sĩ, khí phách kiên cường và thiên lương trong sáng. Ba vẻ đẹp ấy hòa quyện với nhau thăng hoa trong cảm hứng lãng mạn dễ đạt tới sự phi thường, phi thường của những tấm lòng trong thiên hạ. Có ai đó từng nói đại ý rằng: tình huống truyện như một thứ nước rửa ảnh. Bức tranh trong Chữ người tử tù cũng được tô vẽ đậm nét hơn bởi tình huống truyện độc đáo, Đó là cuộc gặp gỡ giữa những con người, cuộc gặp gỡ ấy dường như không bình thường như bao cuộc gặp gỡ mà ta thường thấy, đây có thể nói là một cuộc hội ngộ. Huấn Cao là một nhân cách vô cùng đáng kính trọng với tài năng phi thường, khí phách, hiên ngang thiên lương trong sáng. Ông Huấn đã dám hi sinh, từ bỏ cả sự nghiệp của mình để chống lại triều đình nhà Nguyễn. Cơ sự không thành, ông bị kết tội đại hình và giam vào đề lao. Đây chính là ngọn lửa khởi đầu cho cuộc gặp gỡ với quản ngục - một người đam mê và khao khát cái đẹp. Ở đây, tình huống truyện là xung đột lên đến đỉnh điểm khi người quản ngục muốn xin chữ mà Huấn Cao đồng ý. Người đọc luôn đặt ra câu hỏi: Liệu đến khi từ giã cõi đời, Huấn Cao có hiểu hết được tấm lòng của quản ngục? Liệu quản ngục có xin được chữ của ông Huấn? Bao nhiêu thắc mắc, cao trào, đỉnh điểm đều được Nguyễn Tuân cởi nút qua cảnh cho chữ. Cảnh cho chữ ấy không phải chỉ có ý nghĩa với quản ngục, thầy thơ lại, Huấn Cao mà quan trọng hơn cả, nó đưa tác phẩm lên một tầm cao mới. Cũng chính bởi cái “độc và lạ” trong cách viết mà Nguyễn Tuân đã xây dựng cảnh cho chữ là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Cảnh cho chữ nằm ở cuối tác phẩm có ý nghĩa cởi nút, giải tỏa những băn khoăn nơi người đọc, từ đó làm toát lên những ý nghĩa lớn lao của tác phẩm. Xưa kia cảnh cho chữ luôn diễn ra ở nơi mang tính nghệ thuật, đó phải là thư phòng ấm áp, ánh đèn rực sáng. Ở những nơi như thế, tài năng của con người như được chiếu sáng. Thế nhưng, cảnh cho chữ ở đây diễn ra trong một không gian phi nghệ thuật. Thật kì lạ khi không gian ấy chính là để láo, nơi ẩm thấp, tăm tối, mạng nhện chăng bốn bức tường, dưới nền đầy phân chuột, phân gián, bút pháp tương phản, Nguyễn Tuân không chỉ cho ta thấy được cái lạ của “cảnh cho chữ” với không gian, thời gian mà ông còn chớp được bao sự mới lạ khác. Huấn Cao - người nghệ sĩ đang tạo ra cái đẹp - không được tự do về thể xác. Hình ảnh người tù, cổ đeo gông, chân tay đầy xiềng xích vẫn đang vẽ lên tấm lụa bạch những nét chữ cuối cùng trước khi từ giã cõi đời. Tuy không được tự do về thể xác như bao người nghệ sĩ khác mà ta thường thấy, nhưng cảm hứng cái đẹp ở Huấn Cao đang được tỏa sáng, bay xa, đón lấy tinh túy ở tâm hồn nghệ sĩ và đưa vào những dòng chữ cuối cùng. Đến đây, Nguyễn Tuân dường như giúp cho bạn đọc hiểu về một chân lí trong nghệ thuật, đặc biệt là người sáng tạo ra nghệ thuật. Người nghệ sĩ có thể bị trói buộc về thể xác nhưng tâm hôn và “chất nghệ thuật” ở họ không gì có thể trói buộc được.

Để khắc họa rõ nét về cái “chưa từng có” trong cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân còn chớp lấy được bao cảnh tinh tế về những con người cùng chụm lại vào tấm lụa bạch. Người quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền đánh dấu ô chữ trên tấm lụa bạch”. Trong khi ấy, người tử tù là ông Huấn Cao lại oai phong lẫm liệt viết lên tấm lụa bạch dòng chữ cuối cùng. Dường như có sự hoán đổi vị trí ở đây. Người ta thường nghĩ đến người tử tù khúm núm, sợ sệt trước quản ngục đầy quyền lực. Nhưng, Nguyễn Tuân đã xây dựng theo một cách độc đáo, mới mẻ đúng như phong cách nghệ thuật của ông vậy. Tác giả cũng chớp lấy được cái vái lạy cùng những giọt nước mắt khâm phục đối với Huân Cao của quản ngục ở cuối thiên truyện, có những cái cúi lạy làm người ta trở nên hèn yếu, nhưng cái cúi lạy của người quản ngục lại trở nên đẹp như sự cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai. Chi tiết “dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào” là một chi tiết rất đắt giá. Dòng nước mắt là hình tượng nghệ thuật gợi sự tương tác đa chiều giữa con người với con người và con người với nghệ thuật. Đó là giọt nước mắt trước cái đẹp, dành cho cái đẹp nâng niu, trân trọng và đề cao giá trị của cái đẹp. Đó cũng là giọt nước mắt ân hận của viên quản ngục bởi ông đã có thời gian gắn bó với chốn tù lao tăm tối, nơi chứa đầy tội ác, bóng tối và tử thần. Và đó còn là giọt nước mắt của tấm lòng tri ân đối với Huấn Cao. Viên quản ngục và Huấn Cao, hai con người thuộc về hai tầng lớp, hai thế giới khác nhau, tưởng chừng không thể dung hòa, nay đã trở thành tri kỉ. Khoảng cách xã hội được xóa nhòa khi cái đẹp và nghệ thuật tỏa sáng, khi bên trong nó thực sự là những trái tim lương thiện và yêu thương. Ở đây, sức mạnh của chân - thiện - mĩ đã cảm hóa được con người!

Cắt lát những tấc phim của “cảnh cho chữ”, bạn đọc đều thấy được cái lạ, cái chưa từng có trong khung cảnh này. Cùng với những điều mới lại khác với xưa nay ấy, Nguyễn Tuân còn xây dựng nên một Huấn Cao với khí phách hiên ngang - người tử tù sắp từ giã cõi đời nhưng không hề lo sợ cái chết, cũng chẳng hề nghĩ tới cái chết. Mà ngược lại, ông Huấn vẫn lo gìn giữ thiên lương cho người còn sống. Huấn Cao khuyên quản ngục từ bỏ cái nghề này để giữ thiên lương cho bền vững. Huấn Cao không chỉ gieo hạt giống vào cánh đồng thiên lương mà còn biết cứu vớt cái đẹp, đặt nó đúng vào vị trí của riêng mình: cái đẹp phải gắn với thiên lương trong sáng. Bằng tất cả những lát ảnh trên; thước phim về cảnh cho chữ đã trở thành một thành công của Nguyễn Tuân, nó xứng đáng được coi “cái độc và lạ” trong ngòi bút của ông.

Đọc xong “cảnh cho chữ”, thấu hiểu về nó, trong lòng người đọc dâng lên một cảm xúc khó tả về giá trị của nó. “Cảnh cho chữ” chẳng những cổ giá trị về nghệ thuật - là tình huống cởi nút cho tác phẩm mà nó còn hàm chứa bao ý nghĩa sâu sắc. Cảnh cho chữ không phải là sự trả ơn của Huấn Cao đối với những bữa tiệc rượu hậu hĩnh của quản ngục. Đó cũng không phải là sự phô diễn tài năng của ông Huân trước khi từ giã cõi đời. Điều Nguyễn Tuân muốn hướng tới ở cảnh cho chữ đó chính là cuộc hội ngộ giữa tấm lòng trong thiên hạ, là tấc lòng của người tri âm đối với người tri kỉ. Cùng với điều đó, “cảnh cho chữ” dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân cũng cho ta thấy rằng: trong bất kì hoàn cảnh nào, cái đẹp vẫn đăng quang và chiến thắng. Ngọn đèn soi sáng tấm lụa bạch như đánh tan đi cái u tối, hôi hám và tăm tối trong đề lao và chính điều đó làm bừng sáng lên vẻ đẹp của ba tấm lòng trong cuộc hội ngộ. Nếu như Huấn Cao bừng sáng lên với vẻ đẹp của khí phách hiên ngang, lẫm liệt thì quản ngục, thầy thơ lại lại đẹp bởi vẻ đẹp của kẻ liên tài: họ cúi đầu, khâm phục trước nét chữ của Huấn Cao. Ba con người - ba người tài hoa nghệ sĩ - đều bừng sáng lên một vẻ đẹp khác thường trong cảm hứng lãng mạn thăng hoa. Nguyễn Tuân đã kết thúc tác phẩm bằng hình ảnh: ba người chụm đầu lại vào ngau cùng nhìn vào tấm lụa bạch. Đó là hình ảnh đẹp nhất, viên mãn nhất của cuộc hội ngộ giữa những tấm lòng trong thiên hạ.

“Cảnh cho chữ” cho chúng ta thấy được quan niệm về cái đẹp ở Nguyễn Tuân. Cái đẹp phải gắn với thiên lương trong sáng, gắn với tấm lòng thiện. Hãy tưởng tượng, nếu như Huấn Cao chỉ dừng lại ở tài hoa nghệ sĩ, khí phách hiên ngang, hẳn người đọc sẽ kính trọng nhưng chưa chắc đã yêu quý. Thế nhưng, cái tài hoa, khí phách ấy được Nguyễn Tuân gắn liền với thiên lương trong sáng làm cho bức chân dung càng trở nên hoàn mĩ. Hơn nữa, người đọc thấy được trong bất kì hoàn cảnh nào cái đẹp cũng đăng quang, tỏa sáng vượt qua mọi trở ngại. Với Nguyễn Tuân, cái đẹp còn phải cứu vớt sự sống, làm cho người gần người hơn, là nơi hội tụ của bao tấm lòng cho dù họ có khác nhau về hoàn cảnh.

Bằng bút pháp nghệ thuật tương phản, ngôn ngữ giàu hình ảnh và những chi tiết hàm xúc, Nguyễn Tuân đã truyền cảm hứng tới bạn đọc bằng “cảnh cho chữ” - cởi nút của câu chuyện, để cảnh tượng này còn mãi với thời gian, vang vọng trong lòng bạn đọc, đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. “Cảnh cho chữ” mãi là nốt nhạc âm vang nhất trong bản nhạc Chữ người tử tù của đời văn Nguyễn Tuân.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích câu 22,23 trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” để nêu lên quan niệm sống, chết của người nghĩa quân trong thời kì kháng chiến chống Pháp của nông dân Nam Bộ. Bình luận về quan niệm ấy.
Đề bài: Bằng các tác phẩm đã học và đọc thêm, hãy làm sáng tỏ nhận định: “Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu nhằm một mục đích chiến đấu bảo vệ đạo đức của nhân dân, quyền lợi của Tổ quốc.
Đề bài: “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khát khao thay đổi cuộc sống. (SGK Ngữ văn 11, tập một).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật