Đề bài: Phân tích bài thơ “Tôi yêu em” của Pu-skin

Tôi yêu em là bài thơ tình hay nhất, thể hiện những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu. Bài thơ đã nâng tầm vóc Pu-skin lên đài vinh quang thi ca Nga.

BÀI LÀM

A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 - 1837) là nhà thơ Nga thiên tài. Xuất thân trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Mát-xcơ-va, từ bé Pu-skin đã sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và cũng sớm nổi tiếng với thơ ca. Nhất là những bài bộc lộ khát vọng tự do, về tình bạn, tình yêu. Tôi yêu em là bài thơ tình hay nhất, thể hiện những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu. Bài thơ đã nâng tầm vóc Pu-skin lên đài vinh quang thi ca Nga.

Tôi yêu em thể hiện một quan niệm đẹp và nhân văn về tình yêu: một tình yêu chân thành và cao thượng, biết hi sinh và chia sẻ.

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Những câu thơ là lời khẳng định một tình yêu chân thành với những sắc thái cảm xúc mãnh liệt. Mối tình ấy “chưa hoàn toàn lụi tắt trong lòng tôi” nghĩa là vẫn âm ỉ cháy, vẫn nồng nàn, vẫn thiết tha. Hình tượng “ngọn lửa tình” vừa thể hiện sự nồng nhiệt của tình cảm, vừa diễn tả tình yêu dài lâu, bền chặt của nhà thơ đối với người mình yêu. Sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm diễn tả nỗi day dứt của nhân vật trữ tình. Thường khi không được đền đáp, người ta rơi vào cảm giác đau đớn, bi lụy nhưng với Pu-skin thì lại khác: yêu nồng nàn, tha thiết nhưng không bao giờ muốn đem đến sự bận lòng, nỗi u buồn cho người yêu. Một tình yêu nồng nhiệt, sâu sắc dù không được đền đáp vẫn vô cùng cao thượng, vị tha.

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.

Điệp khúc “tôi yêu em” được lặp lại như khẳng định chắc chắn tình yêu của tôi dành cho em. Và đi kèm với sự khẳng định ấy những sắc thái, cung bậc vốn có của tình yêu. Đó lúc sự lúng túng, rụt rè khó nói nên lời, là sự âm thầm chân thành mà vô cùng đằm thắm, tha thiết; là sự ghen tuông, giận hờn... Pu-skin đã nhiều lần nói đến tâm trạng ghen trong tình yêu và ông coi đó là “nỗi buồn đen tối”, khiến đầu óc người ta mù quáng, mụ mị. Trong tiểu thuyết bằng thơ Eghêni Onêghin, Pu-skin đã từng viết:

Trên đời này không có trò tra tấn nào 
Đau đớn hơn những giày vò khắc nghiệt của ghen tuông

Liệu tình yêu của Pu-skin có vượt qua được thói ích kỉ đời thường ấy không? Câu hỏi ấy được nhà thơ trả lời trong hai câu thơ cuối. Tình yêu của Pu-skin được thể hiện theo một cung bậc khác nữa - một cung bậc vô cùng cao thượng: đó là sự hi sinh trong tình yêu. Tôi không yêu em nữa là chỉ để mong em được hạnh phúc hơn. Nhưng điều đó cũng chính là sự khẳng định một tình yêu lớn hơn, vĩnh cửu hơn của “tôi” dành cho “em”.

Tôi yêu em yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Và vượt lên trên nỗi tuyệt vọng, sự ghen tuông ích kỉ, nhân vật trữ tình đã thể hiện một tình yêu cao thượng, đó là tình yêu đích thực. Chính sự chân thành, đằm thắm không bao giờ nhạt phai ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu này. Lời chúc của nhân vật trữ tình là lời chúc chân tình của một trái tim cao cả - cầu mong hạnh phúc cho người mình yêu. Tinh thần cao thượng của Pu-skin được diễn tả theo nhịp độ tăng cấp: không yêu em nữa là cũng để yêu em và cầu cho người mình yêu một cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu. Điều đó bộc lộ nhân cách cao thượng của Pu-skin, đây cũng là tinh hoa của nền văn học Nga, một nền văn học nhân đạo và lí tưởng.

Với tiết điệu bài thơ khi thì chậm rãi, đứt quãng, khi thì nhanh gấp gáp, dào dạt, lúc lại lắng đọng, tha thiết toát ra từ những cảm xúc chân thành, ghìm nén, từ những lời nói giản dị nhưng vô cùng thiết tha, tế nhị mà mãnh liệt, đằm thắm mà cao thượng. Tôi yêu em khép lại mà tâm chân tình, sự cao thượng trong tình yêu của chàng trai vẫn làm bao trái tim xao xuyến, ngưỡng mộ. Phải chăng vì thế mà Tôi yêu em vẫn luôn là lời tỏ tình không bao giờ cũ và Pu-skin mãi là “mặt trời thi ca Nga”, là niềm tự hào không chỉ của văn học Nga mà của toàn bộ nền văn học thế giới”!.

Các bài học liên quan
Đề bài: Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.
Đề bài: Trong chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm, Hồ Chí Minh đã cảm thấy đau khổ vô hạn khi bị mất tự do. Vậy mà có lúc Người tự nhận mình là “khách tự do”, “khách tiên”. Có thể giải thích điều đó như thế nào?
Đề bài: Một trong những nét phong cách nổi bật của thơ Hồ Chí Minh là “hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai”. Hãy chứng tỏ qua hai bài thơ “Chiều tối” “Giải đi sớm” trong “Nhật kí trong tù” của Bác.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 11 mới cập nhật