Bài số 67: Khát vọng sống và cống hiến của Thanh Hải qua đoạn thơ: “Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc” (Trích Mùa xuân nho nhỏ)

Công cuộc xây dựng xã hội mới đòi hỏi những con người mới biết cống hiến, biết hi sinh. Nhà thơ Thanh Hải, một nhà thơ cách mạng đã thấm nhuần quan điểm trên.

Khát vọng sống và cống hiến của Thanh Hải qua đoạn thơ:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
(Trích Mùa xuân nho nhỏ)

BÀI LÀM

Công cuộc xây dựng xã hội mới đòi hỏi những con người mới biết cống hiến, biết hi sinh. Nhà thơ Thanh Hải, một nhà thơ cách mạng đã thấm nhuần quan điểm trên. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã thay ông nói lên niềm tâm sự, khát vọng được cống hiến cho mùa xuân của đất nước. Chỉ với hai đoạn thơ, tác giả cũng đã nêu bật được niềm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của mình:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Trong sắc xuân mạnh mẽ của đất trời, trong khí thế bừng bừng sức sống của đất nước vào xuân, tác giả đã cảm nhận được một mùa xuân trỗi dậy từ đáy tâm hồn mình. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của cống hiến và hi sinh.

Tác giả không mơ một giấc mơ vĩ đại, chẳng tưởng một viễn cảnh lạ kì, mà tâm hồn tác giả nguyện những ước mơ đơn sơ, bình dị:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Tác giả mơ được hi sinh, được cống hiến. Ước mơ cháy bỏng của tác giả sôi tràn nhiệt huyết, cống tràn nhựa hi sinh, thổi phồng lên một niềm tin bất diệt. Tác giả mơ ước nhưng lại nguyện “làm” - làm một cành hoa, làm một con chim hót. Tác giả như nguyện rằng mình sẽ làm, vâng, sẽ làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương, muôn sắc, rộn rã tiếng chim. Một cành hoa, một tiếng chim để tô điểm cho phong cảnh mùa xuân tươi đẹp. Đó là ước nguyện đẹp lạ thường, không phải nó cao siêu vĩ đại mà tại nó gần gũi quá, đáng yêu quá. Ước được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước.

Tác giả nguyện sẽ cống hiến, cống hiến những gì đơn sơ, giản dị, nhưng lại có ích cho đời:

Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến

Tác giả không mơ được làm một cánh đại bàng lướt gió giữa trời xuân, không mơ được làm một nốt nhạc vút cao trong dàn hòa ca bay bổng. Tác giả chỉ nguyện làm một tiếng chim hót, một nốt trầm nhưng xao xuyến lòng người. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình.

Tâm hồn của tác giả hòa vào mùa xuân đất nước, thôi thúc từng hồi, mạnh mẽ nhưng âm thầm, lặng lẽ:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Đầu đề của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là như vậy. Mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là ước nguyện của tác giả, nguyện sẽ mãi mãi được hi sinh, cống hiến. Tác giả muốn góp vào mùa xuân chút công sức nhỏ bé của mình. Đó là ý thích, là niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, cũng là tấm lòng chân tình của tác giả. Tác giả không mơ ước xa xôi:

Một mùa xuân nho nhỏ

Vâng! Mùa xuân nho nhỏ, rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Bởi tấm lòng tác giả luôn hướng tới sự cống hiến tốt đẹp, bởi một mùa xuân nho nhỏ sẽ vẽ lên mùa xuân đất trời rộng lớn. Mùa xuân của tác giả chẳng ồn ào náo nhiệt mà âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến:

Lặng lẽ dâng cho đời

Ý thức của tác giả từ một ước nguyện hi sinh, thể hiện sâu hơn bởi tấm lòng nhân hậu, muốn giúp đời trong âm thầm lặng lẽ:

Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Tuổi trẻ cống hiến hi sinh, tuổi già cũng âm thầm cống hiến. Ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến trở thành một ý thức bất diệt trong tâm hồn tác giả. Tác giả sẽ sống và cống hiến. Còn sống còn cống hiến. Lời thơ nhỏ nhẹ, chân tình quá! Tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống hay tuổi già tóc bạc - ý thức trách nhiệm với đất nước vẫn không thay đổi. Điệp từ “dù là” như là một lời hứa, cũng là một lời tự nhủ với lương tâm sẽ mãi mãi là mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước.

Thấm nhuần tư tưởng, ước nguyện của tác giả, được sống trong một xã hội hòa bình thống nhất, ta phải làm sao để với lương tâm ta, ta không hổ thẹn là người đã thoái bỏ trách nhiệm với đất nước, quê hương. Như Thanh Hải, ta cũng nguyện được là một “mùa xuân nho nhỏ”.

Các bài học liên quan
Bài số 58: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.
Bài số 63: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật