Đề bài: “Số đỏ” thể hiện quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng: “tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”, với những hiểu biết về tác phẩm, em hãy làm rõ điều đó

Nếu như Nam Cao trong cuộc đời sáng tác đưa ra nhiều “tuyên ngôn nghệ thuật” để định hướng cho tác phẩm của mình thì trái lại, trong cuộc đời viết văn ngắn ngủi, Vũ Trọng Phụng chỉ một lần duy nhất đưa ra quan điểm sáng tác tuyên ngôn nghệ thuật của mình trong cuộc bút chiến với nhóm “Tự lực văn đoàn”: “Các cuốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết.

BÀI LÀM

Nếu như Nam Cao trong cuộc đời sáng tác đưa ra nhiều “tuyên ngôn nghệ thuật” để định hướng cho tác phẩm của mình thì trái lại, trong cuộc đời viết văn ngắn ngủi, Vũ Trọng Phụng chỉ một lần duy nhất đưa ra quan điểm sáng tác tuyên ngôn nghệ thuật của mình trong cuộc bút chiến với nhóm “Tự lực văn đoàn”: “Các cuốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Còn tôi và những người cùng chí hướng như tôi muốn viết tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”. Có thể nói, tất cả những tác phẩm mà Vũ Trọng Phụng viết ra đều được soi sáng bởi tư tưởng “...tiểu thuyết là sự thực ở đời”, trong đó tiêu biểu nhất là Số đỏ viết năm 1936.

Người ta nói “văn học là tấm gương trung thành phản ánh đời sống hiện thực của xã hội”, nghĩa là văn học phải phản ánh trung thực đời sống hiện thực của xã hội. Ý kiến của Vũ Trọng Phụng không nằm ngoài mục tiêu đó. Ông cho rằng “tiểu thuyết phải là sự thực ở đời” tức là ông đề cao tính chân thực của hiện thực được nói tới trong tác phẩm văn học. “Nghệ thuật phải là sự chân thực” quan điểm này đối lập với tư tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đề cao tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh” (nghệ thuật vì con người), bởi hơn ai hết “sự thực ở đời “kia chính là cuộc sống của con người, mà cuộc sống của con người lúc ấy chẳng khác nào một sân khấu đầy những trò lố lăng, bịp bợm, đó là xã hội mà Vũ Trọng Phụng cho là “khốn nạn, chó đểu”. Một xã hội như thế khác hẳn với xã hội trong văn chương “Tự lực văn đoàn” vì xét cho cùng đây là thứ văn chương trưởng giả, chỉ rõ hiện thực, đâu biết rằng sau nó là cả một xã hội thối nát, kệch cỡm.

Vũ Trọng Phụng muốn “tiểu thuyết phải là sự thực ở đời”. Vì thế trong tác phẩm của ông luôn có hiện thực, chồng chất hiện thực. Ông viết văn như thể ném ra bao nỗi căm uất, oán hờn của mình với xã hội bất công ấy. Ông cho rằng “tư tưởng xã hội của tôi nó kết từ trong máu” đó là nỗi bất bình với xã hội, bởi bản thân ông từ cuộc đời cay đắng chống chân bước vào đời chỉ thấy bất công ngang trái. Số đỏ là những bất công ấy.

Đó là câu chuyện của gã ma cà bông vô giáo dục đã lọt vào xã hội trưởng giá “thượng lưu” và nhanh chóng trở thành một nhân vật ngày càng nổi bật, lừng lẫy tiếng tăm - Xuân Tóc Đỏ. Con đường công danh của Xuân Tóc Đỏ thành đạt nhanh chóng và kì lạ. Với ngòi bút hiện thực trào phúng đặc sắc, nhà văn đã phơi bày bộ mặt thật của cái xã hội tư sản thành thị bề ngoài sang trọng, luôn vỗ ngực là “văn minh”, “tiến bộ”... mà kì thực hết sức thôi nát, đồng thời tác phẩm cũng là tiếng cười phê phán xã hội “thượng lưu” ấy. Thật không sai khi cho rằng “Số đỏ là một tác phẩm ghê gớm có thể làm vinh dự cho bất cứ nền văn học nào” (Nguyễn Khải).

Có thể coi Số đỏ là một “tấn trò đời”, hàng trăm vai diễn cùng nhau đổ xô về đây để cùng nhau diễn hai mươi chương dài của vở kịch. Còn chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng họ hưởng ứng nhau, hưởng ứng những trò kệch cỡm của nhân vật trung tâm Xuân Tóc Đỏ. Với một số lượng lớn các nhân vật nhưng Vũ Trọng Phụng đã rất vững vàng khi xây dựng nên những điển hình, những nhân vật bất hủ mà mỗi khi nhắc đến, chúng ta đều nhận ra ngay chính là sản phẩm tinh thần của ông trong tác phẩm Số đỏ. Và có lẽ chính điều đó đã thể hiện được nhiều hình, nhiều vẻ tài năng của bản thân ông: Đó chính là khả năng thể hiện cuộc sống ở một phạm vi rộng lớn, khả năng thâu tóm trong vài trang giấy hình ảnh của toàn bộ xã hội - điều mà đến nay chưa ai làm được. Và đặc biệt, đó là việc tạo nên những nhân vật điển hình của nhà văn. Tài nghệ của ông trước hết kết tinh ở những chân dung hí hóa độc đáo. Ông nắm bắt nhạy bén “cái thần” của từng nhân vật rồi lại phóng đại lên thành những dị hình, dị tướng. Chẳng hạn "dâm như mụ Phó Đoan", “tài nghệ như Xuân Tóc Đỏ”, “oan nghi trịnh trọng như cụ cố Hồng”... Một sàn diện đông đúc như vậy nên ống kính của nhà văn rất linh hoạt, tài tình: lúc hướng từ trên cao xuống để bao quát toàn bộ “hiện thực cuộc đời”, lúc quay cận cảnh để làm rõ từng mảng nhân vật đang náo loạn, lúc lại mở rộng ra, lúc lại thu hẹp lại vào với những góc độ khác nhau. Nhưng có lẽ ống kính của tác giả vẫn thường xuyên tập trung để xoáy sâu vào nhân vật là Xuân Tóc Đỏ, còn các nhân vật khác chỉ là phụ họa thêm cho cái “số đỏ” của Xuân mà thôi.

Nói đến Số đỏ mà không nói đến thằng Xuân thì coi như chưa nói được vấn đề chính của tác phẩm. Xuân là vai trung tâm của sân khấu, hắn là linh hồn của mọi vai diễn. Cuộc đời của Xuân là hiện thân của cái phi lí đến nực cười, là sản phẩm trớ trêu của tạo hóa, số phận, là con cưng của xã hội bịp bợm, đểu cáng, lừa lọc. Tên của tác phẩm ứng với cuộc đời thằng Xuân. Ngay từ đầu tác giả đã để cho ông thầy bói phán rằng: “Khốc, hư, Tí, Ngọ của quan - tiếng tăm dậy khắp giang sơn một thời”. Đó là lúc hắn đã hai lăm tuổi, đang làm nghệ nhật ban quần vợt cho quán “Hội thể thao” chả nhẽ một thằng ma cà bông hoàn toàn vô giáo dục như Xuân lại có công danh rạng rỡ. Hành trang của cuộc đời hắn có những gì để chớp lấy những vận đỏ? Tất cả đã được chuẩn bị chu đáo. Xuân vốn là một đứa mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sớm phải đi ở cho nhà bác họ, nhưng một hôm nó bị đánh đuổi ra khỏi nhà vì nhìn trộm bác gái tấm. Từ đấy, thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, lấy cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đi bán phá xa, nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đàn hoàn toàn trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa.

Đang làm nghề nhặt banh quần vợt, Xuân lại bị đuổi vì hành vi nhìn trộm hội viên nữ thay quần áo, thế là Xuân thất nghiệp, bị vào bóp cảnh sát. Bước đường cùng đã đến với Xuân. Giữa giây phút ấy, Xuân lại có bước nhảy thật đột biến. Vì nhờ vi phạm văn minh mà Xuân được ba Phó Đoan “thương đến”, bà đưa hẳn ra khỏi nơi giam hãm, cho gia nhập thế giới thượng lưu thành thị đang “vui vẻ trẻ trung”, đang “thể dục thể thao”, đang “giải phóng phụ nữ? đang “ u hóa” một cách tích cực. Giả sử Xuân là một thanh niên đứng đắn thì bà Phó Đoan làm sao mà “thương” được. Thì ra “số đỏ” đầu tiên mà hắn có được là lọt vào mắt xanh của mụ me tây dâm đãng - sự gặp gỡ của con người cùng một tính cách, đó là dâm đãng. Cái khuyết điểm của Xuân dưới con mắt của một me Tây là cả một ưu thế mà bà cần khai thác.

Lần đầu tiên rơi vào cái thế giới thượng lưu thành thị ấy, Xuân còn bỡ ngỡ lắm vì hắn chỉ thạo nơi đầu đường xó chợ thôi. Hắn nhìn thấy gì cũng lạ: lạ từ cái biển cửa hiệu, lạ từ những bộ quần áo với bao cái tên nghe khêu gợi như “dậy thì, thơ ngây, ẫm ờ chiếm lòng, chinh phục, hãy chờ một phút...”. Lạ cảnh đã đành, Xuân còn lạ cả người nữa. Hắn chẳng hiểu sao bà Phó Đoan lại có lòng thương hắn, hắn không thể tin ở mắt, ở tai mình khi thấy một người đạo mạo, đứng đắn như ông “phán dây thép” lại khoe và nhờ hắn nói cho cụ tổ nghe rằng “Tôi là một người chồng mọc sừng”. Nhưng mà Xuân không quá tối dạ, lại có ưu thế của một con vẹt đã học thuộc nhiều lần khi đi quảng cáo thuốc, Xuân nhanh chóng trở thành người quảng cáo đắc lực cho hiệu may “ u hóa “của vợ chồng Văn Minh. Sau một thời gian gia nhập xã hội “thượng lưu” ấy, Xuân đã hiểu ra bản chất của xã hội thượng lưu đó: hóa ra toàn bịp bợm. Hắn bắt đầu ăn nhờ vào trò bịp bợm của bề trên để tiến thân, hắn cũng dùng những ngón bịm bợp của mình để mà cầu danh, cầu lợi. Chính ông bầu của hắn, như bà Phó Đoan, ông Văn Minh đã bôi son, trát phấn cho hắn rồi đẩy hắn ra sân khấu cuộc đời. Nhưng mà Xuân thật khéo nắm vai và diễn xuất đại tài, không đại tài thật, không học chữ mà hắn vẫn đóng thành vai “sinh viên trường thuốc, đốc tờ, nhà cải cách u hóa, giáo sư quần vợt thi sĩ. Bên cạnh những may mắn tình cờ quả là hắn có năng khiếu, có chút lưng vốn mang theo thật. Trước mắt cụ cô Hồng hắn nói vanh vách triệu chứng đau dạ dày, có thể hắn mới được giới thiệu là “sinh viên trường thuốc, có đọc được bài thuốc quảng cáo thuốc “tứ thời giải cảm” hắn mới được Tuyết gọi là thi sĩ đại tài, có biết đánh quần vợt ít nhiều thì mới coi là “giáo sư quần vợt” và Phó Đoan coi đây là “niềm hi vọng” của Bắc Kì. Những cái tưởng như là ngẫu nhiên đó lại chứa biết bao cái “tất nhiên” ở bên trong. Cái tài của Vũ Trọng Phụng là sắp xếp hàng loạt chi tiết tưởng như ngẫu nhiên ấy vào một tổng thể kết cấu nội tâm có quy luật chi phối bên trong, số của Xuân Tóc Đỏ là kết quả của tính cách và môi trường mà nó may mắn rơi vào. Nếu thiếu sự hòa hợp đó thì không có Xuân Tóc Đỏ.

Ban đầu số phận của Xuân Tóc Đỏ chủ yếu ăn nhờ vào “số đỏ” nhưng càng về sau hắn càng làm chủ số phận của mình, thậm chí còn vươn lên chi phối hoàn cảnh. Đó là lúc hắn nhận ra được bộ mặt của giới thượng lưu và ý thức được vai trò của mình trong xã hội đó “Xuân thực sự sinh động từ khi hắn biết khinh người”. Mà kì lạ thay “Xuân càng kiêu ngạo, càng làm bộ tịch bao nhiêu lại càng được thiên hạ kính trọng. Hắn biết lợi dụng bầu không khí giả dối ấy để nâng cao địa vị của mình. Hắn thay bậc đổi ngôi nhanh chóng. Người mà mới gặp mặt lần đầu hắn còn “bẩm cụ lớn, bà lớn” thì giờ đây hắn xưng hô như kẻ ngang hàng, thậm chí còn lên mặt trịnh thượng: cái gì? Khi nghe cụ cố Hồng nói muốn gả Tuyết cho hắn, hắn sung sướng lắm nhưng vờ thở dài mà than rằng “Cái ấy mà thật thì chí nguy! Không biết từ chối thế nào cho lịch sự đây. Giả dối, bịp bợm lên mặt, hợm hĩnh là phương pháp luận hữu hiệu của Xuân trong việc nâng cao địa vị của hắn. Hắn lúc nào cũng tỏ ra đây là nhân vật quan trọng. Quan trọng đến mức mà “công việc u hóa vắng tôi một ngày cũng không được”.

Mọi cử chỉ của Xuân giờ đây được tính toán hẳn hoi bởi hắn hiểu luật đời và sử dụng một cách vô liêm sỉ. Đỉnh cao của sự hợm hĩnh khinh người là khi Xuân diễn thuyết trước công chúng sau khi “thua” cầu thủ Xiêm La, mà “thua trong thế thắng” mới oai. Hắn giơ tay lên, đập tay xuống trong lúc đọc bài diễn thuyết hùng hồn để kể công với quốc dân, đồng bào và nhân loại. Hắn gọi mấy nghìn người là “quần chúng nông nổi” rồi “mi không hiểu gì”, mi oán ta! Ta vẫn yêu quý mi mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta”. Mấy ngàn người nghe Xuân diễn thuyết cảm động vô cùng, họ hoan hô Xuân như một vị anh hùng cứu quốc, một vĩ nhân. Rõ là cường điệu! Mà phóng đại là có cái lí bên trong. Cơn bốc giả dối bịp bợm đã nâng Xuân lên, giúp hắn bay bổng giữa trời danh vọng. Chỉ sau nửa năm, từ một thằng nhặt banh, Xuân đã thành nhân vật trong giới thượng lưu, một trí thức quan trọng, một nhân vật mà vua biết mặt, chúa biết tên được phủ toàn quyền thưởng “Bắc Đẩu bội tinh”. Được hội khai trí Tiến Đức mời làm hội viên, được cụ cố Hồng chính thức tuyên bố gả nàng công chúa Tuyết xinh xắn, trẻ trung cho... Thật là những vinh quang sáng giá quá sức tưởng tượng. May ra chỉ có Vũ Trọng Phụng mới hiểu được. Đó chỉ là chuyện bịa, mà bịa y như thật, bịa có cơ sở hẳn hoi, có thế mới thuyết phục độc giả. Ngoài đời thiếu gì những kẻ bịp bợm, hợm hĩnh, khinh người, thiếu gì những kẻ vô giáo dục mà vẫn giành được chức tước này nọ, vẫn hưởng giàu sang phú quý hơn ai. Và cái tên Xuân Tóc Đỏ đã thành danh từ chung để chỉ loại người như thế. Đó chính là “sự thực ở đời”.

Nhưng cái gia đình mắn lọt vào thì lại “phúc lộc gồm hai” mà không chỉ hai. Cụ cố Hồng và mụ Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, Tuyết... toàn lũ lăng loàng và đều giả. Cụ cố Hồng - kẻ háo danh đến bệnh hoạn, lố lăng đến kệch cỡm, một con người hết sức quái đản, một nhân vật có thể nói là "lạ kì bắng nhắng" nhất tác phẩm. Nhắc đến lão ta, tôi không thể nào nhịn được cười trước một cụ cô đang “ho lụ sụ một cách cô điên”, rồi luôn ôm ngực mà khặc khừ. Một con người không biết nói gì nhưng cứ hễ nói đến lão lại giơ điệp khúc “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi” người ta đã đếm được lão nói 1872 lần câu này. Chính nhờ câu nói này mà nhà văn đã xây dựng được một cái bản chất háo danh, tham uy quyền của con người đó. Trong chương Hạnh phúc của một tang gia ta đã thấy được phần nào về con người cụ cố. Nhưng nói gì thì nói lão vẫn là “một lão già bất hiếu” chỉ mong bố chết để chia gia sản, được mặc áo xô tân thời, được chống gậy, được khóc oặt người sang một bên... Lão mơ màng như lạc vào cõi thiên thai vì nghĩ đến lúc mình trở thành người có quyền uy nhất nhà. Bên chương cuối của tác phẩm, ta có thể sẻ chia hạnh phúc khi lão có con rể là vĩ nhân. Niềm vui lớn quá lại bất ngờ nâng lão lên chín tầng mây, mà không biết làm thế nào để hạ xuống cho mọi người trông thấy. Chính vì thế mà lão bứt rứt không yên. Giọng văn của Vũ Trọng Phụng giờ đây đã chuyển thành giọng của lão ta. Niềm hạnh phúc ấy đã chất đầy nghẹn trong lòng khiến lão cứ muốn la hét thật lớn, muốn hứng tay múa chân, muốn chạy ra đường mà hét toáng lên cho mọi người biết. Chính thế mà khi gặp người đầu tiên lại là bà vợ già “ngu si, hủ lậu”, lão đã không nén nổi cảm xúc để buông ra những câu chửi trịnh thượng như là danh dự lúc ấy đã thuộc về lão, lão đã là người có tiếng tăm. Lão ước ao là có ai đó “đâm vào mặt mình một cái” nhưng tội nghiệp cho lão quá, không ai có khả năng để hiểu cho lão, nên lão đành chia sẻ với chính mình. Niềm vui càng nảy nở theo thời gian, đến cái độ mà mọi lời chúc tụng trở nên nhạt nhẽo hết. Lão đâm ra đau khổ vì hạnh phúc quá lớn mà không ai chia sẻ, cuối cùng đành buông ra câu nói cổ điển ngày xưa “Biết rồi!..Khổ lắm!... Nói mãi!”

Vâng đó là hai nhân vật chính của tác phẩm bộc lộ tài năng khắc họa nhân vật điển hình của nhà văn. Nhưng đọc Số đỏ, ta quên sao được hình ảnh mụ me tây dâm đãng. Bà Phó Đoan đây - một người được sắc ban “tiết hạnh khả phong” vì thủ tiết với hai đời chồng và là người ăn ở vụng trộm với Xuân, mê Xuân và rủ hắn thuê buồng trên khách sạn Bông Lai ở Hồ Tây để được mang tiếng là hư hỏng với Xuân. Đó là sư cụ Tăng Phú thích ăn thịt chó và đi hát cô đầu để “di dưỡng tinh thần” là cảnh sát Min Đơ, Min Toa không có việc nên cần mẫn đến lạ kì... vâng, là cả một xã hội "chó đểu, khốn nạn" chính đó là “sự thực ở đời”.

Với cách dựng lại một tấn trò đời như vậy, nhà văn đã tố cáo mạnh mẽ xã hội mà không có gì nói hết được cái “khốn nạn” của nó. Với giọng văn trào phúng, hài hước mà châm biếm mạnh mẽ, Số đỏ đã tạo nên tiếng cười đả kích từ đầu tới cuối. Nhà văn đã sử dụng bút pháp phóng đại, cường điệu một cách thoải mái để tạo nên những tình huống li kì, những tính cách quái gở... mà vẫn mang tính chân thực, phản ánh chính xác sâu sắc thực trạng xã hội ở một số mặt quan trọng, bởi nó được soi sáng bởi tư tưởng “tiểu thuyết là sự thực ở đời”.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có - trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân).
Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật