Đề bài: Phân tích bi kịch của người trí thức Hộ trong tác phẩm”Đời thừa” của Nam Cao

Tác phẩm Đời thừa có ý nghĩa nhân bản khá sâu sắc vì nó thức tỉnh ở người đọc khát vọng vươn tới cái thiện, cái đẹp và biết sám hối trước những sa trượt của mình.

BÀI LÀM

Trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại, Nam Cao là nhà văn viết nhiều nhất về bi kịch con người. Trong các tác phẩm văn chương hiện đại, tác phẩm của Nam Cao là nhiều nước mắt nhất. Nước mắt của bao nhân vật chảy tràn trề trên mặt, chảy âm thầm trong lòng. Nước mắt của Nam Cao cũng như thấm trên từng trang viết bởi vì hơn ai hết ông nhạy cảm trước bi kịch con người. Đời thừa là một trong nhiều tác phẩm của Nam Cao viết về bi kịch của người trí thức tiểu tư sản. Đó là bi kịch của những người giàu khát vọng cao đẹp, có ý thức sâu sắc về nhân phẩm, giàu tình thương mà bị hiện thực cuộc sống nghèo khổ đày vào kiếp sống vô vị, nhạt nhẽo, bế tắc, kiếp sống Đời thừa.

Bi kịch Đời thừa trước hết là bi kịch của một nhà văn có ý thức cao về nghề nghiệp mà lại phải viết những cái vô vị, nhạt nhẽo.

Hộ, nhân vật chính của tác phẩm Đời thừa là một nhà văn có ý thức sâu sắc về cuộc sống muốn nâng cao giá trị đời sống của mình bằng một sự nghiệp có ích cho xã hội.

Thời tuổi trẻ, Hộ đã từng ôm ấp hoài bão lớn lao về sự nghiệp văn chương. Anh đã từng say mẽ phấn đấu học hỏi, tìm tòi, suy tưởng để vun đắp tài năng của mình. Lúc ấy đói rét không có ý nghĩa gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng.

Hộ có một thái độ làm việc nghiêm túc, anh viết thận trọng không bận tâm đến tiền nong, chỉ cần sống được dù là cực khổ.

Thái độ làm việc ấy xuất phát từ một quan niệm đúng đắn về nghề văn: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có...”. Đây cũng là quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao. Nam Cao đã hiểu đúng bản chất của văn chương nghệ thuật, nói đến nghệ thuật là nói đến sáng tạo. Trong lĩnh vực này không chấp nhận rập khuôn máy móc, sản xuất hàng loạt. Trong lĩnh vực này không chấp nhận những kẻ cẩu thả, lười suy nghĩ bắt chước người khác một cách máy móc theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” như có lần Nam Cao đã nói. Sáng tạo trong văn chương được biểu hiện từ những khám phá mới mẻ về đời sống, những sáng tạo độc đáo về nghệ thuật. Bằng sáng tạo của mình, nhà văn góp phần tạo nên những giá trị tinh thần cho xã hội.

Hộ khao khát viết được những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị. Đó là tác phẩm “phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”. Lời phát ngôn của Hộ dù trong lúc có men bia, men rượu nhưng đó là gan ruột của anh, đó là khát vọng cả một đời của anh. Một người say văn chương như Hộ, một người coi trọng nghề văn như Hộ, một người tâm huyết với nghề nghiệp như thế, có quan điểm đúng đắn như thế lại vì “những lo lắng triền miên về vật chất” mà phải “viết vội, viết ẩu để có tiền nuôi vợ con”. Những trang viết vì tiền nhuận bút ấy “toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ; rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loàng trong một thứ văn chương bằng phẳng và quá ư dễ dãi”.

Đây cũng là một thứ tha hóa, tha hóa ngòi bút trước sự tấn công của miếng cơm manh áo. Đó cũng là một thứ nô lệ, nô lệ của những đồng nhuận bút còm cõi. Nếu Hô là người thiếu lương tâm, nếu Hộ là người coi văn chương là món hàng để kiếm sống thì anh cũng chẳng phải khổ đau. Nếu giá trị văn chương được tính theo số lượng tác phẩm, theo số tiền nhuận bút thì Hộ sẽ hạnh phúc nữa là khác vì “in nhiều cuốn văn viết vội vàng”.

Nhưng Hộ lại là nhà văn có ý thức cao về nghề nghiệp vì thế anh đau khổ vì sự tha hóa ngòi bút của mình. Những lúc đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn kí tên mình anh ta "đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách” và tự xỉ vả mình là “thằng khốn nạn, kẻ tha lương". Họ cảm thấy mình là “một kẻ vô ích, một người thừa”.

Bi kịch về tinh thần chính là nỗi khổ được ý thức. Khổ mà biết mình khổ, tha hóa mà tinh thần tỉnh táo nhận ra sự tha hóa, đó là nỗi khổ đau dằn vặt lớn nhất về tinh thần. Bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ là bi kịch của một người ý thức sâu sắc về lí tưởng và hiện thực: “Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?”. Đó là nỗi đau tinh thần không có gì xoa dịu nổi, đó là nỗi khổ đau day dứt triền miên, của một nhà văn có ý thức sâu sắc về nghề nghiệp, về cuộc sống, và giá trị của cá nhân trong đời sống xã hội. Nói lên bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ, nhà văn Nam Cao đã lên án xã hội, lên án cái cuộc sống phũ phàng đã vùi dập ước mơ, bào mòn ý chí, tiêu tan hoài bão cao đẹp của con người, tước đi ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc sống.

Bi kịch của con người chà đạp lên lẽ sống cao đẹp của mình.

Hộ là một người coi tình thương và trách nhiệm là lẽ sống, là nguyên tắc sống cao nhất của mình. Anh đã từng hành động theo lẽ sống ấy. Hộ đã hi sinh sự nghiệp, riêng để cứu vớt Từ, một người phụ nữ gặp phải cảnh ngộ éo le đau khổ. Hộ đã nai lưng làm lụng, chịu đói chịu khát để chăm lo cho vợ cho con. Hành động của anh đầy tính vị tha độ lượng, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Mặc dù đã chọn con đường hi sinh sự nghiệp văn chương để lo toan cuộc sống gia đình nhưng Hộ vẫn không thoát khỏi sự u uất, khổ đau, tuyệt vọng. Nhiều lúc giấc mộng văn chương lại được khơi dậy trong anh, càng làm anh đau đớn, bế tắc. Đã có lúc Hộ nghĩ đến việc thoát li vợ con để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Anh ta thoáng nhớ đến câu nói của một triết gia phương Tây: “Phải biết ác, phải biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ” để cổ vũ mình, biện hộ cho mình. Nhưng một tiếng nói khác có sức thuyết phục hơn vang lên trong tâm trí của anh: “Từ rất đáng yêu, từ rất đáng thương, hắn có thể hi sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kì đi, nhưng hắn không thể bỏ lòng thương...”. Đối với Hộ, tình thương là phẩm chất quan trọng của con người, đó là tiêu chuẩn xác định tư cách làm người. Nếu không còn chút tình thương thì con người sẽ bị đẩy xuống hàng thú vật. Hộ cũng có niềm tin ấy lẽ sống ấy bằng lí luận và thực tế. Về lí luận anh có lí thuyết đúng đắn về kẻ mạnh: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên chính đôi vai mình”, về thực tế anh có bài học: “Hơn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ con thì còn mong làm nên trò gì nữa”.

Hộ không ân hận vì đã chọn con đường hi sinh sự nghiệp văn chương để sống với tình thương và trách nhiệm. Nhưng anh vẫn không thể nào thoát khỏi nỗi khổ đau cay đắng trong kiếp sống đời thừa. Trong tâm hồn anh vẫn không thôi day dứt vì mình đang sống một cách vô vị, vô ích, “bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí” của cuộc sống đời thường. Trong cơn đau đớn kéo dài có lúc quá ngột ngại anh tìm đến rượu để giải sầu, giải uất, để giải thoát tâm hồn. Nhưng rượu càng làm anh bế tắc hơn, đẩy anh đến một bi kịch mới còn đau khổ hơn.

Là một người đầy tình thương làm lẽ sống Hộ lại chà đạp lên lẽ sống của mình. Trong cơn say anh đã hành động vũ phu, thô bạo với vợ con. Khi tỉnh rượu, anh lại hối hận. Nếu không biết hối hận thì chẳng bị dày vò. Nhưng anh là người có nhân cách, giàu lòng nhân ái, anh có lương tri lương tâm nên anh ân hận. Bao nhiêu lần anh say là bấy nhiêu lần anh phải sám hối. Con người anh như một khối mâu thuẫn không thể nào giải tỏa được. Nỗi khổ đau ngày càng tích tụ đến lúc bật ra dòng nước mắt: “Và hắn khóc... Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn lại càng khóc to hơn và có nói qua tiếng khóc: - Anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn!”.

Những giọt nước mắt của Hộ vừa là giọt nước mắt đau khổ, tủi nhục, vừa là giọt nước mắt sám hối, và là giọt nước mắt tình thương. Nhìn người vợ gầy yếu xanh xao tội nghiệp, nỗi khó nhọc, khổ não thể hiện ngay cả dáng nằm trong khi ngủ. Hộ thương biết bao con người bạc mệnh ấy, thương hơn chính bản thân mình. Trải qua bao đau khổ giằng xé, trái tim anh vẫn vẹn nguyên trái tim người, anh vẫn có tư cách của một con người. Trong nhiều tác phẩm của mình Nam Cao hay miêu tả những giọt nước mắt, dòng nước mắt. Nếu không quá võ đoán thì trong văn học ta từ xưa đến nay có hai nhà văn viết nhiều về nước mắt nhất. Đó là thi hào Nguyễn Du và nhà văn Nam Cao. Đó là những người chứng kiến, nếm trải nhiều nỗi khổ đau của con người đồng thời có trái tim nhân ái bao la, luôn dành cho những người nghèo khổ. Nam Cao đã có hẳn một truyện ngắn viết về nước mắt và tác giả đã trích một câu hỏi của Phrăngxoa Côpê làm đề từ: “Người chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”.

Nước mắt nhiều khi có ý nghĩa thanh lọc hóa tâm hồn, làm cho tâm hồn người trong sáng hơn. Nhưng nước mắt không phải là phương thuốc chữa nỗi khổ đau mà chỉ là nỗi khổ đau được an ủi, càng không phải là sức mạnh để cứu vớt con người ra khỏi khổ đau. Vì vậy sau vật vã đau đớn trong nước mắt, Hộ vẫn không thoát khỏi cảnh đời thừa, chỉ có điều những giọt nước mắt ấy đã giữ anh lại không để anh rơi vào sự sa ngã, tha hóa.

Bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ trong tác phẩm Đời thừa là bi kịch của một người trí thức muốn sống có hoài bão, có ý nghĩa nhưng lại phải sống cuộc đời nhạt nhẽo, vô nghĩa, muốn sống đẹp đẽ, cao thượng, đầy nhân ái nhưng có lúc lại chà đạp lên lẽ sống cao đẹp ấy. Bi kịch tinh thần của Hộ điển hình cho những đau khổ tinh thần của tầng lớp trí thức tiêu tự sản trong xã hội cũ. Từ bi kịch ấy nhà văn Nam Cao đã lên án xã hội đương thời, một xã hội tước đoạt giá trị, ý nghĩa của cuộc sống, phá hoại nhân cách của con người. Tác phẩm Đời thừa có ý nghĩa nhân bản khá sâu sắc vì nó thức tỉnh ở người đọc khát vọng vươn tới cái thiện, cái đẹp và biết sám hối trước những sa trượt của mình.

Các bài học liên quan
Đề bài: “Số đỏ” thể hiện quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng: “tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”, với những hiểu biết về tác phẩm, em hãy làm rõ điều đó.
Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).
Đề bài : Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” qua đó nêu lên tư tưởng của tác phẩm và phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật