Đề bài: Phân tích bài thơ “Chiều tối”' (Mộ) của Hồ Chí Minh
Một người yêu đời, say mê cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm trước thời gian. Đối với Hồ Chí Minh, thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, nhịp sống của con người, thời gian là sự vận động, phát triển của cuộc sống.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Chiều tối, trang 41 SGK Ngữ Văn 11
- Soạn bài Chiều tối (Mộ) - Ngắn gọn nhất
- Đọc hiểu bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Một người yêu đời, say mê cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm trước thời gian. Đối với Hồ Chí Minh, thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, nhịp sống của con người, thời gian là sự vận động, phát triển của cuộc sống. Khi rơi vào hoàn cảnh tù đày, một hoàn cảnh mà thời gian tâm trạng có độ dài gấp ngàn lần thời gian tự nhiên thì ý thức về thời gian của Bác lại được biểu hiện rõ nét. Trong Ngục trung nhật kí. Bác có hàng chục bài thơ viết về thời gian và sự vận động của hiện thực trong bước lưu chuyển của thời gian. Mỗi thời khác trong một ngày đều để lại trong tâm hồn Bác những ấn tượng mới mẻ, độc đáo để rồi tạo thành những thi tứ đặc sắc thi hứng nồng nàn. Đêm năm canh ngày sáu khắc, thời khắc nào cũng có mặt trong những trang Nhật kí trong tù: “Tảo” "Triêu cảnh", “Tảo giải”, “Ngọ”, “Ngọ hậu”, “Vãn”, “Vãn cảnh”, “Hoàng hôn”, “Mộ”, “Thu dạ”... điều đó chứng tỏ rằng thời gian là mối quan tâm lớn, thường trực trong cuộc sống hằng ngày của Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong thời gian Người bị giam cầm, tù tội. Qua ý thức, cảm nhận của Bác, thời gian được biến đổi thành thời gian tâm trạng, thời gian mang màu sắc tình cảm. Đọc bài Chiều tối (Mộ), chúng ta không những thấy được cảm nhận thời gian của Bác mà còn hiểu được dòng tâm trạng của thi nhân trong bước lưu chuyển của thời gian, trong nhịp sống của cuộc đời.
Có lẽ cảm hứng của bài thơ Chiều tối xuất phát từ một buổi chiều, trên con đường bị giải, chặng cuối cùng của một ngày đầy ải, Người vừa trải qua một chặng đường dài với bao vất vả, gian lao. Thời gian và hoàn cảnh để gây nên trạng thái mệt mỏi, chán chường. Vậy mà cảm hứng thơ lại đến với Bác thật tự nhiên:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Hai câu thơ đã tái hiện thời gian và không gian của buổi chiều tối ở chốn núi rừng. Lúc ấy người đi ngước mắt nhìn lên bầu trời và chợt thấy chim bay về tổ, mây chầm chậm trôi. Nhà thơ không trực tiếp nói về thời gian nhưng thời gian vẫn hiện về qua cảnh vật. Đây là cách cảm nhận thời gian mang tính truyền thống đã từng in đậm quá nhiều bài thơ. Chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối. Từ trong ca dao đã có hình ảnh:
Chim bay về núi tối rồi
đến Truyện Kiều, cánh chim mang theo cả thời gian và tâm trạng:
Chim hôm thoi thót về rừng
Rồi buổi chiều nghiêng xuống theo cánh chim nhỏ bé trong Tràng giang của Huy Cận:
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Hai câu thơ của Bác trong Chiều tối còn gợi nhớ đến hai câu thơ của Lí Bạch trong bài Một mình ngồi trên núi Kính Đình (Độc tọa Kính Đình sơn):
Chim bầy vút bay hết
Mây lẻ đi một mình
(Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn).
Hình ảnh thơ của Lí Bạch và của Hồ Chí Minh có những nét tương đồng. Nhưng hai câu thơ của Lí Bạch, sắc thái biểu hiện thời gian không rõ nét. Còn hai câu thơ của Hồ Chí Minh vừa có ý nghĩa biểu hiện thời gian vừa có ý nghĩa biểu hiện tâm trạng:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ.
Ở đây không phải chim bay trong trạng thái bình thường mà bay mệt mỏi, bay mải miết cho kịp tới chốn nghỉ ngơi nơi rừng xanh quen thuộc. Qua hình ảnh cánh chim mỏi mệt, người đi còn tìm thấy sự tương đồng hòa hợp với cảnh ngộ và tâm trạng của mình. Cánh chim mỏi mệt mải miết bay về rừng xanh tìm chốn ngủ, nhà thơ cũng mệt mỏi lê bước trên đường đi bây giờ đây không biết đâu là chặng nghỉ qua đêm. Sự tương đồng ấy dễ tạo nên sự cảm thông sâu sắc giữa người và cảnh. Cội nguồn của sự cảm thông ấy chính là tình yêu thương rộng lớn của Bác luôn dành cho mọi sự sống chân chính ở trên đời.
Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng:
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Câu thơ dịch chưa chuyển hết được ý, tứ trong nguyên bản. Trong nguyên bản, Bác viết:
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ giữa tầng không)
Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng. Nó cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều. Bầu trời có chim có mây nhưng lẻ loi (cô vân), chim mệt mỏi (quyện điểu), đã thế lại đang ở trong cảnh ngộ chia lìa. Chim bay về rừng chòm mây ở lại giữa tầng không. Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra cả một không gian tâm trạng. Cảnh buồn, người buồn. Nhưng trong nỗi buồn trước cảnh chiều muộn còn có một khát vọng tự do ẩn kín trong đôi mắt dõi theo cánh chim lẫn mây giữa bầu trời rộng.
Hai câu thơ tiếp theo tái hiện quá trình vận động của thời gian và không gian:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng).
Cảm quan biện chứng về thời gian thấm vào từng hình ảnh, sự chuyển đổi của các hình ảnh lên bước đi thời gian. Giáo sư Lê Trí Viễn đã bình khá tinh tế về sự vận động thời gian trong bài thơ này: “Nguyên văn không nói đến tối mà tự nhiên nói đến: thời gian trôi dần theo cánh chim và làn mây, theo những vòng xoay của cối ngô, quay quay mãi, “Ma bao túc”, “Bao túc ma hoàn”... và đến khi cối xay dừng lại thì “lô dĩ hồng”, lò đã rực hồng, tức trời tối, trời tối thì lò rực lên”.
Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể dùng xa để nói cao, dùng động để nói tĩnh, dùng sáng để nói tối. Trong bài thơ Chiều tối, Bác không hề nói đến tối mà người đọc vẫn hiểu được bóng tối đang buông xuống ở xóm núi là nhờ có chữ “hồng” ở cuối bài thơ. Trời tối, người đi mới nhìn thấy ánh lửa rực hồng lên đến thế.
Cũng như ở nhiều bài thơ khác của Bác, hình tượng thơ trong bài Chiều tối vận động thật khỏe khoắn và bất ngờ. Trong cảnh chiều muộn ở vùng sơn cước tưởng chừng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ đâu ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh, bóng tối. Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động, bên lò than rực hồng đã mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp. Mặc dù thời gian vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm nhưng hình tượng thơ vẫn vận động theo xu thế phát triển.
Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối, con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm cho người, cho cảnh thiên nhiên. Ánh sáng, hơi ấm, con người đã đưa lại niềm vui bình dị cho người tù nhân xa xứ. Trong cảnh ngộ buồn của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui. Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của một người dân Trung Hoa ở một xóm núi nào đó trên đất Quảng Tây. Nếu không có một tình người tha thiết thì làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xa lạ.
Bài thơ Chiều tối miêu tả cảnh chiều nơi sơn cước với làn mây, cánh chim và cuộc sống lao động của con người, nhưng toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn, luôn luôn nâng niu và trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan luôn hướng về tương lai và ánh sáng. Chính cách nhìn biện chứng về thời gian và cuộc sống, chính tình người tha thiết đã tạo nên giá trị độc đáo cho thi phẩm này.
BÀI LÀM 2
Trong những tháng ngày bị giam cầm dưới chế độ lao tù của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác rất cực khổ. Trong những lần chuyển lao ấy, Bác vẫn thường làm thơ, nhưng điều đáng nói ở đây là Bác đã hoàn toàn quên đi bản thân mình bị tù đày khổ ải mà để tâm hồn hòa vào cảnh vật, vui với cảnh, với người.
Thật xúc động khi nghe Trần Dân Tiên kể lại hoàn cảnh của Bác lúc ấy: “Tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích, có sáu người lính mang súng giải đi. Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi vẫn không biết đi đâu. Dầm mưa, dãi nắng, trèo núi, qua sông. Mỗi buổi sáng gà gáy bắt đầu người ta giải Cụ đi, mỗi buổi chiều khi chim về tổ người ta dừng lại trong một địa phương nào đó, giam Cụ vào trong xà lim, trên một đống rác bẩn, không cởi trói cho Cụ ngủ. Gian khổ như vậy nhưng Cụ vẫn vui vẻ. Cụ sung sướng được thấy phong cảnh thay đổi, vừa đi Cụ vừa ngâm nga, thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ”. Bài thơ Chiều tối đã được Bác viết trong hoàn cảnh ấy:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Bài thơ mở ra với cảnh buổi chiều sắp tàn ở một chốn rừng núi xa xôi. Chút ánh sáng còn sót lại của một ngày tàn chỉ có thể nhìn thấy nơi đỉnh trời. Người tù ngẩng đầu lên nhìn bầu trời và chợt nhận thấy một cánh chim đang hối hả bay về rừng và một chòm mây trôi nhẹ lững lờ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Không gian thật quạnh vắng, cảnh vật dường như cũng mỏi mệt theo ánh sáng yếu ớt của một ngày sắp tàn.. Thời gian chậm trôi, nhịp điệu của sự sống cũng như giảm dần theo cánh chim trời uể oải và chòm mây lững lờ trên nền trời.
Chim bay về tổ là dấu hiệu của một ngày tàn. Đây là hình ảnh quen thuộc đã trở thành ước lệ trong thơ cổ: Chim hôm thoi thót về rừng (Nguyễn Du), hay Chim hay về núi tới rồi (Ca dao). Nhưng trong bài thơ này, cánh chim bay về rừng là một hình ảnh rất thực trong con mắt của người tù lúc bây giờ. Đây là những hình ảnh tiêu biểu, tuy là không gian nhưng lại mang những ý nghĩa về thời gian, ở đây không phải là những cánh chim bay về cõi xa xôi vô định như trong thơ Vương Bột, trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, hay trong thơ Huy Cận,... gợi cảm giác phiêu bạt, chia lìa; mà là “chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”. Suốt ngày phải bay đi kiếm ăn nên cánh chim cũng mỏi mệt. Nhìn cánh chim bay về rừng mà biết đó là cánh “chim mỏi”, cũng như nhà thơ mệt mỏi sau một ngày dài lẻ bước trên đường đi, giờ đây đang khao khát một chỗ dừng chân.
Tâm trạng của nhà thơ càng biểu hiện rõ trong câu thơ thứ hai: “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Câu thơ trong nguyên bản “Cô vân mạn mạn độ thiên không” gợi hình nhiều hơn câu thơ dịch. Câu thơ gợi hình ảnh những đám mây cô đơn (cô vân), lững lờ (mạn mạn) trôi trên nền trời. Bản dịch thơ đã bỏ mất chữ “cô” (cô đơn) và hai chữ “mạn mạn” đầy tâm trạng. Hai chữ “mạn mạn” gợi rất rõ hình ảnh chậm chạp, lững lờ của đám mây trôi. Đúng là những hình ảnh thiên nhiên khách quan được lọc qua tâm trạng của người tù.
Đọc hai câu thơ, ta vẫn thấy một niềm khát khao tự do của Bác ẩn sau những dòng chữ ấy. Buổi tối, ai cũng cần tìm về một tổ ấm - đó là chỗ nghỉ ngơi hạnh phúc nhất của con người sau một ngày làm việc. Chim mỏi biết về rừng tìm chỗ ngủ, chòm mây trôi trên nền trời rồi chắc sẽ về một nơi hội tụ, còn người tù rồi sẽ bị giải đến đâu? Bao giờ mới được tự do? Cảnh vắng buồn đầy ắp tâm trạng.
Song ở hai câu thơ sau, bức tranh sinh động và hừng sáng lên với sự xuất hiện của người thiếu nữ xay ngô và bếp lửa rực hồng:
Cô em Xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Câu thơ chữ Hán đã biểu đạt thật tài hình ảnh người thiếu nữ xay ngô mà câu thơ dịch không truyền tải được: “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc. Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.
Ba chữ “ma bao túc” được láy lại thật tài tình, gợi cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh những vòng quay liên tục, nhịp nhàng của động tác xay ngô. Và khi vòng quay ngừng lại, công việc kết thúc thì cũng là lúc bếp than đỏ rực lên tỏa sáng vào đêm tối. Nhưng không phải đến lúc ấy mới xuất hiện hình ảnh lò than, mà thực ra nó đã có từ trước và đến tối thì lò than rực hồng lên.
Thế là cảnh đã có sự chuyển biến, không phải thiên nhiên làm chủ mà là con người làm chủ. Mở đầu bài thơ là chiều tối nhưng kết thúc bài thơ không phải là đêm tối theo logic tự nhiên mà là ánh sáng và không khí ấm nóng tỏa ra cảnh vật. Chữ “hồng” khép lại bài thơ đã làm tan biến cái quạnh vắng của buổi chiều và đem lại ánh sáng, sự ấm áp cho cảnh vật, lòng người.
Bài thơ có sự vận động về thời gian, về tư tưởng. Đó là sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ tàn lụi đến sự sống, từ buồn vui, từ lạnh lẽo cô đơn đến ấm nóng. Đây là sự vận động thật tự nhiên trong thơ Bác chứ không phải là sự sắp đặt về kĩ thuật của người làm thơ. Hai câu đầu là cảnh buồn, người buồn, người buồn nên cảnh buồn (“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?” - Nguyễn Du). Nhà thơ tù vui sao được trong hoàn cảnh ấy: đằng sau lưng là một ngày dài đi đường vất vả với những gông cùm, xiềng xích đè nặng lên mình, đã thế lại phải đi từ rất sớm, gió và rét dữ dội, đường đất Quảng Tây lại toàn núi là núi khúc khuỷu, gập ghềnh. Nhiều khi Bác phải cuốc bộ tới 53 cây số một ngày, mũ áo dầm mưa rách hết. Trong hoàn cảnh ấy, núi rừng hoang vu nơi Quảng Tây lúc chiều tối lại càng gợi nỗi sầu tha hương. Vậy mà hai câu thơ sau lại vui, không còn thấy đêm tối, không còn thấy núi rừng, chỉ có con người và một ngọn lửa ấm áp tỏa sáng ra tất cả: Điều đó càng tôn thêm vẻ đẹp tâm hồn Bác, một tâm hồn dù trong lao khổ, tù đầy vẫn luôn hướng về ánh sáng và tự do.
Quên đi nỗi bất hạnh riêng của bản thân mình để hòa nhập với niềm vui chung của cuộc sống con người - đó là một tấm lòng nhân đạo đã đạt tới mức độ quên mình của một trái tim vĩ đại Hồ Chí Minh. Chiều tối được khép lại với hình ảnh lò than rực hồng đầy sức sống đã mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo