Đề bài: Trong chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm, Hồ Chí Minh đã cảm thấy đau khổ vô hạn khi bị mất tự do. Vậy mà có lúc Người tự nhận mình là “khách tự do”, “khách tiên”. Có thể giải thích điều đó như thế nào?

“Tự do” - hai tiếng thật giản dị mà thiêng liêng biết bao. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, có lẽ không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó. Song với Hồ Chủ tịch, là người dân của một nước nô lệ, dưới xã hội thực dân phong kiến, nhất là trong những chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm, Người thấm thía nỗi đau khổ vô hạn vì bị mất tự do.

BÀI LÀM

“Tự do” - hai tiếng thật giản dị mà thiêng liêng biết bao. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, có lẽ không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó. Song với Hồ Chủ tịch, là người dân của một nước nô lệ, dưới xã hội thực dân phong kiến, nhất là trong những chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm, Người thấm thía nỗi đau khổ vô hạn vì bị mất tự do. Nhưng cũng trong tập thơ Nhật kí trong tù, nhiều lần Bác lại nhận mình là “khách tự do” “khách liên”. Điều tưởng như mâu thuẫn ấy lại hoàn toàn thống nhất trong tâm hồn người từ cộng sản Hồ Chí Minh.

Chúng ta đều biết, sau khi triệu tập và làm chủ tọa Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, Người chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh để tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh và bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng vừa qua biên giới Việt Trung thì Người bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt vì chúng nghi Bác là gián điệp. Trong vòng mười bốn tháng trời, bọn Tưởng Giới Thạch giam cầm Bác ở hết nhà tù này đến nhà tù khác mà không cần xét hỏi, cũng không có luận tội. Trong khi đó, tình hình trong nước và thế giới đang biến chuyển từng ngày, cách mạng không thể nào thiếu Bác, ấy thế mà Bác vô cớ bị bắt giam và phải nằm trong ngục. Hoàn cảnh như vậy, làm sao mà Bác không bất bình, không chua xót vì mất tự do cho được.

Nỗi đau khổ lớn nhất của Bác không phải là vì đói rét, bị cùm xích mà là bị mất tự do, phải xa rời cuộc chiến đấu của dân tộc. Đối với Người, hạnh phúc là được đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Người có quan niệm thật gần gũi với N.Ô-xtơ-rốp-xki: “Đối với tôi không có niềm vui sướng nào lớn hơn là được đấu tranh cho hạnh phúc của nhân loại, không có gì đáng kinh sợ hơn là phải xa rời đội ngũ”. Chính vì thế trong Nhật kí trong tù, có tới hàng chục lần Bác nhắc tới hai chữ “tự do”. Nhưng thực ra, bài nào, câu nào cũng trực tiếp hoặc gián tiếp nói đến tự do. Niềm khao khát tự do của Bác thật da diết và cháy bỏng:

Đau khổ chi bằng mất tự do...
                              (Bị hạn chế)

Hoặc:

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do?
                                 (Bị hạn chế)

Mất tự do là mất tất cả, con người làm gì còn hạnh phúc tương lai. Mất tự do là mất luôn cả cái quyền làm con người, không còn được bằng con vật:

Khiêng lợn, tính cùng đi mất lối,
Ta thì người dắt, lợn người khiêng
Con người coi rẻ hơn con lợn,
Người có còn đâu được chủ quyền.
                               (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)

Hơn ai hết, Người cảm nhận thật thấm thía nỗi đau khổ ấy trong cảnh tù đày của mình. Có những cảnh thật oái oăm, trớ trêu, nghe mà cười ra nước mắt, tưởng chừng như những chuyện đời thường ấy chẳng có nghĩa lí gì:

Cửa tù khi mở không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù
                                   (Bị hạn chế)

Cũng vì mất tự do mà con người bị hành hạ thế nào cũng phải chịu. Đâu phải chỉ những lần chuyển lao phải cuốc bộ tới “Năm mươi ba cây số một ngày. Mũ áo dầm mưa rách hết giày”. Với những gông cùm xiềng xích mà có lú Người bị giải đi bằng đường thủy trong một tình thế đến kì lạ không thể nào tưởng tượng nổi:

Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình.
                                 (Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)

Luôn phải sống trong tình trạng mất tự do ấy, có những lúc Bác thể hiện sự sốt ruột, bực bội, không nén được hai chữ bất bình:

Giải đi quanh co mãi,
Kéo dài cả hành trình.
Bất bình!
          (Giải đi Vũ Minh)

Không phải Người mong tự do để thoải mái cho riêng mình mà chính là mong được trở về để chiến đấu. Bị giam giữ lâu ngày, bị tách rời khỏi cuộc chiến đấu, Người khổ tâm, xót xa vô cùng:

Xót mình giam hãm trong tù ngục,
Chẳng được xông ra giữa trận tiền.
                            (Ở Việt Nam có biển đông)

Người xưa ca ngợi chữ “nhàn” làm triết lí sống đắm mình trong cảnh thôn dã, lấy “một mai, một cuốc, một cần câu” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm niềm vui thú, thì với Bác, "nhàn" là một điều đau khổ. Trong cảnh “Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận. Hoàn cầu lửa đỏ rực trời xanh”, Người lại càng đau khổ vì vẫn phải sống trong cảnh nhàn rỗi, mất tự do:

Trong ngục người nhàn, nhàn quá đỗi,
Trí cao mà chẳng đáng đồng chinh.
                                      (Buồn bực)

Rõ ràng với Bác - người chiến sĩ vĩ đại, đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân đã trở thành một lẽ sống, một niềm vui.

Nhưng với Bác, mất tự do là mất tự do về thân thể, ở phương diện vật chất. Còn ở phương diện tinh thần, Bác lại hoàn toàn là người tự do, không có một tù ngục nào giam hãm nổi. Ngay trong bài đề từ tập Nhật kí trong tù, Bác đã khẳng định:

Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao.

Bác chấp nhận một thực tại bị đày đọa về thân thể nhưng lại hoàn toàn chú trọng về tinh thần. Người bị tù đày nhưng chính người tù ấy đã tự giải phóng tinh thần của mình ra khỏi nhà tù. Tinh thần người tù ấy đã hoàn toàn tự do, làm chủ tù ngục. Bước chân vào nhà lao huyện Tĩnh Tây, Bác khẳng định mình là “khách tự do”:

Trong lao tù cũ đón tù mới,
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
Tạnh mưa, mây nổi bay đi hết,
Còn lại trong tù khách tự do.
                        (Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây)

Tâm hồn lớn ấy không có nhà tù nào giam hãm nổi, lúc nào tâm hồn ấy cũng vượt qua những song sắt, qua bốn bức tường kiên cố của nhà tù mà “chất thép” ngời chói trong thơ Bác. Không ai có thể quên được hình ảnh người tù nhà thơ Hồ Chí Minh với vầng trăng:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
                                       (Ngắm trăng)

Giữa nhà thơ và vầng trăng là cái song sắt của nhà tù thô bạo, nhưng nhà tù đành bất lực. Và nếu ở đầu bài thơ, ta còn thấy hiện lên khá rõ hình ảnh nhà tù, thì ở đây lại hoàn toàn khác, không còn thấy ngục tù với những xiềng xích đâu mà chỉ còn thấy một vầng trăng với một thi sĩ như đôi bạn tri âm tri kỉ. Bác đã hoàn thành “cuộc Vượt ngục về tinh thần”.

Trong những lần chuyển lao, cổ đeo gông, chân mang vòng xiềng xích, Người tuổi cao, sức yếu lại thường bị giải đi trong lúc trời tối tăm mù mịt, ấy thế mà Người vẫn ngẩng cao đầu, ung dung cất bước, tìm thấy niềm vui và sự hòa nhập với trăng sao, Người ngắm nhìn cả bầu trời, mặt đất khi bình minh lên với một niềm hứng khởi vô biên:

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối, đêm tàn, sớm sạch không.
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi thi hứng bóng thêm nồng.
                                     (Giải đi sớm)

Không một xiềng xích nào trói buộc nổi hồn thơ của Bác. Đọc Nhật kí trong tù, nhiều lúc ta có cảm giác Bác không phải là một người bị tù đày, mà hồn thơ của Bác lúc nào cũng tỏa ra nồng thắm:

Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng.
Vui say, ai cấm ta đừng...
                      (Trên đường đi)

Kể cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất “lủng lẳng chân treo tựa giảo hình” trên đường bị giải đi bằng đường thủy, xuống huyện Ưng Ninh, Bác vẫn ngắm nhìn và vui thích với cảnh đầm ấm và trù phú của làng xóm ven sông đông đúc. Và hồn thơ của Người vẫn lâng lâng nhẹ nhàng như chiếc “thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”. Thậm chí là trong những giấc mộng, tâm trí Người vẫn bay về với đất nước, với phong trào cách mạng, không có nhà ngục nào ngăn nổi:

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
                                       (Không ngủ được)

Nhà tù đế quốc chỉ có thể giam hãm được thân thể, chứ không giam hãm được tinh thần của con người. Bác Hồ của chúng ta và những chiến sĩ cách mạng do Người đào tạo, rèn luyện cũng thế:

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,
Trí còn theo dõi buổi tung hoành.
                        (Nhắn bạn - Hoàng Văn Thụ)

Hay đối với nhà thơ Tố Hữu: 

Xà lim không khóa nổi lời ca.
                                (Quê mẹ)

Ở Hồ Chí Minh, sự tự do nội tại đã đạt đến cái ung dung, chủ động, vừa là cốt cách của các bậc hiền triết phương Đông, vừa là tinh thần làm chủ của người cộng sản. Trong bất kì cảnh ngộ nào, Người vẫn coi thường đau khổ, ngạo nghễ với phong thái ung dung tự tại hết sức thoải mái, như đang bay lượn dưới bầu trời tự do:

Ăn cơm nhà nước, ở nhà công,
Binh lính thay phiên để hộ tùng.
Non nước dạo chơi, tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng.
                                  (Nói cho vui)

Và quả thực, Bác là một vị “khách tiên”:

Hai giờ ngục mở thông hơi,
Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do.
Tự do tiên khách trên trời,
Biết chăng trong ngục có người khách tiên.

Đúng là một bản lĩnh rất thép của người lính cộng sản Hồ Chí Minh không có thứ uy lực nào khuất phục nổi. Đó cũng chính là sự chiến thắng của nhân cách đối với mọi gian nan thử thách.

Trong Nhật kí trong tù, sự vận động hình tượng thơ, nhất là ở tấm lòng và tư tưởng của thi nhân cho thấy, dù bị gông cùm xiềng xích, tác giả vẫn hết sức ung dung tự tại, luôn quên mình để nhìn ngắm cuộc sống và rung động với từng biểu hiện, dù chỉ nhỏ nhoi, tinh tế. Hồ Chí Minh đúng là một vị “khách tiên”, “khách tự do” ngay trong cảnh ngục tù.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật