Bài số 54: Bài học sâu sắc mà em cảm nhận được từ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đọc ánh trăng ta cảm nhận rõ cái "quen thuộc" mà "không nhàm chán" rất Việt Nam, đó là bài học về cội nguồn, về lẽ sống thủy chung, những điều mà ta bắt gặp từ ca dao, cổ tích từ cuộc sống con người qua thăng trầm của thời gian vẫn không thay đổi.

BÀI LÀM

Hoài Thanh - người đã phát hiện và giới thiệu Nguyễn Duy với làng thơ Việt Nam đã khẳng định thơ Nguyễn Duy "quen thuộc mà không nhàm chán", chất thơ của Nguyễn Duy chính là "cái hiền hậu, một cái gì rất Việt Nam". Đọc ánh trăng ta cảm nhận rõ cái "quen thuộc" mà "không nhàm chán" rất Việt Nam, đó là bài học về cội nguồn, về lẽ sống thủy chung, những điều mà ta bắt gặp từ ca dao, cổ tích từ cuộc sống con người qua thăng trầm của thời gian vẫn không thay đổi.

Ánh trăng (1978) là một trong những bài thơ của Nguyễn Duy được nhiều người ưa thích bởi tình cảm chân thành, sâu sắc, tứ thơ bất ngờ, mới lạ:

Hai khổ thơ đầu, tác giả nhắc đến những kỉ niệm đẹp:

“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”.

Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Dù ở đâu, đi đâu trăng cũng gắn bó với người. Nhưng phải đến khi ở rừng nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn xa gia đình, quê hương vầng trăng mới trở thành “tri kỉ” Trăng với tác giả là đôi bạn không thể thiếu nhau. Trăng chia ngọt, sẻ bùi, trăng đồng cam cộng khổ.

Tác giả khái quát vẻ đẹp của trăng, khẳng định tình yêu thương quý trọng của mình với trăng:

“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa ”.

Trăng mang vẻ đẹp của thiên nhiên, bình dị, vô tư. Trăng cũng chính là quá khứ, là một phần đời đã qua - Một quá khứ nghĩa tình, một phần đời gian khổ nhưng đẹp lung linh và mang sức sống bền bỉ.

Ấy mà có những lúc tác giả tự thú nhận là mình đã lãng quên cái "vầng trăng tình nghĩa" ấy:

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua dường".

Trước đây, tác giả sống với sông, với bể, với rừng bây giờ môi trường đã thay đổi. Từ hồi về thành phố đời sống cũng thay đổi theo: ta quen ánh điện, cửa gương ". “Ánh điện ", “cửa gương” tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đầy đủ sang trọng… dần dần “cả vầng trăng tình nghĩa" ngày nào bị lãng quên. “Vầng trăng" ở đây tượng trưng cho những tháng năm gian khổ, đó là tình bạn, tình đồng chí được hình thành từ những tháng năm ấy. Trăng bây giờ thành “người dưng”... Con người ta thường hay đổi thay như vậy. Bởi thế đời vẫn thường nhắc nhau: “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Ở thành phố vì quen với “ánh điện, cửa gương" quen với cuộc sống đầy đủ tiện nghi nên người đã không thèm để ý đến “Vầng trăng" - con người, mảnh đất từng là tri kỉ một thời.

Phải đến lúc toàn thành phố mất điện:

“phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn "

“Vầng trăng" xuất hiện thật bất ngờ, khoảnh khắc ấy, phút giây ấy... người lính năm xưa mới bàng hoàng trước vẻ đẹp kì diệu của vầng trăng. Bao nhiêu kỉ niệm xưa bỗng ùa về làm "con người này" cứ “rưng rưng” nước mắt.

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng..."
“... ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình…”

Trăng vẫn thủy chung mặc cho ai thay đổi, vô tình với trăng. Trăng bao dung và độ lượng biết bao! Tấm lòng bao dung độ lượng ấy “đủ cho ta giật mình” mặc dù trăng không một lời trách cứ. Trăng tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững, phẩm chất cao quý của nhân dân, trăng tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững của tình bạn, tình đồng đội trong những tháng năm “không thể nào quên". Tượng trưng cho "mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ ”.

Ánh trăng của Nguyễn Duy đã gây được nhiều xúc động đối với độc giả bởi cách diễn đạt bình dị như lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ mới lạ, “ánh trăng" còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến cho người đọc phải “giật mình" suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.

Các bài học liên quan
Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật