Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

Viết về người phụ nữ Việt Nam là một mảng đề tài lớn trong thơ ca kháng chiến. Ta bắt gặp bà má Hậu Giang kiên cường, mẹ Suốt, mẹ Tơm anh dũng trong thơ Tố Hữu, người mẹ bền bỉ đi theo suốt chặng đường kháng chiến từ lúc "tóc còn xanh" đến "phơ đầu bạc" để đào hầm nuôi giấu cán bộ trong thơ Dương Hương Ly.

BÀI LÀM

Viết về người phụ nữ Việt Nam là một mảng đề tài lớn trong thơ ca kháng chiến. Ta bắt gặp bà má Hậu Giang kiên cường, mẹ Suốt, mẹ Tơm anh dũng trong thơ Tố Hữu, người mẹ bền bỉ đi theo suốt chặng đường kháng chiến từ lúc "tóc còn xanh" đến "phơ đầu bạc" để đào hầm nuôi giấu cán bộ trong thơ Dương Hương Ly. Đến với Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ta lại bắt gặp hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi - một người mẹ của công việc, người mẹ của tình yêu con, yêu nước - người mẹ của những ước mơ cao đẹp. Nét tiêu biểu ấy của hình tượng người mẹ xuyên suốt các khổ thơ của bài thơ.

Trong bài thơ, tác giả ru em cu Tai ngủ đồng thời miêu tả hình ảnh người mẹ. Người mẹ trong bài ru em ngủ ngoan nhưng đó là tới ru thầm, lời ru trong tim (Lưng đưa nôi và tim hát thành lời). Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hòa quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng, Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát. Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất vả của mẹ. Người mẹ Tà ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội:

"Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân... ”

Ước mơ của người mẹ nối liền với giấc mơ của con và cùng hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội. Trong đoạn thơ thứ hai, bà mẹ Tà Ôi địu con đi tỉa bắp trên núi Ka-lưi. Tình thương yêu và niềm hi vọng vô bờ của người mẹ đối với đứa con được thể hiện bằng lời và những hình ảnh độc đáo:

"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Trong câu thơ trên hình ảnh mặt trời là một hình ảnh thực. Mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, làm cho cây cỏ thêm tươi tốt, như cây ngô bắp to, hạt mẩy. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ sau là ẩn dụ. Tác giả so sánh ngầm cu Tai là mặt trời của mẹ. Coi con như mặt trời thì quả là lòng mẹ yêu quý con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều. Đó là ánh sáng, là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quý của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng - những người dân lao động nghèo đói:

"Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka- lưi ”.

Trong đoạn thơ thứ ba, người mẹ dịu con trong tư thế đang "chuyển lán ”, "đạp rừng”. Bà mẹ băng rừng, địu con trên lưng đưa con đi "để giành trận cuối. Lòng yêu con của mẹ đến đây gắn liền với lòng yêu nước: "Mẹ thương a-kay mẹ thương đất nước”. Người mẹ gửi gắm vào giấc mơ của con niềm khao khát được gặp Bác Hồ và mong đất nước được độc lập tự do:

"Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do ”.

Tiếng hát ru con của người mẹ Tà Ôi không phải được cất lên bên cánh võng hay trên giường ấm nệm êm trong phòng ngủ. Tiếng hát ru ấy ngân lên trong trái tim của mẹ khi mẹ địu con giã gạo, tỉa bắp trên núi, khi mẹ “chuyển lán ”, "đạp rừng” hoặc trên đường ra chiến trường để giành trận cuối. Như vậy, bà mẹ Tà Ôi là một người mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cho chiến đấu của toàn hòa quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mỹ khó khăn, gian khổ.

Theo lời ru (và cung là tình yêu thương của mẹ), theo bước chân của người mẹ Tà Ôi, không gian cũng được mở rộng dần: từ sân (khi mẹ giã gạo) đến ngọn núi Ka-lưi (khi mẹ đi tỉa bắp) rồi đến những rừng những suối khi mẹ chuyển lán đạp rừng. Và ước mơ, khát vọng của người mẹ gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nặng nghĩa ấy cũng mỗi lúc một lớn dần: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần” đến “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”... Từ mong muốn “Mai sau con lớn vung chày lún sân” đến “Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi” cuối cùng cũng bùng lên thành một khát vọng cháy bỏng “Mai sau con lớn làm người Tự do”. Tinh thần, không khí sục sôi của đất nước trong những năm tháng đánh Mĩ đã đi vào lời hát ru của những bà mẹ. Cuộc chiến tranh nhân dân khiến cả đến những bà mẹ miền núi có con nhỏ vào cuộc chiến đấu hi sinh, gian khổ. Biết bao em bé đã “lớn trên lưng mẹ” đi “đến chiến trường” và trong số họ không ít những người đã thành những anh hùng dũng sĩ.

Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm ta hiểu hơn về mẹ Việt Nam của chúng ta. Người mẹ đã có mặt suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, sinh con, nuôi con và lại cùng đất nước đánh giặc. Người mẹ trong thơ Nguyễn Khoa Điểm vừa mang những nét đẹp tiêu biểu của người mẹ Việt Nam truyền thống trong tình yêu và khát vọng cho con vừa là người mẹ của thời đại, trong việc làm và khát vọng cho đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã xây dựng trong bài thơ của mình một tượng đài nữa về người mẹ Việt Nam, tượng đài ấy bất tử trong trái tim mỗi người con Việt Nam.

Các bài học liên quan
Bài số 44: Cảm nhận của em về hình ảnh Bếp lửa.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật