Bài 64: Vẻ đẹp bức tranh mùa xuân trong sáu câu thơ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Ta bắt gặp trong thi ca không ít những câu thơ hay những hình ảnh đẹp về mùa xuân. Một khoảng không gian thoáng rộng với nền cỏ xanh điểm hoa lê trắng trong thơ Nguyễn Du.

BÀI LÀM

Ta bắt gặp trong thi ca không ít những câu thơ hay những hình ảnh đẹp về mùa xuân. Một khoảng không gian thoáng rộng với nền cỏ xanh điểm hoa lê trắng trong thơ Nguyễn Du. Mùa xuân với “làn nắng ửng khói mơ tan” trong thơ Hàn Mặc Tử. Đọc thơ Thanh Hải ta lại bắt gặp mùa xuân của đất trời xứ Huế mênh mang, ôm dịu mà căng tràn nhựa sống qua những câu thơ đầu của bài thơ:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng...

Đoạn thơ đẹp như bức tranh. Đây là bức tranh phong cảnh - bức tranh mùa xuân trên đồng quê thân thuộc của chúng ta với sự kết hợp tài tình giữa màu sắc và đường nét.

Hai câu thơ đầu là một nét vẽ sắc sảo, tài hoa. Nghệ thuật phối sắc thần tình thể hiện cái đẹp hài hòa của thiên nhiên. Màu hoa thì “tím biếc”. Dòng sông thì xanh trong. Con sông được nói đến là dòng sông Hương, nơi quê cha đất mẹ của nhà thơ: “Bông hoa tím biếc” mọc giữa dòng sông xanh chỉ có thể là hoa lục bình dân dã:

Mọc giữa dòng sông xanh,
Một bông hoa tím biếc.

Chữ “mọc” đứng đầu câu thơ diễn tả một sắc xuân, một thế xuân đem lại vẻ đẹp và sức sống mới cho quê hương đất nước. “Bông hoa tím biếc” đã làm cho bức tranh xuân thêm một vẻ đẹp bình dị, thân thiết đối với mỗi chúng ta. Người đọc liên tưởng đến những vần thơ của các thi sĩ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Lê Anh Xuân... nói về hương sắc đồng quê:

Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Hãy còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông
                     (Trở về quê nội - Lê Anh Xuân)

Hai câu ba, bốn mở rộng không gian nghệ thuật của bức tranh xuân. Thơ nên họa, nên nhạc. Bức tranh thêm đẹp vì có hình ảnh con chim chiền chiện hót vang trời.

Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

“Ơi” là từ cảm, biểu thị niềm vui xôn xao trong lòng nhà thơ. Câu thơ “Hót chi mà vang trời” là một câu thơ rất hay. Hai tiếng “hót chi” là cách nói “dịu ngọt” của người dân xứ Huế đã làm tăng tính biểu cảm của vần thơ. Tiếng chim chiền chiện hót vang trời là một cách miêu tả đầy nghệ thuật: mượn tiếng chim hót để gợi tả bầu trời xanh mênh mông, bát ngát. Đó là một nét vẽ tinh tế, điêu luyện làm nên bức tranh xuân rất đẹp này.

Hai câu năm, sáu mới có bóng người xuất hiện trực tiếp trong bức tranh. Nhà thơ say mê ngắm nhìn dòng sông và bông hoa đồng nội, rồi đứng lặng nghe tiếng chim chiền chiện hót vang trời mà tự hỏi: “Có chi mà hót...”. Nhà thơ xúc động, nhẹ nhàng đưa tay lên đón lấy, hứng lấy “từng giọt long lanh rơi...”. Giọt âm thanh hay giọt sương? Có lẽ đây là những giọt sương treo đầu ngọn cỏ, đầu lá cây, lộc biếc, long lanh ánh mặt trời, như những hạt ngọc. Cử chỉ nhà thơ đưa tay lên hứng những giọt sương long lanh rơi làm cho bức tranh xuân mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Tâm hồn thi sĩ đang chan hòa, rung động cùng tạo vật, cùng mùa xuân.

Thật vậy, đoạn thơ đẹp như bức tranh. Có sắc xuân, tình xuân và có ca khúc nhạc xuân. Có dòng sông, có hoa cỏ, có chim hót, có bầu trời, có sương mai, có ánh xuân và có con người - nhân vật trung tâm của bức tranh, của bài thơ. Bức tranh xuân đồng quê vừa đẹp, vui, vừa thơ mộng và đầy sức sống.

Một niềm vui ấm áp dạt dào tỏa rộng trong cảnh sắc thiên nhiên và lòng người. Giọng thơ ngọt ngào tha thiết. Ngôn ngữ thơ trong sáng. Cảnh và tình hòa quyện. Tiếng thơ cũng là tiếng lòng. Yêu thiên nhiên, yêu mùa xuân cũng là yêu quê hương tha thiết. Bức tranh xuân chứa chan tình yêu đời. Ta như cùng thi sĩ Thanh Hải trở lại, đẹp thêm, vui lên cùng mùa xuân và khát khao được sống, được cống hiến.

Các bài học liên quan
Bài số 63: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
Bài số 53: Những trăn trở, suy tư của người lính sau chiến tranh qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật