Bài số 36: Cảm hứng về con người và vũ trụ qua bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Giữa cái mênh mông, rộng dài của sông nước, con thuyền và cành củi khô - biểu tượng cho kiếp sống của con người - trôi xuôi, bơ vơ, vô định.

BÀI LÀM

Trước đây nửa thế kỉ, khi mới cầm bút, nhà thơ Huy Cận trình làng bài Tràng Giang với khổ thơ đầu rất đặc sắc:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái, nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng...

Giữa cái mênh mông, rộng dài của sông nước, con thuyền và cành củi khô - biểu tượng cho kiếp sống của con người - trôi xuôi, bơ vơ, vô định. Trước cái bơ vơ vô định ấy, thi sĩ đã bâng khuâng thương mình, thương người, muốn chia sẻ tấm lòng "sầu trăm ngả" tới bạn đọc. Từ ấy trở đi, hình tượng thơ: "con người" và "vũ trụ" trở thành một nét riêng trong thi pháp của Huy Cận. Đến năm 1958, nét riêng ấy lại hiện lên thật rõ ràng trong bài Đoàn thuyền đánh cá.

Hình ảnh: "đoàn thuyền" - (những ngư dân) và "vũ trụ" - (mặt trời, biển cả, gió khơi, trăng sao...) song hành, lung linh rực rỡ từ chữ đầu đến chữ cuối bài thơ:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Biển hoàng hôn - mặt trời lặn, như "hòn lửa" bị nhúng nước. Sóng cồn lên, cài chặt then, nhốt ánh sáng bằng một động tác "sập cửa" mau lẹ. Đêm bao trùm. Vũ trụ đẹp một vẻ đẹp huyền bí, mênh mang đầy thách thức. Vậy mà con người - những ngư dân - không ngại ngần, e sợ. Xưa kia, khi đất nước chìm đắm trong bóng đêm xâm lược, con người thấy rợn ngợp, hãi hùng trước cái bao la rộng lớn của vũ trụ. Ngày nay, đất nước được giải phóng, con người được làm chủ, thì vũ trụ, thiên nhiên trở thành nơi đi tới để thử thách, để khai phá:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Nhịp thơ nhanh mạnh như một quyết định dứt khoát. Đoàn thuyền ngư dân ào xuống, đẩy thuyền ra khơi và cất cao tiếng hát. Nhà thơ không ghi âm mà chỉ miêu tả, miêu tả bằng ẩn dụ: "câu hát căng buồm...", nhưng người đọc vẫn nghe văng vẳng những tiếng hát, vẫn thấm thía những niềm vui và quyết tâm lao động của con người.

Niềm vui và quyết tâm tràn ngập trong không gian, vũ trụ, đánh thức tất cả. Họ gọi cá như bè bạn gọi nhau: "cá nhụ, cá chim, cùng cá đé...". Họ gọi biển, tiếng gọi trìu mến của con gọi mẹ. Rồi họ gõ thuyền, thả lưới, kéo lưới... Những cánh tay xoăn chắc cuồn cuộn sức người, sôi nổi hào hứng như trong một trận chiến đấu thế mặt trời - tất cả đã hiệp đồng để động viên, giúp đỡ con người. Vũ trụ không đối lập mà trở thành bè bạn thân thương của con người, đền đáp công sức con người một cách xứng đáng.

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,

Vẩy cá, đuôi cá bắt ánh sáng, lóe sắc vàng, sắc bạc, hay chính là bạc vàng trong kho trời vô tận thường công cho con người? Tài sử dụng ngôn từ, phép liên tưởng, ví von cùng tình cảm mê say, hào hứng của nhà thơ đã hòa nhập với cuộc sống, đem lại cho thơ những hình ảnh thật thú vị!

Thú vị hơn nữa là khung cảnh rạng đông rực rỡ khi đoàn thuyền hát khúc khải hoàn, về bến:

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Đoạn thơ dựng lại cuộc đua tài tốc độ giữa đoàn thuyền và mặt trời - con người và vũ trụ. Thực ra cuộc đua ấy khởi phát ngay từ đầu bài thơ rồi. Đến đây, vào giờ phút hừng đông đẹp nhất, trường đua càng hiện rõ. Hai đối thủ cách xa nhau. Đoàn thuyền và mặt trời ở hai đầu mút của câu thơ - Đoàn thuyền chạy đua cùng... mặt trời - cả hai đang lướt tới, cùng vượt lên hối hả. Ai sẽ thắng? Con người cất cao tiếng hát. Còn mặt trời?

Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Thi sĩ như người trọng tài, đang nhìn đoàn thuyền (hai câu trên), chuyển sang phía mặt trời (hai câu dưới), từ mặt trời nhìn lại. Đội biển nhô lên, mặt trời tới đích, thì... ôi chao, đối thủ đã tới từ lâu rồi kìa? Không thấy con thuyền nào trên nước nữa. Trang trải mênh mang muôn dặm chỉ thấy cá và... cá. Cá nhiều, ken khít, xếp đầy không tách được từng con, từng loại, chỉ thấy "mắt cá huy hoàng" nhấp nháy chào mặt trời, hóa thành triệu mặt trời nhỏ, hồng hào, ấm áp khắp không gian. Nghệ thuật nhân hóa và điển hình linh hoạt của thơ khiến cho hình ảnh mặt trời vốn xa xôi, khắc nghiệt thành gần gũi, hiền hòa. Và chân dung con người bỗng trở nên lớn lao, cao rộng. Thêm vào là sự lãng mạn ngợi ca hùng tráng. Phải có tình yêu sâu nặng, sự gắn bó lâu dài bền chặt với cuộc sống, với quê hương, đất nước, nhà thơ Huy Cận mới biểu hiện một cách thấm thía, sảng khoái đến thế niềm vui, lòng mến phục và tự hào trước thiên nhiên kì ảo, trước sức sống và bàn tay lao động của con người.

Kỉ niệm 70 tuổi đời, ngót năm chục năm tuổi thơ, trả lời phóng viên báo Văn nghệ về sự tâm đắc nhất trong sáng tác, nhà thơ Huy Cận nói: "Con người sống trong xã hội và sống trong vũ trụ... là thành viên của vũ trụ. Đó là hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng, hai cực của thơ...", vẻ đẹp của vũ trụ và vẻ đẹp của con người - nhất là những con người đã được giải phóng đang làm chủ cuộc đời, hòa đồng với vũ trụ - nguồn cảm hứng lớn trong thơ Huy Cận, đã tạo nên những vần thơ đẹp, làm giàu, làm đẹp thêm cho trí tuệ và tâm hồn mỗi chúng ta.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật