Đề bài: Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Từ để thấy được vẻ đẹp thiên nhiên

Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Từ là một bài thơ sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên. Đây là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.

BÀI LÀM

Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Từ là một bài thơ sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên. Đây là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bài thơ không chỉ bộc lộ một mối tình sâu kín, thầm lặng, mênh mang, mờ ảo như sương khói của nhà thơ mà còn bộc lộ một tình yêu quê hương đất nước thiết tha, Trong đó, vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài thơ đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng vô cùng sâu sắc về một xứ Huế “Đây xứ mơ màng đây xứ thơ”.

Bài Đây thôn Vĩ Dạ được sáng tác trong khoảng thời gian nhà thơ ở trại phong Quy Hòa và đã biết mình bị mắc bệnh phong. Biết được tin nhà thơ mắc bệnh, Hoàng Cúc đã viết một lá thư thăm hỏi và gửi kèm một tấm bưu ảnh có cảnh thuyền và nước cho nhà thơ. Nhận được lá thư cùng tâm bưu ảnh, Hàn Mặc Tử đã vô cùng xúc động và đây chính là nguồn cảm hứng để bài thơ ra đời. Bài thơ gồm 12 câu, 3 khổ, mới nghe qua tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng cũng giống như hầu hết các bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, bài thơ không thực sự dễ hiểu. Nếu như thiên nhiên trong khổ thơ thứ nhất là sự bừng sáng của kỉ niệm, là thiên nhiên rất đẹp, rất tươi thì sang khổ 2, thiên nhiên ấy thoát đã. “buồn thiu”. Để rồi đến khổ thơ cuối cùng, thiên nhiên dường như chỉ còn mờ ảo, thấp thoáng sau làn sương khói.

Bài thơ mở đầu với những hình ảnh thực về thiên nhiên thôn Vĩ:

Sao anh không về chơi thôn Vì?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Câu thơ thứ nhất như một lời mời gọi, một lời trách đáng yêu của người con gái: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Chắc hẳn, người bị trách đang cảm thấy rất hạnh phúc khi được trách yêu như vậy. Bởi lẽ, đặt trong hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo của nhà thơ lúc bấy giờ bị mọi người xa lánh mà nay đã nhận được lá thư thăm hỏi của người con gái anh thầm yêu trộm nhớ, thậm chí còn “dám ôm hồn Cúc ở trong sương” thì còn gì hạnh phúc bằng! Bởi thế, thiên nhiên trong khổ thứ nhất là sự bừng sáng kỉ niệm. Nhà thơ như sống lại những kỉ niệm đẹp về thôn Vĩ. Thuở ấy, có chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử trẻ trung, yêu đời, không vương vấn chút mặc cảm của bệnh tật, luôn nhìn đời bằng “cặp mắt xanh non”, đang xây đắp giấc mộng của tuổi hoa niên. Vì thế mà ánh nắng thuở ấy trong tâm tưởng nhà thơ là một thứ ánh nắng rất sáng, rất tươi. “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Những tia nắng chiếu vào từng giọt sương lung linh trên lá, càng trở nên lấp lánh trong trẻo. Đó có phải là thứ "nắng mới" trong bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư:

- Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
- Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
                                    (Nắng mới)

Nắng kỉ niệm được nhắc đến hai lần. Nhà thơ hồi tưởng về thôn Vĩ, với những khu vườn “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Đây hẳn vẫn là thiên nhiên trong kí ức nên mới đẹp, mới xanh tươi đến thế. “Vườn ai” có thể là vườn của nhà ai đó, cũng có thể là vườn nhà người con gái mà nhà thơ thầm thương trộm nhớ, giống như “vườn Thủy” - nơi đã lưu giữ bao kỉ niệm đẹp giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. Thấp thoáng ẩn hiện trong “vườn ai” là một khuôn mặt chữ điền đôn hậu:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Đây là một bức tranh thiên nhiên hài hòa cả về màu sắc, đường nét và hình thái. Nó gợi người đọc liên tưởng đến vẻ đẹp hiền hòa, đôn hậu, e ấp của những người con xứ Huế.

Nếu như trong khổ thứ nhất, thiên nhiên là một bức tranh nên thơ thì sang khổ thứ hai, bức tranh ấy thoắt đã “buồn thiu”:

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai là những hình ảnh gợi lên sự chia lìa, li tán. Câu thơ thứ hai lại xuất hiện một sự nghịch lí nữa. Dòng nước buồn thiu, không hề xao động, vậy mà những bóng hoa bắp đứng bên đóng lại “lay”. Tất cả, tất cả như gợi lên trong lòng nhà thơ về một cuộc chia li đang diễn ra ngay trước mắt. Cuộc chia li của không gian với không gian, cuộc chia li của thời gian với chính thời gian. Sự sống mà như nhà thơ khao khát níu giữ dường như đang từng giây từng phút rời bỏ nhà thơ, và Hàn Mặc Tử đã rơi vào nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Thiên nhiên trong khổ thơ này vì thế là một thiên nhiên trong tâm tưởng nhà thơ. Điều duy nhất khiến nhà thơ còn cố gắng bám níu, hị vọng đó là con thuyền có chở trăng về kịp tối nay không. Trăng là một hình ảnh xưa hiện nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử như: “Trăng nằm sõng soài trên cành liễu. Đợi gió đông về để lả lơi”. Một câu hỏi không lời đáp như càng xoáy sâu thêm vào tâm trí người đọc hình ảnh về một con người đang ở đáy sâu cô đơn, khắc khoải.

Và đến khổ thơ cuối cùng, thiên nhiên không còn là thực nữa, nó đã trở thành mộng ảo:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Thiên nhiên trong khổ thơ này chỉ còn là sương, khói và sắc trắng của áo em” khiến nhà thơ “nhìn không ra”. Điệp từ “khách đường xa” thể hiện niềm khao khát, mơ ước của nhà thơ về hình bóng những người xưa. Đại từ phiếm chỉ “ai” được lặp đi lặp lại hai lần trong câu thơ cuối, khiến cho câu thơ này có hai cách hiểu: Một là, ai biết được tình cảm của người con gái Huế xưa có còn đậm đà hay là người đã lãng quên rồi? Hai là, làm sao biết được tình cảm của ai có còn đậm đà. Thiên nhiên trong khổ thơ này đẹp và mơ màng như trong mộng ảo vậy, và nó cũng đang đau đáu như nỗi lòng của nhà thơ.

Hiểu rõ được hoàn cảnh đau thương của Hàn Mặc Tử khi sáng tác bài thơ này, ta càng thấy xót xa cho nhà thơ. Nhiều năm đã trôi qua, nhiều thế hệ bạn đọc đã biết đến và yêu quý một mảnh đất với vẻ đẹp thiên nhiên thật trù phú, nên thơ đó là thôn Vĩ Dạ. Để rồi mỗi khi gấp trang sách lại, ta không khỏi đau xót khôn nguôi trước cảnh ngộ của nhà thơ - một con người bị đau đớn và mặc cảm bệnh tật giày xéo, luôn khát khao tìm được sự đồng cảm, tìm được niềm yêu thương trong cuộc đời này.

Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử trong dòng thơ ca lãng mạn 1930 - 1945. Bài thơ vừa thể hiện một tình yêu lung linh, thầm kín, thiết tha của nhà thơ với người con gái xứ Huế, vừa là một bức tranh rất đẹp về khung cảnh thiên nhiên đất nước. Lối viết đan xen giữa hiện thực và mộng ảo đã góp phần tạo nên một kiến trúc thật tuyệt vời cho bài thơ. Trải qua bao thế hệ, bài thơ vẫn luôn được bạn đọc đón nhận và yêu thích.

Các bài học liên quan
Đề bài: Màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.
Đề bài: Nêu suy nghĩ của mình về lời nhận xét sau đây của nhà thơ Xuân Diệu: “Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó nó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.
Đề bài: Phân tích khổ cuối bài “Tràng giang”.
Đề bài: Phân tích bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật